THAM LUẬN HỘI THẢO: Xây dựng điểm đến du lịch di sản - nhìn từ Hạ Long

NGUYỄN TIẾN DŨNG
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long
17:36, ngày 30-09-2023

Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới đầu tiên của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh lần thứ nhất vào năm 1994 về giá trị cảnh quan tự nhiên và mở rộng tiêu chí địa chất địa mạo năm 2000. Năm 2009, Vịnh Hạ Long được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2011, Vịnh Hạ Long trở thành 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Bên cạnh những danh hiệu trên, Vịnh Hạ Long còn được nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế liên tiếp bình chọn nằm trong danh sách điểm đến tham quan ấn tượng trên thế giới, như: 1 trong 50 kỳ quan thiên nhiên đẹp nhất thế giới; 1 trong 8 nơi có vùng nước đặc biệt nhất thế giới; 1 trong 10 di sản UNESCO ấn tượng nhất châu Á; 1 trong 10 điểm tham quan du lịch lý tưởng nhất khu vực Đông Nam Á,Với việc sở hữu các giá trị nổi bật toàn cầu và tiêu biểu của quốc gia, cùng nhiều danh hiệu trong nước và quốc tế, di sản Vịnh Hạ Long luôn là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trên bản đồ du lịch Việt Nam nói riêng, khu vực và thế giới nói chung.

Điểm đến du lịch đóng vai trò quan trọng và quyết định đến sự phát triển du lịch của một địa phương, một đất nước. Điểm đến du lịch có tính hấp dẫn và có sức thu hút khách du lịch càng cao thì lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến càng lớn. Theo UNESCO, di sản thế giới là tài sản quý giá của con người, chứa đựng những giá trị ngoại hạng toàn cầu, đồng thời cũng là những điểm du lịch quan trọng. Trong khi du lịch được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất thì du lịch di sản được xác định có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, phát triển du lịch luôn tiềm tàng những nguy cơ tác động đến sự phát triển kinh tế địa phương và sự bền vững lâu dài.

Di sản Vịnh Hạ Long là một vùng biển, đảo đặc thù, có tính nhạy cảm cao về môi trường tự nhiên, cảnh quan, dễ bị tác động bởi thiên tai, biến đổi khí hậu. Vịnh Hạ Long tiếp giáp với nhiều địa phương thuộc tỉnh Quảng Ninh gồm thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả, thị xã Quảng Yên, huyện Vân Ðồn và tiếp giáp với huyện Cát Hải của thành phố Hải Phòng. Trên và ven bờ Vịnh Hạ Long diễn ra nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, như du lịch, nuôi trồng, khai thác thuỷ sản, giao thông cảng biển… Do đó, để giải quyết những sức ép đa chiều dài hạn tới di sản, tỉnh Quảng Ninh xác định tiếp cận quản lý tổng hợp là một phương pháp quan trọng, xuyên suốt lâu dài để quản lý, bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản Vịnh Hạ Long theo tinh thần của Công ước Di sản thế giới: “Bảo đảm sự cân bằng thích hợp giữa bảo tồn và phát triển bền vững, để các giá trị của di sản thế giới được bảo vệ thông qua các hoạt động thích hợp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội và chất lượng cuộc sống của cộng đồng” (Kỳ họp 26 của Unesco, Budapest, 2002).

Nhận thức rõ điều này, với tư duy sáng tạo, đổi mới, linh hoạt, dám nghĩ, dám làm, tỉnh Quảng Ninh đã sớm nhận diện đúng hướng đi, thực hiện mô hình chuyển đổi tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, theo hướng bền vững dựa vào 3 trụ cột (thiên nhiên, con người, văn hóa), nhiệm vụ trọng tâm là phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó vịnh Hạ Long được xác định là tâm điểm, là động lực thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm về phát triển dịch vụ du lịch là xây dựng thành phố Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc gia mang tầm cỡ quốc tế gắn với bảo tồn và phát huy bền vững di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long...

Trong khuôn khổ quốc gia và khu vực, Quảng Ninh định vị là trung tâm du lịch quốc gia, tầm quốc tế, điểm đến hàng đầu khu vực ASEAN gắn với di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và các dịch vụ du lịch biển, đảo đẳng cấp thế giới… Do đó, việc xây dựng điểm đến du lịch di sản vịnh Hạ Long là chìa khóa then chốt đặc biệt quan trọng trong chiến lược định vị của tỉnh Quảng Ninh và của thành phố Hạ Long.

Thực tiễn công tác xây dựng điểm đến du lịch di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long

Công tác quản lý điểm đến, bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch tại vịnh Hạ Long

Phát huy giá trị của di sản phục vụ phát triển du lịch phải dựa trên tiềm năng, giá trị, tài nguyên của di sản. Theo Công ước Di sản thế giới, để quản lý, bảo vệ các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản cần có các công cụ, phương tiện hữu hiệu. Đó là lý do những năm qua, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã tham mưu cho tỉnh ban hành các quy hoạch, quy chế, kế hoạch quản lý tổng thể di sản và trên các lĩnh vực trọng tâm (Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản; kế hoạch quản lý di sản; quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long; đề án phát triển sản phẩm du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đề án tổng thể về quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo vịnh Hạ Long - vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô…) nhằm bổ sung, hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch trên Vịnh theo hướng bền vững, hạn chế các tác động tiêu cực đến các giá trị di sản.

Vịnh Hạ Long được đánh giá là một di sản mang tính đặc thù, trong vùng bảo vệ tuyệt đối thường xuyên diễn ra các hoạt động du lịch, vận tải, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản… Vì vậy, công tác quản lý, giám sát các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch, an ninh trật tự trên Vịnh được Ban Quản lý triển khai đồng bộ, quyết liệt tạo được sự chuyển biến rõ nét trong quản lý các hoạt động dịch vụ du lịch. Một số tồn tại liên quan đến vấn đề môi trường kinh doanh du lịch trước đây gây bức xúc cho khách tham quan đã và đang được xử lý quyết liệt, như tình trạng lộn xộn của các nhà bè kinh doanh, nuôi trồng hải sản trái phép; tình trạng “chặt chém” khách du lịch; tình trạng cặp ca, đeo bám tàu du lịch; tình trạng chăn dắt, cò mồi khách lẻ… Các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên Vịnh đã được kiểm soát chặt chẽ, từng loại hình dịch vụ du lịch được quy định khu vực hoạt động và xây dựng phương án quản lý.

Cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý di sản được tăng cường, Ban Quản lý đã chủ động ký kết và triển khai thực hiện quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ Di sản vịnh Hạ Long với các đơn vị liên quan. Các lực lượng chức năng của thành phố Hạ Long, Ban Quản lý Vịnh bố trí lực lượng trực, bảo đảm đủ lực lượng, trang thiết bị kỹ thuật thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn 24/24, đặc biệt là đội liên ngành thường trực cứu hộ, cứu nạn… góp phần xây dựng hình ảnh thân thiện, hiếu khách và khẳng định thương hiệu điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn cho khách du lịch.

Chú trọng cải tạo kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch tại các điểm tham quan trên vịnh Hạ Long bảo đảm an toàn, mỹ quan, mang lại sự hài lòng cho khách du lịch.

Nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng du lịch, tạo ra các điểm tham quan hấp dẫn trên vịnh Hạ Long, Ban Quản lý Vịnh đã chú trọng cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại các điểm tham quan trên Vịnh. Với phương châm đầu tư, tu bổ có trọng tâm, trọng điểm, tập trung chủ yếu vào các công trình phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại các điểm tham quan trên Vịnh được chỉnh trang, cải tạo bảo đảm an toàn, mỹ quan, mang lại sự hài lòng cho khách du lịch. Các doanh nghiệp được khuyến khích, hỗ trợ tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, như điểm dừng chân, dịch vụ, tham quan, giới thiệu sản phẩm tại vụng Cặp Táo; khu nuôi trồng thủy sản kết hợp phát triển du lịch bền vững tại làng chài Vung Viêng... Qua đó, hình thành cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo diện mạo mới cho du lịch Hạ Long, làm tăng tính hấp dẫn của điểm đến di sản, đem đến những trải nghiệm tốt nhất và kéo dài thời gian tham quan của du khách khi đến Hạ Long.

Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển hạ tầng kỹ thuật để nâng cao hiệu quả công tác quản lý di sản và các hoạt động dịch vụ du lịch, như đầu tư hệ thống truyền tải dữ liệu viba và hệ thống camera tại các điểm tham quan trên Vịnh; triển khai thu phí tham quan tích hợp thu dịch vụ hành khách qua cảng tàu du lịch chuyển đổi theo hoá đơn điện tử; tổ chức triển khai bán vé tham quan bằng hình thức thanh toán online (Internet banking hoặc quét mã QR) nhằm đa dạng hóa hình thức thanh toán, đem lại nhiều tiện ích cho khách du lịch; đầu tư công hệ thống GPS, VHF góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn và công tác kiểm tra, xử lý, vi phạm…

Quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch trên vịnh Hạ Long và phát triển các sản phẩm mới để tạo sự khác biệt, có tính trải nghiệm cao

Không chỉ coi trọng công tác quản lý, bảo tồn mà nhiệm vụ khai thác, phát huy giá trị di sản cũng được tỉnh xác định là một việc làm cần thiết, có ý nghĩa quan trọng nhằm đưa vịnh Hạ Long trở thành một trong những điểm du lịch tốt nhất, chất lượng nhất, bền vững, hiệu quả và thân thiện với du khách. Khai thác hiệu quả, bền vững sẽ là giải pháp tốt nhất để quản lý, bảo tồn hiệu quả di sản, để Vịnh Hạ Long thực sự phát huy được tiềm năng, thế mạnh trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo Nghị quyết của Ủy ban Di sản thế giới tại kỳ họp lần thứ 42 (năm 2018) yêu cầu các quốc gia thành viên xây dựng kế hoạch quản lý du lịch để đánh giá ngưỡng khách du lịch phù hợp của di sản và giải quyết vấn đề du lịch không được kiểm soát. Do đó, Ban Quản lý Vịnh đã triển khai phương án giãn tuyến, phân tải khách tại các điểm tham quan trên nhằm giảm tải lượng khách tham quan tập trung trong vùng lõi di sản, hướng đến việc phát triển du lịch trong vùng đệm và phụ cận, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng trải nghiệm và kéo dài thời gian tham quan của khách du lịch trên vịnh Hạ Long.

Nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng trải nghiệm, kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách, trong thời gian qua, rất nhiều sản phẩm và dịch vụ du lịch đặc trưng trên vịnh đã được tập trung xây dựng, tạo thành những sản phẩm du lịch chất lượng cao, hấp dẫn riêng được nhiều khách du lịch lựa chọn, đặc biệt là khách quốc tế, như du lịch nghỉ đêm trên vịnh, du thuyền khám phá, trải nghiệm vịnh Hạ Long từ trên cao với thủy phi cơ…; triển khai các tuyến du lịch, sản phẩm dịch vụ mới ven bờ nhằm giảm áp lực đến khu vực di sản với 2 tuyến tham quan tại khu vực ven bờ thuộc vùng đệm vịnh Hạ Long dành cho du thuyền nhà hàng, xây dựng sản phẩm phố đêm du thuyền…

Để khai thác tài nguyên, giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững, Ban Quản lý chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, du lịch cộng đồng, như tham quan, trải nghiệm giá trị văn hóa độc đáo của cộng đồng ngư dân trên vịnh, các di tích khảo cổ, mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững gắn với du lịch có trách nhiệm, với sự tham gia trực tiếp của chính người dân. Ngoài ra, Ban Quản lý tiếp tục đẩy mạnh kết nối các điểm du lịch trên Vịnh với các khu vực lân cận, đặc biệt với khu vực vịnh Bái Tử Long, Cô Tô, Hoành Bồ, Cát Bà để khai thác hiệu quả loại hình du lịch văn hóa, du lịch xanh, du lịch cộng đồng; phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch khảo sát, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, hình thành chuỗi sản phẩm du lịch chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh, hướng tới thị trường du lịch cao cấp đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nội địa và quốc tế.

Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá vịnh Hạ Long và giáo dục cộng đồng nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển dịch vụ du lịch

Để tiếp tục đưa Di sản vịnh Hạ Long trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong nước và quốc tế, Ban Quản lý Vịnh đã và đang nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, truyền thông quảng bá hoạt động du lịch qua website halongbay.com.vn, mạng xã hội Fanpage, Youtube, Twitter... Đặc biệt, đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch trên các thiết bị di động thông minh; duy trì tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu vịnh Hạ Long thông qua các ấn phẩm, như sách báo, tờ gấp, video clip, bộ nội dung thuyết minh về vịnh Hạ Long, thành phố Hạ Long.... Tích cực hợp tác truyền thông với các đài phát thanh, báo, tạp chí, như đài VOV, báo Tuổi trẻ, báo điện tử Dân trí, báo Pháp luật Việt Nam, báo Tiền Phong… để  đăng tải các chuyên đề, viết bài chuyên sâu về di sản vịnh Hạ Long; liên kết với câu lạc bộ các di sản thế giới ở Việt Nam tăng cường kết nối thông tin, quảng bá về các giá trị, tiềm năng di sản, trong đó xuất bản ấn phẩm “Di sản thế giới tại Việt Nam - Giá trị nổi bật toàn cầu”.

Cùng với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch vịnh Hạ Long từng bước được đổi mới, mở rộng phạm vi hoạt động với nhiều chương trình, sự kiện quảng bá trong và ngoài nước. Nổi bật là các hoạt động tham gia chương trình hợp tác liên kết vùng, đẩy mạnh triển khai quảng bá tại các thị trường khách trọng điểm trong nước và quốc tế thông qua nhiều nội dung hoạt động phong phú, đa dạng, như Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh; VITM Hà Nội; triển lãm thế giới EXPO Dubai; chương trình “Việt Nam - Trải nghiệm trọn vẹn”; sự kiện SEA Games 31; sự kiện diễn đàn du lịch liên khu vực Đông Á (EATOF) lần thứ 17... những thông tin, hình ảnh về vịnh Hạ Long thường xuyên được giới thiệu đến các đại biểu, nhà báo quốc tế, góp phần quảng bá di sản, tạo lan tỏa hình ảnh “Vịnh Hạ Long - Điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”.

Mặt khác, để tuyên truyền có hiệu quả và mang tính chất lâu dài, Ban Quản lý Vịnh đã phát hành Bộ quy tắc ứng xử “Văn minh du lịch” và “Nụ cười Hạ Long”, triển khai thực hiện đến người dân, doanh nghiệp, đội ngũ những người làm dịch vụ du lịch trên Vịnh và khách du lịch, góp phần thay đổi hình ảnh du lịch vịnh Hạ Long, thành phố Hạ Long hướng tới văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp; tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch nghiêm túc chấp hành các quy định về bảo vệ di sản, nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ, nâng cao thái độ văn minh lịch sự của đội ngũ nhân viên đón tiếp, phục vụ khách du lịch; duy trì các hoạt động cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường: hạn chế rác thải nhựa, tham gia dọn vệ sinh môi trường với “Ngày chủ nhật xanh”; “Toàn dân tham gia vệ sinh môi trường vì một Hạ Long xanh”; tổ chức thu gom rác thải, trồng rừng ngập mặn, các cuộc thi tìm hiểu, thi vẽ, hùng biện về vịnh Hạ Long; tổ chức các lớp học ngoại khóa trên Vịnh bằng “Con thuyền sinh thái (Ecoboat)”…; phối hợp triển khai đưa giáo dục di sản vào giảng dạy tại các trường học góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ, giữ gìn di sản cho các em học sinh.

Tăng cường quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch vịnh Hạ Long

Những năm qua, Ban Quản lý Vịnh đã triển khai giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn di sản nhằm kiểm đếm, kiểm soát, đánh giá, phát hiện kịp thời những nguy cơ ảnh hưởng đến giá trị của khu di sản và có các hành động quản lý, ứng phó kịp thời; tập trung nguồn lực, phối hợp với các tổ chức, viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học trong và ngoài nước triển khai nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học nghiên cứu về di sản, đưa ra nhiều giải pháp quản lý, bảo tồn và khai thác bền vững, phục vụ phát triển du lịch vịnh Hạ Long, như thành lập khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh nhằm quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị tài nguyên rừng tại khu vực di sản; triển khai lập hồ sơ khu bảo tồn thiên nhiên góp phần quản lý, bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên; nghiên cứu, điều tra, khai quật di chỉ khảo cổ tại một số hang động làm cơ sở để khoanh vùng bảo vệ, tổ chức dịch vụ trưng bày khảo cổ tại chỗ phục vụ du khách; kết hợp với bảo tồn, lưu giữ, phục dựng các giá trị văn hóa tiêu biểu của ngư dân Hạ Long tạo thành những sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng hấp dẫn, riêng có như trải nhiệm hoạt động làm ngư cụ, thưởng thức làn điệu hát giao duyên...

Môi trường cảnh quan, môi trường sinh thái của Vịnh được quản lý theo hướng kiểm soát tốt nguồn thải. Chất lượng môi trường nước Vịnh Hạ Long được theo dõi, quan trắc định kỳ hằng quý và được xác định nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn Việt Nam; nước thải tại các tàu du lịch, các điểm tham quan trên Vịnh, các khu dân cư ven bờ từng bước được thu gom, xử lý; rác thải trôi nổi và rác tại các điểm tham quan du lịch trên Vịnh được thu gom triệt để; đẩy mạnh phong trào ‟Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa”, huy động sự tham gia của cộng đồng trong triển khai chiến dịch không sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần trong các hoạt động tham quan, du lịch trên vịnh Hạ Long nhằm lan tỏa thông điệp về một “Vịnh Hạ Long là điểm đến sáng - xanh - sạch - đẹp”.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, trong đó xác định yếu tố con người đóng vai trò đặc biệt quan trọng, có thể nói những năm gần đây, Ban Quản lý luôn quan tâm, chú trọng đến việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo có uy tín đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, người lao động của Ban tham gia các khóa bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn về quản lý di sản, như bồi dưỡng về kỹ năng chuyển đổi số; nghiệp vụ đón tiếp, phục vụ khách tham quan, quản lý di sản, đánh giá tác động di sản, phát triển du lịch bền vững… Trong đó, chú trọng đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp tiếp xúc với khách du lịch; phối hợp tổ chức các lớp cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch, tổ chức tập huấn nghiệp vụ du lịch cho nhân lực làm việc tại tàu thủy lưu trú và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên vịnh Hạ Long…

Những khó khăn, thách thức trong công tác xây dựng điểm đến du lịch di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long

Trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị vịnh Hạ Long có nhiều cơ hội, thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn thách thức.

Thứ nhất, vịnh Hạ Long có địa bàn rộng, chế độ hải văn phức tạp, khu vực trên và ven bờ Vịnh diễn ra nhiều hoạt động kinh tế - xã hội đan xen, phát triển với tốc độ nhanh, nhất là các hoạt động khai thác than, cảng biển, phát triển đô thị, nuôi trồng thủy sản… tạo ra nhiều áp lực, thách thức đối với công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị và nguồn tài nguyên du lịch của Di sản.

Thứ hai, phát triển du lịch “nóng” với sự gia tăng nhanh chóng, ồ ạt của khách du lịch nếu không kiểm soát tốt sẽ dẫn tới việc quá tải cục bộ tại một số tuyến điểm tham quan, tiềm ẩn nguy cơ tác động tiêu tới các giá trị và nguồn tài nguyên du lịch của Di sản, đồng thời làm giảm chất lượng trải nghiệm của du khách.

Thứ ba, sức ép cạnh tranh của các khu, điểm du lịch lân cận có cảnh quan tương đồng như Cát Bà (thành phố Hải Phòng), Tràng An (tỉnh Ninh Bình)...

Thứ tư, khách du lịch ngày càng có nhiều lựa chọn về điểm đến; nhu cầu trải nghiệm của khách du lịch ngày càng cao hơn, khắt khe hơn về chất lượng dịch vụ du lịch và sản phẩm du lịch...

Thứ năm, du lịch vịnh Hạ Long là du lịch biển, đảo, do đó hoạt động du lịch có nguy cơ rủi ro cao bởi các tác động tiêu cực từ thiên tai, biến đổi khí hậu…

Thứ sáu, thiếu tính bền vững về nguồn thu trước các rủi ro có thể xảy ra, như thiên tai, dịch bệnh…

Thứ bảy, chất lượng nguồn nhân lực về quản lý di sản, phát triển du lịch còn chưa theo kịp với yêu cầu trong thời kỳ hội nhập.

Thứ tám, việc ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong tuyên truyền, quảng bá, phát triển các sản phẩm du lịch còn hạn chế, thiếu sản phẩm du lịch thông minh, du lịch thực tế ảo...

Thứ chín, hiện nay, sản phẩm du lịch trên vịnh Hạ Long chủ yếu dựa trên khai thác giá trị tự nhiên, chưa khai thác hiệu quả giá trị văn hóa, thiếu sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa. Ngoài ra, nhận thức về bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường và xây dựng sản phẩm du lịch vịnh Hạ Long của một bộ phận cộng đồng chưa thực sự có chuyển biến tích cực.

Từ những vấn đề trên, để tăng cường hiệu quả trong công tác xây dựng điểm đến du lịch cho di sản vịnh Hạ Long, trong thời gian tới Ban Quản lý Vịnh cần tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý và phát triển du lịch bền vững tại điểm đến di sản. Ban Quản lý Vịnh tiếp tục rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung, hoàn thiện các quy chế, cơ chế quản lý Di sản. Hoàn thành và triển khai quy hoạch, quy chế, kế hoạch quản lý Di sản; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cộng đồng, doanh nghiệp tham gia xây dựng và phát triển du lịch và bảo vệ di sản; chính sách về phí tham quan theo hướng quản lý điểm tham quan cho sự trải nghiệm cao...

Hai là, bảo vệ các giá trị nổi bật toàn cầu, bảo vệ tài nguyên du lịch của vịnh Hạ Long; kiểm soát hoạt động, hành vi của khách du lịch, giảm tác động của du lịch đến di sản.

Ba là, bảo vệ hiệu quả môi trường vịnh Hạ Long; nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, quan trắc nguy cơ tác động đến giá trị, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lý hiệu quả rác thải, nước thải; sử dụng bền vững, tiết kiệm nguồn tài nguyên; quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh tế - xã hội trên và ven bờ, tránh các tiêu cực đến cảnh quan, môi trường; kiên quyết không cấp phép, mở rộng, gia hạn đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; tiếp tục khẳng định mạnh mẽ thông điệp “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa”.

Bốn là, đa dạng hóa, phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch để gia tăng giá trị của Di sản; nâng cao trải nghiệm của khách (phát triển tuyến, điểm du lịch, sản phẩm du lịch thông minh, du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng; cập nhật đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan về khách du lịch; bảo đảm an ninh an toàn trong hoạt động du lịch…). Tập trung quản lý, điều hành các hoạt động du lịch trên Vịnh theo sức tải khu di sản để kiểm soát các tác động đến các giá trị của di sản và nâng cao trải nghiệm của du khách; tăng cường hợp tác công tư trong phát triển du lịch.

Năm là, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch tại các tuyến, điểm tham quan, lưu trú nghỉ đêm, bảo đảm an toàn, tiện lợi, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khách.

Sáu là, tiếp tục xây dựng và thực hiện chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng dài hạn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến hình ảnh du lịch di sản thông qua các sự kiện văn hóa, xã hội và trên các kênh truyền hình trong nước và quốc tế. Tiếp tục khai thác hiệu quả các trang thông tin điện tử, mạng xã hội để tiếp cận và phát triển thị trường du lịch nội địa và quốc tế. Thành lập trung tâm thông tin du khách. Tăng cường về số lượng và chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên trên tàu du lịch. Phát triển các hệ thống thuyết minh, cung cấp thông tin thông minh, phát triển giáo dục trực quan, trải nghiệm...

Bảy là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và phát triển dịch vụ du lịch thông qua việc xây dựng đề án di sản số phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản; ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực du lịch, bán, kiểm soát vé tham quan, thuyết minh, quảng bá, xây dựng dịch vụ tham quan ảo, tương tác với du khách… bảo đảm tính tiện ích, hấp dẫn du lịch.

Tám là, xây dựng chiến lược dài hạn về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, trong đó tập trung đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, phát triển du lịch; đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp tiếp xúc với khách du lịch. Tăng cường hỗ trợ, phối hợp với doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về di sản, các kỹ năng, nghiệp vụ... nhằm nâng cao chất lượng cũng như ý thức trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc tham gia xây dựng sản phẩm du lịch vịnh Hạ Long. Tăng cường, đa dạng nguồn lực cho quản lý, phát triển du lịch bền vững, đặc biệt là thu hút nguồn lực tài chính ngoài nguồn thu phí tham quan vịnh Hạ Long./.