TCCSĐT - Sáng 25-8-2010, tại Đà Nẵng, đã diễn ra Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 42, Hội nghị Cộng đồng kinh tế ASEAN(AEC) lần thứ 4 và các Hội nghị liên quan với quyết tâm xây dựng ASEAN thành một cộng đồng thịnh vượng dựa trên những nền tảng vững chắc về kinh tế, xã hội và môi trường. Dự Lễ khai mạc có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, các Bộ trưởng AEMs và AEC cùng các quan chức cao cấp của AEMs và AEC.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những tiến triển của Cộng đồng kinh tế ASEAN. Những cam kết hội nhập, các chương trình hợp tác cốt lõi của AEC đang từng bước đi vào cuộc sống. Một thị trường chung, một không gian kinh tế thống nhất đang hình thành dựa trên sự hài hòa cao độ về các quy tắc thương mại trong nước và khả năng điều phối chính sách vĩ mô giữa các thành viên ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, thành công này, một mặt nhờ tác động tích cực của bối cảnh kinh tế thế giới, nhưng nhân tố quyết định vẫn là yếu tố nội lực, là sự chủ động vươn lên của mỗi thành viên ASEAN, trong đó việc thực thi những quyết sách giúp nhanh chóng lấy lại niềm tin cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân… Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, mặc dù ASEAN đã có những thành công quan trọng nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực vẫn luôn tồn tại những nhân tố trái chiều, phức tạp nên ASEAN cần có sự thống nhất cao về một hướng đi chung, được xây dựng dựa trên nguyên tắc nhất quán, xuất phát từ lợi ích của cả cộng đồng.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Hội nghị cần tập trung xem xét một số vấn đề quan trọng như: tìm kiếm các giải pháp thiết thực, sáng tạo để thúc đẩy việc thực thi một cách nghiêm túc và có hiệu quả Lộ trình tổng thể thực hiện cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015; theo đuổi các chính sách phát triển cân bằng và bền vững; củng cố và hoàn thiện khuôn khổ hợp tác kinh tế hiện có giữa ASEAN với các bên đối thoại nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế, tạo cơ sở vật chất cho một cấu trúc khu vực rộng lớn hơn đang hình thành; quan tâm đến những biện pháp cụ thể, mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy nhanh quá trình thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia, các vùng miền trong khu vực; tạo cơ hội nhiều hơn để doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ và người dân hiểu được và tham gia tích cực vào tiến trình hội nhập kinh tế ASEAN.

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là kết quả khách quan của một quá trình liên kết kinh tế, chính trị hiệu quả lâu dài của ASEAN. Từ năm 2004, ASEAN đã cho ra đời một lộ trình hội nhập 12 lĩnh vực ưu tiên bao gồm sản phẩm gỗ, nông sản, ô tô, cao su, điện tử, thủy sản, e-ASEAN, vận tải hàng không, du lịch, y tế và logistics để trở thành Cộng đồng kinh tế ASEAN, một thị trường đồng nhất mang tính khu vực dựa trên sự hài hòa về chính sách và liên kết chặt chẽ giữa các ngành kinh tế, làm nền tảng, động lực để phát huy các lợi thế, tiềm năng của một khu vực kinh tế năng động có tính cạnh tranh cao trên thế giới và mang lại sự thịnh vượng cho mỗi người dân, mỗi quốc gia trong cộng đồng.

Với số dân 592 triệu người, GDP 1,499 tỉ USD, tổng kim ngạch xuất khẩu 1,536 tỉ USD và đầu tư FDI vào ASEAN đạt 59,7 tỉ USD, việc hoàn thành lộ trình giảm thuế trong khuôn khổ khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) đã đạt được bước tiến lớn.

Từ ngày 01-01-2010, 99,65% dòng thuế của 6 nước trong ASEAN có thuế suất 0% và 98,88% , số dòng thuế của Việt Nam và 3 nước Lào, My-an-ma và Cam-pu-chia có thuế suất 0-5%. Thuế suất bình quân trong thương mại nội khối đã giảm từ 2,58% năm 2007 xuống 1,95% vào năm 2008…Nhờ đó thương mại nội khối của ASEAN có sự cải thiện đáng kể. Năm 2008, thương mại của ASEAN đạt 458 tỉ USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2000.

Đối với Việt Nam, sau khi hội nhập khu vực ASEAN, các ngành kinh tế trong nước có sự chuyển đổi cơ cấu tích cực, dần đi vào ổn định và phát triển. Năm 2003, thương mại hai chiều mới chỉ đạt xấp xỉ 8,8 tỉ USD nhưng đến năm 2008 con số này tăng lên gấp 3,5 lần, đạt khoảng 30 tỉ USD. Và, ASEAN không chỉ là đối tác quan trọng mà còn là cửa dẫn luồng đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào nước ta với số vốn trên 60 tỉ USD chiếm 65% khoản đầu tư trực tiếp tại Việt Nam đến từ ASEAN.

Là sự kiện thường niên quan trọng nhất của năm 2010 thuộc trụ cột kinh tế của Cộng đồng ASEAN, Hội nghị lần này sẽ tập trung đánh giá toàn diện tiến triển hợp tác kinh tế trong thời gian qua; đề ra những quyết sách trên con đường thiết lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015; tiến hành đối thoại với các Bộ trưởng kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Ấn Độ và Nga; trao đổi với đại diện giới doanh nghiệp, giới truyền thông nhằm đưa những kết của hội nhập kinh tế của khu vực đến với cộng đồng doanh nghiệp và người dân ASEAN./.