Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành ngân hàng có vai trò quan trọng, then chốt trong việc ổn định vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế
TCCS - Ngày 8-2-2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và chúc tết cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ngành ngân hàng.
Cùng dự có Bí Thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng và đông đảo cán bộ, người lao động ngành ngân hàng.
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát mạnh, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân gặp nhiều khó khăn. Trước bối cảnh đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời có những chủ trương, chính sách đồng bộ, quyết liệt và sáng tạo để vừa phòng, chống dịch, hạn chế đến mức thấp nhất tác động của dịch bệnh, đồng thời kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và phục hồi, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý.
Nhờ điều hành linh hoạt tăng trưởng tín dụng, bảo đảm vốn cho nền kinh tế, nên dư nợ tín dụng của toàn hệ thống tăng so với năm 2020. Tỷ giá và thị trường ngoại hối cơ bản ổn định. Mặt bằng lãi suất ổn định và có xu hướng giảm. Tín dụng tăng trưởng phù hợp với mức hấp thụ của nền kinh tế, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; hoạt động thanh khoản tiếp tục có những bước tiến vượt bậc…
Công tác điều hành của Ngân hàng Nhà nước và hoạt động của hệ thống ngân hàng đã góp phần giúp nền kinh tế đạt được nhiều kết quả khả quan trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, góp phần củng cố vững chắc nền kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước xác định tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân chịu tác động của đại dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Theo đó, ngành ngân hàng tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần phục hồi nền kinh tế; chủ động điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và giải pháp phù hợp nhằm ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; triển khai Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025…
Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã phát biểu, khẳng định sự tin tưởng và quyết tâm thực hiện nghiêm và hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; góp phần cùng cả nước phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu với cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên ngành ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2021, chúng ta tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và triển khai Nghị quyết Đại hội; tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp; kiện toàn hệ thống chính trị; tổ chức 7 hội nghị toàn quốc về các nội dung lớn...
Trong bối cảnh đó, đại dịch COVID-19 lây lan mạnh, nhất là đợt dịch lần thứ 4 với chủng Delta và khi điều kiện phòng, chống dịch còn hạn chế nhiều mặt, như chưa có đủ kinh nghiệm, vaccine còn ít, thuốc điều trị chưa có, năng lực y tế, y tế dự phòng chưa đủ mạnh. Do đó, chúng ta đã phải dùng biện pháp hành chính để phòng, chống dịch; ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội.
Trong khó khăn đó, với phương châm phòng, chống dịch COVID-19 là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu; vấn đề toàn dân nên chọn cách tiếp cận toàn dân, đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trước hết, trên hết, Trung ương Đảng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo kịp thời và đúng đắn; Chính phủ, Quốc hội vào cuộc quyết liệt, linh hoạt; người dân, doanh nghiệp đồng lòng vào cuộc mạnh mẽ; phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc phòng, chống dịch.
Trong quá trình phòng, chống dịch, chúng ta đã hoàn thiện triết lý chống dịch dựa trên 3 trụ cột “cách ly, xét nghiệm, điều trị” và công thức chống dịch “5K + vaccine, thuốc điều trị + ý thức của người dân + các biện pháp khác”. Chính phủ ban hành quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Nhờ đó, dịch bệnh được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc; kinh tế - xã hội từng bước phục hồi; người dân có được trạng thái mới trong ứng phó với dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội; kinh tế vĩ mô ổn định; các cân đối lớn được bảo đảm; chuỗi cung ứng lao động được khôi phục; tình hình chính trị ổn định; giữ vững độc lập, chủ quyền lãnh thổ... Trong thành tựu chung của đất nước có sự đóng góp quan trọng của Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng nói chung.
Theo Thủ tướng Chính phủ, năm 2021, ngành ngân hàng đạt nhiều thành tích nổi bật. Trong đó, ngành ngân hàng có vai trò quan trọng, then chốt trong việc ổn định vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa; giảm mặt bằng lãi suất, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp mở rộng tín dụng hiệu quả nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh hết sức phức tạp; giữ ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối.
Bên cạnh đó, ngay khi dịch bệnh bùng phát ở nước ta, ngành ngân hàng đã đi đầu ban hành triển khai chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; đi đầu trong việc hỗ trợ phòng, chống dịch với số tiền hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng, hỗ trợ trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm cho bà con vùng dịch bằng cả tấm lòng và sự chia sẻ sâu sắc.
Ngành ngân hàng tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, đặc biệt chủ động nắm bắt xu thế, dự báo để ban hành những chính sách phù hợp; rà soát những vấn đề còn bất cập và có sự điều chỉnh kịp thời; đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số và mang lại tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, dịch bệnh diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, nhưng ngành ngân hàng đã có kịch bản và phương án xử lý nợ xấu hiệu quả, trong đó có phương án trích lập dự phòng rủi ro chủ động để bảo đảm an toàn hoạt động do tác động của nợ xấu tăng lên. Ngành ngân hàng đã chú trọng xử lý quyết liệt, mạnh mẽ hơn đối với các tổ chức tín dụng yếu kém, phấn đấu trong thời gian tới xử lý được 2 tổ chức tín dụng yếu kém. Đây là việc phức tạp, đòi hỏi quyết tâm cao và nỗ lực lớn và việc xử lý phải dựa trên nguyên tắc bảo vệ người gửi tiền và ổn định hệ thống.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, linh hoạt, khéo léo xử lý các vấn đề liên quan đến hội nhập quốc tế của ngành ngân hàng, góp phần nâng cao uy tín môi trường đầu tư và vị thế quốc gia. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã xử lý phù hợp, góp phần quan trọng giúp Việt Nam không bị áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại và ra khỏi danh sách các nền kinh tế thao túng tiền tệ, tạo môi trường đầu tư ổn định, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Năm 2022, kinh tế thế giới và trong nước được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường do tác động của đại dịch COVID-19. Thị trường tài chính, tiền tệ thế giới có thể biến động phức tạp; xu hướng tăng lãi suất dự kiến được đẩy mạnh tại các nước đang phát triển khi kinh tế phục hồi và mở cửa trở lại. Giá cả hàng hóa thế giới được dự báo tăng cao, chuỗi cung ứng quốc tế chậm phục hồi sẽ tác động mạnh đến việc kiểm soát lạm phát tại các nước... đặt ra các thách thức cho hoạt động của ngành ngân hàng nước ta.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ xây dựng, triển khai Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Chính phủ xác định chủ đề điều hành năm 2022 là: "Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển".
Với tinh thần và mục tiêu đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường công tác phân tích, dự báo; tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ, chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận thuận lợi nguồn vốn ngân hàng để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Khuyến khích, vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục các giải pháp đa dạng hóa dịch vụ, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số mạnh mẽ để mang lại tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.
Tập trung triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025, trong đó cần khuyến khích các tổ chức tín dụng tích cực tham gia vào quá trình xử lý các ngân hàng yếu kém, các ngân hàng mua bắt buộc, bảo đảm an toàn, lành mạnh của toàn hệ thống cũng như của từng tổ chức tín dụng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ việc mua trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng để tránh rủi ro hệ thống; tăng cường quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng huy động vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến việc phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng, với ý chí, quyết tâm cùng với kinh nghiệm và những kết quả rất quan trọng đã đạt được trong thời gian qua, với tinh thần đoàn kết, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục phát huy và nỗ lực hơn nữa để đạt được những thành tích to lớn hơn trong năm 2022.
Thủ tướng Chính phủ chúc lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành ngân hàng mạnh khỏe, hạnh phúc, với niềm tin và tinh thần trách nhiệm cao sẽ có một năm thành công, thuận lợi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, chúc tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội  (01/02/2022)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, chúc tết tại tỉnh Bắc Ninh  (24/01/2022)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển