Theo Roi-tơ, ngày 9-4, Nhật Bản đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá 154 tỉ USD tập trung vào môi trường và tạo thêm việc làm, khuyến khích các nhà sản xuất ô-tô sử dụng nhiên liệu sạch và các công ty kinh doanh thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời.
 
Nhằm ổn định ngành công nghiệp ô-tô đang gặp khó khăn, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố chương trình hỗ trợ trị giá năm tỷ USD nhằm duy trì dòng chảy tín dụng trong ngành công nghiệp với hơn 500 nghìn công nhân này. Lo ngại trước tình trạng giảm phát, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định mua trái phiếu với giá trị 300 tỉ USD trong vòng sáu tháng tới và mua thêm 750 tỉ USD dưới dạng chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp. Các động thái này sẽ giúp hạ lãi suất, kể cả lãi suất thế chấp và làm tăng giá trị chứng khoán trên thị trường Mỹ. Ngoài ra, FED cũng quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp "lịch sử" từ 0-0,25% được duy trì từ giữa tháng 12-2008.

Chính phủ các nước Liên hiệp châu Âu (EU) cam kết dành 3.900 tỉ USD để giải cứu hệ thống ngân hàng. Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, khoản tiền trên dựa trên các gói viện trợ quốc gia đã được EC phê chuẩn, tương đương 25% GDP của khối. Ðồng thời, EC cũng nới lỏng quy định về việc thông qua các khoản tiền hỗ trợ của Nhà nước, do khủng hoảng tài chính đẩy nhiều ngân hàng đến bên bờ vực phá sản. Trong khi đó, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) kêu gọi đầu tư 30 tỉ USD để phát triển sản xuất nông nghiệp, điều tiết thị trường lương thực và hỗ trợ vốn cho nông dân các nước nghèo đối phó khủng hoảng tài chính.