TCCSĐT - Vấn nạn tin giả với dụng ý bóp méo sự thật đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống chính trị - xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Đế đối phó, Nga vừa ban hành hai đạo luật hạn chế sự phát tán các thông tin giả mạo. Nhiều quốc gia khác cũng không đứng ngoài “cuộc chiến” này.

Cuộc chiến chống các tin tức giả mạo trên thế giới

 
 Tổng thống Nga V. Putin. Ảnh: thehill.com

Tổng thống Nga V. Putin ngày 18-3 ký ban hành và công bố hai đạo luật, theo đó sẽ phạt nặng các hành vi phổ biến tin giả mạo và xúc phạm biểu tượng nhà nước trên mạng (online). Đạo luật thứ nhất cấm truyền bá các thông tin giả mạo “có tầm ảnh hưởng xã hội lớn”, có nguy cơ gây nguy hại cho cuộc sống của công dân, gây xáo trộn trật tự xã hội quy mô lớn hoặc vi phạm an ninh công cộng. Đạo luật thứ hai nhằm xử lý các hành vi “xúc phạm các biểu tượng và thể chế nhà nước”. Các nghị sĩ Nga cho rằng, các biện pháp mới này đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại tin giả và lạm dụng các bình luận trực tuyến. Luật mới cho phép nhà chức trách có quyền chặn các trang web nếu không tuân thủ với yêu cầu dỡ bỏ thông tin mà chính quyền cho là sai sự thật. Theo luật mới, cơ quan công tố có thẩm quyền quyết định mức nguy hiểm mà thông tin online giả mạo gây ra và yêu cầu cơ quan giám sát viễn thông Roskomnadzor hạn chế quyền truy cập các nguồn tin online này.

Các luật trên được ban hành ở Nga trong bối cảnh trên thế giới cũng xuất hiện làn sóng tin giả mạo gây ảnh hưởng không nhỏ. Nhiều chính phủ trên thế giới đã có những biện pháp quyết liệt để đối phó với tình trạng tin giả, quy định những khoản tiền phạt lên đến hàng chục triệu USD đối với các nền tảng công nghệ khổng lồ như Google hay Facebook nếu không cho phép người dùng khiếu nại về nội dung kích động thù hận và tin giả, hoặc từ chối loại bỏ những nội dung bất hợp pháp.

Tại Đông Nam Á, Singapore là quốc gia nêu cao các cảnh báo về nạn tin giả. Singapore đã thành lập một Ủy ban đặc biệt để nghiên cứu cách thức chống lại những đối tượng truyền bá thông tin sai lệch một cách cố ý có hiệu quả nhất, đặc biệt là trong các cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý. Ở Philippines, Tổng thống R. Duterte có những hành động mạnh tay đối với những tờ báo thuộc sở hữu của nước ngoài cũng như các trang mạng xã hội trên Facebook, những tổ chức mà nhà lãnh đạo Philippines cho là chuyên lan truyền tin giả chống lại chính quyền. Tại Malaysia, chính quyền nước này đã hình sự hóa tội tung tin giả trên mạng. Chính phủ Thái Lan lập kế hoạch chi hơn 128 triệu Baht (tương đương 3 triệu USD) để trang bị công nghệ theo dõi mạng xã hội. Trung Quốc không cho phép bất cứ mạng xã hội nào của nước ngoài được hoạt động, thay vào đó, Bắc Kinh hối thúc các công ty công nghệ của nước này sáng tạo và đưa vào sử dụng các mạng xã hội riêng vừa để kiểm soát an ninh mạng, vừa coi đó là biện pháp hạn chế tin giả.

Với Mỹ, dưới sức ép của chính quyền và dư luận, một số ông chủ của các công nghệ lớn, điển hình là Giám đốc điều hành của mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook trong năm 2018 đã phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ, cam kết hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng để điều tra về những chiến dịch tung tin giả từ nước ngoài, trong đó có sử dụng dịch vụ quảng cáo có trả tiền và những dữ liệu người dùng mà Facebook đã cung cấp cho một công ty thứ 3 ở châu Âu trong chiến dịch tranh cử Tổng thống cuối năm 2016.

Có thể thấy, trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, mạng internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã tạo ra nhiều giá trị tích cực cho cộng đồng, nhưng mặt trái của nó cũng đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Do đó, các quốc gia cần đánh giá đúng những hệ lụy mà tin tức giả đem đến, từ đó chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tuyên truyền, ngăn chặn, tích cực phát động cuộc chiến chống tin tức giả thông qua nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao nhận thức của người tiếp nhận thông tin, biết sàng lọc các nguồn thông tin để tiếp nhận và chia sẻ.

Xung quanh tuyên bố của Mỹ về chủ quyền của Israel tại Cao nguyên Golan

 
Tổng thống Mỹ D. Trump. Ảnh: unz.com

Tổng thống Mỹ D. Trump trên mạng xã hội Twitter vừa đưa ra tuyên bố sẽ công nhận chủ quyền của Israel tại Cao nguyên Golan. Động thái này của Tổng thống D. Trump ngay lập tức đón nhận nhiều phản ứng trái chiều từ cộng đồng quốc tế, tương tự quyết định cách đây 1 năm của ông về việc chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem.

Ngày 21-3, trong dòng trạng thái đăng trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống D. Trump nhận định: “Sau 52 năm, đã đến lúc Mỹ thừa nhận đầy đủ chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, vốn đóng vai trò quan trọng an ninh và chiến lược trọng yếu đối với Nhà nước Israel và sự ổn định khu vực”. Tuyên bố của Tổng thống D. Trump được đưa lên trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo đang có chuyến thăm đến Israel. Do đó, động thái trên của Tổng thống D. Trump được xem là một bước đi mới nhất trong một loạt quyết định ủng hộ đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở Trung Đông là Israel, đồng thời được xem là tín hiệu cho thấy sự ủng hộ của chính quyền Mỹ đối với Thủ tướng Israel B. Netanyahu trước thềm cuộc bầu cử ở Israel. Chính vì vậy, trước tuyên bố của Tổng thống D. Trump, Thủ tướng Israel B. Netanyahu hoan nghênh cam kết “lịch sử” của Tổng thống Mỹ về việc công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, khu vực tranh chấp mà nước này chiếm đóng trong cuộc chiến tranh năm 1967.

Tuyên bố của Tổng thống D. Trump ngay lập tức gây ra những phản ứng trái chiều từ cộng đồng quốc tế, tương tự như quyết định trước đây của ông về việc chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem. Chính phủ Syria ngày 22-3 đã chỉ trích phát biểu của Tổng thống D. Trump, đồng thời nêu rõ chính quyền Damacus kiên quyết giành lại Cao nguyên Golan “bằng mọi biện pháp khả thi”. Bộ Ngoại giao Syria cho rằng, phát biểu của Tổng thống D. Trump không làm thay đổi “thực tế rằng Cao nguyên Golan đã và sẽ vẫn thuộc về người Syria, Arab”. Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit thì cho rằng, tuyên bố của Tổng thống D. Trump “hoàn toàn vượt quá luật pháp quốc tế”, đồng thời khẳng định quyền sở hữu của Syria với cao nguyên này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran B. Qasemi tuyên bố của Tổng thống D. Trump về Cao nguyên Golan là “bất hợp pháp và không thể chấp nhận được”, đồng thời “không thể đảo ngược thực tế rằng vùng đất này thuộc về Syria”.

Người phát ngôn Điện Kremlin D. Peskov cho biết, Nga hy vọng tuyên bố của Tổng thống D. Trump sẽ chỉ là một “lời kêu gọi” và không trở thành quyết định chính thức của Mỹ. Ông D. Peskov cho rằng, những lời kêu gọi như vậy của Mỹ có nguy cơ gây bất ổn nghiêm trọng cho khu vực Trung Đông và hủy hoại những nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình trong khu vực. Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T. Erdogan cũng cảnh báo tuyên bố của Tổng thống Mỹ về chủ quyền Cao nguyên Golan có nguy cơ gây ra một “cuộc khủng hoảng mới”. Ngay tại Mỹ, Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) L. Panetta cũng chỉ trích Tổng thống D. Trump, với lý do chính sách này đi ngược lại các đối tác quốc tế của Mỹ. Trong khi đó, từ phía Liên hợp quốc, người phát ngôn của Tổng Thư ký A. Guterres đã từ chối bình luận về động thái trên của Mỹ.

Trong lịch sử, Cao nguyên Golan là một cao nguyên chiến lược nằm giữa Syria, Israel, Liban và Jordan. Sau cuộc chiến tranh Trung Đông 6 ngày (năm 1967), Israel đã chiếm đóng phần lớn diện tích cao nguyên này. Năm 1981, Israel sáp nhập vùng chiếm đóng trên Cao nguyên Golan vào lãnh thổ của mình, nhưng động thái này không được cộng đồng quốc tế công nhận và bị chỉ trích. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã từng gọi đây là “hành động không thể chấp nhận được”. Và lần này, với việc tuyên bố sẽ công nhận chủ quyền của Israel tại Cao nguyên Golan, động thái của Tổng thống D. Trump được nhận định dẫn đến nguy cơ khiến tình hình Trung Đông vốn đã luôn căng thẳng nay lại càng trở nên phức tạp hơn.

Brazil - Mỹ thúc đẩy quan hệ song phương

 
 Tổng thống Brazil J. Bolsonaro và Tổng thống Mỹ D. Trump. Ảnh: Reuteurs

Tổng thống Brazil J. Bolsonaro có chuyến thăm chính thức tới Mỹ từ ngày 17 đến 19-3. Đây là chuyến thăm song phương đầu tiên kể từ sau khi ông J. Bolsonaro nhậm chức Tổng thống Brazil cách đây hai tháng và nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Brazil đã có cuộc hội đàm với Tổng thống D. Trump. Hai bên thảo luận về quan hệ song phương, đặc biệt về thương mại song phương, hợp tác quân sự, cuộc đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, tình hình khu vực Nam Mỹ cũng như các yếu tố để xây dựng một “Tây Bán Cầu thịnh vượng, an toàn và dân chủ hơn”. Tổng thống D. Trump tuyên bố Mỹ nhận thấy đây là cơ hội lịch sử để Mỹ và Brazil hợp tác trong các vấn đề quan trọng như kinh tế, an ninh và một số lĩnh vực khác. Tổng thống D. Trump cho biết ông có kế hoạch coi Brazil là một đồng minh lớn ngoài NATO, hoặc thậm chí “có thể là một đồng ninh NATO”, dù thừa nhận sẽ phải thảo luận nhiều về kế hoạch này. Về phần mình, Tổng thống J. Bolsonaro nhấn mạnh những giá trị chung mà chính phủ Brazil và chính phủ Mỹ cùng chia sẻ. Nhà lãnh đạo Brazil cũng cho rằng, việc Mỹ trao cho Brazil quy chế “một đối tác lớn ngoài NATO”, đồng nghĩa với Brasil có quyền tiếp cận ưu tiên hơn tới nguồn vũ khí và công nghệ quân sự Mỹ.

Kể khi chính thức tuyên thệ nhậm chức hồi tháng 01-2019, Tổng thống J. Bolsonaro đã thực hiện chính sách đối ngoại mới thay đổi đáng kể so với chính sách đối ngoại truyền thống theo đuổi các mô hình đa phương của các chính phủ tiền nhiệm. Cụ thể trên bình diện quốc tế, Tổng thống J. Bolsonaro khẳng định sẽ ưu tiên các mối quan hệ song phương, chú trọng nhiều hơn tới các thỏa thuận song phương thay vì những không gian đa phương như khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) hay Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS). Lĩnh vực quan hệ quốc tế được đánh giá là yếu tố đầu tiên mà dư luận có thể thấy rõ sự thay đổi theo hướng cực hữu tại Brazil, đặc biệt là quan hệ với Mỹ khi mối quan hệ này có một vị trí quan trọng trong danh sách những ưu tiên của chính phủ mới tại Brazil. Theo nhận định của giới phân tích, hai nước có nhiều điểm tương đồng về cách tiếp cận chính trị, cũng như chiến lược xử lý các vấn đề đối nội và đối ngoại và xu hướng ngoại giao hợp tác với Mỹ sẽ được chú trọng trong nhiệm kỳ của ông J. Bolsonaro. Bên cạnh đó, Mỹ có vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của Brazil thông qua mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước. Trong khi đó, về phía Mỹ, người đứng đầu ngành ngoại giao nước này M. Pompeo đã tới tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống J. Bolsonaro. Tiếp đó, đầu tháng 02-2019, Ngoại trưởng Brazil E. Araujo đã gặp Phó Tổng thống Mỹ M. Pence tại Washington (Mỹ).

Về hợp tác kinh tế, Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Brazil sau Trung Quốc. Về hợp tác năng lượng, đa phần các công ty dầu khí thắng thầu tại Brazil là các doanh nghiệp Mỹ. Đối với hợp tác quốc phòng, Brazil hiện là đối tác thứ hai của nền công nghiệp quân sự Mỹ tại khu vực Mỹ Latinh. Ngoài các vấn đề hợp tác song phương và khu vực, Mỹ và Brazil cũng đang cùng có chung quan điểm về nhiều vấn đề trên thế giới. Chính vì vậy, chuyến thăm Mỹ của Tổng thống J. Bolsonaro là cơ hội để Washington và Brasil thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ song phương, nhằm đem lại những kết quả tích cực cụ thể cho cả hai nước.

Hàn Quốc mở rộng hợp tác thiết thực với các nước ASEAN

 
 Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: time.com

Trong trung tuần tháng 3-2019, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có chuyến công du tới ba quốc gia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm Brunei, Malaysia và Campuchia. Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Hàn Quốc kể từ đầu năm 2019 cho thấy chính quyền Hàn Quốc đang tích cực thúc đẩy “Chính sách hướng Nam Mới” nhằm thắt chặt các mối quan hệ chủ yếu với ASEAN.

Trong chặng dừng chân đầu tiên tại Brunei, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có cuộc hội đàm với Quốc vương H. Bolkiah. Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh, Brunei là đối tác quan trọng trong chính sách phương Nam mới mà Chính phủ Hàn Quốc đang xúc tiến. Tổng thống Hàn Quốc đánh giá tích cực chiến lược phát triển quốc gia dài hạn “Tầm nhìn 2035”, đa dạng hóa ngành công nghiệp mà Quốc vương H. Bolkiah đang xúc tiến. Hai nhà lãnh đạo thống nhất cùng nỗ lực nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực như sở hữu trí tuệ và khoa học - công nghệ; tăng cường các nỗ lực chung giữa hai nước nhằm tạo thêm nhiều động lực tăng trưởng mới trong tương lai. Bên cạnh đó, nhất trí nỗ lực tăng số lượng các chuyến bay thẳng giữa hai quốc gia nhằm thu hút thêm nhiều du khách Brunei tới thăm Hàn Quốc và ngược lại.

Tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã gặp Thủ tướng Malaysia M. Mohamad để thảo luận về các biện pháp tăng cường quan hệ song phương và mở rộng hợp tác kinh tế giữa hai nước. Hàn Quốc và Malaysia đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) và nỗ lực hoàn thành đàm phán trong năm 2019. Hai nước đã ký 4 bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chế tạo, vận tải, phát triển thành phố thông minh và những sản phẩm theo làn sóng văn hóa Hàn Quốc (được gọi là Hallyu). Bên cạnh đó, Tổng thống Moon Jae-in cũng trao đổi với Thủ tướng Malaysia M. Mohamad về tình hình Bán đảo Triều Tiên thời gian gần đây, lập trường của Seoul về lộ trình hòa bình Bán đảo Triều Tiên và mong muốn có được sự ủng hộ của Malaysia đối với tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Campuchia, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã gặp Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao những bước tiến trong trao đổi thương mại, nâng kim ngạch thương mại song phương từ 54 triệu USD năm 1997, khi hai quốc gia tái thiết lập quan hệ ngoại giao, lên mức 970 triệu USD vào năm 2018. Hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Campuchia cũng nhất trí đẩy mạnh nền tảng thịnh vượng chung ở các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng hạ tầng, chế tạo, tài chính trong thời gian tới. Bên cạnh đó, hai bên nhận định hơn 200 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Campuchia đóng vai trò quan trọng thúc đẩy thực hiện mục tiêu cùng tăng trưởng. Hai bên sẽ đẩy nhanh đàm phán về Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, tăng cường hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp Hàn Quốc hợp tác đầu tư vào Campuchia.

Tổng thống Hàn Quốc cam kết sẽ mở rộng hỗ trợ cho Campuchia, đối tác hợp tác phát triển lớn thứ hai của Hàn Quốc tại ASEAN sau Việt Nam. Tổng thống Moon Jae-in đánh giá tích cực về việc hai bên ký hiệp định nâng hạn mức cho vay từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) của Hàn Quốc lên 700 triệu USD giai đoạn 2019 - 2023. Về phần mình, Thủ tướng Campuchia cảm ơn sự hỗ trợ của Hàn Quốc, đồng thời bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ với chính sách phương Nam mới và lộ trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, lãnh đạo hai nước nhất trí hợp tác chặt chẽ, vì thành công của Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hàn Quốc - ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc - Mekong dự kiến diễn ra vào cuối năm 2019.

Chuyến thăm ba quốc gia Brunei, Malaysia và Campuchia diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Moon Jae-in đang thúc đẩy thực hiện chính sách cải thiện quan hệ giữa Hàn Quốc và các nước thuộc ASEAN. ASEAN hiện là một đối tác quan trọng của Hàn Quốc nhờ tiềm năng tăng trưởng, nguồn lực dồi dào và ảnh hưởng ngoại giao ngày càng tăng của tổ chức này. Theo thống kê, hiện ASEAN là nhà nhập khẩu lớn thứ hai trên thế giới các sản phẩm của Hàn Quốc sau Trung Quốc và Hàn Quốc với các nước ASEAN đang phấn đấu tăng gần gấp đôi kim ngạch thương mại giữa hai bên lên 200 tỷ USD vào năm 2020. Bên cạnh đó, một điểm chung trong chuyến thăm tới cả ba nước Brunei, Malaysia và Campuchia là Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đều mong muốn có được sự ủng hộ của các nước này đối với tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Điều này cũng cho thấy, Hàn Quốc coi trọng vai trò của các quốc gia Đông Nam Á trong việc đóng góp, thúc đẩy giải pháp mang lại hòa bình và ổn định tại khu vực Đông Bắc Á.

Với những kết quả cụ thể đạt được, có thể khẳng định rằng, chuyến thăm ba nước Đông Nam Á của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tạo động lực để thúc đẩy quan hệ giữa Hàn Quốc với các quốc gia ASEAN nói riêng, cũng như với khu vực ASEAN nói chung./.