Có hay không nguy cơ tái lập trật tự thế giới “đơn cực”
Tuy nhiên, sau hơn một năm cầm quyền, khi triển khai chính sách của mình ông Trump lại bộc lộ quan điểm về một nước Mỹ “Vĩ đại trở lại” và Washington sẽ lãnh đạo thế giới bằng sức mạnh kinh tế, quân sự và khoa học - công nghệ đỉnh cao, khiến giới nghiên cứu quốc tế cho rằng, nước Mỹ dưới sự dẫn dắt của ông Trump rất có thể tái định hình một trật tự thế giới “đơn cực”, chí ít cũng làm “chững lại” của xu thế “đa cực hóa” thế giới đã hình thành trong thời gian gần 10 năm qua.
Năm 2010, lần đầu tiên Tổng thống Mỹ lúc đó là Tổng thống B.Obama thừa nhận vấn đề một thế giới đa cực hay còn gọi là “trật tự thế giới đa đối tác” và Mỹ đang phải xem xét trao quyền lực thêm cho nhiều “người chơi” khác trong đời sống chính trị thế giới. Điều này đã chứng tỏ Mỹ muốn chứng minh thái độ của mình khi đối mặt với những biến động trong đời sống chính trị quốc tế. Trong hai nhiệm kỳ của mình, Tổng thống B.Obama đã đưa ra chủ thuyết được gọi là “Chủ nghĩa Obama” với chính sách hướng nội, và chính sách đối ngoại đa phương gắn với quyền lực mềm, nhưng “Mỹ vẫn là số một”, Mỹ vẫn giữ vai trò lãnh đạo thế giới.
Theo chủ thuyết Obama thì các nguyên tắc mà thế giới cần phải tuân thủ đó là: (1) “Mỹ vẫn là quốc gia mạnh và giàu có nhất trên hành tinh”; (2) “Nước Mỹ vẫn đại diện cho một loạt các giá trị và lý tưởng toàn cầu về dân chủ, tự do ngôn luận, tôn giáo, nhân quyền”. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi bởi những chuyển biến cực kỳ quan trọng trong nửa cuối năm 2016 và năm 2017. Giới phân tích cho rằng, có hai sự kiện mang tính “đột phá” đó là kết quả bầu cử và trưng cầu ý dân ở Mỹ và Anh đã thúc đẩy quá trình chuyển biến mạnh mẽ trật tự thế giới từ định hướng sang định hình với cấu trúc “đa cực, đa trung tâm”.
Sự kiện ngày 12-11-2016 và sau hơn một năm cần quyền của Tổng thống D.Trump, sự đảo lộn trật tự trong tư duy của người Mỹ nói riêng và thế giới nói chung đã tạo dấu ấn trong nền chính trị thế giới bởi sự chuyển động “khác thường”. Với tư duy “Nước Mỹ là trên hết” trong chính sách đối nội, và “chủ nghĩa dân tộc” trong chính sách đối ngoại, Tổng thổng Mỹ D.Trump đã vượt qua cả chính sách hướng nội và “không làm chuyện điên rồ” (tức là không đưa quân ra nước ngoài) của người tiền nhiệm B.Obama. Chính sách “chia sẻ trách nhiệm, hạn chế rủi ro” của người tiền nhiệm cũng được Tổng thống D.Trump thay thế bằng việc thẳng thắn yêu cầu các đồng minh phải tự bảo vệ mình. Mỹ sẵn sàng bán vũ khí cho các nước đồng minh và đối tác để họ bảo vệ nền độc lập, các nước sẽ phải trả tiền khi thuê quân đội Mỹ bảo vệ.
Trên thực tế, Tổng thống Mỹ D.Trump đã ký sắc lệnh hủy bỏ cam kết của Mỹ đối với Hiệp định TPP và tuyên bố chấm dứt chiến lược “xoay trục” về châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ông Trump cũng điều chỉnh một số quan điểm của mình so với cương lĩnh khi tranh cử. Theo đó, lời hứa “hâm nóng” quan hệ với Nga đã biến thành gia tăng sự thù địch; ý tưởng “đàm phán trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un”, thành quan điểm “cứng rắn”, gia tăng trừng phạt và không loại trừ giải pháp quân sự.
Trong khi châu Á sẵn sàng tâm lý ghi nhận chủ nghĩa “song phương” trong quan hệ thương mại và “biệt lập” trong quan hệ đối ngoại của Mỹ, thì “bất ngờ” trên Diễn đàn Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng (Việt Nam) Tổng thống Mỹ D.Trump lại coi trọng tổ chức đa phương này, ông không hề nói đến vấn đề nhân quyền - một trong hai nguyên tắc trong quan hệ quốc tế của người tiền nhiệm B.Obama. Tổng thống Mỹ D.Trump nói: “Mỹ tự hào là thành viên của cộng đồng kinh tế dưới mái nhà chung Thái Bình Dương”, ông kiên định chiến lược “Nước Mỹ là trên hết” và mong muốn tất cả mọi người trong hội trường này cũng coi trọng đất nước mình trên hết (2).
Theo giới quan sát, đây là lần đầu tiên Tổng thống D.Trump sử dụng thuật ngữ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” với tần suất 9 lần trong bài phát biểu 4.950 từ. Điều này khiến giới nghiên cứu và dư luận cho rằng có thể Tổng thống D.Trump đã thai nghén một Chiến lược khu vực trong Đại Chiến lược của Mỹ trong tương lai. Theo giới phân tích, những động thái nêu trên cho thấy chính sách “nước Mỹ là trên hết” chỉ hàm ý nước Mỹ dưới thời Tổng thống D. Trump vẫn là quốc gia số một toàn cầu, nhưng không bao gồm vai trò “lãnh đạo thế giới”. Trong quá trình tranh cử tuy ông Trump có đề cập đến cụm từ này, nhưng kể từ khi nhậm chức đến tháng 7-2018, ông không hề nhắc lại, nhất là trong chuyến công du hơn 10 ngày tới châu Á, khiến dư luận tưởng lầm rằng nước Mỹ đã thực sự chấp nhận một thế giới “đa cực, đa trung tâm”. Nhưng thực tế không phải như vậy.
Đến nguy cơ tái lập trật tự thế giới “đơn cực”
Kể từ khi nhậm chức đến nay, Tổng thống Mỹ D. Trump đã làm nhiều việc được cho là “khác lạ”. Với phương châm “nước Mỹ trên hết”, sau khi đặt chân vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ D.Trump đã đưa ra các chính sách mới. Theo đó, ông quyết định đưa Mỹ rút khỏi TPP; đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA); ngừng đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU; rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; thảo một Dự luật trong đó từ bỏ nhiều cam kết chủ chốt của Mỹ với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và mới đây còn có ý định rút khỏi Hiệp định cắt giảm vũ khí hạt nhân tầm trung và tầm ngắn (INF) với Nga. Thậm chí mới đây, hôm 04-12-2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo còn ra “tối hậu thư rằng, Washington sẽ ngừng các nghĩa vụ theo INF 1987 trong vòng 60 ngày nếu Nga “không tuân thủ trở lại”.
Tổng thống Mỹ D. Trump đã sử dụng chính sách áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều nước và tiến hành cuộc chiến thương mại với Trung Quốc; cắt giảm mạnh các chương trình viện trợ phát triển cho nước ngoài (châu Phi, Campuchia, Pakistan...); siết chặt chi tiêu ngoại giao. Thực hiện cắt giảm đáng kể các khoản phân bổ cho Liên hợp quốc và Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAid); tuyên bố sẽ chấm dứt viện trợ cho Quỹ Hỗ trợ nhân đạo của Liên hợp quốc (UNWRA); rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc…
Tổng thống D. Trump còn quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán đến thành phố này; ban hành dự luật trừng phạt Nga; tuyên bố rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt kinh tế với Iran; hai lần tấn công Syria bằng tên lửa trong vòng một năm.
Trong Chiến lược quốc phòng mới, Mỹ khẳng định Nga và Trung Quốc là địch thủ, là hai mối hiểm họa lớn đối với hòa bình và an ninh thế giới. Và Mỹ cũng đang chuẩn bị có những bước chuyển trọng điểm nhằm đối phó với những mối đe dọa ngày càng lớn đến từ hai quốc gia này. Đồng thời, nước Mỹ đã cắt giảm viện trợ cho quân đội các nước châu Phi trong cuộc chiến chống khủng bố.
Trong quan hệ với các đồng minh, Tổng thống D.Trump chủ trương tăng các khoản đóng góp ngân sách của các quốc gia thành viên NATO; tuyên bố áp thuế đối với sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico; trừng phạt kinh tế, thậm trí còn dọa cắt đứt quan hệ ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ; dọa trừng phạt cả đồng minh nếu nhập khẩu dầu mỏ từ Iran; thay đổi cách tiếp cận với Triều Tiên; chính thức đưa ra chiến lược “Ấn Độ-Thái Bình Dương”; chủ trương hạn chế các khả năng can dự thương mại mới, cấm toàn bộ các giao dịch tài chính với những doanh nghiệp có liên quan tới quân đội và cắt giảm mạnh số lượng nhân viên tại Đại sứ quán Mỹ ở Cuba…
Sau gần 02 năm cầm quyền Tổng thống D.Trump đã có những thành công bước đầu, với những bước tiến nổi bật về kinh tế trong nước. Về đối ngoại, Nhà Trắng nhận định Tổng thống D.Trump đã tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế và đem lại kết quả cho người dân Mỹ với hàng chục công dân Mỹ bị giữ tại nước ngoài đã được trả tự do. Ông cũng thành công trong việc gây áp lực với Trung Quốc bằng việc phê duyệt kế hoạch cho phép hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, tinh giản các thủ tục để các cuộc tuần tra tự do hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế được diễn ra nhanh chóng hơn.
Tổng thống Mỹ D.Trump cũng có những động thái cứng rắn với Trung Quốc khi nước này xây dựng trái phép, lắp đặt các thiết bị quân sự và tiến hành những cuộc “thao diễn” ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ông cũng thành công trong việc yêu cầu các nước NATO tăng chi tiêu quốc phòng ở mức 2% GDP, giúp nước Mỹ bớt đi “một gánh nặng bất công”. Trong đó thành công lớn nhất của Tổng thống Mỹ D.Trump là cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore, mở ra cơ hội hòa bình cho bán đảo Triều Tiên mà các tổng thống tiền nhiệm chưa làm được. Theo đó, Mỹ và Triều Tiên cam kết thiết lập những mối quan hệ theo nhu cầu về hòa bình và thịnh vượng của người dân hai nước; cùng có nỗ lực để xây dựng một chế độ bền vững và ổn định trên bán đảo; Bình Nhưỡng cam kết sẽ có những bước tiến để hoàn toàn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Quan hệ Mỹ - Triều khi bước vào đầu năm 2019 lại có những dấu hiệu lạc quan khi Mỹ và Triều Tiên sắp có cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2.
Đối với đồng minh châu Mỹ, sau gần 14 tháng đàm phán, Mỹ, Canada và Mexico đạt được thỏa thuận về việc sửa đổi Hiệp định NAFTA, có tên gọi là Hiệp định Mỹ-Canada-Mexico (USMCA). USMCA được kỳ vọng sẽ trở thành “đòn bẩy” để các nước Bắc Mỹ hóa giải “cuộc chiến” thương mại vốn đang làm quan hệ giữa Mỹ với nhiều nước láng giềng lao dốc, nhất là bất đồng chưa từng có giữa Mỹ và Canada kể từ năm 2017. Thỏa thuận là một thắng lợi lớn đối với Tổng thống D. Trump và đã khẳng định được chiến lược của ông trong lĩnh vực thương mại quốc tế.
Mặc dù tuyên bố siết chặt các liên minh nhưng cho đến thời điểm này, tất cả các nước đồng minh của Mỹ đều nhìn Tổng thống D. Trump với con mắt hoài nghi. Hầu hết các đồng minh của Mỹ phản đối quyết định của Tổng thống D. Trump về việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. A rập Xê út coi đó là một động thái khiêu khích chống lại người Hồi giáo trên khắp thế giới. Pháp coi đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng “Mỹ đã trở thành một đối tác trong cuộc đổ máu”. Liên minh châu Âu đã kích hoạt “Đạo luật Ngăn chặn” để bảo vệ các công ty của khối này hoạt động tại Iran khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Erdogan cho biết, sẽ tìm cách thành lập một liên minh kinh tế với Iran, Nga, Trung Quốc và một số nước châu Âu. Phía Nga cũng tuyên bố giảm đáng kể đầu tư vào tài sản của Mỹ nhằm đáp trả việc Tổng thống Mỹ D.Trump tăng thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Iran cũng chuyển hướng hợp tác với Nga và Trung Quốc về các vấn đề an ninh và thương mại.
Ở Khu vực Trung Đông, chính sách của Tổng thống D.Trump đã làm gia tăng căng thẳng, thổi bùng nguy cơ nhấn chìm khu vực vốn bất ổn trong vòng xoáy bạo lực mới, ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai và gây mất ổn định toàn bộ khu vực. Tại Syria, việc Mỹ hậu thuẫn cho lực lượng người Kurd chống lại quân đội chính phủ (SAA) và cuộc không kích của liên quân làm cho nước này phải đối mặt với bước ngoặt cực kỳ đáng sợ, làm cho tiến trình hòa bình khó khăn hơn. Tuy nhiên, ngày 19-12-2018, Tổng thống Mỹ D.Trump bất ngờ tuyên bố rút quân khỏi Syria, khiến cho tình hình tại đây trở nên phức tạp hơn, nhất là vấn đề người Kurd và chống IS.
Theo giới phân tích, tất cả những động thái được gọi là “khác lạ” nêu trên đã phản ánh quan điểm và cũng có thể gọi là “chủ thuyết” của Tổng thống Mỹ D. Trump với tên gọi: “Nước Mỹ trên hết”, nước Mỹ sẽ lãnh đạo thế giới bằng sức mạnh kinh tế, quân sự, khoa học - công nghệ đỉnh cao và tham vọng của ông Trump rất có thể là “tái lập” một trật tự thế giới “đơn cực” như những năm 90 của thế kỷ trước với vai trò và sức mạnh tuyệt đối của Mỹ.
Những động thái quyết liệt của Washington
Cùng với quá trình triển khai chính sách kinh tế - đối ngoại, ngày 13-8-2018, Tổng thống Mỹ D.Trump đã ký ban hành Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA) năm 2019, “nhằm nâng cấp các lực lượng quân sự Mỹ”. Theo đó, mức chi để đảm bảo nhu cầu quốc phòng Mỹ là khoảng 717 tỷ USD, chiếm trên 3% GDP của Mỹ.
Văn kiện NDAA với các điểm nhấn quan trọng như hiện đại hóa quân đội, thống trị không gian, chiến tranh hạt nhân quy mô nhỏ, ngăn chặn Nga và cứng rắn hơn với Trung Quốc. Để thống trị không gian vũ trụ, Mỹ đã thành lập “Lực lượng Vũ trụ” - quân chủng thứ 6 của quân đội Mỹ, ngang hàng với 5 quân chủng đã có từ trước. Tổng thống Mỹ D.Trump đánh giá NDAA là “thương vụ đầu tư quan trọng nhất” đối với quân đội Mỹ trong lịch sử hiện đại.
Việc chuẩn bị chiến tranh hạt nhân quy mô nhỏ cũng đã được Mỹ triển khai, bởi trong phân bổ ngân sách theo NDAA 2019, có 65 triệu USD được dùng để “nghiên cứu phát triển đầu đạn hạt nhân mới có sức công phá nhỏ”, theo kế hoạch “Tên lửa hành trình trên tàu ngầm” trong tương lai. Giới chức quân sự Mỹ giải thích, sự cần thiết phải nâng cấp lực lượng hạt nhân chiến lược hay còn gọi là “tam vị nhất thể”. Bởi đây là lực lượng có vai trò then chốt để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm thịnh vượng cho Mỹ, đồng minh và đối tác trong tương lai. Bên cạnh đó, Đạo luật NDAA còn cho phép cung cấp tài chính cho các danh mục chi tiêu đối với các hành động cứng rắn để chống lại Trung Quốc, trong đó đặc biệt nhấn mạnh 3 điều khoản đối với Bắc Kinh: Một là, cấm mọi cơ quan chính phủ và các thực thể có quan hệ với Chính phủ sử dụng sản phẩm hoặc giao dịch với hai công ty Huawei và ZTE của Trung Quốc; Hai là, hạn chế Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ cho các trường đại học Mỹ có lập Viện Khổng tử; Ba là, yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ phải cung cấp báo cáo về việc Trung Quốc bố trí vũ khí và các trang thiết bị mới ở khu vực Biển Đông và cấm quân đội Trung Quốc tham gia cuộc diễn tập quân sự “Vành đai châu Á - Thái Bình Dương” giữa 26 nước.
Việc Tổng thống Mỹ D.Trump ký ban hành Đạo luật NDAA cho thấy ông kiên định quan điểm rằng, ông sẽ làm cho “Nước Mỹ vĩ đại trở lại”, nước Mỹ tiếp tục lãnh đạo thế giới bằng sức mạnh quân sự. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định Washington sẽ tiếp tục đầu tư hiện đại hóa bộ ba hạt nhân chiến lược để không bị tụt lại so với Moscow. Theo đó, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Minuteman III trang bị từ cuối những năm 1960 là vũ khí chính của thành tố trên mặt đất trong bộ ba hạt nhân chiến lược của Mỹ. Tên lửa Minuteman III có đặc điểm chiến thuật và kỹ thuật ấn tượng đã được nâng cấp nhiều lần. Máy bay ném bom là thành phần trên không trong bộ ba hạt nhân chiến lược của Mỹ, theo đó, thế hệ máy bay ném bom chiến lược tiếp theo của Không quân Mỹ sẽ là máy bay tàng hình hạng nặng B-21 Raider và hiện được Tập đoàn Northrop Grumman phát triển. Dự kiến, B-21 Raider sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2025. Đồng thời, Mỹ cũng đang tích cực cải tiến bom hạt nhân B61, dự kiến trang bị cho Quân đội Mỹ vào giữa năm 2019-2020. Tàu ngầm mang tên lửa chiến lược là thành tố trên biển trong bộ ba hạt nhân chiến lược đã lỗi thời của Mỹ sẽ được thay thế bởi tàu ngầm chiến lược lớp Columbia. Dự kiến, chiếc đầu tiên của lớp này sẽ gia nhập thành phần Hải quân Mỹ vào năm 2031. Vũ khí chính của tàu ngầm chiến lược lớp Columbia là tên lửa Trident II phiên bản D5.
Nga đầu tư lớn cho phát triển vũ khí tương lai
Cùng với việc kiên định đại chiến lược “Chim ưng hai đầu”, đẩy mạnh Chiến lược Hướng Đông, chuẩn bị ký Hiệp định hòa bình Nga - Nhật… Riêng về quân sự, năm 2018 Nga đã trình làng bộ ba vũ khí chiến lược mới “bất khả chiến bại” gồm: máy bay ném bom tầm xa, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa chiến lược và lực lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa. Theo giới quan sát, Nga có các dòng tên lửa hiện đại như tên lửa hành trình siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal; tên lửa siêu thanh “Avangard”; tên lửa hạt nhân RS-28 Sarmat; tên lửa siêu thanh Burevestnik; tên lửa hành trình 9M728, 9M729 trang bị trên tổ hợp Iskander; hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược S-500 Prometheus; hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược Almaz-Antei - A235 Nudol; các loại máy bay chiến lược như Tu-160M2; Máy bay chỉ huy cảnh báo sớm thế hệ mới A-100 Premier; các loại tàu ngầm hiện đại như tàu ngầm hạt nhân lớp Borey-A; tàu ngầm mini không người lái Poseidon... được giới chuyên gia quân sự đặc biệt quan tâm.
Theo kế hoạch trong 10 năm tới, Nga sẽ chi khoảng 19.000 tỷ rúp cho việc mua sắm, bảo dưỡng và phát triển các loại vũ khí và thiết bị quân sự. Trọng tâm là phát triển hệ thống robot, vũ khí chính xác cao, tăng cường sức mạnh đánh chặn hạt nhân. Tất cả hoạt động chế tạo loại vũ khí mới đều được Nga thực hiện trong khuôn khổ những thỏa thuận hiện có, nhằm đáp trả đối với việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Nga. Trong khi đó, Mỹ cáo buộc Nga đã thử và triển khai các tên lửa hành trình-được coi là hành vi vi phạm INF.
Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng, không có căn cứ nào để cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước này và sẽ có biện pháp trả đũa. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói trên Sputnik rằng, nếu Mỹ tiếp tục ý định rút đơn phương khỏi các thỏa thuận, thì Nga sẽ áp dụng một loạt các biện pháp trả đũa, bao gồm cả các biện pháp quân sự. Song dù phát biểu cứng rắng là vậy, Nga vẫn khẳng định sẽ tiếp tục duy trì đối thoại với Mỹ về giải quyết các vấn đề với INF.
Trung Quốc hướng tới mục tiêu số 1 châu Á
Cùng với việc triển khai các đại chiến lược, sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), chiến lược “Made in China 2025”, chiến lược “Phòng thủ biển xa” của hải quân…, trung tuần tháng 9-2018 vừa qua, quân đội Trung Quốc đã tham gia Tập trận Vostok-2018 ở Nga, với hơn 3.200 binh lính tinh nhuệ cùng hàng chục xe tăng, xe thiết giáp và máy bay trực thăng các loại. Những vũ khí tối tân nhất của Bắc kinh thông qua cuộc tập trận này sẽ có dịp để kiểm nghiệm tính năng một cách chính xác hơn với sản phẩm quân sự, quốc phòng hiện đại của Nga. Trong biên chế Quân đội Trung Quốc hiện có nhiều loại phương tiện thiết giáp hiện đại như pháo tự hành xung kích PTL-09, xe tăng chiến đấu chủ lực Type 99-loại xe được Bắc Kinh tuyên bố vượt trội cả T-90M Proryv-3 của Nga. Lực lượng tăng thiết giáp của Trung Quốc thời gian gần đây phát triển vượt bậc cả về chất lẫn lượng.
Tại triển lãm quân sự Army-2018 tại Kubinka (Nga) diễn ra từ ngày 21 đến ngày 26-8-2018 nhiều công ty quốc phòng lớn từ Trung Quốc cũng đã có mặt, điển hình là Tập đoàn Công nghiệp phương Bắc Trung Quốc (Norinco). Gian hàng Norinco đóng vai trò trung tâm trong khu trưng bày sản phẩm của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, với những mẫu xe tăng, pháo và tổ hợp phòng không mới nhất của Bắc Kinh.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng phát triển thiết bị bay chiến đấu không người lái (UCAV) với tốc độ nhanh nhất thế giới. UCAV, nhất là dòng Dark Sword của Tập đoàn Shenyang; dòng Yunying của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc và các dòng Cloud Shadow, Wing Loong, CH-3, CH-4 và CH-5. Những chiếc UCAV này tuy được phát triển từ các phiên bản Predator và Reaper của Mỹ, nhưng giá thành chỉ bằng một nửa.
Liên minh châu Âu (EU) xây dựng Chiến lược Kết nối Á - Âu
Cùng với NATO kiên định chiến lược “Đông tiến, ngày 19-10-2018, tại ASEM-12, EU đã chính thức đưa ra một tầm nhìn mới với tên gọi là Chiến lược Kết nối Á - Âu. Đây là lần đầu tiên EU có một chiến lược cụ thể, rõ ràng đối với châu Á và cũng có thể coi là câu trả lời của EU đối với những chiến lược đầy tham vọng của các đối tác khác, như “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của Mỹ; “Tứ giác kim cương” của Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Mỹ hay “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.
Nội dung cốt lõi trong chiến lược “Kết nối” của EU là sự liên kết nhiều cái riêng lẻ với nhau thành mạng lưới để có thể vươn ra xa hơn, tận dụng mọi tiềm lực và khả năng ở đó. Theo đó, EU tập trung cho kết nối trên các lĩnh vực giao thông vận tải, năng lượng mới, ứng dụng công nghệ số hóa và kết nối con người với nhau. Mục tiêu của chiến lược là hình thành mạng lưới giao thông đường bộ, đường biển và hàng không để tận dụng cơ hội ở cả hai châu lục.
EU coi trọng việc đẩy mạnh xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ cần thiết cho giao thông và vận tải cũng như bảo vệ môi trường sinh thái trong giao thông vận tải. Mặt khác, EU cũng muốn xây dựng mạng lưới mới về năng lượng để đảm bảo an ninh năng lượng và tăng cường sử dụng những nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. EU cũng hướng tới việc tạo nên mạng lưới sử dụng và ứng dụng công nghệ số, coi công nghệ số là một trong những lĩnh vực quyết định tương lai của nhân loại. Theo nội hàm của chiến lược, tất cả những gì liên quan đến đời sống và xã hội loài người đều được EU nhìn nhận theo hướng “kết nối”, bao gồm cả giáo dục - đào tạo, du lịch và trao đổi văn hoá giữa hai châu lục.
Chiến lược “Kết nối” được xác định với các tiêu chí cơ bản là: (1) bền vững, (2) toàn diện, (3) dựa trên những nguyên tắc quốc tế. Vì thế, chiến lược này nhằm vừa cạnh tranh, vừa hợp tác và kết nối với các chiến lược liên châu lục khác. Theo đó, Chiến lược Kết nối Á - Âu của EU được triển khai nhằm tập hợp lực lượng trên thế giới, đặc biệt là tranh thủ và lôi kéo các nước châu Á cùng với châu Âu đề cao ngọn cờ “đa phương” và “tự do thương mại”, nhằm thúc đẩy hợp tác và liên kết liên châu lục để đối phó với xu hướng và chủ trương bảo hộ thương mại. Đồng thời với việc công bố chiến lược nói trên, nhiều chính khách của EU tại ASEM-12 đã dùng ngôn từ mạnh mẽ thể hiện quan điểm không đồng tình với chính sách bảo hộ thương mại của Tổng thống Mỹ D.Trump.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, Chiến lược Kết nối Á - Âu sẽ đưa thêm sự lựa chọn nữa cho doanh nghiệp các nước châu Âu và châu Á trong phát triển hạ tầng và công nghiệp, hoặc tham gia các dự án do Trung Quốc và châu Âu cùng khởi xướng. Đại diện ngoại giao của EU, bà Federica Mogherini cho biết, EU đã đàm phán với một số quốc gia châu Á trong vài tháng qua. Bà Mogherini nói: “Sáng kiến của chúng tôi là nhằm tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng như lợi ích cho các cộng đồng địa phương”. Chuyên gia về quan hệ Á - Âu tại Viện Clingendael (Hà Lan), Maaike Okano-Heijmans, cho rằng, đây là “bước đi rất quan trọng”, sau nhiều chỉ trích nhằm vào EU do khối này phản ứng chậm chạp trước chiến lược “quyền lực mềm” của Trung Quốc.
Theo giới quan sát, mặc dù chi tiết trong kế hoạch của EU vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng Dự thảo chiến lược nhấn mạnh đến tầm quan trọng của “các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội”, cũng như “sự ổn định về tài chính của các dự án hạ tầng”. Giới phân tích cho rằng, đây có thể là một cuộc cạnh tranh địa - chính trị gay gắt hơn trên hai lục địa Á - Âu, đồng thời cũng là sự liên kết sâu rộng hơn giữa các cường quốc thông qua các đại chiến lược của Trung Quốc - Nga - Mỹ - EU - Nhật Bản - Ấn Độ - Australia… Vì thế, Chiến lược Kết nối Á - Âu của EU đã phát đi tín hiệu rằng, EU đang là một phần của “cuộc chiến” cạnh tranh và hợp tác này tại khu vực, nhằm khẳng định vị thế của EU trong trật tự kinh tế và an ninh toàn cầu.
Về vũ khí chiến lược, châu Âu đã xây dựng Dự án FCAS chế tạo máy bay chiến đấu tương lai do Pháp dẫn đầu, cùng sự tham gia của một số nước châu Âu, trong đó có Anh, Đức. Dự án sẽ chế tạo ra loại máy bay chiến đấu hợp nhất của châu Âu thay thế các loại chiến đấu cơ hệ thứ 5, F-35 Lightning II của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Parly cho biết, các nỗ lực của Pháp nhằm giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và thúc đẩy xuất khẩu đã được ghi rõ trong ý định thư ký với Đức hồi tháng 6 vừa qua về dự án FCAS.
Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng vị thế cường quốc khu vực
Thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã không ngừng tăng cường chi tiêu ngân sách quốc phòng với việc chú trọng đầu tư cho nhiệm vụ chế tạo và sản xuất vũ khí trong nước. Trong đó, dự án sản xuất tên lửa SOM của Công ty Quốc phòng Roketsan là tên lửa hành trình tự chế tạo đầu tiên được sự chú ý của dư luận. Các phiên bản của tên lửa SOM bao gồm SOM-A, SOM-B1, SOM-B2, SOM-J. Trong đó, SOM-J - một biến thể được phát triển dành riêng cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35, hiện đang được nghiên cứu chế tạo trong một dự án riêng. SOM-J được thử nghiệm thành công trên phi cơ F-16 vào năm 2017 và được sản xuất hàng loạt trong năm 2018. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, Ismail Demir nói: “Không một loại tên lửa hành trình nào có thể đạt tới khả năng của SOM-J trong việc kết hợp với F-35. Trong tương lai, SOM-J sẽ trở thành lựa chọn hàng đầu cho các quốc gia sử dụng máy bay F-35”.
Như vậy có thể thấy, cấu trúc trật tự an ninh toàn cầu “đa cực, đa trung tâm” là xu thế khách quan, tất yếu gắn liền với xu thế toàn cầu hóa kinh tế. Tuy nhiên, dòng “xoáy ngược” cũng đã xuất hiện với chủ nghĩa dân túy, cực đoan, đơn phương, biệt lập, nhất là chủ thuyết “Nước Mỹ trên hết” và nước Mỹ tiếp tục lãnh đạo thế giới bằng sức mạnh quân sự của Tổng thống Mỹ D.Trump thông qua những chính sách “khác lạ”, làm xuất hiện nguy cơ tái lập trật tự thế giới “đơn cực”. Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, nếu cồng đồng quốc tế, nhất là các cường quốc không có quan điểm và giải pháp đấu tranh hiệu quả thì nguy cơ tái định hình trật tự thế giới “đơn cực” do Mỹ cầm đầu là không loại trừ./.
Tài liệu tham khảo:
1 Xem Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr71
2 Trích trong bài phát biểu của Tổng thống Mỹ D.Trump tại Hội nghị APEC 2017 “Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump: Không còn là thù địch, chúng ta là những người bạn” đăng ngày 10-11-2017 trên trang dantri.com.vn
Đoàn Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII làm việc tại Hậu Giang  (23/03/2019)
Chủ tịch Quốc hội tiếp Phó Chủ tịch thứ hai Quốc hội Campuchia  (23/03/2019)
Hoạt động trong ngày của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc  (23/03/2019)
Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore  (23/03/2019)
Tăng cường mối đại đoàn kết Việt Nam - Campuchia  (23/03/2019)
Nhất trí nhiều nội dung tại phiên họp thứ 2 Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020  (23/03/2019)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên