TCCSĐT - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội về các giải pháp khuyến khích, thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ: “Trong những năm qua, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng hằng năm và đến nay đạt khoảng 243.000 người, trong số này chỉ có 30% là đối tượng tham gia mới, 70% còn lại là những người đã có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đóng tiếp để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Ngoài ra, việc thu hút lao động trong khu vực phi chính thức cũng còn nhiều hạn chế, tỷ lệ thấp. Điều này cho thấy chính sách khuyến khích thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn nhiều khó khăn, bất cập làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội của Đảng, Nhà nước.

Xin Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới nhằm khuyến khích, thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện”.

Về chất vấn trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời như sau:

Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện ở nước ta từ ngày 01-01-2008, áp dụng đối với người không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện ra đời được sự đón nhận tích cực của người dân, đặc biệt là những người đã gần hết tuổi lao động nhưng chưa tích lũy được đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu.

Đến hết năm 2017 số người tham gia là 227.506 người; số thu bảo hiểm xã hội tự nguyện trong giai đoạn 2015 - 2017 đạt bình quân trên 1.000 tỷ đồng/năm. Tính đến ngày 31-12-2017, cơ quan bảo hiểm xã hội đang chi trả cho khoảng 24 nghìn người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng với số tiền chi trả là 770 tỷ đồng. Đúng như Đại biểu phản ánh, những trường hợp này đều đã từng có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là số đối tượng tham gia còn thấp (hiện mới chiếm khoảng 0,45% so với lực lượng lao động). Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp là do một số nguyên nhân sau:

- Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện mặc dù đã được thiết kế ưu việt về quyền lợi nhưng tính hấp dẫn còn chưa cao trong bối cảnh đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là người lao động thuộc khu vực phi chính thức, tính chất công việc không ổn định, mặt bằng bình quân thu nhập thấp, điều kiện kinh tế còn khó khăn; thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu dài (20 năm); mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn thấp.

- Tổ chức thực hiện chính sách chưa có những giải pháp đột phá trong tiếp cận, vận động đối tượng do chưa có cơ chế hoa hồng đủ sức hấp dẫn đối với các đại lý thu bảo hiểm xã hội so với sản phẩm bảo hiểm thương mại; cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội mặc dù đã có những bước tiến nhưng vẫn chưa thực sự tạo thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận thông tin về bảo hiểm xã hội, đăng ký tham gia; các phương pháp giao dịch, đăng ký và thu nộp chưa đa dạng và tiện lợi.

Đánh giá được những hạn chế nêu trên, vừa qua Ban cán sự đảng Chính phủ đã trình Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII thông qua Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2021, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; đến năm 2025 đạt khoảng 2,5% và đến năm 2030 đạt khoảng 5%. Để đạt được mục tiêu Trung ương đã đề ra, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, nghiên cứu, sửa đổi bổ sung chính sách theo hướng giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng xuống còn 15 năm, tiến tới còn 10 năm; nâng mức hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước; thực hiện thí điểm gói bảo hiểm xã hội tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân; gắn quyền lợi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với các ưu đãi khác của Nhà nước (ví dụ ưu đãi vay vốn sản xuất kinh doanh); giao chỉ tiêu phát triển tham gia bảo hiểm xã hội cho các địa phương.

Thứ hai, chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm công tác thu bảo hiểm xã hội tự nguyện; tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thu bảo hiểm xã hội tự nguyện; đẩy mạnh việc thực hiện thu và chi bảo hiểm xã hội tự nguyện qua ngân hàng; đa dạng mạng lưới cung cấp dịch vụ.

Tập trung khắc phục sạt lở bờ biển

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung khắc phục các khu vực sạt lở bờ biển và ứng phó với hiện tượng ElNino.

Biển đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Vì vậy, việc bảo vệ bờ biển, môi trường biển cần phải được các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Khu vực miền Trung có bờ biển dài, nhiều sông, là tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển kinh tế.

Những năm qua, khu vực miền Trung đã có bước phát triển mạnh, nhất là phát triển kinh tế biển, tập trung phát triển du lịch, khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, phát triển hạ tầng ven biển. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông đã xảy ra tại nhiều địa phương ở khu vực miền Trung đe dọa an toàn của các khu dân cư, cản trở thoát lũ, hoạt động tàu thuyền, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, cuộc sống của ngư dân, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Do vậy, Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần tập trung khắc phục khẩn cấp các khu vực sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến các khu dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng và nạo vét các khu vực của sông bị bồi lấp ảnh hưởng nghiêm trọng đến thoát lũ và hoạt động của tàu cá của ngư dân nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, các di sản văn hóa, kết cấu hạ tầng quan trọng, giảm thiểu thiệt hại do sạt lở bờ biển, bồi lấp cửa sông.

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, địa phương liên quan tiếp tục có các Đề án, dự án nghiên cứu, đánh giá, đề xuất giải pháp tổng thể chủ động phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông, bồi lấp cửa sông, sạt lở đất ở vùng núi, trên cơ sở đó xây dựng các chương trình, kế hoạch đầu tư theo từng giai đoạn phù hợp với khả năng nguồn lực, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và tại địa phương.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để chính quyền và người dân có các biện pháp chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai, sạt lở bờ sông, bờ biển, sạt lở đất; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong xử lý phòng, chống xói lở bờ biển, bồi lấp cửa sông, các giải pháp cần phù hợp với từng khu vực, bảo đảm bền vững, không gây sạt lở khu vực khác và hạn chế tác động đến môi trường.

Quản lý chặt chẽ việc khai thác cát

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương trong khu vực rà soát công tác lập và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và phát triển hạ tầng, chủ động xác định hành lang an toàn để quản lý phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển phù hợp và bền vững, tránh việc xây dựng công trình hạ tầng, nhất là khu dân cư, khu du lịch sát ven biển khi không đảm bảo an toàn; quản lý chặt chẽ việc khai thác cát ở vùng cửa sông, ven biển, kể cả đối với các dự án nạo vét để tránh gây sạt lở cửa sông, ven biển.

Theo dự báo, thời gian tới ElNino sẽ tác động đến nước ta, nguy cơ xảy ra hạn hán, nhất là tại khu vực miền trung, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các địa phương có phương án điều tiết phù hợp các hồ chứa thủy lợi, thủy điện để bảo đảm an toàn, đồng thời chủ động trữ nước để phòng, chống hạn, nhất là cuối năm 2018 và đầu năm 2019.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để thực hiện hỗ trợ khẩn cấp nhà ở cho các hộ dân bị mất nhà do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa khắc phục hậu quả bão số 4 và mưa lũ theo quy định.

Thủ tướng đồng ý hỗ trợ 800 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 cho các địa phương khu vực miền Trung (từ Nghệ An đến Bình Thuận) để xử lý các điểm sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, hạ tầng thiết yếu và nạo vét khẩn cấp một số cửa sông bị bồi lấp nghiêm trọng để đảm bảo hoạt động của tàu thuyền.

Đồng thời, Thủ tướng cũng đồng ý về chủ trương bổ sung 1.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 để hỗ trợ địa phương trong vùng có thêm nguồn lực khắc phục các khu vực sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm.

Gỡ vướng về C/O xăng dầu nhập khẩu

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ xử lý vướng mắc về chứng nhận xuất xứ (C/O) xăng dầu nhập khẩu.

Thông báo cho biết, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp xử lý vướng mắc về chứng nhận xuất xứ (C/O) xăng dầu nhập khẩu. Sau khi nghe Văn phòng Chính phủ báo cáo; ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các đại biểu dự họp, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm theo đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao đối với các vướng mắc, khiếu nại của doanh nghiệp liên quan đến C/O xăng dầu nhập khẩu trong giai đoạn từ ngày 14-9-2016 đến ngày 08-3-2017 theo đúng quy định của pháp luật về hải quan, xuất nhập khẩu, luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật... và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 12-2018./.