TCCSĐT - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình vừa yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Thanh tra Bộ chuyển kết quả xác minh về tiêu cực, tham nhũng xảy ra tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Báo Điện tử Pháp luật các ngày 01 và 02 tháng 8 năm 2018 có bài "Nghi vấn quỹ đen ở Cục Đường thủy nội địa Việt Nam" phản ánh việc để được thi công những gói thầu do Cục đường thủy nội địa Việt Nam làm chủ đầu tư, những công ty trúng thầu phải trích nộp một phần tiền trở lại cho chủ đầu tư với tỷ lệ nhất định trên giá trị trúng thầu khoảng từ 5% đến 20%.

Xét báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải về kết quả xác minh "dấu hiệu lập quỹ đen ở Cục Đường thủy nội địa Việt Nam", Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Thanh tra Bộ chuyển kết quả xác minh nội dung phản ánh của Báo Điện tử Pháp luật về tiêu cực, tham nhũng xảy ra tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam kèm theo các tài liệu chứng cứ liên quan đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (đồng gửi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

Vi phạm an toàn thực phẩm bị phạt tới 200 triệu đồng


Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tối đa áp dụng với một hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Nghị định này quy định mức phạt cụ thể đối với từng hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm gồm: 1- Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm; 2- Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm; 3- Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu và vi phạm quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm; 4- Vi phạm quy định về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không an toàn.

Trong đó, Nghị định quy định phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi:
- Sử dụng nguyên liệu là sản phẩm từ động vật, thực vật, chất, hóa chất không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm;

- Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có chứa hoặc nhiễm một trong các kim loại nặng, chất độc hại vượt giới hạn cho phép;

- Sử dụng phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 50.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;...

Mức phạt tiền trên áp dụng đối với cá nhân.

Hỗ trợ 6 địa phương phòng chống dịch bệnh động vật


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp không thu tiền vắc xin, hoá chất sát trùng từ nguồn hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ 6 địa phương để phòng chống dịch bệnh động vật do ảnh hưởng cơn bão số 3.

Cụ thể, hỗ trợ tỉnh Yên Bái 5.000 lít hóa chất sát trùng Han - Iodine; 5.000 lít hóa chất sát trùng Vetvaco-Iodine và 50.000 liều vắc xin LMLM type O; tỉnh Hòa Bình 10.000 lít hóa chất sát trùng Benkocid; 50.000 liều vắc xin LMLM type O; 50.000 liều vắc xin Dịch tả lợn và 100.000 liều vắc xin Tụ huyết trùng trâu bò; tỉnh Phú Thọ 5.000 lít hóa chất sát trùng Vetvaco-Iodine; 59.000 liều vắc xin LMLM type O; 31.000 liều vắc xin Tụ huyết trùng trâu bò và 72.500 liều vắc xin Dịch tả lợn; tỉnh Quảng Ninh 50 tấn hóa chất Chlorine 65% min; tỉnh Ninh Bình 10.000 liều vắc xin LMLM type O; 50.000 liều vắc xin Dịch tả lợn; 10 tấn hóa chất Chlorine 65% min và 5.000 lít hóa chất Han - Iodine; tỉnh Hà Tĩnh 50.000 liều vắc xin LMLM type O; 50.000 liều vắc xin Dịch tả lợn; 40 tấn hóa chất Chlorine 65% min và 10.000 lít hóa chất sát trùng Benkocid.

Ủy ban nhân dân các tỉnh chịu trách nhiệm tiếp nhận và hỗ trợ kịp thời số vắc xin, hoá chất nêu trên theo quy định hiện hành./.