TCCSĐT - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện hiệu quả và chất lượng 3 nội dung liên quan cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Cụ thể, vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đang triển khai 3 nội dung liên quan cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bao gồm:

1- Xây dựng Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam. Dự kiến báo cáo Chính phủ vào cuối năm 2018;

2- Xây dựng đề án thành lập "Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia". Dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10-2018 và phấn đấu khởi công xây dựng Trung tâm vào cuối năm 2018;

3- Xây dựng mạng lưới nhân lực thực hiện chiến lược quốc gia về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Dự kiến tổ chức Chương trình gặp mặt 100 người Việt tài năng trong và ngoài nước, trong lĩnh vực khoa học công nghệ, từ ngày 18 đến 24-8-2018; Thủ tướng dự kiến sẽ tiếp và nói chuyện với các trí thức tài năng vào ngày 19-8-2018 tại Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến đồng ý 3 kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và yêu cầu Bộ khẩn trương thực hiện với hiệu quả và chất lượng cao 3 nội dung trên theo các mốc thời gian đã dự kiến.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của Internet vạn vật và Trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với đặc điểm là tận dụng một cách triệt để sức mạnh lan toả của số hoá và công nghệ thông tin. Làn sóng công nghệ mới này đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, nhưng đang tạo ra tác động mạnh mẽ, ngày một gia tăng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, dẫn đến việc thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội.

Để chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan Trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian từ nay đến năm 2020 tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ.

Thủ tướng phê chuẩn 2 Phó Chủ tịch tỉnh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và tỉnh Vĩnh Phúc.

Cụ thể, tại Quyết định số 932/QĐ-TTg, Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Đặng Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy.

Tại Quyết định số 918/QĐ-TTg, Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu bổ sung Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Văn Khước, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

* Thủ tướng Chính phủ quyết định ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 01-8-2018.

Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tỉnh Bình Định

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Bình Định.

Theo quy hoạch, đến năm 2020 tỉnh Bình Định có 511.146 ha đất nông nghiệp, chiếm 84.35%; đất phi nông nghiệp là 90.560 ha, chiếm 14.7%; đất đô thị 23.995 ha.

Từ năm 2016 - 2020, có 15.492 ha đất nông nghiệp được chuyển sang phi nông nghiệp; 9.209 ha chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp; 101 ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở.

Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bình Định tổ chức thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020), trong đó rà soát điều chỉnh quy hoạch của các ngành, lĩnh vực, các địa phương trong tỉnh có sử dụng đất cho thống nhất với điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của tỉnh; việc tổ chức thực hiện điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thống nhất chặt chẽ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần bảo vệ nghiêm ngặt; điều tiết phân bổ nguồn lực, trước hết là nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm lợi ích giữa các khu vực có điều kiện phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ với các khu vực bảo vệ đất trồng lúa, đất rừng; có chính sách, biện pháp phù hợp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, để người trồng lúa yên tâm sản xuất; tăng đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các khu vực.

Chính phủ cũng yêu cầu UBND tỉnh Bình Định quản lý, sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch, nhất là khu vực sẽ chuyển mục đích sử dụng đất để tập trung cho phát triển kinh tế và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, đô thị để tăng nguồn thu cho ngân sách; đẩy mạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất. Khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất đã giao và đã cho thuê.

Tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ quỹ đất được quy hoạch phát triển đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất, khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu sử dụng đất giữa đất ở với đất xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiên quyết không giải quyết giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất đối với các trường hợp không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiểm tra, xử lý các trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, sử dụng sai mục đích theo quy định của pháp luật đất đai...

Khung chính sách hỗ trợ, tái định cư đường bộ cao tốc tuyến Bắc - Nam

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải và UBND các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện các Khung chính sách đã được phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật.

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông đoạn Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đến Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) có tổng chiều dài 50km; đoạn Diễn Châu (Nghệ An) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) có chiều dài 44,4km.

Riêng đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có điểm đầu (Km430+000), tại vị trí nút giao với QL7 thuộc địa phận xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Điểm cuối của dự án (Km479+150), tại vị trí giao với QL8A thuộc xã Đức Thịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam được thiết kế khi hoàn chỉnh với thiết kế 6 làn xe, tốc độ thiết kế 120km/h. Giai đoạn 1, dự án sẽ thiết kế 4 làn xe với tốc độ 80km/h.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt sẽ đi qua các xã: Diễn Cát, Diễn Lợi, Diễn Thọ, Diễn Phú của huyện Diễn Châu (dài 10,81km); các xã Nghi Đồng, Nghi Phương, Nghi Mỹ của huyện Nghi Lộc (dài 7km); các xã Hưng Trung, Hưng Yên Bắc, Hưng Yên Nam, Hưng Tây, Hưng Đạo, Hưng Tân, Hưng Thông, Hưng Tiến, Hưng Thắng, Hưng Châu, Hưng Khánh, Hưng Phú của huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (dài 26,59km); các xã Đức Vĩnh, Yên Hồ, Đức Thịnh của huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh (dài 4,74km)./.