TCCSĐT - Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 10 của Nhóm 5 nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS) đã kết thúc với việc các nước đã đạt được sự nhất trí trong việc vạch ra các nhiệm vụ quan trọng trong tương lai và các vấn đề liên quan đến việc duy trì hòa bình và ổn định quốc tế, kinh tế toàn cầu, sự tương tác giữa các nước BRICS và sự phối hợp của của họ trong sự bất ổn chính trị thế giới.

Thúc đẩy hợp tác nội khối

Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 10 (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) diễn ra từ ngày 25 đến 27-7 tại thành phố Johannesburg (Nam Phi), với chủ đề “BRICS tại châu Phi: Hợp tác vì sự tăng trưởng bao trùm và thịnh vượng chung trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Tại Hội nghị, lãnh đạo 5 nước đã nhất trí ủng hộ vai trò trung tâm của hệ thống thương mại đa phương, toàn diện, mở, minh bạch và dựa trên quy định, trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang đe dọa nền kinh tế toàn cầu. Hội nghị cũng đề cao tầm quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo 5 nước thành viên BRICS đã thông qua Tuyên bố chung. Tuyên bố chung nêu rõ lãnh đạo các quốc gia thành viên BRICS nhất trí hài lòng với những thành quả mà nhóm đạt được trong 10 năm qua nhờ hợp tác chặt chẽ vì hòa bình, thịnh vượng và phát triển chung. Các lãnh đạo cùng tái khẳng định cam kết tuân thủ những nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng, dân chủ, toàn diện và củng cố hợp tác. Trên cơ sở thành công của Hội nghị lần này, các bên tiếp tục cam kết nâng cao quan hệ đối tác chiến lược vì lợi ích người dân các quốc gia thông qua thúc đẩy hòa bình, một trật tự thế giới bình đẳng hơn, phát triển bền vững và bao trùm, cùng với đó là củng cố cơ chế hợp tác 3 trụ cột trong các lĩnh vực như kinh tế, hòa bình, an ninh và giao lưu nhân dân. Các nhà lãnh đạo BRICS tái cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực bền vững để hỗ trợ các hoạt động của Liên hợp quốc hiệu quả hơn, khuyến khích tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên nhằm đẩy mạnh công tác này.

Về quyết tâm củng cố chủ nghĩa đa phương, cải cách phương thức quản lý và cùng đối phó những thách thức chung, các lãnh đạo BRICS khẳng định ủng hộ tiếp tục hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong các lĩnh vực cùng chung lợi ích thông qua trao đổi thường xuyên trong các diễn đàn đa phương, tuân thủ luật pháp trong các mối quan hệ quốc tế. Tuyên bố chung tái khẳng định cam kết thực thi đầy đủ Chương trình Phát triển bền vững và Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 do Liên hợp quốc đề ra, cũng như kêu gọi các quốc gia thành viên triển khai đầy đủ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Các quốc gia BRICS cũng tiếp tục đẩy mạnh hợp tác năng lượng, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo theo chương trình phát triển bền vững, cân bằng phát triển kinh tế và bảo tồn môi sinh cho con người. Kêu gọi các quốc gia có cách tiếp cận toàn diện trong đối phó với các vấn nạn khủng bố, tham nhũng, rửa tiền và buôn bán ma túy.

Các nhà lãnh đạo BRICS tái khẳng định cam kết nỗ lực chung nhằm giải quyết các xung đột một cách hòa bình thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao, công nhận vai trò của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có trách nhiệm trước tiên trong việc bảo đảm an ninh và hòa bình quốc tế. Các nước thành viên bày tỏ quan ngại về tình hình xung đột, căng thẳng leo thang tại Trung Đông, Bắc Phi, xung đột Israel - Palestine và kêu gọi nối lại các nỗ lực ngoại giao nhằm tháo gỡ tình hình. Lãnh đạo các nước thành viên BRICS cũng kêu gọi các bên tôn trọng đầy đủ thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung (JCPOA), hoan nghênh những tiến triển mới giúp mở ra cơ hội phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên và duy trì hòa bình ổn định tại khu vực Đông Bắc Á. Các bên quan ngại sâu sắc về nguy cơ xảy ra cuộc chạy đua vũ trang trong vũ trụ biến không gian vũ trụ thành mặt trận quân sự và tái khẳng định phải ngăn chặn chạy đua vũ trong trong vũ trụ dưới mọi hình thức.

Các lãnh đạo BRICS đã hoan nghênh sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, song cũng nhận thấy tăng trưởng chưa thực sự đồng đều và vẫn còn tồn tại nhiều nguy cơ phản ánh qua hàng loạt những thách thức nảy sinh, như leo thang căng thẳng thương mại, nguy cơ địa - chính trị, bất bình đẳng và tăng trưởng thiếu toàn diện. Các thành viên BRICS tiếp tục ủng hộ tăng trưởng kinh tế và triển vọng kinh tế toàn cầu, sử dụng các chính sách tài chính tiền tệ và cơ cấu nhằm thúc đấy tăng trưởng toàn diện, cân bằng và bền vững.

Hội nghị tái khẳng định trọng tâm của Hội nghị về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hoan nghênh các kết quả đạt được trong cuộc họp của các Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ của các quốc gia thành viên, hoan nghênh thành lập Cơ quan hợp tác về Cách mạng công nghiệp mới BRICS (PartNIR), cũng như kế hoạch thành lập các đơn vị hỗ trợ hoạt động của cơ quan này. Nhiệm vụ trọng tâm của PartNIR là tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên BRICS trong lĩnh vực số hóa, công nghiệp hóa, đột phá, đồng bộ và đầu tư nhằm tối đa hóa cơ hội phát triển, cũng như ứng phó với các thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhận thức rõ vai trò ngày càng quan trọng của kết nối internet trong phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa toàn cầu, các lãnh đạo BRICS cam kết tiếp tục hợp tác thông qua các cơ chế hiện tại để góp phần bảo đảm, sử dụng công nghệ kết nối mạng một cách an toàn, vì mục đích hòa bình, hợp tác.

Các nhà lãnh đạo BRICS tiếp tục nhấn mạnh vai trò trung tâm của hệ thống thương mại đa phương, toàn diện, mở, minh bạch và dựa trên qui đinh, cũng như vai trò trung tâm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong đảm bảo duy trì hệ thống thương mại đa phương, an ninh và ổn định của hoạt động thương mại quốc tế.

Về hợp tác con người, Hội nghị thượng đỉnh BRICS nhấn mạnh các chương trình hoạt động đều hướng tới kết nối con người, tiếp tục ủng hộ trao đổi nhân dân trong các lĩnh vực thể thao, giao lưu thanh niên, điện ảnh, văn hóa, giáo dục và du lịch.

Cuối cùng, các lãnh đạo nhất trí đánh giá cao vai trò Chủ tịch BRICS của Nam Phi trong năm 2018 và ủng hộ vai trò Chủ tịch và đăng cai Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 11 của nhóm vào năm 2019 tại Brazil.

Đánh giá về thành công của Hội nghị, phát biểu tại buổi họp báo sau khi bế mạc Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 10 BRICS, Tổng thống Nam Phi C. Ramaphosa khẳng định, Hội nghị đã “thành công rực rỡ”, các nước thành viên trong khối đều sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau. Ông nhấn mạnh, BRICS đang ở tuyến đầu của giai đoạn thay đổi quan trọng. Lãnh đạo các nước đã trao đổi về tầm quan trọng và lợi ích của việc bảo vệ hệ thống đa phương đã củng cố cho sự ổn định của thế giới. Tổng thống nước chủ nhà nêu rõ, BRICS không chỉ dừng ở lời nói mà là nhóm các quốc gia mong muốn hành động.

Trong khi đó, Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), Tổng thống Rwanda P. Kagame nhận định tăng cường hợp tác với BRICS trong các lĩnh vực công nghiệp hóa, hòa bình và an ninh sẽ đóng góp cho sự phát triển của châu Phi và triển vọng cho thế hệ trẻ. Phát biểu tại Hội nghị, ông P. Kagame nêu rõ: “Công nghiệp hóa có ý nghĩa nhiều hơn khi chúng ta tính đến các công nghệ mới. Đối với châu Phi, thách thức là bảo đảm rằng những động lực hiện nay không mất đi trong thế hệ này, mà duy trì và thậm chí được tăng cường trong tương lai”. Ngoài ra, tăng cường hợp tác với BRICS cũng đóng góp cho an ninh và các lợi ích lớn hơn trong trung hạn và dài hạn, đặc biệt là về công việc cho dân số trẻ của châu Phi.

Chủ tịch AU nhận định tất cả các vấn đề được đưa ra tại Hội nghị BRICS đều nằm trong Chương trình nghị sự của AU, cho thấy “sự hội tụ lợi ích giữa châu Phi và các thành viên BRICS”. Do đó theo Chủ tịch AU, điều cần thiết nhất là một cơ chế để trao đổi hiệu quả về các lĩnh vực được nhất trí…

Hướng tới 10 năm phát triển

Hội nghị BRICS năm nay đánh một dấu mốc quan trọng khi đây là dịp kỷ niệm 10 năm Hội nghị thượng đỉnh BRICS. Do đó, bên cạnh Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 10 này, các nhà lãnh đạo của 5 nền kinh tế thành viên còn dự hội nghị phi chính thức kỷ niệm 10 năm Hội nghị thượng đỉnh BRICS.

Tại đây, các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị đã tổng kết thành quả hợp tác nội khối trong 10 năm qua, hoạch định tương lai hợp tác các nước BRICS nhằm cùng đạt được sự thịnh vượng, phát triển.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, 10 năm tới là giai đoạn phát triển then chốt của các nước BRICS, trong đó cơ hội và thách thức cùng tồn tại. Các nước BRICS cần nắm chắc cơ hội của cuộc cách mạng ngành nghề cách mạng khoa học công nghệ mới, thuận theo trào lưu đa cực hóa thế giới, toàn cầu hóa kinh tế để tạo ra “10 năm vàng” tiếp theo cho khối BRICS. Theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, để đạt được như vậy cần phải:

Một là, kiên trì tinh thần BRICS, đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược BRICS, tăng cường kết nối, phối hợp, phát huy vai trò của BRICS trên trường quốc tế, bảo vệ lợi ích và không gian phát triển chung.

Hai là, mở rộng hợp tác thiết thực, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, tài chính, giao lưu nhân dân, kết nối cơ sở hạ tầng.

Ba là, mở rộng “Hợp tác BRICS +”, xây dựng quan hệ đối tác rộng rãi, thu hút các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi khác tham gia vào hợp tác BRICS, nhằm tạo sức mạnh to lớn để bảo vệ lợi ích chung, thúc đẩy cùng phát triển.

Hội nghị BRICS năm nay đã cho thấy sự hợp tác theo mô hình “BRICS+” rất rõ, thể hiện ở việc hội nghị đã mời thêm nhiều đại diện từ các nước đang phát triển tới tham gia đối thoại, đồng thời tổ chức nhiều cuộc thảo luận giữa lãnh đạo các nước BRICS và châu Phi. Lãnh đạo Argentina, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Ai Cập, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ… cùng tổng thống một loạt nước châu Phi như Namibia, Gabon, Angola, Senegal, Togo… cũng là khách mời của Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay.

Các nhà lãnh đạo khác tham gia Hội nghị cũng khẳng định, hợp tác BRICS trong 10 năm qua đã đem lại lợi ích to lớn cho nhân dân 5 nước, góp phần quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của kinh tế thế giới và hoàn thiện cơ chế quản trị toàn cầu. Các nước BRICS cần chung tay kiên trì chủ nghĩa đa phương, phản đối chủ nghĩa đơn phương, qua đó thể hiện giá trị của BRICS; cần đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, an ninh, chính trị, đa dạng hóa giao lưu nhân dân, đồng thời không ngừng tăng cường quan hệ đối tác chiến lược BRICS để hợp tác BRICS thu được kết quả to lớn trong 10 năm tới.

Có thể thấy rõ, Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay diễn ra trong bối cảnh trật tự kinh tế toàn cầu liên tục biến động, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và Mỹ - EU chực chờ bùng nổ, cùng với các chính sách đối ngoại khó lường của Tổng thống Mỹ D. Trump. Trong khi đó, thế giới đang đối mặt với những thách thức ngày càng gia tăng trong quản trị toàn cầu, với chính sách đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ kìm hãm đà phục hồi kinh tế toàn cầu và hoạt động thương mại quốc tế. Các nhà phân tích cho rằng, việc BRICS thể hiện trách nhiệm trong việc góp phần định hình cấu trúc kinh tế, chính trị và an ninh toàn cầu mới, qua đó khẳng định vai trò và vị thế của khối trên trường quốc tế là điều cần thiết./.