TCCSĐT - Ngày 26-8, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Danh dự Quỹ Bảo trợ học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số Báo CAND đã về thăm xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương và xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các bộ và tỉnh Quảng Ninh đã tới thị sát huyện đảo Vân Đồn.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tặng quà học sinh nghèo

 
 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và các đại biểu dâng hoa tại Tượng đài Bác Hồ với CAND vũ trang.

Ngày 26-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Danh dự Quỹ Bảo trợ học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số Báo CAND đã về thăm xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương và xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Đây là nơi Trường Đào tạo cán bộ an ninh miền Nam đóng chân từ năm 1971 đến năm 1978.

Cùng đi với Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan; Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì; Thiếu tướng, GS.TS Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Giám đốc Học viện Chính trị CAND; Thượng tá Phạm Quang Khải, Phó Tổng Biên tập Báo CAND và các thầy cô giáo, các cựu học viên Trường Cán bộ an ninh miền Nam.

Là một trong những cựu học viên của Trường Đào tạo cán bộ an ninh miền Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và các đại biểu đã cùng ôn lại những kỷ niệm gắn với ngày đầu thành lập và hoạt động của Trường.

Vào ngày 29-10-1971, Bộ Công an đã quyết định thành lập Trường Đào tạo cán bộ an ninh miền Nam tại xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc, tiền thân của Học viện Chính trị CAND ngày nay.

Trong những năm tháng gian khó ấy, cán bộ và học viên nhà trường đã nhận được sự đùm bọc, giúp đỡ về mọi mặt của đồng bào hai xã Đồng Tĩnh và Đại Đồng.

Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, các cựu học viên của Trường đã cùng nhau quyên góp và xây dựng 5 ngôi nhà tình nghĩa cho 5 gia đình tại xã Đồng Tĩnh và xã Đại Đình; tặng 40 chiếc xe đạp cho các học sinh nghèo vượt khó của 2 địa phương.

Nhân chuyến về thăm lại trường xưa và hai xã Đồng Tĩnh và Đại Đình, đoàn công tác trao tặng 50 chiếc xe đạp cho 50 học sinh nghèo vượt khó học giỏi do Công ty Võng xếp Duy Lợi tài trợ, nhằm động viên các em học sinh ngay trước thềm năm học mới 2017-2018.

Chia sẻ với các đại biểu tại buổi lễ, Thượng tá Phạm Quang Khải cho biết, Quỹ Bảo trợ học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số Báo CAND được thành lập năm 2007 từ sáng kiến của đồng chí Trương Hòa Bình, khi đó là Thứ trưởng Bộ Công an.

Trong 10 năm qua, dù bận nhiều công việc của Đảng và Nhà nước, đồng chí Trương Hòa Bình vẫn quan tâm và thường xuyên chỉ đạo Quỹ quan tâm đến học sinh thiểu số, học sinh nghèo trên cả nước. Đến thời điểm này, Quỹ đã tổ chức vận động và trao hơn 16 tỷ đồng bằng những phần quà chuyển đến hàng nghìn em học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo trên khắp cả nước.

Tham gia cùng đoàn công tác của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao quà ngày 26/8, chia sẻ với những khó khăn của các học sinh tại xã Đồng Tĩnh và xã Đại Đồng, thay mặt Học viện Chính trị CAND, Thiếu tướng Trương Giang Long đã tặng 50 suất quà cho 50 học sinh nghèo vượt khó cùng 20 triệu đồng cho Quỹ Khuyến học-Khuyến tài của xã Đồng Tĩnh và xã Đại Đình.

Cũng trong chuyến công tác trở về thăm lại mái trường xưa, tặng quà cho các học sinh nghèo vượt khó ngày 26-8, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đến dâng hoa tại Tượng đài Bác Hồ với CAND vũ trang và Bia kỷ niệm Trường Đào tạo cán bộ an ninh miền Nam.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thị sát đặc khu kinh tế tương lai

 
 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thị sát khu vực xây dựng sân bay Vân Đồn.

Sáng ngày 26-8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các bộ và tỉnh Quảng Ninh đã tới huyện đảo Vân Đồn, thị sát các hạng mục công trình mà các nhà đầu tư đang triển khai nhằm thực hiện chủ trương của Đảng đưa huyện đảo có vị trí địa lý thuận lợi này trở thành khu hành chính-kinh tế đặc biệt (đặc khu).

Mặc dù “vừa chạy việc, vừa xếp hàng” để chuyển sang mô hình đặc khu kinh tế nhưng chỉ vài năm qua, Vân Đồn đã thu hút gần 2 tỷ USD của các nhà đầu tư tư nhân ở trong nước và nước ngoài để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Sân bay Vân Đồn dần lộ diện hình hài khi đường băng có độ dài 3.600 mét đang được hoàn thiện sau hai năm khởi công xây dựng. Tập đoàn SunGroup, đơn vị chủ đầu tư dự án cho biết sân bay quốc tế này có thể hoạt động trong điều kiện sương mù dày đặc, đón được cả các chuyến bay vận tải và sẽ vận hành, khai thác bắt đầu từ Quý I-2018.

Hiện nay, SunGroup như là một đối tác chiến lược với UBND tỉnh Quảng Ninh trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại Vân Đồn. Ngoài sân bay và khu dịch vụ hậu cần cảng hàng không, doanh nghiệp này còn đầu tư vào lĩnh vực “sở trường” là các khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, triển khai các thủ tục đầu tư Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp có casino đẳng cấp quốc tế trong thời gian tới tại Vân Đồn.

Thị sát các khu vực của đảo Vân Đồn và vị trí triển khai các dự án, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tới vị trí đặc biệt thuận lợi của Vân Đồn và vai trò của khu vực này đối với sự phát triển của miền Bắc. Đây là vùng nằm gọn trong khu vực hợp tác “hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt-Trung; hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, là cầu nối giữa ASEAN-Trung Quốc.

Vân Đồn cũng có tiềm năng xây dựng cảng nước sâu, lại nằm trong cụm cảng quốc tế Hải Phòng-Quảng Ninh-Phòng Thành (Trung Quốc). Tuy là huyện đảo biệt lập nhưng Vân Đồn có khả năng kết nối với khu vực Đồng bằng sông Hồng (Quốc lộ 10, Quốc lộ 18), với Tây Bắc qua Lạng Sơn, với phía Nam Trung Quốc.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, tỉnh Quảng Ninh và các nhà đầu tư chiến lược phối hợp chặt chẽ, tiếp tục nghiên cứu, khai thác tối đa các giá trị kinh tế của Vân Đồn; học hỏi kinh nghiệm xây dựng và phát triển các đặc khu kinh tế của các nước trên thế giới trong việc quản lý thông thoáng, cung cấp các dịch vụ tài chính, kinh tế, du lịch, văn hoá có chất lượng cao, đa dạng để thu hút các doanh nghiệp và khách du lịch.

Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị các nhà đầu tư bảo đảm tiến độ các công trình, dự án đã được phê duyệt và triển khai để nhanh chóng phát huy giá trị của Vân Đồn khi dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được trình Quốc hội thông qua vào cuối năm 2017.

Trước đó, trong buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh vào chiều 25-8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, tỉnh Quảng Ninh xem xét lại các chính sách ưu đãi thuế đối với các nhà đầu tư vào Vân Đồn khi chính sách này sẽ không còn phát huy nhiều tác dụng trong bối cảnh kinh tế đất nước đã hội nhập sâu rộng.

Bên cạnh đó, việc xây dựng Đề án khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn cần bảo đảm không cạnh tranh trong thu hút đầu tư với Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Với các nhà đầu tư chiến lược đầu tư tại Vân Đồn từ đầu thì Đề án cần quy định điều khoản chuyển tiếp ưu đãi, bảo đảm công bằng cho các nhà đầu tư này khi Luật đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt có hiệu lực.

Dự thảo Đề án Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn xác định các ngành nghề trọng tâm theo các lĩnh vực (du lịch- dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp) và được phân lớp theo từng giai đoạn phát triển:

- Giai đoạn 1 (2018-2022): Du lịch giải trí có casino, dịch vụ cảng biển, hàng không; thương mại, trung tâm mua sắm quốc tế; công nghệ sáng tạo, trung tâm khởi nghiệp.

- Giai đoạn 2 (2023- 2026): Công viên chuyên đề; ngư nghiệp, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần; giáo dục và đào tạo; dịch vụ tài chính; y tế, chăm sóc sức khoẻ,...

- Giai đoạn 3 (2027- 2030): Công nghệ sinh học, công nghệ xanh, nông nghiệp công nghệ cao.

Dự thảo Đề án cũng đề xuất 75 chính sách đặc thù phân thành 12 nhóm: Ưu đãi thuế (9 chính sách); đất đai và bất động sản (10); tài chính, ngân sách (07); tiền tệ, ngân hàng (06); đầu tư kinh doanh (07); quản lý và phát triển nguồn nhân lực (08); xuất nhập cảnh và quản lý cư trú (07); xuất khẩu hàng hoá (05); đối với nhà đầu tư chiến lược (06); công nghệ cao (05); du lịch (03); chính sách khác (02).

Mô hình tổ chức chính quyền theo mô hình Trưởng Đặc khu, không tổ chức Hội đồng nhân dân./.