Không để áp lực thời gian ảnh hưởng tới sửa Bộ luật Hình sự
Chiều 03-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành thời gian đầu của phiên họp tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.
Bảo đảm chất lượng của Bộ luật
Thời gian trình Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự (Bộ luật) được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, cho ý kiến.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng tán thành quan điểm trình Quốc hội cho phép thông qua dự án Bộ luật tại 2 kỳ họp.
Cũng cùng suy nghĩ phải thông qua tại 2 kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, từ việc xác định được thông qua tại 1 kỳ hay 2 kỳ họp, sẽ xác định được phạm vi điều chỉnh của dự án Bộ luật. Nhấn mạnh tới việc sửa đổi, bổ sung phải phải đảm bảo chất lượng của Bộ luật, không vì áp lực thời gian dẫn đến chất lượng không tốt, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc tán thành với quan điểm của cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cần thiết thông qua dự án Bộ luật tại 2 kỳ họp (tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội thảo luận cho ý kiến và tại Kỳ họp thứ 3 thì thông qua).
Dự án Bộ luật bao gồm rất nhiều vấn đề liên quan đến sửa đổi, bổ sung 141 Điều của Bộ luật hình sự năm 2015 (do một số trường hợp mặc dù chỉ sửa sai sót 1 lỗi kỹ thuật như nguyên tắc tính tỷ lệ tổn thương cơ thể nhưng sẽ liên quan và phải sửa đổi nhiều điều luật để bảo đảm thống nhất).
Dự án Bộ luật vẫn còn rất nhiều nội dung liên quan đến định lượng chi tiết thuộc chuyên ngành sâu chưa thống nhất được giữa các bộ, ngành có liên quan như: cách tính tỷ lệ tổn thương cơ thể, định mức xả thải ra môi trường, chỉ số gây ô nhiễm môi trường, việc có hay không giám định hàm lượng chất ma túy, hàng cấm, vũ khí quân dụng… Trong thời gian rà soát các quy định, định lượng chi tiết, nhiều bộ, ngành đã có ý kiến bằng văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều luật của Bộ luật hình sự năm 2015 cho phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm tính khả thi…, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
Việc sửa đổi, bổ sung không làm ảnh hưởng đến những chính sách lớn về pháp luật hình sự.
Theo Tờ trình của Chính phủ, phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 lần này liên quan đến 141 điều của Bộ luật, gồm 18 điều thuộc Phần Những quy định chung và 123 điều thuộc Phần Các tội phạm, trong đó có 43 điều sửa đổi về kỹ thuật, 97 điều sửa đổi về nội dung quy định trong điều luật và bãi bỏ 01 điều.
Phạm vi điều chỉnh của dự án Bộ luật được thể hiện theo cách tiếp cập thứ nhất. Cụ thể, để phù hợp với dung lượng thông thường của một đạo luật sửa đổi, bổ sung trong bối cảnh cùng với Bộ luật hình sự năm 2015 còn có 03 đạo luật khác đang được lùi hiệu lực thi hành (Bộ luật tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam); đồng thời để bảo đảm tiến độ trình Quốc hội dự án Luật tại Kỳ họp thứ hai (tháng 10-2016) thì phạm vi sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 2015 lần này chỉ nên dừng lại ở những điều khoản cần thiết nhất.
Cụ thể là cần khắc phục những sai sót rõ ràng về kỹ thuật, kết hợp xử lý những quy định chưa hợp lý hoặc có khả năng khó áp dụng trên thực tế nhằm có cách hiểu thống nhất Bộ luật hình sự năm 2015, tiếp tục góp phần đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; đồng thời, bảo đảm ổn định nhiều quy định mang tính nhân đạo, hướng thiện của Bộ luật hình sự năm 2015 hiện vẫn đang có hiệu lực thi hành theo tinh thần Nghị quyết số 144/2016/QH13, ngày 29-06-2016 của Quốc hội khóa XIII.
Yêu cầu đặt ra là việc sửa đổi, bổ sung không làm ảnh hưởng đến những chính sách lớn về pháp luật hình sự đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và không dẫn đến phải sửa các đạo luật có liên quan hiện đang lùi hiệu lực thi hành. Còn đối với những nội dung lớn khác của Bộ luật, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chính sách mới, đến lý luận phức tạp chưa có thực tiễn kiểm nghiệm, thậm chí cả những quy định và cách tiếp cận chưa đạt được sự đồng thuận cao trong quá trình soạn thảo, chỉnh lý, xem xét thông qua Bộ luật thì chưa nên sửa đổi, bổ sung lần này mà cần được tiếp tục nghiên cứu đầy đủ, toàn diện và thấu đáo hơn để có phương án sửa đổi phù hợp trong thời gian tới.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, đối với nhiều chính sách hình sự đã được Bộ Chính trị cho ý kiến, Quốc hội thông qua, các chính sách nhân đạo, tiến bộ mới được đưa vào Bộ luật hình sự năm 2015 thì không đặt vấn đề xem xét, sửa đổi lần này mà cần phải qua quá trình thi hành để tổng kết, đánh giá mới xác định được tính hiệu quả và tiến hành nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung.
Dự án Bộ luật lần này chỉ tập trung sửa đổi những quy định rõ ràng có sai sót dẫn đến bỏ lọt tội phạm (các điều luật bỏ trống mức định lượng), hoặc có thể dẫn đến tùy tiện trong áp dụng (các điều luật có quy định trùng mức định lượng, cùng một đối tượng tác động nhưng lại quy định ở các điều luật khác nhau mà không có quy định loại trừ), hoặc thiếu nhất quán về chính sách hình sự (chủ yếu các điều luật ở Phần chung của Bộ luật hình sự), hoặc chưa phân hóa tội phạm (tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội khác xa nhau nhưng khung hình phạt gần như nhau; thiếu thống nhất về nguyên tắc tính tỷ lệ tổn thương cơ thể)…
Tuy nhiên, việc sửa đổi phải bảo đảm là đã khắc phục hết được những sai sót nêu trên, tránh tình trạng sau khi thi hành lại tiếp tục phát hiện có sai sót. Bên cạnh đó, cũng cần phải nghiên cứu để sửa đổi các điều luật có quy định chưa rõ về nội dung, mâu thuẫn với luật chuyên ngành, sai hoặc không phù hợp về kỹ thuật lập pháp; gây khó khăn trong xử lý tội phạm, thiếu tính dự báo… để bảo đảm tính thống nhất của cả Bộ luật cũng như với các đạo luật khác.
Cũng tán thành với quan điểm này, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng thấy rằng trên quan điểm không quá mở rộng phạm vi sửa đổi, nhưng cũng không nên quá cứng nhắc, trong quá trình rà soát, nếu phát hiện thêm một vài điều cần thiết phải sửa thì cũng nên sửa.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm: Bộ luật hình sự được Chính phủ trình được trình bày theo cách tiếp cận thứ nhất là phù hợp. Nếu theo cách tiếp cận thứ hai mà Chính phủ nêu: “Không nên quá lệ thuộc vào thời hạn trình dự án Luật này mà hạn chế phạm vi sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 2015. Tinh thần chung là cần phải sửa đổi triệt để, toàn diện Bộ luật hình sự năm 2015.
Cụ thể, ngoài những điều khoản đã được phát hiện có sai sót về kỹ thuật, các nội dung có sự bất hợp lý đã đạt được sự đồng thuận cao thì cần tiếp tục rà soát Bộ luật hình sự năm 2015 để phát hiện thêm và có phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp; chẳng hạn như có thể bổ sung tội danh mới, cần xử lý triệt để các vấn đề liên quan đến trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội hoặc tính toán kỹ hơn về tính hợp lý của việc cụ thể hóa hầu hết các yếu tố định tính trong Bộ luật hình sự năm 2015 thành các mức định lượng ...”, Chủ tịch Quốc hội thấy rằng một Bộ luật đồ sộ mà chúng ta chưa thực hiện mà lại phải sửa lại hết, cả các nội dung mà Quốc hội khóa XIII đã làm là không đúng. Do đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị bám sát Nghị quyết Nghị quyết số 144, sửa đổi, bổ sung Bộ luật phải bảo đảm sự đồng bộ, tương thích giữa các Bộ luật, không thể vì sửa luật này lại kéo theo sửa luật khác.
Kết luận phần thảo luận này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, trên cơ sở các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban thẩm tra dự án Bộ luật tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét dự án Bộ luật tại Kỳ họp thứ 2./.
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 26-9 đến ngày 02-10-2016)  (03/10/2016)
Đề nghị kiểm toán về việc quản lý và sử dụng vốn ODA  (03/10/2016)
Thiếu điện sẽ gây sự hỗn loạn đối với sự phát triển  (03/10/2016)
Khai mạc Phiên họp thứ tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV  (03/10/2016)
Nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,3% - 6,5%  (03/10/2016)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay