Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng: Ý kiến của các nhà nghiên cứu, luật sư, giảng viên, sinh viên
Cụ thể hóa vai trò của Nhà nước trong thể chế kinh tế thị trường
Tại mục IV, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII về hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường có đánh giá về vai trò của Nhà nước được điều chỉnh phù hợp hơn với cơ chế thị trường, ngày càng phát huy dân chủ trong đời sống kinh tế - xã hội. Việc huy động và phân bổ các nguồn lực gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã từng bước phù hợp với cơ chế thị trường; hạn chế và kiểm soát độc quyền kinh doanh.
Về nội dung này, theo Tiến sĩ Đinh Thế Hưng (Trưởng phòng tư pháp hình sự, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng: Trong phần giải pháp, vai trò của Nhà nước trong thể chế kinh tế thị trường chưa được cụ thể hóa. Cụ thể ở đây là cần xem xét lại chức năng của Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế trong nền kinh tế thị trường, nói cách khác là xử lý quan hệ giữa Nhà nước và thị trường trong thể chế kinh tế thị trường. Thể hiện ở các mặt: Đổi mới công cụ quản lý kinh tế từ mệnh lệnh hành chính sang điều hành bằng thiết lập môi trường, không gian thông thoáng cho các hoạt động kinh tế bao gồm việc Nhà nước tập trung vào duy trì kỷ luật, trật tự trong lĩnh vực kinh tế, duy trì tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, phát hiện, chấn chỉnh và khắc phục những khiếm khuyết của thị trường, cải cách bộ máy, công chức có năng lực để quản lý kinh tế trong điều kiện kinh tế thị trường.
Một trong những phương hướng hoàn thiện thể chế kinh tế mà Báo cáo chính trị đề cập đến là sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Ở khía cạnh này, luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty luật Thiên Thanh, Đoàn luật sư Hà Nội) nhận xét: Thời gian qua, Nhà nước đã tiến hành cải cách nhiều doanh nghiệp Nhà nước. Đây là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên chưa đạt được hiệu quả như mong muốn bởi sự tác động của nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do hệ thống pháp luật phục vụ cho hoạt động này chưa hoàn thiện. Nói cách khác, muốn cải cách doanh nghiệp nhà nước cần phải chuẩn bị cơ sở về mặt pháp lý. Thời gian qua, hàng loạt các vướng mắc về pháp luật chưa được tháo gỡ như: Cổ phần hoá doanh nghiệp, định giá doanh nghiệp, quyền lợi của người lao động, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp phải cổ phần hóa, cơ chế giám sát tránh thất thoát tài sản Nhà nước khi cổ phần hóa, bán doanh nghiệp thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp… khiến cho việc cải cách doanh nghiệp Nhà nước bị chậm trễ. Vì vậy, theo luật sư Truyền, trong Báo cáo chính trị cần nhấn mạnh vấn đề hoàn thiện cơ chế pháp lý cho việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nhằm phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này.
Kiểm soát và nâng cao hiệu quả quyền lực của Nhà nước
Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, điểm đáng chú ý mà Báo cáo chính trị cần nhấn mạnh là liên quan đến vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước. Đây là vấn đề đã được đặt ra trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI là cần: “Tiếp tục xây dựng, từng bước hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền”. Đây cũng là điểm mới của Hiến pháp 2013 cần được thể chế hóa và cụ thể hóa trong tổ chức hoạt động của các cơ quan. Hoạt động kiểm soát quyền lực Nhà nước ở nước ta rất cần thiết và quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới thực tiễn tác động của quyền lực nhà nước, song trên thực tế cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiện tượng kiểm soát quyền lực nhà nước lỏng lẻo, không thường xuyên, hình thức, thậm chí không kiểm soát… vẫn còn làm cho công lý, công bằng, dân chủ không được thực thi nghiêm túc, trật tự xã hội có nhiều xáo trộn, tham nhũng, tiêu cực phát sinh nhiều trong bộ máy nhà nước… ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước ở nước ta, làm giảm hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền.
Để kiểm soát quyền lực nhà nước cần có sự phân công hợp lý, chính xác giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lực nhà nước, để việc giám sát được tiến hành thuận lợi và hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lực nhà nước là điều kiện cần thiết để thực hiện việc kiểm soát hiệu quả. Thiết lập cơ chế để tất cả các cơ quan, công chức nhà nước đều phải bị kiểm soát khi thực hiện quyền lực nhà nước. Đặc biệt, cần chú ý đến việc thiết lập các thiết chế chuyên nghiệp kiểm soát quyền lực nhà nước…
Nhấn mạnh công tác tổ chức thực hiện pháp luật
Ở góc độ chuyên gia nghiên cứu pháp luật, Tiến sĩ Đinh Thế Hưng cho rằng: Trong Mục XIV về Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Báo cáo chính trị mới chỉ đề cập đến vấn đề xây dựng pháp luật mà chưa đề cập đến công tác tổ chức thực hiện pháp luật trên thực tế. Thời gian qua cho thấy công tác này đã bộc lộ những yếu kém cố hữu. Pháp luật chưa thực sự đi vào cuộc sống bởi công tác tổ chức thực hiện chưa phù hợp, sát thực.
Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hưng, để làm tốt công tác tổ chức thực hiện pháp luật, cần có những giải pháp sau:
Trước hết, cần phải củng cố về mặt tổ chức: đối với các cán bộ, công chức, chuyên viên chuyên ngành cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm trước pháp luật về công việc mình đang đảm nhiệm, nhất là trong việc đưa pháp luật gần gũi với người dân, được người dân ủng hộ.
Thứ hai, chuẩn bị về mặt nội dung của công tác đánh giá thi hành pháp luật: Đánh giá tình hình thực thi pháp luật theo khu vực Bắc - Trung - Nam, theo cấp chính quyền Trung ương - địa phương, theo chuyên ngành như: Thuế, Ngân hàng, doanh nghiệp, đầu tư…
Thứ ba, trong quá trình khảo sát, đánh giá hoạt động thi hành pháp luật cần phải thường xuyên kết hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn ở địa phương để thu được kết quả xác đáng, phản ánh đúng tình hình thi hành pháp luật ở khu vực đó.
Thứ tư, công khai kết quả theo dõi, xử lý văn bản pháp luật đối với các văn bản pháp luật trái luật; văn bản pháp luật ban hành trái thẩm quyền; văn bản pháp luật ban hành không điều chỉnh đúng đối tượng và phạm vi áp dụng; không đúng tinh thần của văn bản luật; văn bản ban hành không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, tình hình dân cư của địa bàn quản lý…
Cần đầu tư đúng đắn cho giáo dục
Xuất thân từ một gia đình lao động thuộc diện hộ nghèo, bản thân tự vượt khó vươn lên đạt nhiều thành tích cao trong học tập, đối với Trần Trọng Biên (Đại học Dược Hà Nội, Thủ khoa xuất sắc thành phố Hà Nội tốt nghiệp năm 2015) thì việc được đầu tư đúng đắn cho giáo dục giữ một vai trò đặc biệt quan trọng.
Thủ khoa Trần Trọng Biên bày tỏ sự đồng tình, nhất trí đối với nội dung trong Mục V.1 của dự thảo Báo cáo chính trị nêu rõ về việc cần: “Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách giá dịch vụ giáo dục - đào tạo. Đẩy mạnh xã hội hóa, trước hết đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Tiếp tục thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp học; từng bước hiện đại hoá cơ sở vật chất - kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin”.
Tuy nhiên, theo Thủ khoa Trần Trọng Biên, trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng cần quy định rõ những thể chế quản lý chặt chẽ vấn đề xã hội hóa giáo dục, nên có sự chọn lọc đào tạo chất lượng trong lĩnh vực này. Việc xã hội hóa đã giúp huy động được nhiều nguồn lực để phát triển giáo dục tuy nhiên lại diễn ra một cách ồ ạt và tồn tại nhiều lỗ hổng, khiến nhiều trường đại học, cao đẳng đang “bị thả lỏng”. Điển hình như trong ngành Y dược, có rất nhiều trường dân lập được mở ra, tổ chức giảng dạy nhưng không tổ chức thi tuyển đầu vào mà chỉ xét tuyển rất sơ sài hoặc điểm đầu vào rất thấp. Đội ngũ giảng viên chủ yếu thuê từ các trường công lập, trang thiết bị phòng thí nghiệm không đầy đủ, nhiều cơ sở đào tạo Y dược không có phần thực hành mà chỉ học lý thuyết…; khó đảm bảo chất lượng đào tạo học sinh, sinh viên.
Giáo dục phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất
Giảng viên Đậu Công Hiệp (Khoa Hành chính Nhà nước, Đại học Luật Hà Nội) cho rằng: Giáo dục là lĩnh vực vô cùng quan trọng trong đời sống, được Hiến pháp 2013 nhấn mạnh là quốc sách hàng đầu, nhận được sự chú trọng quan tâm của Đảng và Nhà nước. Trong bối cảnh đó, dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu ra những định hướng chiến lược quan trọng nhằm đạt được mục tiêu đổi mới căn bản nền giáo dục, hướng tới tạo ra những sản phẩm giáo dục chất lượng. Song, theo giảng viên Đậu Công Hiệp, việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo cần quyết liệt hơn nữa, chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu là trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn liền thực tế, đào tạo ngành nghề phải sát với nhu cầu thực tế cần sử dụng, cấp văn bằng chứng chỉ phải đúng với thực chất kiến thức của người học.
Trên thực tế, các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ trong nhà trường, nhất là sinh viên cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp còn ít, chưa hiệu quả. Vì vậy, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng, dụng khoa học trong nhà trường để khuyến khích sự đam mê, sáng tạo của sinh viên về khoa học và công nghệ. Cùng với đó, cần có các chính sách thu hút nhân tài, xây dựng trường trung cấp, trường dạy nghề mang tầm cỡ quốc gia, trường đại học mang đẳng cấp quốc tế; cần có chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, phát triển đội ngũ giáo viên có trình độ đáp ứng với nhu cầu của xã hội.
Cũng liên quan tới lĩnh vực này, đoàn viên Tạ Đức Thanh (Bí thư Đoàn trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại) cho rằng, trong Dự thảo cần bổ sung thêm nội dung tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục cũng như tăng cường việc ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Cụ thể, cần bổ sung thêm nội dung: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học; tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ trong giáo dục và đào tạo” nhằm tạo động lực khuyến khích các cơ sở giáo dục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như ứng dụng khoa học và công nghệ trong đào tạo.
Chủ động gắn kết giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực
Đưa ra cái nhìn thực tế trong những năm gần đây, Thủ khoa Trần Trọng Biên cho rằng chất lượng đào tạo chưa đạt yêu cầu, cơ cấu lao động bất hợp lý chính là nguyên nhân khiến cho thị trường lao động ở tình trạng vừa thừa, vừa thiếu (thừa thầy, thiếu thợ, thừa lao động phổ thông, thiếu lao động trình độ cao). Các sinh viên sau khi tốt nghiệp đi xin việc đa số được các nhà tuyển dụng đánh giá là có kiến thức nhưng thiếu hụt nhiều kỹ năng quan trọng như: Ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tư duy…
Do vậy, để góp phần khắc phục tình trạng này, bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo ở khu vực đại học, Thủ khoa Trần Trọng Biên kiến nghị Đảng và Nhà nước cần có quy hoạch chi tiết và phát triển mạng lưới các trường dạy nghề chất lượng cao, tầm cỡ quốc gia, đảm bảo đồng bộ về quy mô, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy mô phát triển các ngành, nghề, lĩnh vực… sát với nhu cầu thực tế; đồng thời sáp nhập hoặc giải thể các trường không đạt chuẩn theo quy định.
Theo giảng viên Đậu Công Hiệp (Khoa Hành chính Nhà nước, Đại học Luật Hà Nội), hiện nay nhiều ngành đào tạo trong nhà trường không đáp ứng được nhu cầu của xã hội dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên ra trường không có việc làm. Vì vậy, cần có sự gắn kết giữa đào tạo nguồn nhân lực và sử dụng nguồn nhân lực, quy định rõ việc quy hoạch ngành nghề tại các trường cần phù hợp với nhu cầu nhân lực của thị trường lao động để có định hướng đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế. Hiện nay nhiều phụ huynh có tư tưởng chọn ngành nghề cho con từ khi còn học ở bậc tiểu học, dẫn đến việc định hướng sai ngành nghề nên khi ra trường sinh viên không phát huy được năng lực, sở trường và đam mê của mình, rất nhiều sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu của công việc. Vì vậy, các bậc phụ huynh không nên lựa chọn ngành nghề cho con quá sớm mà hãy để cho các em phát huy đúng sở trường, năng lực, nghề nghiệp yêu thích của bản thân.
Chung quan điểm cân đối hợp lý giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, giảng viên Lục Quang Tấn (Khoa Hóa học, Đại học Sư phạm Hà Nội 2) đề nghị Dự thảo báo cáo cần bổ sung thêm nội dung “Xây dựng chiến lược quốc gia nguồn nhân lực theo từng ngành, từng lĩnh vực và từng khu vực phù hợp với điều kiện cụ thể” bởi mỗi ngành, mỗi lĩnh vực sẽ có những đặc điểm khác nhau, thực hiện nhiệm vụ khác nhau. Xây dựng chiến lược quốc gia nguồn nhân lực cần phải xây dựng ở từng ngành trong tổng thể các ngành, gắn chặt với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Ngoài ra, ở những vùng đặc biệt khó khăn, cần có chiến lược hết sức cụ thể, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa đảm bảo vấn đề an ninh, quốc phòng./.
Việt Nam khẳng định cam kết bảo đảm và thúc đẩy quyền con người  (31/10/2015)
Công bố chỉ số năng lực cạnh tranh doanh nghiệp về thương mại 2015  (31/10/2015)
EXPO Milan 2015 được coi là một cú hích cho nền kinh tế Italy  (31/10/2015)
Nguy cơ thiếu nước sẽ rất gay gắt  (31/10/2015)
Xây dựng Thành phố Hải Phòng ngày càng giàu đẹp, văn minh, an toàn, cuộc sống người dân thực sự bình yên  (31/10/2015)
Chuyển giao công nghệ, ngư cụ khai thác cá ngừ hiện đại cho ngư dân  (31/10/2015)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên