TCCSĐT - Đó là một trong những mục đích chính của Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về sự dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2011 - 2020, do Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng ngày 30-10-2015.

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương Đỗ Đức Quân, khẳng định: Ngày 01-01-2011, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực, sau gần 5 năm triển khai đã gỡ bỏ được nhiều rào cản, tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói chung, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2011 - 2015 (Chương trình) nói riêng. Điểm đáng mừng là, các chủ trương của Nhà nước và Chính phủ đã từng bước tác động một cách tích cực đến người dân, cộng đồng doanh nghiệp về thói quen thực hiện tiết kiệm năng lượng một cách tự nguyện nhất.

Theo đồng chí Đỗ Đức Quân, sau gần 5 năm triển khai Chương trình thu hút được 585 dự án; gần 10 nghìn mẫu sản phẩm thuộc 14 nhóm sản phẩm mục tiêu đã được dán nhãn năng lượng; trên 100 tòa nhà được vinh danh “Tòa nhà hiệu quả năng lượng. Đáng chú ý, bằng việc hỗ trợ ban đầu cho 3.000 giàn nước nóng năng lượng mặt trời từ Chương trình đã kích thích và tạo ra một thị trường nước nóng sôi động với nhiều mẫu mã đa dạng. Từ lợi ích do sử dụng giàn nước nóng mang lại, đến nay cả nước có trên 700.000 giàn nước nóng năng lượng được lắp đặt, ước tính mỗi năm tiết kiệm được khoảng 1 tỷ kwh, tương đương 1.600 tỷ đồng.

Nhằm khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước, Chủ tịch Hội Khoa học & công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam Đỗ Hữu Hào cho biết: Nhiều năm qua, để bảo đảm cho sự phát triển kinh tế, xã hội một cách bền vững, Nhà nước ta luôn chú trọng đến phát triển năng lượng nên việc thăm dò, khai thác, sản xuất, truyền tải và phân phối nguồn năng lượng được đẩy mạnh. Tuy nhiên, trước những yêu cầu phát triển mới của đất nước, các chuyên gia dự báo vẫn có khả năng mất sự cân đối giữa cung - cầu về năng lượng, nguyên nhân chính là do giới hạn về trình độ công nghệ, nguồn tài chính và năng lực đầu tư. Trước tình hình đó, trong giai đoạn 2011 - 2015 Chính phủ đã chỉ đạo nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu hụt về cung cấp năng lượng, như khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng các nguồn điện; áp dụng biểu giá than, dầu, điện và khí hợp lý, tiệm cận dần cơ chế giá thị trường; tái cấu trúc cơ cấu ngành,… Cùng với việc ban hành nhiều quy định, nghị định, Nhà nước ta còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để vận động toàn dân tham gia các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Do đó sau 5 năm triển khai thực hiện giai đoạn 2011 - 2015, mức năng lượng tiết kiệm đạt gần 6% trên tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến đã thẳng thắn nhìn nhận: Những kết quả đạt được trong 5 năm qua theo tinh thần Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là rất khiêm tốn, qua thực tế đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ như vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu về sử dụng năng lượng; việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về sử dụng năng lượng trong các ngành chưa thực sự đồng bộ. Khó khăn nữa là chuyên gia về công nghệ đang thiếu và yếu; vốn đầu tư ban đầu cho các dự án tiết kiệm năng lượng, hoạt động thanh tra, kiểm tra trong sử dụng năng lượng chưa thật sự bảo đảm. Việc thực hiện Chương trình ở các doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu, trong khi nguồn nhân lực triển khai và giám sát thực hiện Luật Tiết kiệm năng lượng và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan từ trung ương đến địa phương còn hạn chế.

Để có những giải pháp phù hợp trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2016 - 2020, nhiều ý kiến tham luận tại Hội nghị cho rằng: Các tỉnh, thành trên cả nước cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp tham gia các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó cần có cơ chế khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư thực hiện tốt giải pháp tiết kiệm năng lượng. Chú trọng tăng cường công tác giám sát tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm một cách đột xuất để bảo đảm độ chính xác trong công tác báo cáo tình trạng sử dụng năng lượng và kế hoạch sử dụng năng lượng.

Bên cạnh đó, mỗi tỉnh, thành phố cần có hệ thống cơ sở dữ liệu để thực hiện đánh giá toàn diện các lĩnh vực sử dụng năng lượng, từ đó mới có thể đề xuất các chỉ tiêu dài hạn. Đồng thời, chính quyền các địa phương cần có sự hỗ trợ về mặt chủ trương trong việc hình thành các chương trình thực hiện tiết kiệm năng lượng, ứng dụng năng lượng tái tạo trên diện rộng, ví dụ tại Thành phố Hồ Chí Minh tất cả các công ty, tập đoàn, hợp tác xã lớn, các đơn vị quản lý kết cấu hạ tầng phải ký cam kết với Ủy ban nhân dân Thành phố trong việc thực hiện tiết kiệm năng lượng.

Điểm đáng chú ý nữa là, Bộ Công Thương sớm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển điện mặt trời và hướng dẫn mua lại điện năng dư thừa từ các hộ tiêu thụ trang bị có hệ thống điện mặt trời hòa điện lưới; sớm xây dựng các tiêu chí cụ thể trong tiết kiệm năng lượng để có thể đáp ứng các chỉ tiêu tăng trưởng xanh trong thời gian tới./.