TCCSĐT - Ngày 08-6-2015, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm bảy nền công nghiệp phát triển (G7) đã bế mạc sau hai ngày làm việc tại lâu đài Elmau, miền Nam nước Đức, với Tuyên bố chung đề cập tới nhiều vấn đề khu vực và thế giới.

G7 ra tuyên bố chung về nhiều vấn đề quốc tế

 

 Các đại biểu tham dự phiên khai mạc của G7. Ảnh: g7germany.de

Ngày 08-6-2015, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm bảy nền công nghiệp phát triển (G7) đã bế mạc sau hai ngày làm việc tại lâu đài Elmau, miền Nam nước Đức, với Tuyên bố chung đề cập tới nhiều vấn đề khu vực và thế giới.

Về tình hình kinh tế, Tuyên bố của G7 khẳng định quyết tâm giải quyết các thách thức, tiếp tục các nỗ lực nhằm thúc đẩy và đạt được tăng trưởng thông qua khuyến khích giáo dục, cải tiến, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ủng hộ đầu tư cá nhân. G7 cũng cam kết củng cố hệ thống thương mại đa phương trên cơ sở luật pháp quốc tế; hoan nghênh và kêu gọi nhanh chóng kết thúc các cuộc đàm phán thương mại quan trọng đang được tiến hành. Về chính sách an ninh và đối ngoại, G7 tuyên bố thực hiện các chính sách trên cơ sở các giá trị và nguyên tắc chung, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do, hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ. Các nhà lãnh đạo G7 bày tỏ quan ngại trước những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông và Biển Hoa Đông; đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết xung đột một cách hòa bình cũng như bảo đảm tự do hàng hải và khai thác kinh tế biển một cách hợp pháp. Tuyên bố của G7 cũng đề cập vấn đề hạt nhân của Iran, khủng hoảng tại Libya, cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố và tài trợ cho khủng bố, biến đổi khí hậu, năng lượng và môi trường.

Châu Phi: Thành lập khu vực thương mại tự do ba bên

 

Khu vực thương mại tự do ba bên là bước đệm để hình thành Khu vực thương mại tự do châu lục (CFTA) vào năm 2017. Ảnh: ft.com

Ngày 10-6-2015, tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập, 25 quốc gia châu Phi đã ký thỏa thuận thành lập khu vực thương mại tự do. Khu vực thương mại tự do ba bên này bao gồm 25 nước thuộc Thị trường Trung Đông và Nam Phi (COMESA), Cộng đồng Đông Phi (EAC), Cộng đồng Phát triển Nam Phi (SADC), chiếm nửa số thành viên Liên minh châu Phi (AU), bao gồm 625 triệu dân, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 1.200 tỷ USD, chiếm 58% GDP châu lục.

Việc ký kết thỏa thuận trên của Ai Cập sẽ bị trì hoãn cho đến khi Quốc hội mới nước này được bầu. Hiện quốc gia Bắc Phi này vẫn chưa có Quốc hội sau khi Quốc hội được bầu năm 2011 bị giải tán. Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi nhấn mạnh đây là bước ngoặt trong lịch sử hội nhập kinh tế châu Phi. Khu vực thương mại tự do ba bên sẽ là khối kinh tế lớn nhất trong châu lục và là bước đệm để hình thành Khu vực thương mại tự do châu lục (CFTA) vào năm 2017. Khu vực thương mại tự do ba bên sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho kinh doanh và đầu tư, cũng như là nguồn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Hội nghị thượng đỉnh EU - CELAC tập trung vào kinh tế - thương mại

 

Hội nghị thượng đỉnh EU - CELAC tại Brussels, Bỉ. Ảnh: europa.eu


Từ ngày 10-6 đến ngày 11-6-2015, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) - Cộng đồng các quốc gia Caribe và Mỹ Latinh (CELAC) lần thứ tám diễn ra tại Thủ đô Brussels, Bỉ với chủ đề “Hình thành tương lai chung nhằm hướng tới cuộc sống thịnh vượng, đoàn kết và bền vững cho người dân”.

Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề chính trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, như các chương trình viện trợ khu vực và song phương đối với các nước Mỹ Latinh và Caribe, cũng như khởi động hợp tác quốc tế mới hướng tới thắt chặt các mối quan hệ thương mại. Ngoài ra, Hội nghị cũng quan tâm đến tình trạng nóng lên của Trái đất, hiện đang liên quan trực tiếp đến nhiều quốc gia ven biển với nguy cơ nước biển dâng; tiến trình hòa bình tại Colombia, việc tái thiết Haiti và quá trình cải cách của Cuba. Trong khuôn khổ Hội nghị cũng tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp nhằm thảo luận các vấn đề trong lĩnh vực công nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đàm phán nợ giữa Hy Lạp với IMF và EU rơi vào bế tắc

 

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại trụ sở của Liên minh châu Âu (EU). Ảnh: theguardian.com

Ngày 11-6-2015, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cuộc đàm phán kéo dài 11 giờ đồng hồ giữa Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker và đại diện IMF về thỏa thuận cứu trợ cho Hy Lạp rơi vào bế tắc do Athens vẫn khăng khăng với chính sách chống “thắt lưng buộc bụng”. Người phát ngôn IMF Gerry Rice tuyên bố giữa các bên vẫn tồn tại những bất đồng quá lớn trong hầu hết các lĩnh vực chủ chốt (lương hưu, thuế và vốn) và các cuộc đàm phán vừa qua không giúp thu hẹp được sự khác biệt. Vì vậy, khả năng đạt được thỏa thuận tiếp tục giải ngân cho Hy Lạp khoản cuối cùng 7,2 tỷ euro trong gói cứu trợ tổng thể trị giá 240 tỷ euro là rất xa vời. Đại diện IMF nêu rõ với quan điểm như vậy, Hy Lạp sẽ không thể thanh toán được các khoản nợ đã được gia hạn đến cuối tháng này. Tuy nhiên, người phát ngôn IMF nhấn mạnh dù rút phái đoàn đàm phán về Washington, định chế tài chính này không có ý định từ bỏ đàm phán và sẽ tiếp tục tiến trình trên với Athens. Trong khi đó, Chủ tịch EU Donald Tusk cảnh báo Chính phủ Hy Lạp “không còn thời gian cho trò đánh bạc may rủi” và Athens cần phải thực tế hơn. Theo ông, điều rõ ràng là đã tới lúc các bên cần có quyết định chứ không phải ngồi thương lượng.

Về phần mình, Chính phủ Hy Lạp tuyên bố sẽ tăng cường nỗ lực để giải quyết những bất đồng với IMF và EU nhằm đạt được một thỏa thuận cuối cùng cho phép nước này nhận được khoản cứu trợ mang tính quyết định vào thời điểm hiện tại./.