Các hoạt động nhân kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

NĐ tổng hợp Nguồn: TTXVN
16:38, ngày 14-06-2015
TCCSĐT - Hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2015), trên cả nước đã có các hoạt động thăm hỏi, chúc mừng các nhà báo và cơ quan báo chí; tọa đàm về nghề báo, nhà báo và phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thăm và chúc mừng báo VietNamNet

Tối 13-6, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đi thăm và chúc mừng các cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo điện tử VietNamNet - một trong những tờ báo điện tử đầu tiên ở Việt Nam, ra đời vào cuối năm 1997.

Giới thiệu đôi nét về quá trình hình thành và phát triển báo điện tử VietNamNet , Tổng biên tập Phạm Anh Tuấn cho biết: VietNamNet đã phát triển khá nhanh cả về chất lượng nội dung và quy mô tổ chức, trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện. Báo có số lượng độc giả rất lớn trong nước và nhất là nước ngoài. VietNamNet nằm trong TOP 20 trang web tiếng Việt và đứng thứ ba trong làng báo điện tử tiếng Việt. Báo có đội ngũ hơn 150 phóng viên, biên tập viên được đào tạo bài bản.

Gửi lời chúc mừng tới cán bộ, phóng viên, biên tập viên báo VietNamNet , Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá cao sự nỗ lực không ngừng của báo, từ một trung tâm tin phát triển thành tờ báo với nhiều loại hình báo chí, luôn đi lên bắt nhịp với thời cuộc. Báo VietNamNet đã phản ánh được những thông tin mới, nhanh nhạy, có góc nhìn , góc bình luận sáng tạo, thu hút được bạn đọc.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân mong muốn các cơ quan báo chí nói chung, VietNamNet nói riêng, cần tiếp tục đổi mới cách thức thông tin, tuyên truyền về các điển hình tốt, phản ánh sức sáng tạo của nhân dân. Báo chí góp phần huy động sức mạnh dân tộc, tập hợp trí tuệ của nhân dân để giải quyết những khó khăn của đất nước; gợi mở báo VietNamNet tổ chức cuộc tọa đàm nhìn lại 30 năm đổi mới, phân tích thời cơ và thách thức, những yếu tố tích cực và tiêu cực, đề xuất xu hướng phát triển đất nước trong giai đoạn hội nhập sâu rộng. Thông qua đó, Mặt trận Tổ quốc lắng nghe, trao đổi với bạn đọc hiến kế phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tọa đàm kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Chiều 12-6, tại thành phố Đồng Hới, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Bình tổ chức tọa đàm kỷ niệm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của báo chí Cách mạng Việt Nam.

Ông Nguyễn Thái Thiên, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ôn lại truyền thống và những đóng góp của báo chí Cách mạng Việt Nam trong tiến trình lịch sử giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; biểu dương những thành tích và đóng góp của báo chí Quảng Bình trong thời gian qua, nêu những tích cực và hạn chế giữa quan hệ mạng xã hội và báo chí. Trước sự phát triển và cạnh tranh không ngừng của báo chí, Phó Cục trưởng Cục Báo chí mong muốn các nhà báo, phóng viên cần giữ vững đạo đức nghề nghiệp, đưa tin chính xác, tôn trọng sự thật và cần “tỉnh táo” trước những thông tin tràn lan trên mạng xã hội; hoàn thành và phát huy tốt hơn nhiệm vụ của người làm báo, góp phần vào công cuộc xây dựng Đảng, Nhà nước và phụng sự nhân dân.

90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí Cách mạng Việt Nam đã đóng góp công sức to lớn trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giành độc lập tự do và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Báo chí tỉnh Quảng Bình đã có bước trưởng thành về mọi mặt, cả về số lượng lẫn chất lượng. Với 8 cơ quan báo chí, gần 100 nhà báo và hơn 30 cơ quan báo chí Trung ương có phóng viên thường trú, cộng tác viên hoạt động báo chí tại tỉnh, đội ngũ hoạt động báo chí đã góp phần tích cực vào giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể xã hội và là diễn đàn tin cậy của nhân dân.

Chia sẻ về một số kinh nghiệm hoạt động báo chí, nhà báo Trần Quốc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Báo Nhân dân bộc bạch, trong bom đạn ác liệt, điều kiện và phương tiện tác nghiệp khó khăn, thiếu thốn nhưng nhà báo vẫn có ý thức rèn luyện để nâng cao trình độ nghiệp vụ. Những người làm báo trong chiến tranh luôn cố gắng phấn đấu để xứng đáng là “những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa” của Đảng như Bác Hồ đã dạy.

Theo nhà báo Trần Quốc Vinh, quá trình tác nghiệp của người làm báo có thể thay đổi do sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, nhưng đạo đức nghề nghiệp của người làm báo thể hiện ở lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng, tính trung thực và tinh thần chiến đấu không mệt mỏi, tác phong cẩn thận, chu đáo là không bao giờ thay đổi. Vì vậy, mỗi người làm báo phải tự đấu tranh để vượt qua chính mình, không bẻ cong ngòi bút viết sai sự thật, thương mại hóa báo chí và không quên người làm báo cũng là người công dân Việt Nam.

Các đại biểu cũng đã nghe các ý kiến có giá trị, ý nghĩa về truyền thống cách mạng vẻ vang của ngành Báo chí qua 90 năm phấn đấu, trưởng thành; tiếp thu những kinh nghiệm quý báu trong sự nghiệp hoạt động báo chí của các nhà báo lão thành. Các nhà báo, phóng viên cũng bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, những trăn trở trong nghề báo hiện nay và t rao đổi một số nhiệm vụ trong công tác quản lý nhà nước nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thông tin tuyên truyền báo chí trong thời gian tới, từng bước xây dựng môi trường hoạt động báo chí lành mạnh, phát triển, khẳng định giá trị truyền thống báo chí cách mạng của Đảng trong thời đại bùng nổ thông tin, hội nhập quốc tế hiện nay.

Đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã chúc mừng, biểu dương những đóng góp của các nhà báo, phóng viên đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự của địa phương trong thời gian qua, đồng thời đề nghị các cơ quan báo chí, đội ngũ nhà báo, phóng viên trên địa bàn lưu ý một số vấn đề như đảm bảo công tác thông tin trung thực, chính xác; tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tập trung nhiều hơn nữa trong công tác phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến; phản ánh những mặt tiêu cực, hạn chế của xã hội; tham gia, phát huy vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, góp phần tích cực vào việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương, đất nước…

Giải báo chí quốc gia năm 2014: Báo chí địa phương đã cạnh tranh được với trung ương

Một trong những sự kiện được báo giới cả nước quan tâm vào dịp 21-6 hàng năm là Giải báo chí quốc gia. Năm nay có điểm đặc biệt hơn vì là năm đầu tiên, Giải báo chí quốc gia được tổ chức theo Đề án nâng cao chất lượng giải báo chí quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trao đổi với phóng viên về Giải báo chí quốc gia lần thứ IX, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ, đồng thời là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Giải báo chí quốc gia năm nay khẳng định: Chất lượng các tác phẩm dự thi được đề cao. Tác phẩm dự Giải năm nay nhìn chung đồng đều về chất lượng, đặc biệt là truyền hình của các cơ quan báo chí địa phương năm nay đã có tác phẩm cạnh tranh được với trung ương.

Năm nay là năm thứ 3 liên tiếp Giải có số tác phẩm gửi dự thi cao, ở mức trên dưới 1.500 tác phẩm; có sự tham gia của 62/63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 18/19 Liên Chi hội và 37 Chi hội nhà báo trực thuộc Trung ương. Hội đồng đã chọn được 177 tác phẩm xuất sắc nhất ở cả 4 loại hình báo chí: Truyền hình, phát thanh, báo in, báo điện tử vào vòng chung khảo. Từ đó, Hội đồng chung khảo đã chấm công tâm, đề cao chất lượng và 118 tác phẩm đã được giải, gồm 9 giải A, 26 giải B, 54 giải C và 29 giải Khuyến khích.

Số tác phẩm nhiều nhất, có chất lượng hơn cả trong Giải năm nay là các chủ đề xây dựng Đảng, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, các vấn đề kinh tế, nông nghiệp, nông thôn, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chống các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ. Cũng có nhiều tác phẩm về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03, giới thiệu những nhân tố mới, gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến trong hoạt động kinh tế, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt; các vấn đề phát triển gắn với bảo vệ môi trường...

Về chất lượng, các tác phẩm dự Giải báo chí quốc gia năm nay nhìn chung đồng đều. Điều đáng mừng là chất lượng các tác phẩm báo chí, nhất là truyền hình của các cơ quan báo chí địa phương năm nay đã cao hơn các năm trước, có những tác phẩm cạnh tranh được với các cơ quan báo chí trung ương, đoạt giải cao nhất ở nhiều thể loại.

Trong số 9 giải A có thể nhận thấy các tác phẩm đoạt giải A phân bổ khá đều giữa các cơ quan báo chí trung ương và địa phương, không hẳn tập trung ở các cơ quan báo chí lớn, cho thấy mặt bằng của báo chí khá đồng đều. Các cơ quan báo chí địa phương đã rất nỗ lực, đầu tư công sức, máy móc kĩ thuật để sáng tạo ra tác phẩm chất lượng tốt. Nổi bật là Liên chi hội Nhà báo Quảng Ninh đã vượt qua hơn 20 tác phẩm khác lọt vào chung khảo, giành được giải A với tác phẩm "Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng - Nhìn từ tinh giản bộ máy biên chế ở Quảng Ninh" ở thể loại tin, phóng sự, kí sự truyền hình. Báo Tuổi trẻ điện tử cũng giành giải A thể loại tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận với tác phẩm "Câu chuyện Sam Lang: Chui vào túi nilông để... qua suối". Đây là loạt bài phản ánh mang tính chất phát hiện mà có thể nói là gây chấn động trong dư luận xã hội, phương thức thể hiện sinh động. Ở Giải B, bên cạnh các cơ quan báo chí lớn còn có sự góp mặt của các cơ quan báo chí địa phương như Quảng Ngãi, Quảng Bình.

Theo nhà báo Hà Minh Huệ, để giải báo chí quốc gia những năm tới đạt chất lượng cao hơn, các cấp Hội, các cơ quan báo chí cần đầu tư nhiều hơn nữa cho khâu tuyển chọn, đánh giá chất lượng tác phẩm... ./.