TCCSĐT - Trước những diễn biến phức tạp của Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERS-CoV) do vi rút Corona gây nên trên thế giới và khu vực cũng như nguy cơ bệnh này có thể xâm nhập vào Việt Nam, ngành Y tế đã triển khai các biện pháp chủ động, tích cực phòng chống căn bệnh này.

Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERS-CoV) do vi rút Corona gây nên. Bệnh có khả năng lây truyền từ người sang người, chủ yếu trong nhóm người có tiếp xúc gần. Người mắc bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính như: sốt, ho, viêm phổi nặng và nhanh chóng dẫn đến suy hô hấp cấp; ngoài ra còn có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa như tiêu chảy và có thể gây suy tạng, đặc biệt là suy thận nguy cơ tử vong cao. Bệnh đã lây truyền từ một số nước Trung Đông sang các quốc gia khác. Hiện, bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu dựa vào vệ sinh cá nhân và ngăn ngừa lây truyền tại cộng đồng...

Kế hoạch hành động phòng chống MERS-CoV tại Việt Nam

Ngày 06-6, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch hành động phòng chống MERS-CoV tại Việt Nam nhằm phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh này và xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong.

Kế hoạch được chia thành 3 tình huống gồm: Tình huống 1 là chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam (ngành Y tế sẽ tập trung vào việc phát hiện sớm ca bệnh tại Việt Nam để xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng và các cán bộ y tế); tình huống 2 là xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam (ngành Y tế sẽ tiến hành khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lân lay ra cộng đồng); tình huống 3 là dịch lây lan trong cộng đồng (đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan rộng trong cộng đồng).

Kế hoạch nêu rõ: Để giảm các trường hợp mắc bệnh, ngành Y tế tiếp tục tăng cường năng lực giám sát dịch bệnh MERS-CoV, đảm bảo đủ khả năng xét nghiệm chẩn đoán xác định, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên để có các biện pháp thu dung, điều trị, xử lý kịp thời; đẩy mạnh việc kiểm soát tình hình dịch bệnh tại các cửa khẩu, hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia, tại các bệnh viện và cộng đồng. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc công tác phòng hộ cá nhân cho các cán bộ y tế trong việc khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân để tránh lây nhiễm; củng cố và duy trì hoạt động của đội cơ động phòng chống dịch tại đơn vị y tế.

Bên cạnh đó, ngành Y tế thiết lập các mạng lưới bệnh viện sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân MERS-CoV; có kế hoạch mở rộng các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân theo từng tình huống dịch để tránh quá tải; thực hiện nghiêm ngặt việc phân luồng khám bệnh, cách lý, điều trị, công tác chống nhiễm khuẩn, lây nhiễm chéo tại các bệnh viện; rà soát, cập nhật và bổ sung hướng dẫn chẩn đoán, điều trị MERS-CoV...

Bộ Y tế nhận định: Căn cứ và đặc điểm tình hình dịch tễ của bệnh, nguy cơ dịch có thể xâm nhập vào Việt Nam cũng như có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng là rất lớn nếu không chủ động các biện pháp phòng chống. Nguyên nhân là do MERS-CoV lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc gần; đặc biệt đã ghi nhận các trường hợp là các cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân.

Thành lập 4 đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV

Nhằm chuẩn bị tốt việc phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV, ngày 05-6, Bộ Y tế đã thành lập 4 đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV tại các khu vực: miền Bắc, miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, 4 đội đáp ứng nhanh có nhiệm vụ thường trực công tác phòng chống dịch bệnh MERS-CoV trên địa bàn phụ trách; sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ chỉ đạo điều tra, giám sát, xác minh, tổ chức các hoạt động cách ly, điều trị bệnh nhân và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh khi có trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh MERS-CoV xảy ra trên địa bàn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu đội trưởng các Đội phối hợp chặt chẽ với Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, cơ sở nơi có trường hợp mắc bệnh MERS-CoV xảy ra để chỉ đạo, điều phối các hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn một cách hiệu quả.

Cũng liên quan đến phòng chống dịch bệnh MERS-CoV, để chuẩn bị ứng phó với dịch, ngày 08-6 tới, Bộ Y tế sẽ tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến về giám sát, điều trị và phòng chống dịch bệnh gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông do virus corona. Hội nghị có sự tham gia các bệnh viện Trung ương, bệnh viện tỉnh, bệnh viện tư nhân, trung tâm y tế huyện... trong toàn quốc.

Không tổ chức đưa khách du lịch sang các vùng có dịch bệnh Mers-Cov

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương; Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Du lịch các địa phương; doanh nghiệp lữ hành quốc tế; các khách sạn từ 3-5 sao đề nghị có các biện pháp phòng chống dịch bệnh gây Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (Mers-Cov) trong lĩnh vực du lịch, đảm bảo an toàn cho du khách và hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh vào nước ta.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khuyến cáo các doanh nghiệp lữ hành quốc tế không nên tổ chức đưa khách du lịch đến các vùng đang có dịch bệnh Mers-Cov, chủ động kiểm soát những đoàn khách từ vùng đang có dịch bệnh đến Việt Nam.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế liên tục cập nhật thông tin về dịch bệnh Mers-Cov và các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế, thông tin đầy đủ cho khách du lịch. Khi đón các đoàn khách quốc tế đến từ các thị trường liên quan đến dịch bệnh, doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với Cơ quan kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu quốc tế để thực hiện đầy đủ thủ tục kiểm tra sức khỏe cho du khách theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Các khách sạn, cơ sở lưu trú và các doanh nghiệp lữ hành chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cho khách du lịch, phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế địa phương để phòng, chống dịch; thông tin kịp thời đến Cơ quan y tế địa phương và các cơ quan chức năng về các dấu hiệu bất thường của khách du lịch liên quan đến dịch bệnh Mers-Cov.

Bộ yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội du lịch các địa phương có kế hoạch và biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh Mers-Cov; thường xuyên quan tâm chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn triển khai phòng, chống và ngăn chặn dịch bệnh Mers-Cov…

Thành phố Hồ Chí Minh: Kiểm tra tình hình phòng chống dịch bệnh Mers-CoV ở Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất

Trước diễn biến phức tạp của Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do virus Corona gây ra, ngày 06-6, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã đi kiểm tra tình hình kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm này tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Theo thống kê củ a Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày tại Cảng hà ng không quốc tế Tân Sơn Nhất có 7 chuyến bay đến từ Hàn Quốc và 3 chuy ến bay đến từ Trung Đông với lượng hành khách khoảng 1.750 lượt. Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế thành phố cũng đã lên kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng đối phó với dịch bệnh. Tại đây, hệ thống thiết bị và nhân lực cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng phục vụ cho việc giám sát dịch bệ nh khi các chuyến bay đến từ các nước vùng có dịch.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay mọi hành khách đi từ các nước khu vực Trung Đông và Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam đều phải đo thân nhiệt. Thông qua máy đo thân nhiệt và các triệu chứng lâm sàng, Trung tâm sẽ sàng lọc ra những đối tượng nghi ngờ có bệnh nhiễm. Sau đó sẽ đưa vào khu cách ly để khám nếu cần. Khi phát hiện ra một ca bị Mers - CoV, ca trực sẽ bảo đảm cách ly và chuyển đến bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh một cách nhanh nhất và bảo đảm không lây nhiễm ra ngoài cộng đồng.

Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nào. Tuy nhiên, Cục Y tế dự phòng nhận định đây là dịch bệnh nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong cao. Việc giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu đặc biệt là Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ giúp giảm thiểu tối đa những ca mắc và sớm cách ly với cộng đồng khi phát hiện các ca nhiễm bệnh./.