Phát huy vai trò báo chí trong hỗ trợ đồng bào Khmer thoát nghèo bền vững
TCCSĐT - Nhiều năm qua, kinh tế - xã hội ở những địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống ở miền Tây Nam Bộ có những bước chuyển biến tích cực, đời sống vật chất - tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện; bản sắc văn hóa dân tộc Khmer được gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Có nhiều nhân tố tác động tạo nên những thành tựu đó, trong đó, các cơ quan báo chí đã có nhiều đóng góp đáng ghi nhận.
Bước phát triển mới ở vùng đồng bào Khmer
Đồng bào Khmer Nam Bộ hiện có khoảng 1,3 triệu người (chiếm gần 7% dân số trong vùng), sống tập trung ở các tỉnh vùng Tây Nam Bộ, một bộ phận sống ở các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ nâng cao đời sống người dân trong vùng đồng bào Khmer. Cụ thể như: Chỉ thị số 68-CT/TW, ngày 18-4-1991, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI “Về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer”; Thông báo Kết luận số 67-TB/TW, ngày 14-3-2007, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X “Về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 68-CT/TW; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; Kết luận số 57-KL/TW, ngày 03-11-2009, của Bộ Chính trị “Về công tác dân tộc”; Kết luận số 28-KL/TW, ngày 14-8-2012 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long, thời kỳ 2011 - 2020”.
Thể chế hóa những chủ trương của Đảng, những năm qua, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách trợ giúp đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, trong đó có đồng bào Khmer. Cụ thể là: Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg “Phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa”; Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg “Về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn”; Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg “Về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn”; Quyết định số 289/QĐ-TTg, ngày 18-3-2008 “Về ban hành một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân”; Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg “Về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo”; Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg “Về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số”; Quyết định số 1033/QĐ-TTg “Về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2011 - 2015” - trong đó có 12 nội dung liên quan đến đồng bào Khmer…
Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tính đến hết 6 tháng đầu năm 2013, bằng nhiều nguồn vốn của Trung ương và địa phương, các tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ - nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống - đã đầu tư, hỗ trợ trên 2.000 tỷ đồng để thực hiện các chương trình 134, 135, 74, 102, 32 và một số chính sách đặc thù khác của Nhà nước trong vùng đồng bào Khmer. Đối với Chương trình 134 và các chính sách bổ sung, lồng ghép, các địa phương đã hỗ trợ xây dựng trên 96.150 căn nhà, trợ giúp cho 2.577 hộ định cư, giải quyết việc làm cho 22.765 lao động, chuyển đổi ngành nghề cho 65.746 hộ, hỗ trợ giải quyết việc làm cho 16.680 hộ, hỗ trợ đất ở cho 5.235 hộ và đất sản xuất cho 6.734 hộ, hỗ trợ cho hàng chục ngàn hộ vay vốn sản xuất…Chương trình 135 giai đoạn 1 tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng cho 207 xã đặc biệt khó khăn và 44 trung tâm cụm xã và đã có 48 xã hoàn thành mục tiêu của chương trình; trong giai đoạn 2 đã tiếp tục đầu tư xây dựng 181 xã và 162 ấp đặc biệt khó khăn, đến năm 2012 đã có 45 xã hoàn thành mục tiêu của chương trình.
Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer ngày càng được cải thiện và nâng cao. Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2013, ở vùng Tây Nam Bộ, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc Khmer sử dụng điện chiếm trên 90%, hộ có phương tiện nghe nhìn trên 95%. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer giảm dần, từ 40% năm 2000 còn 28% năm 2004 và 24% năm 2010 (nếu xét tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 thì còn khoảng 28%). Ở nhiều địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình, điển hình hợp tác sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ nông dân Khmer vượt khó, thoát nghèo được biểu dương…
Những đóng góp của báo chí
Có nhiều nhân tố tác động tạo nên sự chuyển biến, khởi sắc về kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, quốc phòng, an ninh,… trong vùng có đông đồng bào Khmer ở Tây Nam Bộ thời gian qua. Trong đó, các cơ quan báo chí đã có nhiều đóng góp đáng ghi nhận.
Nhờ có sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, những năm qua, hệ thống báo chí tiếng Việt và tiếng Khmer ở vùng Tây Nam Bộ không ngừng phát triển cả về hình thức lẫn nội dung tuyên truyền trên các loại hình báo chí như báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử. Đội ngũ những người làm báo tiếng Khmer không ngừng phát triển, trình độ chuyên môn ngày càng được nâng cao. Các phương thức thông tin thông qua các chương trình, ấn phẩm tiếng Khmer ngày càng đa dạng, phong phú, thu hút được sự quan tâm của đông đảo đồng bào Khmer.
Hiện nay, ở vùng Tây Nam Bộ, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ phát sóng chương trình tiếng Khmer với thời lượng 6,5 giờ mỗi ngày trên kênh VTV Cần Thơ 2. Nội dung phát sóng gồm: thời sự, các chuyên đề, chương trình văn nghệ, phim truyện. Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng tiếng Khmer 4 lần/ngày, với thời lượng 4 giờ, gồm các chương trình: thời sự, khoa học và đời sống, thầy thuốc với thính giả, kiến thức trong cuộc sống, ca nhạc theo yêu cầu,… và chương trình từ đài phát thanh - truyền hình các địa phương trong vùng gửi đến. Ngoài ra, còn có 8 chương trình truyền hình tiếng Khmer, 8 chương trình phát thanh tiếng Khmer và 5 tờ báo Khmer ngữ của các cơ quan báo, đài các tỉnh, thành trong vùng.
Những năm gần đây, Đài phát thanh - truyền hình các tỉnh, thành: Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau… không ngừng cải tiến, đổi mới trong việc sản xuất các chương trình, chuyên mục phát thanh, truyền hình tiếng Khmer, tăng dần thời lượng phát sóng, mở thêm các kênh truyền thông mới, mở rộng diện phủ sóng phát thanh - truyền hình tới các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào Khmer. Báo Cần Thơ Khmer ngữ phát hành mỗi tháng 4 kỳ, số lượng phát hành mỗi kỳ đã tăng từ 6.600 tờ (năm 2007) lên 11.000 tờ (năm 2012). Báo Trà Vinh Khmer ngữ đã tăng từ 3kỳ/tháng lên 8kỳ/tháng từ năm 2008, số trang mỗi kỳ tăng từ 4 trang lên 8 trang. Ngoài ra, chính sách cấp không thu tiền một số loại báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 975/QĐ-TTg, ngày 20-7-2006 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2472/ QĐ-TTg, ngày 28-12-2011, “Về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015”, giúp nhiều ấn phẩm báo chí đã đến được với đồng bào Khmer. Sự phát triển của báo chí tiếng Khmer đã tạo được sự đón nhận, quan tâm ủng hộ và tin tưởng của cán bộ, sư sãi và đồng bào Khmer trong vùng.
Hệ thống báo chí tiếng Khmer ngày càng phát triển đã góp phần rất quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất - tinh thần trong vùng có đông đồng bào Khmer. Những đóng góp đó được thể hiện trên các mặt sau:
Thứ nhất, báo chí tuyên truyền thường xuyên, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các vị chức sắc tôn giáo, những người có uy tín trong cộng đồng và đồng bào Khmer. Nhờ đó, giúp đồng bào nắm bắt nhanh, nhận thức đúng và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thứ hai, báo chí cung cấp thông tin về nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, giúp đồng bào nâng cao tri thức, trình độ dân trí, hiểu biết và ứng dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, từng bước thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thứ ba, báo chí phản ánh tình hình đời sống, sản xuất, những đổi thay trong vùng đồng bào Khmer, những mô hình, điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giàu để nhiều người cùng học tập, làm theo.
Thứ tư, báo chí cung cấp các chương trình văn nghệ, giải trí nhằm nâng cao đời sống văn hóa - tinh thần và góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer.
Thứ năm, báo chí phản hồi tới các cơ quan Đảng, Nhà nước những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của các vị chức sắc tôn giáo, những người có uy tín, các tầng lớp dân cư trong vùng đồng bào Khmer.
Thứ sáu, báo chí góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc…
Các chương trình truyền hình, phát thanh, báo chí tiếng Khmer ngày càng phát triển; thời lượng và chất lượng phát sóng trên đài và những chuyên mục, thông tin trên các báo bằng tiếng Khmer ngày càng nâng cao; các hình thức truyền thông đại chúng ngày càng được các cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư, tạo điều kiện để thông tin được cung cấp ngày càng sâu rộng đến từng ấp, khu phố, từng hộ gia đình thông qua hệ thống đài truyền thanh, truyền hình, báo chí… Những nỗ lực đó đã giúp cho nhiều đồng bào Khmer ở vùng nông thôn, vùng sâu dù không có điều kiện đi đến các nơi khác để tham quan, học tập kinh nghiệm, nhưng nhờ nghe, xem, đọc các chương trình, ấn phẩm tiếng Khmer trên đài, báo đã học được cách làm những việc tốt, cách chăn nuôi, làm lúa, trồng màu đạt hiệu quả cao,… Nhờ đó, từng bước xóa đói, thoát nghèo, vươn lên khá giàu, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nâng cao vai trò báo chí trong hỗ trợ phát triển vùng đồng bào Khmer
Cùng với nỗ lực chung của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, những đóng góp của các cơ quan báo chí thời gian qua đã tạo nên những chuyển biến tích cực về đời sống, sản xuất trong vùng đồng bào Khmer Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, kinh tế - đời sống của đồng bào Khmer ở nhiều địa phương trong vùng hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ giảm nghèo hằng năm tuy ở mức 3-4%, nhưng nếu xét tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 thì tỷ lệ hộ Khmer nghèo vẫn còn cao (trên 28%, có nơi trên 30%).
Thực tế đó đã và đang đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến vai trò, trách nhiệm của những người làm báo trong việc làm thế nào để nâng cao hiệu quả truyền thông về xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở những địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống. Trên thực tế, mặc dù đã đạt nhiều thành tựu nhưng công tác thông tin, tuyên truyền cho đồng bào Khmer, nhất là trong công tác xóa đói giảm nghèo, của các cơ quan báo chí ở vùng Tây Nam Bộ thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể là:
- Trong nhiều chương trình phát thanh, truyền hình, nhiều tin, bài trên các báo tiếng Khmer tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vẫn còn nặng văn phong nghị quyết, văn phong hành chính, chưa được phóng viên, biên tập viên chuyển đổi thành những câu từ đơn giản, dễ hiểu để chuyển tải đến đồng bào Khmer. Tính gần gũi, tính thiết thực, tính phù hợp của thông tin đối với đồng bào Khmer trong nhiều trường hợp chưa thể hiện rõ nét.
- Chất lượng một số chương trình phát thanh, truyền hình, một số tin, bài trên các báo in còn hạn chế, đơn điệu. Nhiều chương trình chủ yếu là phát lại, dịch và đăng lại bằng tiếng Khmer các chương trình, bài viết từ tiếng Việt nên chưa tạo sức hút mạnh mẽ đối với đồng bào Khmer. Điều này làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác thông tin tuyên truyền trong vùng đồng bào Khmer.
- Nguồn nhân lực chuyên làm báo in, phát thanh, truyền hình bằng tiếng Khmer tuy có tăng nhưng chưa ngang tầm, chưa đáp ứng yêu cầu thông tin, tuyên truyền đến đồng bào Khmer trong tình hình mới. Ở một số cơ quan báo chí, vẫn còn thiếu những phóng viên, biên tập viên giỏi là người dân tộc Khmer. Vì thế, trong nhiều bài viết, chương trình, tuy có nhiều cố gắng nhưng hiệu quả thông tin, tuyên truyền chưa cao vì người viết, người biên tập chưa thấu hiểu văn hóa, phong tục, tập quán, lối sống, cách suy nghĩ của đồng bào Khmer.
- Nhiều cơ quan báo, đài địa phương còn hoạt động theo cơ chế bao cấp toàn bộ hoặc một phần trong hoạt động nên thiếu kinh phí, thiếu nhân lực được đào tạo để làm truyền thông chuyên biệt dành cho nhóm công chúng có tính đặc thù là đồng bào dân tộc Khmer.
- Trong tuyên truyền về công tác xóa đói, giảm nghèo, một số cơ quan báo chí vẫn còn nặng về tuyên truyền thành tựu, thành tích mà chưa chú trọng nhiều đến việc phân tích, lý giải, chỉ ra những nguyên nhân sâu xa của tình trạng luẩn quẩn đói nghèo của đồng bào Khmer. Từ đó, chưa thể nêu lên những giải pháp, đề xuất, kiến nghị có tính căn cơ, khả thi từ cơ sở, nhằm giúp các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân chủ động tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, vào cấp trên để vương lên thoát nghèo bền vững.
- Tình trạng đại bộ phận đồng bào Khmer cư trú ở vùng sâu, vùng xa cũng là một khó khăn cho hoạt động thông tin, truyền thông dành cho đối tượng này. Đối với một số tờ báo Khmer ngữ, do những hạn chế về kinh phí hoạt động của bộ phận sản xuất và phát hành nên trong nhiều trường hợp, tờ báo thường không đến kịp thời với bạn đọc là người dân tộc Khmer. Khó khăn về kinh phí của nhiều tòa soạn báo cũng hạn chế điều kiện khảo sát đối tượng bạn đọc là người dân tộc Khmer, hạn chế điều kiện đi công tác, nắm bắt thông tin…
Để nâng cao hơn nữa vai trò, hiệu quả truyền thông xóa đói giảm nghèo nói riêng và truyền thông hỗ trợ phát triển vùng đồng bào Khmer nói chung của các cơ quan báo chí trong thời gian tới, cần quan tâm một số vấn đề sau đây:
Một là, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo, trong vùng đồng bào Khmer phải gắn với nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về xây dựng dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer; bảo vệ quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn.
Hai là, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh hơn nữa việc thông tin, tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn giúp đồng bào Khmer hiểu đúng và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những chủ trương, chính sách về dân tộc, tôn giáo, về truyền thống đoàn kết của các dân tộc Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước. Điều đó sẽ giúp củng cố, tăng cường niềm tin của đồng bào Khmer vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; đập tan những luận điệu xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch, giúp đồng bào an tâm sản xuất, phấn đấu, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững, tiến tới khá giàu.
Ba là, tiếp tục thực hiện việc tốt việc cấp, phát miễn phí một số loại báo, tạp chí cho vùng đồng bào các dân tộc, trong đó có đồng bào Khmer để giúp bà con nâng cao nhận thức, nâng cao dân trí. Tiếp tục đầu tư, đa dạng hóa các tờ báo, tạp chí bằng tiếng Khmer theo xu hướng truyền thông chuyên biệt để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng ngôn ngữ Khmer.
Bốn là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhân viên kỹ thuật viên làm báo tiếng Khmer, trong đó đặc biệt chú trọng đến lực lượng viết và biên dịch là người dân tộc Khmer. Mấu chốt của vấn đề ở đây là sự am hiểu về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, suy nghĩ, lối sống,… dân tộc Khmer của lực lượng này sẽ giúp cho các chương trình phát thanh, truyền hình, các ấn phẩm báo chí tiếng Khmer đạt hiệu quả tuyên truyền cao hơn.
Năm là, trong xu thế toàn cầu hóa truyền thông đại chúng, hướng đến báo chí hội tụ, truyền thông đa phương tiện hiện nay, bên cạnh đào tạo, bồi dưỡng lực lượng làm báo in, phát thanh, truyền hình chuyên nghiệp, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm báo mạng điện tử chuyên nghiệp bằng tiếng Khmer để đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh, đa chiều, gia tăng tính tương tác trong thông tin trong bối cảnh kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào Khmer ngày càng phát triển.
Sáu là, các cơ quan báo, đài cần chú trọng nhiều hơn nữa đến việc xác lập những tiêu chí riêng để xây dựng các sản phẩm truyền thông chuyên biệt dành cho đồng bào Khmer. Trong đó, cần ưu tiên các tiêu chí như: tính gần gũi, lợi ích của thông tin gắn với thực tế sản xuất và đời sống của đồng bào, thông tin dễ hiểu, phù hợp với nhu cầu, khả năng tiếp nhận để đồng bào Khmer dễ dàng học tập, làm theo.
Bảy là, trong bối cảnh nhiều báo, đài địa phương còn khó khăn về tài chính, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất thì có nên chăng xem xét đến việc kết nối các tờ báo tiếng Khmer, các chương trình phát thanh - truyền hình tiếng Khmer ở các địa phương trong vùng Tây Nam Bộ để vừa giảm chi phí, vừa gia tăng được nguồn nhân lực để tăng hàm lượng thông tin, mức độ phát hành, tầm phủ sóng các ấn phẩm báo chí, các chương trình phát thanh - truyền hình tiếng Khmer trên phạm vi toàn vùng Tây Nam Bộ và xa hơn nữa. Như thế, hiệu quả thông tin, truyên truyền về xóa đói giảm nghèo nói riêng và nhiều lĩnh vực khác nói chung đối với đồng bào Khmer sẽ cao hơn./.
Thông qua Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng  (12/01/2015)
Thông báo Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI  (12/01/2015)
Thông báo Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI  (12/01/2015)
Thông báo Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI  (12/01/2015)
Nhìn lại 65 năm quan hệ Việt Nam - Nga  (12/01/2015)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 05 đến ngày 11-01-2015  (12/01/2015)
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên