TCCSĐT - Từ ngày 09 đến 11-11-2014, tại Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), đã diễn ra Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 22, với chủ đề “Định hình tương lai thông qua sự hợp tác châu Á - Thái Bình Dương: Sáng tạo, kết nối, hội nhập và phồn vinh” và các hội nghị liên quan. Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang đã tham dự Hội nghị.

Được thành lập vào ngày 06-11-1989, tại Thủ đô Can-bê-ra (Ô-xtrây-li-a) trên cơ sở ý tưởng thành lập Diễn đàn tư vấn kinh tế cấp bộ trưởng ở châu Á - Thái Bình Dương của Thủ tướng Ô-xtrây-li-a Bốp Hoắc-cơ (Bob Hawke), nhằm phối hợp hoạt động, đẩy mạnh phát triển kinh tế ở khu vực, hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đến nay đã nhanh chóng mở rộng số lượng thành viên từ 12 thành viên sáng lập ban đầu (gồm Ô-xtrây-li-a, Bru-nây, Ca-na-đa, In-đô-nê-xi-a, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, Niu Di-lân, Phi-líp-pin, Xin-ga-po, Thái Lan và Mỹ), lên 21 thành viên với sự góp mặt của Trung Quốc, Hồng Công, Đài Loan, Mê-hi-cô, Pa-pua Niu Ghi-nê, Chi-lê, Pê-ru, Nga và Việt Nam - trở thành khu vực có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất, tiềm lực lớn nhất và hợp tác sôi động nhất trên thế giới, dẫn dắt sự phục hồi và phát triển kinh tế toàn cầu khi chiếm 40% dân số, đóng góp 55% GDP và 44% thương mại thế giới.

APEC hiện là khu vực đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam, chiếm khoảng 65% tổng số vốn đầu tư nước ngoài, 60% giá trị xuất khẩu, 80% giá trị nhập khẩu và 75% lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. APEC không chỉ là một diễn đàn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế, đối ngoại, an ninh mà còn là một kênh hiệu quả để Việt Nam đẩy mạnh hợp tác và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương với các thành viên, trong đó có hầu hết những đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam.

Với lịch sử 25 năm thành lập và phát triển, APEC trở thành một diễn đàn quốc tế ngày càng lớn mạnh, khẳng định sứ mệnh không chỉ giới hạn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà còn đóng góp vào sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế thế giới, tăng cường hệ thống thương mại đa phương mở vì lợi ích của châu Á - Thái Bình Dương và các nền kinh tế khác.

Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, ý nghĩa của APEC càng trở nên quan trọng khi cùng với các cơ chế hợp tác khu vực, liên khu vực khác đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng một cấu trúc hợp tác theo hướng đa tầng nấc, duy trì vai trò đầu tàu của châu Á - Thái Bình Dương trong tiến trình tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.

Xây dựng tương lai qua các kỳ hội nghị

Kể từ khi thành lập đến nay, APEC đã trải qua 21 kỳ hội nghị với những trọng tâm hoạt động thay đổi qua các thời kỳ. Tuy nhiên, trong số các nội dung hoạt động của APEC, nổi lên 3 trụ cột hợp tác chính là: 1- Tự do hóa thương mại và đầu tư. 2- Thuận lợi hóa thương mại và đầu tư. 3- Hợp tác kinh tế - kỹ thuật.

Cho đến nay, có thể chia tiến trình phát triển của APEC thành 3 giai đoạn:

Giai đoạn một, (1989 - 1993): tập trung xây dựng khuôn khổ ban đầu cho hợp tác kinh tế, xác định dần các lĩnh vực cần đưa ra hợp tác ở cấp khu vực và thành lập các ủy ban, nhóm chuyên gia, nhóm công tác.

Giai đoạn hai, (1993 - 1998): chú trọng vào tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại - đầu tư với việc xây dựng các văn kiện nền tảng. Trong giai đoạn này, tiến trình của APEC có một bước ngoặt quan trọng với việc Hội nghị APEC lần đầu tiên được tổ chức tại đảo Blếch, Xi-át-tơn (Mỹ) đề ra viễn cảnh “Tinh thần cộng đồng khu vực châu Á - Thái Bình Dương” thông qua hợp tác và quyết định đặt trụ sở của APEC tại Xin-ga-po.

Nếu như Hội nghị APEC lần thứ nhất (tháng 11-1993) xác định viễn cảnh chung và mục tiêu là tự do hóa thương mại - đầu tư ở khu vực, thì Hội nghị APEC lần thứ hai (tháng 11-1994) tại Bô-gô (In-đô-nê-xi-a) đề ra “Mục tiêu Bô-gô” với nội dung mở cửa, tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2010 đối với các nền kinh tế phát triển và vào năm 2020 đối với các nền kinh tế đang phát triển.

Đánh dấu một bước tiến cụ thể hơn, tại thành phố Ô-sa-ka (Nhật Bản), Hội nghị APEC lần thứ ba (tháng 11-1995) thông qua Chương trình Hành động Ô-sa-ka (OAA) với ba nội dung chính: tự do hóa thương mại và đầu tư; thuận lợi hóa thương mại, hợp tác kinh tế kỹ thuật để thực hiện các mục tiêu Bô-gô; thành lập Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC).

Tháng 11-1996, Hội nghị APEC lần thứ tư tổ chức tại Thủ đô Ma-ni-la (Phi-líp-pin) đã thông qua Kế hoạch Hành động Ma-ni-la (MAPA), đề ra các biện pháp tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư để thực hiện Mục tiêu Bô-gô, Các kế hoạch hành động tập thể (CAP) và Kế hoạch Hành động quốc gia (IAP) gồm các biện pháp tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư sẽ được áp dụng đối với 15 lĩnh vực cụ thể.

Các dấu mốc chính về mở rộng nội hàm hợp tác của APEC giai đoạn từ 1998 đến nay: Năm 1999, thông qua Kế hoạch về thẻ đi lại của doanh nhân APEC và thiết lập Khuôn khổ kết nối phụ nữ trong APEC. Năm 2001, lần đầu tiên ra Tuyên bố về chống chủ nghĩa khủng bố. Năm 2006: Đề ra mục tiêu hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Năm 2007, lần đầu tiên ra Tuyên bố về Biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và phát triển sạch. Năm 2009, thiết lập Khuôn khổ kết nối chuỗi cung ứng và Kế hoạch hành động nhằm tạo thuận lợi cho kinh doanh. Năm 2010, thông qua Tuyên bố của các nhà lãnh đạo về chiến lược tăng trưởng; lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Bộ trưởng APEC về an ninh lương thực (Nhật Bản). Năm 2011, lần đầu tiên tổ chức đối thoại cao cấp thường niên APEC về phụ nữ và phát triển kinh tế. Năm 2012, thông qua Danh mục Hàng hóa môi trường nhằm cắt giảm thuế đối với 54 mặt hàng xuống mức 5% từ năm 2015. Năm 2013, thông qua Khuôn khổ tổng thể về kết nối.

Tiếp đó, với thông điệp xây dựng “Tầm nhìn thế kỷ XXI”, Hội nghị APEC lần thứ năm diễn ra tại Van-cu-vơ (Ca-na-đa) vào tháng 11-1997, đã thông qua chương trình Tự nguyện tự do hóa sớm (EVSL) hơn 2 năm so với Mục tiêu Bô-gô.

Giai đoạn ba, từ năm 1998 đến nay: hoạt động của APEC qua các kỳ hội nghị (từ lần thứ 6 cho đến lần thứ 21), chủ yếu tập trung xây dựng các sáng kiến hợp tác nhằm thực hiện các mục tiêu đã đề ra, cụ thể là chuyển hướng sang các hoạt động thuận lợi hóa thương mại và hợp tác kinh tế - kỹ thuật. So với giai đoạn đầu, các sáng kiến đưa ra ở giai đoạn này có hình thức phong phú, phạm vi rộng và ngày càng đi vào thực chất. Bên cạnh các nội dung hoạt động kinh tế thuần túy, APEC chú trọng một số nội dung khác tác động sâu sắc tới môi trường kinh tế, an ninh trong khu vực, tăng cường các hoạt động cải thiện hình ảnh của Diễn đàn trên trường quốc tế cũng như tăng cường sự hiểu biết và hỗ trợ của các tầng lớp xã hội. Để duy trì vai trò và vị thế APEC, 21 nền kinh tế thành viên cam kết mạnh mẽ đạt mục tiêu xây dựng một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương ổn định, phát triển và thịnh vượng.

Theo đó, sau 25 năm thành lập và 20 năm thực hiện Mục tiêu Bô-gô, trên cơ sở nhất quán nguyên tắc hoạt động tự nguyện, linh hoạt, đồng thuận và cùng phát triển, APEC tiến nhanh hơn các khu vực khác trong việc mở cửa thị trường cho thương mại và đầu tư quốc tế, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực lên mức khá cao. Thu nhập bình quân của người dân khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng 36%, hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo; một tầng lớp trung lưu mới đã được hình thành chỉ trong hơn 2 thập niên.

Từ năm 1989 - 2012, GDP thực tế của khu vực đã tăng từ 15,7 nghìn tỷ USD lên 30,3 nghìn tỷ USD, GDP bình quân đầu người tăng 36%. Thương mại hàng hóa nội khối tăng 7 lần, từ 1,7 nghìn tỷ USD (năm 1989) lên 11,5 nghìn tỷ USD (năm 2014). Mức thuế trung bình trong khu vực đã giảm từ 17% (năm 1989) xuống còn 5,7% (năm 2012), rào cản thương mại giảm từ 16,9% (năm 1989) xuống còn 5,8% (năm 2010). Tính đến tháng 4-2014, 55 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết trong APEC. Khoảng 1.600 dự án (từ năm 1993), hỗ trợ khoảng 150 dự án/năm với tổng giá trị 23 triệu USD đã được triển khai.

APEC cũng là diễn đàn hợp tác đa phương đầu tiên đạt thỏa thuận về Danh mục hàng hóa môi trường - vấn đề mà Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thúc đẩy hơn một thập niên qua. Theo thỏa thuận này, 54 mặt hàng môi trường sẽ giảm thuế ở mức 5% trở xuống vào năm 2015. APEC cũng đặt mục tiêu nâng cao 10% chất lượng chuỗi cung ứng khu vực vào năm 2015, cải thiện môi trường kinh doanh theo tiêu chí rẻ hơn, nhanh hơn và đơn giản hơn 25% trước năm 2015, hướng tới Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương. APEC đã thiết lập mạng lưới gồm 46 trung tâm cơ hội số APEC (ADOC) tại 10 nền kinh tế thành viên. Vấn đề an ninh phi truyền thống trở thành một ưu tiên của APEC từ sau sự kiện Trung tâm thương mại của Mỹ bị tấn công (ngày 11-9-2001).

Để đối phó và giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, APEC đã và đang thúc đẩy chuyển sang mô hình tăng trưởng xanh và bền vững, tăng cường kết nối khu vực, tích cực triển khai Chiến lược tăng trưởng mới với 5 nội hàm: cân bằng, đồng đều, bền vững, đổi mới và an toàn. Trong những năm gần đây, khi việc tập hợp lực lượng và xu thế liên kết đa tầng nấc trong khu vực đang có những biến chuyển sâu sắc, nhanh chóng, APEC tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu của mình, đóng góp vào việc thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương và sự phát triển năng động của châu Á - Thái Bình Dương.

APEC 22 - sứ mệnh đặc biệt mang tính kế thừa

Với chủ đề “Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương”, APEC 22 là sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng nhất của Diễn đàn trong năm 2014, đồng thời cũng là sự kiện được khu vực và cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm trong bối cảnh tác động của khủng hoảng kinh tế vẫn còn sâu sắc, đà phục hồi còn chậm, Vòng đàm phán Đô-ha tiếp tục trì trệ, môi trường hòa bình, ổn định trên toàn thế giới gặp nhiều thách thức. Kết nối nội khối, hình thành Khu vực Thương mại tự do khu vực châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) và hợp tác kinh tế - thương mại mới, là những nội dung chính được lãnh đạo 21 quốc gia thành viên APEC và các đại biểu tham dự tập trung xem xét và thông qua.

Về kết nối nội khối, các nhà lãnh đạo APEC khẳng định lợi ích và quyết tâm chung duy trì vai trò của APEC là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực và trên thế giới. Trên cơ sở những thành tựu nổi bật trong 25 năm qua, các nhà lãnh đạo nhất trí cần nỗ lực nâng tầm hợp tác, liên kết để đề cao vị thế của APEC trong giai đoạn phát triển mới và góp phần duy trì châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu.

Hội nghị đã thông qua “Kế hoạch tổng thể về kết nối APEC giai đoạn 2015 - 2025”. Đây là lần đầu tiên APEC đề ra các biện pháp tăng cường kết nối tổng thể với tầm nhìn dài hạn, đặc biệt là kết nối kết cấu hạ tầng, nhằm tạo động lực hình thành một thị trường chung rộng lớn và không gian thống nhất cho tăng trưởng và phát triển chung của khu vực.

Tại Hội nghị, nước chủ nhà Trung Quốc đã đề xuất hai sáng kiến là thành lập Ngân hàng Đầu tư kết cấu hạ tầng châu Á (AIIB) với nhiệm vụ tài trợ cho đầu tư kết cấu hạ tầng trong khu vực, và xây dựng “con đường tơ lụa” trên biển thế kỷ XXI nhằm đẩy mạnh kết nối thương mại nội khối thông qua Biển Đông. Đề xuất thành lập AIIB của Trung Quốc được cho là xuất phát từ nhu cầu cải thiện kết cấu hạ tầng, qua đó có thể giúp thu hẹp khoảng cách tài chính trong khu vực. Tuy nhiên, dư luận quan ngại về sáng kiến xây dựng “con đường tơ lụa” trên biển của Trung Quốc, bởi con đường này tuy có lợi cho giao thương khu vực, nhưng lại ẩn chứa những toan tính chiến lược nhằm hợp pháp hóa những quan điểm riêng về chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông của Trung Quốc.

Về xây dựng FTAAP, Hội nghị nhất trí về Lộ trình đóp góp của APEC trong hình thành FTAAP, khẳng định FTAAP là một trong những cơ chế không thể thiếu để xây dựng hợp tác khu vực theo hướng đa tầng nấc, duy trì vai trò đầu tàu của châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, Hội nghị nhất trí phát huy vai trò thúc đẩy nhất thể hóa kinh tế khu vực của Diễn đàn APEC, đề ra lộ trình để phát huy vai trò này, nghiên cứu mang tính chiến lược toàn diện các vấn đề về FTAAP, chuẩn bị khởi động hàng loạt hoạt động trong FTAAP, đặc biệt là thiết lập cơ chế đàm phán.

Về hợp tác kinh tế - thương mại, các nhà lãnh đạo thông qua “Thỏa thuận của APEC về phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng kinh tế”, để tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng, đồng đều và phát huy tiềm năng mới của kinh tế mạng, hợp tác đại dương, thách thức toàn cầu, an ninh lương thực, thu hẹp khoảng cách phát triển...

Về thúc đẩy chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu, Hội nghị đã đạt được nhiều dự án hợp tác thiết thực, như đẩy nhanh xây dựng năng lực chuỗi cung ứng, triển khai hợp tác hải quan và chuỗi hợp tác thương mại điện tử xuyên biên giới. Về hợp tác kinh tế kỹ thuật, Hội nghị thông qua kế hoạch chiến lược thúc đẩy năng lực phát triển thương mại đầu tư, đẩy mạnh hợp tác kinh tế kỹ thuật có trọng tâm, trọng điểm, thúc đẩy song song hợp tác kinh tế và kỹ thuật. Theo đó, Trung tâm cửa khẩu điện tử châu Á - Thái Bình Dương sẽ được xây dựng tại Thượng Hải (Trung Quốc). Về việc hỗ trợ thể chế thương mại đa biên, Hội nghị nhất trí thực hiện toàn diện gói giải pháp Ba-li, khẩn trương triển khai công tác hậu Ba-li, chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại dưới mọi hình thức, kéo dài thực hiện cam kết này đến hết năm 2018.

Các bên đã nhất trí nỗ lực bảo đảm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một liên kết kinh tế mở, sẵn sàng đón nhận sự tham gia của các nền kinh tế trong khu vực. Trên tinh thần đó, các nhà lãnh đạo thông qua Tuyên bố chung với những định hướng cụ thể để đẩy nhanh tiến trình đàm phán trong thời gian tới, khẳng định quyết tâm chung sớm hoàn tất một hiệp định toàn diện, cân bằng và tiêu chuẩn cao, tính đến sự đa dạng về trình độ phát triển của các thành viên. Hiện nay, 12 quốc gia tham gia đàm phán TPP, trong đó có Nhật Bản và Mỹ. Một khi TPP trở thành hiện thực sẽ tạo lập một khu vực thương mại tự do chiếm gần 40% GDP toàn cầu và giữ vai trò quan trọng về mặt chính trị trong chính sách “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.

Phát biểu tại cuộc họp lãnh đạo 12 nước thành viên TPP, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Việt Nam quyết tâm và sẵn sàng nỗ lực cùng các thành viên để sớm đạt được một hiệp định toàn diện, cân bằng và vì sự phát triển, phản ánh thỏa đáng những quan tâm, lợi ích và thực tiễn phát triển của các thành viên. Chủ tịch nước nhấn mạnh, cần tiếp tục những nỗ lực chung với quyết tâm, trên tinh thần hiểu biết lẫn nhau và cùng có lợi.

Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo 21 nước thành viên APEC đã thông qua hai tuyên bố: Tuyên bố về “Chương trình nghị sự Bắc Kinh vì một châu Á - Thái Bình Dương gắn kết, sáng tạo và kết nối” và “Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương”, cùng 4 văn kiện kèm theo về “Lộ trình Bắc Kinh về đóng góp của APEC đối với việc thực hiện Khu vực thương mại tự do toàn châu Á - Thái Bình Dương - FTAAP”, “Kế hoạch chiến lược của APEC về thúc đẩy hợp tác và phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu”, “Thỏa thuận APEC về phát triển sáng tạo, cải cách kinh tế và tăng trưởng” và “Kế hoạch tổng thể kết nối APEC 2015 - 2025”.

APEC 22 kết thúc thành công với thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm và nỗ lực của các nền kinh tế thành viên vì một châu Á - Thái Bình Dương gắn kết, sáng tạo và kết nối, góp phần nâng cao vị thế của APEC và duy trì vai trò của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 23 sẽ được tổ chức tại Phi-líp-pin vào năm 2015.

Việt Nam chủ động và tích cực đóng góp thúc đẩy hợp tác APEC

Tháng 11-1998, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của APEC. Trong suốt chặng đường gần 20 năm qua, Việt Nam luôn là một thành viên năng động và có trách nhiệm, đóng góp tích cực và hiệu quả vào sự phát triển của APEC trên mọi lĩnh vực.

Tham gia APEC 22, Việt Nam đã đề xuất và được thông qua 9 sáng kiến để triển khai trong năm 2015 về thành lập trung tâm phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam, tạo thuận lợi cho chuỗi giá trị may mặc toàn cầu, hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ, quản lý thiên tai dựa trên cộng đồng, giải quyết rào cản về đầu tư đối với năng lượng tái tạo, cải thiện đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo thuận lợi cho các nhà cung cấp, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tiếp cận sâu thị trường quốc tế, kinh nghiệm và thực tiễn tốt về phát triển nhượng quyền kinh doanh; thúc đẩy đối tác công - tư về đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng, tăng cường tính cạnh tranh, ủng hộ tự do hóa về giá cả của các sản phẩm thiết yếu…

Nói về ý nghĩa của Hội nghị cấp cao APEC 2014 cũng như vai trò và những đóng góp của Diễn đàn kể từ khi thành lập, Chủ tịch Trương Tấn Sang khẳng định, Việt Nam đánh giá cao và hoàn toàn ủng hộ việc thông qua các biện pháp đẩy mạnh triển khai Gói cam kết Ba-li, tăng cường thực hiện Mục tiêu Bô-gô và các biện pháp thuận lợi hóa, tự do hóa thương mại và đầu tư. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, trong một thế giới phẳng hơn và trước thực trạng kinh tế thế giới phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như các thách thức toàn cầu gay gắt, việc đẩy mạnh liên kết khu vực càng trở nên cấp thiết. Vì vậy, để kết nối khu vực toàn diện, các nước thành viên APEC cần gắn kết chặt chẽ các nỗ lực liên kết với nội hàm phát triển bền vững, việc hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ và xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 cũng như các nỗ lực ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Trong thời gian tham dự APEC 22, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có các cuộc tiếp xúc với nhiều nguyên thủ và lãnh đạo các thành viên APEC, trong đó có Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; tổng thống các nước In-đô-nê-xi-a, Mỹ, Phi-líp-pin, Chi-lê, Pê-ru, Nga, Hàn Quốc; Quốc vương Bru-nây; Thủ tướng Nhật Bản, Thái Lan, Niu Di-lân, Pa-pua Niu Ghi-nê… nhằm làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương. Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã tiếp Hội Hữu nghị đối ngoại nhân dân quốc tế Trung Quốc, gặp gỡ, trao đổi ý kiến với các tập đoàn thuộc Liên minh doanh nghiệp Hoa Kỳ trong APEC.

Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC đánh giá cao những bước triển khai hội nhập quốc tế hiệu quả của Việt Nam trên mọi lĩnh vực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy xu thế đối thoại và liên kết khu vực. Các thành viên APEC khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam để chuẩn bị đăng cai tổ chức Năm APEC Việt Nam 2017 cũng như đảm nhận vai trò nước điều phối ASEAN trong APEC năm 2015. Điều đó sẽ giúp Việt Nam triển khai mạnh mẽ chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thể hiện tầm nhìn dài hạn của Việt Nam về châu Á - Thái Bình Dương. Đây cũng sẽ là đóng góp thiết thực của Việt Nam vào việc duy trì vai trò và vị thế của APEC, xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương trong thế kỷ XXI năng động, tự cường và thịnh vượng - động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu./.