“Gió vút lên ngọn cờ trên kỳ đài phấp phới/ Gió vút lên đây bao nguồn sống mới dạt dào (…) Ba mươi sáu phố ngày hôm ấy là những ngành sông đỏ sóng cờ/ Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại, năm cánh xòe trên năm cửa ô...”

 Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời Việt Nam, trịnh trọng đọc "Tuyên ngôn độc lập" (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Những hình ảnh về “ngày hôm ấy” được ghi lại trong từng câu hát “Ba Đình nắng” của cố nhạc sỹ Bùi Công Kỳ (phổ thơ Vũ Hoàng Địch).

Ý nhạc gặp lời thơ

“Trong dòng chảy của âm nhạc cách mạng, đây gần như là ca khúc duy nhất tái hiện lại khung cảnh của quảng trường Ba Đình trong ngày Thu cách mạng 2-9-1945. Mặc dù, khi đó, cố nhạc sỹ Bùi Công Kỳ không trực tiếp chứng kiến buổi lễ trọng thể khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa,” nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyên San cho biết.

Ở đó, hình ảnh trung tâm là Chủ tịch Hồ Chí Minh với âm vang của bản “Tuyên ngôn độc lập;” là hình tượng bề thế về không gian cao, rộng của năm cửa ô; là rừng cờ hoa rợp phố thể hiện hào khí của “nguồn sống mới dạt dào”…

Chuyện là, sau ngày Độc lập, nhạc sỹ Bùi Công Kỳ và nhà thơ Vũ Hoàng Địch cùng công tác tại Ty Thông tin Phú Thọ. Năm 1947, theo chỉ đạo của cấp trên (cần có một ca khúc nhân kỷ niệm ngày Quốc khánh), hai tác giả đã cho ra đời ca khúc “Ba Đình nắng.”

“Hầu như toàn bộ lời thơ của thi sỹ Vũ Hoàng Địch đã được nhạc sỹ Bùi Công Kỳ giữ lại trọn vẹn khi phổ nhạc. ‘Ba Đình nắng’ là một trường ca gồm nhiều đoạn với sự thay đổi nhịp điệu liên tục, tiết tấu lúc nhanh lúc chậm…thể hiện niềm xúc động dâng trào trước giờ phút thiêng liêng. Cảm xúc có lúc nghẹn lại và có lúc lại như vỡ òa,” nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyên San chia sẻ.


 
 Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 (Ảnh tư liệu: TTXVN)


Triền miên trong mạch câu chuyện về “Ba Đình nắng,” nhà nghiên cứu âm nhạc từng gắn bó lâu năm với dòng nhạc cách mạng ấy kể lại, sinh thời, cố nhạc sỹ Bùi Công Kỳ từng nhiều lần tâm sự: “Tuy không được vinh dự có mặt ở quảng trường Ba Đình vào ngày 2-9 năm ấy nhưng khi đọc lời thơ của anh, tôi như được sống lại không khí của ngày hôm đó. Tôi tưởng tượng như mình đang bay trên bầu trời hôm đó; đang cầm bút vẽ, đang cầm máy thu âm, đang cầm máy ảnh… ghi lại được diễn biến và toàn bộ khung cảnh một ngày vui lớn của cả nước”.

“Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?”

Theo nhà nghiên cứu này, “Ba Đình nắng” không chỉ là ca khúc hiếm hoi tái hiện khung cảnh ngày Quốc khánh đầu tiên, cho đến nay, đây còn là ca khúc duy nhất đưa vào câu nói của Bác trước biển người tại quảng trường Ba Đình trước lúc Người đọc “Tuyên ngôn độc lập”: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?”

“Tôi về đây, lắng nghe trong tiếng gọi/ Của mùa Thu cách mạng, mùa vàng sao (…) Cha hiện lên, giọng nói hẹn thành công/ ‘Tôi nói đồng bào nghe rõ không?’...” “Câu hát ấy vang ngân mềm mại như lời thủ thỉ tâm tình, xoáy sâu vào tâm thức bao thế hệ hình ảnh gần gũi, đầy bao dung của vị Cha già của dân tộc,” lặng đi trong câu chuyện, nhà nghiên cứu chia sẻ.

Cùng với đó, chân dung Người được khắc họa giản dị mà vĩ đại với “Bộ kaki đã bạc với gió sương/ Người hiện thân sức mạnh của hòa bình".

Bắt nhịp từ việc khắc họa khung cảnh quảng trường Ba Đình trong ngày 2-9-1945, “Ba Đình nắng” ngược thời gian, dựng lại những ngày tháng hào hùng cả dân tộc vùng lên chiến đấu để giành độc lập. Sau cùng, cảm xúc dồn vào niềm hy vọng về “Thu ngày mai, Thu thanh bình sẽ hết điêu linh (…) Cờ vươn lên trong nắng hồng tươi”.

Quá khứ và hiện tại, chiến tranh và hòa bình, niềm vui chiến thắng và những niềm đau chôn giấu về sự mất mát, hy sinh cùng lắng đọng, đồng hiện trong “Ba Đình nắng.”./.