Luận cứ quy định về lực lượng vũ trang nhân dân trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tại Điều 70 (sửa đổi, bổ sung Điều 45 Hiến pháp năm 1992) quy định: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”. Quy định như vậy là phù hợp với điều kiện lịch sử - cụ thể của nước ta, bởi lẽ:
Về lý luận: Xuất phát từ bản chất giai cấp của lực lượng vũ trang
Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin khẳng định, bản chất giai cấp của lực lượng vũ trang là một tất yếu.
Học thuyết Mác - Lê-nin về chiến tranh và lực lượng vũ trang đã khẳng định, sự ra đời và tồn tại của lực lượng vũ trang gắn liền với sự ra đời và tồn tại của nhà nước. Ph. Ăng-ghen nhấn mạnh: Quân đội là một tập đoàn có tổ chức gồm những người được vũ trang, được nhà nước đài thọ để thực hiện chiến tranh tấn công hoặc phòng ngự.
Với tư cách là một tổ chức của nhà nước, do nhà nước xây dựng, lực lượng vũ trang bao giờ cũng mang bản chất giai cấp của nhà nước. Lực lượng vũ trang là công cụ bạo lực chủ yếu để bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị và của nhà nước. C. Mác và Ph. Ăng-ghen cho rằng, lực lượng vũ trang của bất cứ nhà nước bóc lột nào cũng đều là công cụ bạo lực chủ yếu để bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị...
V.I. Lê-nin đã bảo vệ và phát triển lý luận của C. Mác và Ph. Ăng-ghen về lực lượng vũ trang. Ông khẳng định: Chủ nghĩa quân phiệt hiện đại do những quan hệ xã hội tư bản quy định, là “biểu hiện sinh động” của chủ nghĩa tư bản; là lực lượng quân sự mà các nước tư bản chủ nghĩa dùng trong nhiều cuộc xung đột của chúng với nước ngoài… và là vũ khí mà các giai cấp thống trị nắm lấy để đàn áp mọi phong trào (kinh tế và chính trị) của giai cấp vô sản. Như vậy, lực lượng vũ trang của các nước đế quốc là phương tiện để đạt các mục tiêu chính trị đối ngoại của họ và bảo đảm quyền thống trị của giai cấp bóc lột đối với nhân dân lao động ở trong nước.
Khẳng định bản chất giai cấp của quân đội kiểu mới - quân đội của giai cấp vô sản, V.I. Lê-nin viết: “Quân đội chúng ta là quân đội giai cấp chống lại giai cấp tư sản”(1). Ông vạch rõ bản chất, vai trò của quân đội tư sản: “Là công cụ vững chắc nhất để duy trì chế độ cũ, là thành trì kiên cố nhất để đảm bảo tư sản và sự thống trị của tư bản”(2).
Nói về bản chất chính trị của lực lượng vũ trang, V.I. Lê-nin khẳng định: Hiện nay, cũng như trước kia và sau này, quân đội sẽ không bao giờ có thể trung lập được. V.I. Lê-nin phê phán quan điểm của các chính trị gia tư sản về sự “trung lập hóa” chính trị, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang. Người cho rằng, đó là điều bịa đặt hèn hạ và dối trá. V.I. Lê-nin vạch rõ: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư sản và của chế độ Nga hoàng, bọn này trong thực tế bao giờ cũng đã lôi kéo quân đội vào chính trị phản động”(3).
V.I. Lê-nin đề ra những nguyên tắc cơ bản về xây dựng lực lượng vũ trang kiểu mới. Những nguyên tắc đó là: Sự lãnh đạo của đảng cộng sản đối với lực lượng vũ trang; quan điểm giai cấp trong xây dựng lực lượng vũ trang; sự thống nhất giữa lực lượng vũ trang và nhân dân;… Trong đó, sự lãnh đạo của đảng cộng sản đối với lực lượng vũ trang là nguyên tắc quan trọng nhất, quyết định sức mạnh, sự tồn tại và phát triển của lực lượng vũ trang kiểu mới - lực lượng vũ trang của giai cấp vô sản. Theo V.I. Lê-nin, đảng cộng sản phải lãnh đạo chặt chẽ lực lượng vũ trang về mọi mặt, trong mọi tình huống. Người khẳng định, sự lãnh đạo đó là tất yếu khách quan, là một quy luật nhằm làm cho lực lượng vũ trang tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp công nhân và nhân dân lao động, giữ vững bản chất giai cấp công nhân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. V.I. Lê-nin căn dặn: Hãy chăm lo đến khả năng quốc phòng của nước ta và của Hồng quân như chăm lo đến con ngươi trong mắt mình.
Ngày nay, những nguyên tắc cơ bản về xây dựng lực lượng vũ trang kiểu mới của V.I. Lê-nin vẫn giữ nguyên giá trị, là cơ sở lý luận cho các đảng cộng sản đề ra phương hướng tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng trong tình hình mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo lý luận của V.I. Lê-nin về lực lượng vũ trang kiểu mới, lực lượng vũ trang công nông vào việc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của dân tộc ta. Ngay từ đầu, Người xác định “tổ chức ra quân đội công nông”, chuẩn bị lực lượng cho tổng khởi nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng nhân tố chính trị trong xây dựng lực lượng vũ trang. Theo Người, “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”(4). Trong “Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Người thường xuyên quan tâm và đặc biệt coi trọng xây dựng cái “nền nhân dân” cho lực lượng vũ trang, coi đó là cội nguồn tạo nên sức mạnh vô địch của lực lượng vũ trang. Trưởng thành từ các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, từ chiến tranh nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam không chỉ có mối quan hệ gắn bó với nhân dân mà còn có mối quan hệ gắn bó với dân tộc. Vì thế, bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc hợp thành một thể thống nhất, không thể tách rời trong bản chất cách mạng của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Bản chất cách mạng của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam được biểu hiện tập trung trong lời tuyên dương của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt là nguyên tắc cơ bản, được xác định nhất quán từ Đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đến nay.
Để xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, ngay từ những tổ chức vũ trang đầu tiên, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định cơ cấu lãnh đạo và chỉ huy, xây dựng hệ thống tổ chức đảng, hệ thống cán bộ chỉ huy và cán bộ chính trị nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang. Đại hội lần thứ nhất của Đảng (tháng 3-1935) đã thông qua “Nghị quyết Đội tự vệ”, trong đó chỉ rõ: Công nông tự vệ đội đặt dưới quyền chỉ huy thống nhất của Trung ương Quân ủy Đảng Cộng sản… Phải luôn giữ vững quyền chỉ huy nghiêm ngặt của Đảng trong Đội tự vệ.
Qua các thời kỳ cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định, quyền lãnh đạo lực lượng vũ trang thuộc về một đảng duy nhất - Đảng Cộng sản Việt Nam, không thể phân chia quyền lãnh đạo lực lượng vũ trang cho bất cứ giai cấp, đảng phái nào khác. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ tư tưởng duy nhất định hướng cho mọi hoạt động của lực lượng vũ trang. Mục tiêu cách mạng của Đảng là mục tiêu chiến đấu của lực lượng vũ trang; bản chất của lực lượng vũ trang mang bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Trong những điều kiện lịch sử nhất định, về sách lược có thể có sự liên hiệp trong mặt trận chống kẻ thù chung, cũng như trong tổ chức bộ máy chính quyền, nhưng quyền lãnh đạo lực lượng vũ trang chỉ thuộc về Đảng Cộng sản Việt Nam. Quá trình giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với lực lượng vũ trang là quá trình đấu tranh quyết liệt chống lại mọi mưu đồ chính trị của các giai cấp, các phe phái phản động đòi chia quyền lãnh đạo lực lượng vũ trang.
Về thực tiễn: Không có quân đội của quốc gia nào là “trung lập”, “phi chính trị”
Thực tiễn lịch sử thế giới cho thấy, không có quân đội của bất kỳ quốc gia nào là “trung lập”, “phi chính trị”. Lịch sử xây dựng quân đội các nước trên thế giới trong bất kỳ xã hội nào cũng đã chỉ rõ, mọi giai cấp cầm quyền và nhà nước của nó đều quan tâm xây dựng quân đội về chính trị, nhằm bảo đảm cho quân đội luôn trung thành và phục vụ lợi ích của giai cấp và nhà nước sinh ra và nuôi dưỡng nó.
Cần phải thấy một thực tế không thể phủ nhận, đó là: tính giai cấp, tính chính trị của lực lượng vũ trang của Mỹ, của các nước trong khối NATO, của các nước tư bản khác trên thế giới hiện nay. Tính giai cấp, tính chính trị của lực lượng vũ trang của các nước nêu trên thể hiện ở chỗ, nó phục vụ cho lợi ích của giai cấp cầm quyền, bảo vệ nhà nước, chế độ chính trị tư bản chủ nghĩa, đàn áp phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước này một khi họ vùng lên đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Lực lượng vũ trang của Mỹ tham chiến ở Việt Nam trước đây, ở I-rắc, Áp-ga-ni-xtan, Li-bi,... trong thời gian gần đây không thể được coi là “trung lập”, “phi chính trị”! Họ tham chiến ở các nước nói trên với mục đích chính trị rất rõ ràng: phục vụ lợi ích của giới cầm quyền, của giai cấp tư sản Mỹ, phục vụ đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ ở Mỹ.
Lực lượng vũ trang của các nước trong khối NATO tham chiến ở I-rắc, Áp-ga-ni-xtan, Li-bi,… đâu có “trung lập”, “phi chính trị”! Trái lại, nó có mục đích chính trị rất rõ, đó là phục vụ cho lợi ích của giới cầm quyền, của giai cấp tư sản ở các nước đó, phục vụ cho lợi ích của giới cầm quyền thân Mỹ và phương Tây ở I-rắc, Áp-ga-ni-xtan, Li-bi,…
Thực tiễn lịch sử cách mạng thế giới cũng đã chứng minh, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu vào những năm 80 và 90 của thế kỷ trước có nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân có ý nghĩa quyết định là xóa bỏ quy định của hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với nhà nước, xã hội và lực lượng vũ trang, thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang. Do “phi chính trị hóa” nên lực lượng vũ trang ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu lúc bấy giờ đã mất sức chiến đấu và không còn là lực lượng vũ trang cách mạng, lực lượng vũ trang kiểu mới của giai cấp công nhân, trở thành công cụ bạo lực của những kẻ cơ hội, xét lại của giai cấp tư sản.
Thực tiễn cho thấy, ở những nước có sự tồn tại của nhiều đảng phái chính trị, thực hiện cái gọi là “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, đang phải đối mặt với tình trạng mâu thuẫn, xung đột, bất ổn chính trị - xã hội gia tăng, thậm chí tạo nên sự hỗn loạn trong xã hội. Lực lượng vũ trang ở các nước này gặp phải không ít trở ngại trong việc duy trì sự đoàn kết, thống nhất nội bộ, tăng cường tiềm lực và sức mạnh quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Luận điểm “phi chính trị hóa” quân đội, “quân đội trung lập”, “trả quân đội về cho nhà nước”,… thực chất là muốn tách quân đội cách mạng khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản với quân đội cách mạng, làm cho quân đội cách mạng dần dần biến chất về chính trị, xa rời chính trị của giai cấp công nhân, để từng bước du nhập chính trị tư sản.
Thực tiễn hình thành, phát triển của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam
Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập, tổ chức, xây dựng, giáo dục, rèn luyện.
Gần bảy mươi năm qua, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng trực tiếp sáng lập, tổ chức, xây dựng, giáo dục, rèn luyện, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam không ngừng trưởng thành nhanh chóng và thực sự trở thành lực lượng chính trị - vũ trang hùng mạnh, trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam luôn phát huy truyền thống vẻ vang là tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ; chiến đấu mưu trí, anh dũng, kiên cường; công tác và lao động cần cù, sáng tạo, khiêm tốn, tiết kiệm, giản dị, đoàn kết nội bộ, đoàn kết quốc tế, đoàn kết và đồng cam cộng khổ với nhân dân, sẵn sàng khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Nhờ có chính trị vững mạnh mà lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh như ngày nay.
Thực tiễn lịch sử chứng minh rằng, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định sự vững mạnh về chính trị của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Lực lượng vũ trang nhân dân Việt nam thực sự là lực lượng vũ trang cách mạng, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Đó là lực lượng vũ trang của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, “vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã đánh bại mọi kẻ thù mạnh hơn ta gấp bội và đã lập được nhiều chiến công hiển hách trong chống “thù trong, giặc ngoài”.
Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam luôn luôn là lực lượng trung thành với Tổ quốc và nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ; bảo vệ Tổ quốc và nhân dân gắn liền với bảo vệ Đảng và chế độ.
Sinh ra và lớn lên trong phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân, của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam thực sự là lực lượng vũ trang của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Từ những mầm mống đầu tiên - những tổ chức “tự vệ đỏ”, và từ khi được chính thức thành lập, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam luôn là lực lượng vũ trang của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Sự ra đời của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam xuất phát từ đòi hỏi của chính phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân, được nuôi dưỡng bởi nhân dân và chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng của quần chúng nhân dân. Bởi vậy, cội nguồn sức mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam là từ nhân dân, ở trong nhân dân. Trong quá trình xây dựng, trưởng thành, dù đóng quân ở đâu, đi đến đâu, trong điều kiện chiến tranh cũng như trong lao động hòa bình, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam luôn là lực lượng trung thành với nhân dân, với Tổ quốc, bảo vệ nhân dân trước mọi địch họa, thiên tai, được nhân dân giúp đỡ, thương yêu, đùm bọc, che chở. Cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân là con em của nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân.
Mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam là vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Do đó, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc gắn liền với bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam không chỉ là công cụ bạo lực, lực lượng chính trị tin cậy, trung thành của Đảng, Nhà nước, mà còn là, một tổ chức vũ trang của nhân dân, chiến đấu cho lý tưởng giải phóng hoàn toàn và triệt để của quần chúng nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam về chính trị, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam luôn luôn là nguyên tắc cơ bản, là nhân tố quyết định sự vững mạnh về chính trị của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Vì thế, để xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, thực sự trở thành lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tin cậy, trung thành tuyệt đối với Tổ quốc và nhân dân, với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, phải thường xuyên giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với lực lượng vũ trang nhân dân. Xa rời nguyên tắc đó, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam sẽ mất sức chiến đấu, không còn là lực lượng vũ trang cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động.
-------------------------------------------------
(1) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va,1978, t. 43, tr. 277
(2) V.I. Lê-nin: Sđd, t. 37, tr. 361
(3) V.I. Lê-nin: Sđd, t. 12, tr. 136
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 6, tr. 318
Đồng Tháp tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới  (29/08/2013)
Về công tác giám sát của Quốc hội  (29/08/2013)
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8-2013  (28/08/2013)
Việt Nam - Xây-sen: tăng cường phối hợp và hợp tác trên các diễn đàn khu vực và quốc tế  (28/08/2013)
Chủ tịch nước Lào nhận bằng Tiến sỹ danh dự của Việt Nam  (28/08/2013)
Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc  (28/08/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay