TCCS - Với mục tiêu trở thành trung tâm logistics của khu vực phía Bắc, tỉnh Quảng Ninh đã và đang từng bước khắc phục các “điểm nghẽn” về hạ tầng để đáp ứng nhu cầu vận chuyển, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu phát triển, đưa logistics trở thành một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.

Cảng container quốc tế Cái Lân được đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, cải tiến quy trình, nâng cao năng lực xếp dỡ hàng hóa_Nguồn: quangninh.gov.v

So với các địa phương khác trong cả nước, tỉnh Quảng Ninh có hệ thống giao thông đa dạng nhất, gồm đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không kết nối với hệ thống cửa khẩu biên giới trên bộ, cảng biển nước sâu thông thương với Trung Quốc, các nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, ngày 1-9-2022 vừa qua, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài hơn 80km, có điểm đầu nằm sát Khu Kinh tế Vân Đồn và điểm cuối đấu nối với đường dẫn cầu Bắc Luân II (thành phố Móng Cái) chính thức được khánh thành đi vào hoạt động. Cùng với 2 tuyến cao tốc trước đó là Hạ Long - Hải Phòng và Hạ Long - Vân Đồn, tuyến cao tốc mới này tạo ra trục cao tốc chạy dọc tỉnh, kết nối liên thông với 3 cửa khẩu quốc tế quan trọng nhất khu vực miền Bắc là Lào Cai, Hữu Nghị và Móng Cái. Đây cũng là tuyến cao tốc duy nhất ở Việt Nam kết nối đồng bộ 3 sân bay quốc tế (Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn) và hệ thống các cảng biển lớn trong vùng, cảng biển quốc tế, đưa Quảng Ninh trở thành vùng kinh tế có hạ tầng giao thông tốt nhất cả nước, chuỗi kinh tế hỗ trợ để cùng phát triển, cửa ngõ kết nối giao thương ASEAN với thị trường hơn 1 tỷ dân Trung Quốc. Chỉ trong thời gian ngắn khánh thành, tuyến cao tốc đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh ngiệp nhất là các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa, giao nhận hàng hóa. Trong quá trình giao nhận, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, vấn đề thời gian và cung đường đóng vai trò rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến yếu tố cạnh tranh. Với tuyến đường cao tốc này, các công ty xuất nhập khẩu sẽ chủ động hơn về việc giao nhận hàng hóa và giúp kết nối tốt hơn giữa các cảng, các cửa khẩu so với trước đây. Trong tương lai, tuyến đường chắc chắn sẽ tạo sự phát triển đột phá về dịch vụ logistics.

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi về tuyến cao tốc đường bộ, dịch vụ logistics của tỉnh cũng đang có nhiều thế mạnh khi có 3 cửa khẩu đường bộ (cửa khẩu quốc tế Móng Cái, cửa khẩu Hoành Mô, cửa khẩu Bắc Phong Sinh ), 1 trung tâm logistics Cái Lân, cạn ICD tại Km3+4 (thành phố Móng Cái) có thể tiếp nhận hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để vận chuyển vào nội địa hoặc đến các cảng biển, cửa khẩu khác để thực hiện việc xuất khẩu. Đồng thời, 23 kho ngoại quan, kho lạnh trên địa bàn tại các khu vực cửa khẩu, 19 địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tập trung, trên 30 địa điểm kiểm tra hàng hóa tại chân công trình, tại cơ sở sản xuất được công nhận đủ điều kiện hoạt động... đã giúp tạo thuận lợi, thúc đẩy hoạt động giao nhận hàng hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nói riêng.

Đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics đạt từ 18-20% vào ngành dịch vụ, đạt từ 8 - 10% GRDP của tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Quảng Ninh đang và sẽ tiếp tục tập trung vào việc đầu tư cải thiện mạnh mẽ cơ sở hạ tầng với dự kiến phân bổ nguồn vốn đầu tư công sử dụng ngân sách trong giai đoạn này trên 45.000 tỷ đồng. Trong đó sẽ ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông có tính liên kết cao, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển để tạo ra trung tâm kết nối dịch vụ, giao thông quốc tế, nhằm thu hút đầu tư ngoài nhà nước để hoàn thiện hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển tại một số khu vực trọng tâm có nhiều tiềm năng như Con Ong - Hòn Nét, Hải Hà, Vạn Ninh, Nam Tiền Phong...

Hiện tại, dự án bến cảng tổng hợp Vạn Ninh giai đoạn 1 với quy mô trên 82ha, tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng đang xây dựng và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2024. Khi dự án hoàn thành sẽ hình thành cảng biển tại khu vực cửa khẩu Móng Cái, tạo ra sự chuyển dịch lượng lớn hàng hóa xuất nhập khẩu từ đường bộ xuống đường biển, tạo đầu mối dịch vụ logistics tổng hợp phục vụ cho thương mại biên giới không chỉ đối với các tỉnh, thành phố trong cả nước mà còn cả khu vực ASEAN, hướng đến thị trường Trung Quốc và Đông Bắc Á./.