Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 18 đến 24-3-2019
Tạo đột phá mới về cải cách hành chính
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
Để tạo đột phá mới về cải cách hành chính nhằm thực hiện phương châm hành động của Chính phủ năm 2019 “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, trọng tâm là hoàn thiện thể chế về kinh tế thị trường, tổ chức bộ máy, quản lý công chức, viên chức; đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết để bảo đảm có hiệu lực thi hành đồng thời với các luật, pháp lệnh, không để phát sinh nợ đọng mới; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định pháp luật để thực thi các phương án đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh và cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành; khắc phục, chấm dứt tình trạng giấy phép mẹ, giấy phép con; khẩn trương rà soát, công bố nhóm thủ tục hành chính liên thông thuộc phạm vi, thẩm quyền được giao.
Đồng thời đẩy mạnh việc đổi mới, sắp xếp và kiện toàn tổ chức các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp và gắn kết chặt chẽ với các chính sách tinh giản biên chế trên cơ sở tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Khẩn trương hoàn thiện việc rà soát, đề xuất cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp đủ điều kiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó triển khai có hiệu quả các chính sách về tinh giản biên chế theo quy định. Sớm hoàn thiện các dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào tháng 10-2019.
Tập trung đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, trong đó, công tác tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức phải đúng với năng lực, tiêu chuẩn của vị trí việc làm đã được phê duyệt. Thực hiện nghiêm quy định về cơ cấu, số lượng cấp phó tại các cơ quan, tổ chức hành chính trực thuộc.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, trong đó sớm ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử; hoàn thiện khung khổ pháp luật cho xây dựng Chính phủ điện tử, nền tảng công nghệ và các cơ sở dữ liệu quốc gia...; vận hành có hiệu quả Cổng dịch vụ công quốc gia. Tăng cường xây dựng, sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý, cơ sở dữ liệu dùng chung, bảo đảm quản lý thống nhất, đồng bộ và kết nối thông suốt giữa Trung ương và địa phương.
Tăng cường đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, gắn kết chặt chẽ giữa bộ, ngành với các địa phương để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính của từng ngành, lĩnh vực. Tiếp tục phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ: về đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, về kiểm tra công vụ. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm sự quyết liệt, nhất quán, kiên trì, liên tục trong triển khai công tác cải cách hành chính.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức các hoạt động nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng Đề án cơ cấu Chính phủ mới cho nhiệm kỳ tiếp theo, với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược để đề xuất cơ cấu tổ chức Chính phủ tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Hoàn thiện Cổng thông tin điện tử, trong đó có Chuyên mục tiếp cận thông tin
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về tình hình triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Để tiếp tục triển khai thi hành nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả Luật tiếp cận thông tin, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt sâu sắc nội dung của Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành tới toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân; tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền nâng cao trình độ nhận thức, kỹ năng cung cấp thông tin cho đội ngũ công chức, đặc biệt là các công chức làm đầu mối cung cấp thông tin.
Đối với những cơ quan, đơn vị chưa có Quy chế nội bộ về tổ chức cung cấp thông tin cho công dân thì cần khẩn trương xây dựng, ban hành với đầy đủ các nội dung theo quy định của Luật; bố trí hợp lý đơn vị, bộ phận hoặc người làm đầu mối cung cấp thông tin.
Bố trí cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết cho việc cung cấp thông tin; hoàn thiện và vận hành Trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử, trong đó có Chuyên mục về tiếp cận thông tin, thường xuyên đăng tải, cập nhật các thông tin theo quy định của pháp luật; tiến hành lập, cập nhật Danh mục thông tin theo quy định phải được công khai và Danh mục thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện. Đồng thời, chú trọng công tác số hóa các văn bản, hồ sơ, tài liệu và kết nối với mạng điện tử trên toàn quốc để công dân có thể truy cập thông tin dễ dàng từ các hệ thống khác nhau, tăng cường cung cấp thông tin qua mạng điện tử.
Kiểm tra việc xây dựng, ban hành các văn bản thi hành luật, pháp lệnh của 12 bộ, cơ quan
Chiều 22-3, tại Trụ sở Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chủ trì buổi kiểm tra của Tổ công tác với 12 bộ, cơ quan về việc xây dựng, trình ban hành và ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực từ ngày 01-7-2019.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, thời gian qua các bộ, cơ quan đã nỗ lực xử lý tốt vấn đề văn bản nợ đọng, nhưng nếu không nỗ lực thường xuyên thì việc chậm trễ, nợ đọng sẽ quay lại và trở thành rào cản của sự tăng trưởng. Một số văn bản được ban hành nhưng tính khả thi chưa cao, như Luật Cạnh tranh còn nhiều kẽ hở để một số doanh nghiệp lợi dụng vị thế khống chế thị trường, làm tổn thất lợi ích chung của xã hội. Hay có những văn bản gây tranh cãi, thậm chí gây phản ứng mạnh mẽ như Thông tư 08, 09 năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến nhập khẩu phế liệu, từ đó gây ách tắc hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Thủ tướng phải ra văn bản yêu cầu hủy bỏ.
Về tình trạng nợ đọng văn bản, Bộ trưởng cho biết, hiện các bộ, cơ quan còn nợ đọng 16 văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật, pháp lệnh có hiệu lực từ 01-01-2019, gồm 14 nghị định, 1 quyết định và 1 thông tư. Ngoài ra, từ 01-7-2019, có thêm 16 luật, pháp lệnh sẽ có hiệu lực, nếu không đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sẽ tiếp tục có thêm các văn bản hướng dẫn bị nợ đọng.
Báo cáo của các bộ tại buổi kiểm tra cho thấy hầu hết các văn bản nợ đọng đều liên quan đến Luật Quy hoạch. Hàng loạt câu hỏi được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chất vấn, "gọi tên" đích danh các cơ quan, cán bộ có trách nhiệm. Ông yêu cầu các cơ quan tham mưu phải chủ động, lẽ ra khi ban hành Luật Quy hoạch phải có nghị định kèm theo nhưng không có. Bây giờ Luật có hiệu lực rồi, giở nghị định ra thì vướng không làm được. Hiện nay Bộ Công Thương đang có mấy chục dự án không làm được vì "vướng cái này”, Bộ trưởng nói.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ còn nợ 8 nghị định liên quan đến các Luật An ninh mạng, Công an nhân dân và Đặc xá. Đối với các văn bản quy định hướng dẫn Luật có hiệu lực từ 01-01-2019, Bộ Công an được phân công chủ trì xây dựng 3 văn bản quy định chi tiết Luật An ninh mạng, gồm nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật; nghị định quy định chi tiết về trình tự, thủ tục áp dụng một biện pháp bảo vệ an ninh mạng và quyết định của Thủ tướng ban hành danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Theo yêu cầu, các văn bản này phải trình Chính phủ trước 01-10-2018. Tuy nhiên tiến độ thực hiện hai nghị định chậm, dự kiến trong tháng này sẽ gửi Bộ Tư pháp để thẩm định.
Khi triển khai xây dựng những văn bản trên phát sinh nhiều khó khăn vướng mắc vì đây là lĩnh vực mới, đối tượng chịu điều chỉnh của các quy định gồm nhiều bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nên việc xin ý kiến được thực hiện nhiều lần, nhiều địa chỉ, Thứ trưởng này cho hay.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, tạo nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử
Hội thảo “Định danh và xác thực điện tử trong phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số” do Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Phát triển quốc tế Australia tổ chức tại Hà Nội ngày 22-3.
Chủ trì hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã đánh giá mức độ quan trọng của việc định danh và xác thực điện tử trong việc trỉển khai Chính phủ điện tử; xác định đây là một nội dung cần thiết, cấp bách cần khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện, từ đó thúc đẩy tính tin cậy của các giao dịch điện tử, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, ở Việt Nam, cá nhân, tổ chức có nhiều mã số như mã số bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, mã số thuế, mã số gửi tiền ngân hàng... Trong khi chưa có dữ liệu quốc gia về dân cư, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là đề nghị các chuyên gia trong và ngoài nước giúp Chính phủ Việt Nam xác thực định danh thông qua các mã số trên để có thể làm ngay, làm nhanh, không chờ đầy đủ dữ liệu quốc gia về dân cư mới tiến hành xác thực định danh.
Về mặt thể chế, Việt Nam đang tiến hành xây dựng thể chế để đảm bảo bí mật thông tin cá nhân, kết nối, chia sẻ, đảm bảo định danh và xác thực nhưng phải tuyệt đối an toàn thông tin, bí mật trong quá trình giao dịch. Việc nghiên cứu bổ sung cơ sở pháp lý sẽ sớm hoàn thiện. Trong việc xây dựng hạ tầng số hiện thực hóa các chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, Việt Nam khuyến khích đổi mới sáng tạo trong hoạt động triển khai các dịch vụ công trực tuyến. Quý IV-2019 Việt Nam sẽ thông qua cổng dịch vụ công thì cũng thực hiện ngay dịch vụ công kết nối từ Trung ương xuống địa phương ở một số dịch vụ cụ thể. "Những gì người dân, doanh nghiệp cần nhất chúng ta sẽ tập trung làm trước. Chúng ta không làm đồng loạt mà làm một, hai dịch vụ trọng tâm, trọng điểm để rút kinh nghiệm nhưng cần có mã định danh, nếu không có sẽ không thực hiện được vấn đề chia sẻ kết nối của các cá nhân. Đây là vấn đề khó, nếu không thực hiện sẽ không thành công Chính phủ điện tử, không thể tiến tới Chính phủ số" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.
Giám đốc Điều phối danh mục và hoạt động dự án Ngân hàng Thế giới Achim Fock đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam có nhiều bước tiến trong việc tạo nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử; chúc mừng Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông - những đơn vị đi đầu trong việc giúp Việt Nam thúc đẩy hoạt động xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới xây dựng Chính phủ số.
Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, ông Achim Fock khuyến nghị Việt Nam cần tập trung thực hiện một số hoạt động khi xây dựng Chính phủ điện tử. Theo đó, Việt Nam cần tránh phân tán nhiều cơ sở dữ liệu có sử dụng định danh số, trong đó phải đảm bảo hệ thống eID (hệ thống định danh điện tử) sạch, đáng tin cậy, có thể cung cấp được hệ sinh thái xác thực và định danh số. Thứ 2, tính bảo mật cần được đặt lên hàng đầu bởi thông tin cá nhân sẽ gặp phải rủi ro khi xác thực số. Việc tạo ra hệ sinh thái định danh số là cần thiết và cần được thực hiện kết hợp với việc tăng cường khung pháp lý bảo vệ dữ liệu. Cuối cùng, hệ thống định danh và xác thực điện tử hiệu quả đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên có liên quan, được sử dụng có trách nhiệm vào việc áp dụng các chương trình công nghệ thông tin số. “Làm tốt được những điều này sẽ có nhiều lợi ích. Ngân hàng Thế giới đang cùng với các đối tác phát triển gồm Chính phủ Việt Nam, Đại sứ quán Australia đẩy mạnh quan hệ hợp tác, tiếp tục cùng nhau thực hiện những cải cách, phát triển Chính phủ số”- Achim Fock nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được chia sẻ các nguyên tắc định danh cho Chính phủ số - thực tiễn tốt của thế giới; kinh nghiệm của Thái Lan trong triển khai định danh và xác thực điện tử; giải pháp xác thực trên cổng dịch vụ công quốc gia. Nhiều đại biểu đề xuất nên triển khai thí điểm xác thực và định danh điện tử trong lĩnh vực y tế, giáo dục vì đây là những lĩnh vực có dịch vụ được nhiều người sử dụng. Một số đại biểu cho rằng trước khi định danh hãy xác định đâu là nguồn dữ liệu gốc và làm sạch dữ liệu này để tham chiếu, bởi dữ liệu gốc không chính xác sẽ kéo theo nhiều rắc rối về sau…
Bình Phước phát huy hiệu quả việc tinh giản biên chế tại các huyện, thị
Tỉnh ủy Bình Phước vừa đánh giá kết quả thực hiện Đề án 999 về sắp xếp bộ máy nhà nước hiệu lực, hiệu quả và nhất thể hóa các cơ quan, tinh giản biên chế tại các huyện, thị trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Tính đến tháng 3-2019, việc thực hiện Đề án 999 của Tỉnh ủy tại các địa phương đã từng bước đi vào nền nếp.
Theo báo cáo của thị xã Phước Long, địa phương đã cơ bản nhất thể hóa 5 chức danh cấp trưởng, giảm 3 cơ quan chuyên môn thuộc UBND thị xã và giảm 6 đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với cấp xã, có 3/7 đơn vị thực hiện mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân và một xã có 1 Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Bên cạnh đó, 7/7 xã, phường thực hiện giảm người hoạt động không chuyên trách; 3/7 đơn thị thực hiện giảm 1 Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường…Về cấp cơ sở, có 13/42 khu phố, thôn thực hiện mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng khu phố, thôn; 31/42 khu phố bố trí 6 chức danh được hưởng phụ cấp. Qua đó, tổng tiết kiệm chi thường xuyên khoảng 8,2 tỷ đồng/năm.
Tại huyện Đồng Phú, việc thực hiện Đề án 999 của Tỉnh ủy Bình Phước cũng đạt được một số kết quả bước đầu. Đến nay, địa phương này đã giải thể Phòng Y tế; sáp nhập Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện vào Ban Tuyên giáo Huyện ủy. Ngoài ra, huyện cũng đã sáp nhập 2 trường mầm non trên cùng địa bàn thành 1 trường, hợp nhất 2 trường tiểu học trên cùng địa bàn thành 1 trường và hợp nhất trường tiểu học với trường trung học cơ sở trên cùng địa bàn thành trường tiểu học và trung học cơ sở. Qua đó giảm được 3/41 trường học trên địa bàn huyện. Huyện Đồng Phú thực hiện sáp nhập bộ phận văn phòng dùng chung ở 3 khối: đảng, nhà nước và đoàn thể từ ngày 01-01-2019.
Đặc biệt, sau khi sắp xếp lại công tác cán bộ, Đồng Phú đã giảm 8/220 cán bộ lãnh đạo cấp huyện và tương đương. Cùng với đó là tiến hành tinh giản 124 trường hợp gồm: 4 công chức, 43 viên chức và 77 nhân viên hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp. Với việc nhất thể hóa, giảm biên chế, huyện Đồng Phú tiết kiệm ngân sách chi thường xuyên lên tới 8,1 tỷ đồng./.
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 18 đến ngày 24-3-2019)  (26/03/2019)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ thăm chính thức Maroc, Pháp, thăm, làm việc với Nghị viện châu Âu, tham dự IPU 140 tại Qatar  (25/03/2019)
Cán bộ Công an phải trọng dân, học dân và có trách nhiệm với dân'  (25/03/2019)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 18 đến 24-3-2019)  (25/03/2019)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên