Đảng bộ huyện Kim Sơn: 65 năm xây dựng, trưởng thành và lớn mạnh cùng quê hương
Sáu mươi lăm năm qua, có thể hình dung Đảng bộ huyện Kim Sơn đã trải qua hai giai đoạn lịch sử: kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược (1945 - 1975) và cùng cả nước thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Ở giai đoạn nào cũng vậy, Đảng bộ lãnh đạo nhân dân Kim Sơn phát huy tính năng động, sáng tạo, cần cù của những con người đi “mở đất” và giành được những thành tích rất đáng ghi nhận.
Lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ
Tháng 6-1947, Đảng bộ huyện được thành lập. Đây là sự kiện trọng đại đánh dấu bước trưởng thành của phong trào cách mạng ở Kim Sơn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Kim Sơn đã nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, không sợ hy sinh, gian khổ, tham gia đánh địch hàng trăm trận. Điển hình là những trận đánh oanh liệt, như: trận Bình Sa (tháng 10-1949), trận đánh ở thị trấn Phát Diệm (tháng 12-1951), ở tiểu khu I (tháng 4-1952), ở Định Hóa, Văn Hải (tháng 3-1954); tiêu diệt 1.089 tên địch, làm bị thương 11.207 tên (trong đó có 506 lính Âu Phi), bắt sống 7.048 tên, thu 108 súng bộ binh, phá hủy 2 khẩu đại bác, 25 xe cơ giới, diệt 6 xe tăng, phá hủy một kho xăng... Nhân dân Kim Sơn còn đóng góp cho kháng chiến gần 100 lạng vàng, 3.742.000 đồng mua công trái kháng chiến, hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm, huy động hàng vạn ngày công phục vụ chiến đấu(1). Trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm, như Anh hùng Lực lượng vũ trang: Đậu Quý Khiêm, Bùi Thị Nhạn, Trần Quý Lý, Nguyễn Bá Sơ(2) và nhiều tấm gương dũng cảm khác, đã góp phần tô thắm thêm truyền thống cách mạng hào hùng, mãi mãi là niềm tự hào của Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân huyện Kim Sơn.
Ngày 30-6-1954, huyện Kim Sơn được giải phóng. Trong những năm đầu của thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng bộ lãnh đạo nhân dân trong huyện, phát huy truyền thống cách mạng, hăng hái thi đua lao động sản xuất, vận động được hơn 85% nông dân vào hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Phát động mạnh mẽ các phong trào thi đua “Một người làm việc bằng hai”, “Vững tay cày, chắc tay súng”, “Thanh niên 3 sẵn sàng”, “Phụ nữ 3 đảm đang”... Hoạt động của các tổ chức kinh tế được khôi phục và phát triển nhanh, điển hình là HTX Dưỡng Điềm, xã Hồi Ninh, HTX Như Hòa, xã Như Hòa, HTX Trần Kiên, xã Yên Lộc. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa xã hội được nâng cao cả về quy mô và chất lượng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.
Trong chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược (từ năm 1965 - năm 1972), địa bàn Kim Sơn bị máy bay Mỹ bắn phá 586 lần, làm chết 370 người, bị thương 459 người, có trận tàn phá đến mức hủy diệt như ở thị trấn Phát Diệm, cầu Trì Chính, chợ Kiến Trung, nhà thờ Thủ Trung, nhà dòng Lưu Phương, nhà thờ đá Phát Diệm, cầu sắt Hồi Ninh… Với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Đảng bộ đã lãnh đạo quân và dân trong huyện vừa sản xuất, vừa chiến đấu, tổ chức đánh trả quyết liệt các đợt tấn công phá hoại và bắn rơi 8 máy bay Mỹ bằng súng bộ binh (dân quân Kim Đài bắn cháy 5 chiếc; dân quân xã Thượng Kiệm bắn rơi 2 chiếc; dân quân xã Văn Hải bắn rơi 1 chiếc)(3). Bên cạnh nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quân và dân huyện tích cực xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện cho tiền tuyến, với tinh thần hướng về miền Nam ruột thịt, chia lửa cùng cả nước. Lớp lớp thanh niên Kim Sơn đã lên đường tòng quân giết giặc, với quyết tâm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Từ năm 1955 đến 1975, huyện tổ chức 39 đợt giao quân, với 12.190 thanh niên nhập ngũ và 3.818 thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Đảng bộ và nhân dân huyện Kim Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, ổn định đời sống nhân dân. Và, Kim Sơn là một trong những huyện của miền Bắc có năng suất lúa đạt 5 tấn/ha (năm 1965), đơn vị điểm là HTX Dưỡng Điềm, xã Hồi Ninh.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ và nhân dân Kim Sơn đã đóng góp gần 40 vạn tấn lương thực, gần 5 vạn tấn thực phẩm; 1.908 người con ưu tú của Kim Sơn đã hy sinh tại các chiến trường, 866 thương binh, 823 bệnh binh…
Trong thời kỳ đất nước hòa bình, thống nhất và nhất là trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, quân và nhân dân huyện nhà luôn phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua những khó khăn thử thách, đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và đạt nhiều thành tích trên tất cả các lĩnh vực. Trong quá trình đó đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực.
Lãnh đạo huyện phát triển toàn diện và mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới
Công cuộc đổi mới, do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, là luồng sinh lực mới làm bừng lên tiềm năng, sức mạnh của vùng đất “mới”. Đảng bộ và nhân dân Kim Sơn tranh thủ thời cơ, vận dụng phù hợp và sáng tạo đường lối đổi mới trong điều kiện của địa phương, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao phó.
Về phát triển kinh tế - xã hội: Trong những năm qua, kinh tế Kim Sơn phát triển khá toàn diện, GDP liên tục tăng qua các năm; thu ngân sách trên địa bàn hằng năm đều tăng khá, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Năm 2011, tổng thu ngân sách đạt 107 tỉ đồng, tăng 99 tỉ đồng so với năm 1994. Trong phát triển kinh tế, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Nếu năm 1994, lĩnh vực nông - lâm - thủy sản chiếm 58,1%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng chiếm 26,9%; dịch vụ chiếm 15%, thì đến năm 2011, các chỉ số đó là 35%; 41,5% và 23,5%.
Trong nông nghiệp, phát triển toàn diện cả trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản, tạo ra sự chuyển dịch cơ bản trong cơ cấu kinh tế ngành. Sản xuất lúa liên tục được mùa, đạt đỉnh cao mới về năng suất và sản lượng, là đơn vị dẫn đầu tỉnh về năng suất. Năm 1994, năng suất lúa mới đạt 69,2 tạ/ha/năm, thì đến năm 2011, năng suất bình quân cả năm đạt 127,2 tạ/ha. Sản lượng lương thực tăng cao, năm 1994, chỉ đạt 59.612 tấn, thì đến năm 2011 đạt 107.668 tấn; lương thực bình quân đầu người đạt 659,8 kg/năm, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm được đẩy mạnh: Năm 1994, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 1.535 tấn, đến năm 2010 đạt 6.750 tấn; xuất hiện một số mô hình trang trại chăn nuôi lớn, hiệu quả, có thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/năm.
Kinh tế biển được đầu tư phát triển: Trước đây, sản xuất thủy sản gặp rất nhiều khó khăn do chưa có đủ điều kiện về kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi và nhân dân vùng kinh tế mới ven biển chưa có đủ vốn đầu tư phát triển. Những năm gần đây, cùng với chính sách đầu tư của tỉnh về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, Đảng bộ huyện chỉ đạo đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cải tạo ao đầm, đưa giống mới, tăng nguồn vốn vay để đầu tư nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản đem lại hiệu quả kinh tế cao và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2011, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện đã đạt trên 3.200 ha; trong đó, nuôi trồng thủy sản nước lợ đạt trên 2.200 ha, nuôi trồng thủy sản nước ngọt đạt trên 1.000 ha. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác đạt 16.911 tấn; trong đó, nuôi trồng thủy sản nước lợ đạt sản lượng 10.094 tấn.
Về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa XXI) ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh, phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề đến năm 2010 và định hướng đến 2015. Do đó, hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn được đẩy mạnh, giá trị sản xuất ngày càng tăng cao. Các ngành nghề truyền thống với gần 30 doanh nghiệp sản xuất chế biến cói, thu hút trên 4.000 lao động làm việc thường xuyên và gần 30.000 lao động thời vụ trong các khu dân cư. Các doanh nghiệp chế biến hàng cói xuất khẩu đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn về thị trường, giá cả và ký được nhiều hợp đồng lớn, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân. Năm 1994, giá trị sản xuất chỉ đạt 51,7 tỉ đồng và giá trị xuất khẩu rất thấp, thì đến năm 2011, giá trị đạt 307 tỉ đồng; trong đó, xuất khẩu ước đạt trên 8 triệu USD.
Phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh: Xây dựng đường giao thông, trường học, công trình thủy... được đặc biệt quan tâm. Đến nay, 75% số đường nông thôn được cứng hóa và bê-tông hóa, 682/738 phòng học kiên cố, 52/86 trường học cao tầng, 38 trường học đạt chuẩn quốc gia, 25/27 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, hàng loạt các công trình thủy lợi ở vùng bãi bồi của các xã trong huyện được đầu tư xây dựng và cải tạo, nền quốc phòng toàn dân được giữ vững, an ninh trật tự được bảo đảm, trước hết từ cơ sở. Các hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều đổi mới, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; hệ thống chính trị được tăng cường...
Chăm lo xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện
Suốt trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, cũng như hiện nay, công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng bộ huyện quan tâm, thực hiện đồng bộ, thống nhất và nghiêm túc trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nhờ đó, liên tục nhiều năm liền, Đảng bộ huyện giữ vững danh hiệu vững mạnh.
Về giáo dục chính trị, tư tưởng: Qua từng thời kỳ, các cấp ủy từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm chăm lo các điều kiện để nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, đầu tư nâng cấp hệ thống truyền thanh, chỉ đạo mua, đọc báo, tạp chí của Đảng, phát hành thông báo nội bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng có trình độ, đạo đức, bản lĩnh. Đổi mới việc triển khai, sơ kết, tổng kết, ban hành các chỉ thị, nghị quyết theo hướng, gọn, hiệu quả, phù hợp. Thực hiện nghiêm túc việc đối thoại giữa cấp ủy, lãnh đạo hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp với nhân dân. Duy trì đúng và hiệu quả việc thông tin kịp thời về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội trong nước, và quốc tế, tạo sự thống nhất tư tưởng chính trị trong toàn Đảng bộ.
Công tác tổ chức, xây dựng Đảng: Suốt 65 năm qua, hệ thống tổ chức bộ máy luôn được củng cố, kiện toàn theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả, đáp ứng công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Coi trọng việc phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị và vai trò cá nhân người đứng đầu. Thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ (đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm...). Chỉ riêng trong giai đoạn 1995 - 2010, đã điều động, bổ nhiệm và bổ nhiệm lại 315 cán bộ; luân chuyển 11 cán bộ; cử 400 cán bộ đi đào tạo cử nhân, cao cấp chính trị và trung cấp chính trị, 7 cán bộ đi đào tạo thạc sĩ. Năm 2011, thành lập mới 4 chi bộ, kết nạp được 268 đảng viên, đạt 103,1% kế hoạch; trong đó 26 đảng viên là người Công giáo. Hằng năm, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện mở các lớp bồi dưỡng về lý luận chính trị, nghiệp vụ cho các đối tượng. Công tác đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng, đảng viên ngày càng đi vào nền nếp.
Công tác kiểm tra, giám sát: Các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp luôn chủ động thực hiện toàn diện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng, theo chương trình công tác toàn khóa, có trọng tâm, trọng điểm và yêu cầu của công tác xây dựng Đảng. Chỉ riêng nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, đã kiểm tra 165 tổ chức đảng, 287 đảng viên có dấu hiệu vi phạm; giám sát 155 tổ chức đảng trong đó: khiển trách 77, cảnh cáo 38, cách chức 5, khai trừ 5 và kỷ luật 4 tổ chức đảng và năm 2011, thực hiện 11 cuộc kiểm tra đối với 25 đảng bộ, chi bộ trực thuộc, 2 cuộc giám sát với 4 đơn vị. Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật bảo đảm đúng quy trình, quy định của Điều lệ Đảng, đã góp phần nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đảng viên.
Về công tác phát triển Đảng: Khi mới thành lập, Đảng bộ huyện có 21 đảng viên. Ngay sau khi thành lập, Ban Chấp hành Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo phát triển đảng viên, thành lập các tổ chức cơ sở đảng ở các xã. Đến tháng 8-1948, Đảng bộ đã có 238 đảng viên, ở tất cả các xã đã có sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ đảng, tuy nhiên còn có một số chi bộ ghép(4). Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất (tháng 8-1948), đề ra nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là: “Thi đua phát triển và củng cố Đảng bộ vững mạnh, rộng khắp các thôn, xã; đặc biệt quan tâm phát triển cơ sở đảng ở vùng xung yếu như Tiểu khu 4 và Tiểu khu 1”(5). Và, chỉ sau 7 tháng, số đảng viên cả huyện phát triển được 1.058 đồng chí (Chi bộ xã Thanh Giản có 100 đảng viên, Chi bộ xã Thường Kiệt có 92 đảng viên) và đến tháng 10-1949, Đảng bộ huyện có 1.224 đảng viên. Qua 22 kỳ đại hội, đến nay toàn huyện có 77 tổ chức cơ sở đảng, với 6.299 đảng viên (537 đảng viên là người có đạo).
Nhận thức rõ vị trí, vai trò của đảng viên và tổ chức cơ sở đảng trong đồng bào Công giáo, ngày 30-8-2008, Ban Thường vụ ra Nghị quyết chuyên đề số 14-NQ/HU, về đẩy mạnh công tác kết nạp đảng đối với đồng bào có đạo. Và, đặt mục tiêu: hằng năm, Đảng bộ kết nạp vào Đảng từ 200 người trở lên (trong đó có 40% là người có đạo); tới năm 2015, có 100% số nơi đông đồng bào theo đạo có chi bộ. Với quyết tâm chỉ đạo, hết năm 2010, toàn huyện kết nạp được 254 đảng viên; trong đó, 30 đảng viên là người có đạo. Năm 2011, kết nạp được 268 người vào Đảng; trong đó 26 người có đạo.
Qua 65 năm phấn đấu, trưởng thành, Đảng bộ, nhân dân, các lực lượng vũ trang huyện Kim Sơn và 9 tập thể vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang; 1 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; 6 cá nhân được phong tặng, truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang, 1 cá nhân được phong tặng Anh hùng Lao động; 17 tập thể, 4 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng...
Một số kinh nghiệm chủ yếu
Nhìn lại 65 năm, dưới ngọn cờ của Đảng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Ninh Bình, từ những thành công và hạn chế, Đảng bộ Kim Sơn bước đầu rút ra một số kinh nghiệm, tiếp tục chỉ đạo, xây dựng Kim Sơn ngày càng mạnh mẽ và bền vững:
Một là, luôn luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước phù hợp với thực tiễn Kim Sơn; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; đặc biệt là xây dựng khối đoàn kết lương - giáo, để tạo sức mạnh tổng hợp, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
Hai là, lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm; phân công rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và tính gương mẫu của người đứng đầu các cấp; thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng; phát huy dân chủ đi liền với giữ vững kỷ luật, kỷ cương.
Ba là, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, trước hết là xây dựng chính quyền vững mạnh, trong sạch để thực hiện nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn.
Bốn là, trong quá trình tổ chức và lãnh đạo cách mạng, luôn chăm lo xây dựng hệ thống tổ chức đảng vững mạnh, trong sạch, thực sự là hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng ở khắp thôn, xã trong huyện. Thường xuyên làm tốt công tác xây dựng Đảng, tạo niềm tin sâu sắc của nhân dân, các đoàn thể quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.
Năm là, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình; sự giúp đỡ của các ban, ngành, các huyện, thị xã; sự ủng hộ của nhân dân trong và ngoài huyện trong thực hiện nhiệm vụ chính trị./.
_______________
(1), (2), (3) Địa chí Ninh Bình, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.1273, 1274
(4), (5) Lịch sử Đảng bộ huyện Kim Sơn, t.1, tr.82
Tuyên dương 26 điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở Ninh Bình  (29/08/2012)
Tuyên dương 26 điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở Ninh Bình  (29/08/2012)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào  (29/08/2012)
Phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao tại Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Xuân Thủy  (29/08/2012)
Tăng cường hợp tác Việt Nam - Cam-pu-chia  (29/08/2012)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp đoàn học giả Hàn Quốc  (29/08/2012)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên