Biến đổi xã hội và đổi mới công tác dân vận ở Việt Nam hiện nay

Đỗ Văn Quân
TS, Viện Xã hội học và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
10:21, ngày 27-10-2019

TCCS - Trong xu hướng hội nhập ngày một sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, công tác dân vận, giáo dục, tuyên truyền, vận động ngày càng đòi hỏi những yêu cầu mới, khó trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.

Tình quân dân ấm áp nơi Đồn Biên phòng Bình Thạnh (Đồng Tháp)_Nguồn:  qdnd.vn

Biến đổi xã hội và yêu cầu đổi mới công tác dân vận

Việt Nam đã và đang chứng kiến những biến đổi của kinh tế dẫn tới những biến đổi tương ứng tất yếu về xã hội, cấu trúc xã hội với tính đa dạng của các giai cấp, tầng lớp xã hội, các nhóm lợi ích, vị thế, lứa tuổi, thế hệ, đi kèm theo những khác biệt về xu hướng, định hướng giá trị và lựa chọn giá trị. Biến đổi của cấu trúc xã hội là sự phản ánh về mặt xã hội những biến đổi cấu trúc kinh tế, các quan hệ lợi ích. Cộng đồng nhân dân luôn là một tập hợp lớn mang tính không thuần nhất, vừa thống nhất về mục đích chung đổi mới để phát triển, về những giá trị tinh thần cốt lõi: yêu nước, đoàn kết, gắn bó cộng đồng, tình cảm và ý thức dân tộc..., vừa khác biệt, mâu thuẫn, chênh lệch trong phát triển, nhất là về lợi ích kinh tế và điều kiện phát triển kinh tế.

Đổi mới của Việt Nam với lực đẩy của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và dân chủ hóa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa để phát triển dân chủ gắn liền với quá trình chủ động hội nhập quốc tế. Những quyết sách đó phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, kết hợp nội lực và ngoại lực từ quốc tế thông qua hợp tác song phương và đa phương, với sự nhất quán về đường lối đối ngoại và chính sách ngoại giao của Đảng và Nhà nước: hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Bằng cách đó, Việt Nam tận dụng được thời cơ phát triển trong điều kiện khoa học - công nghệ, thông tin bùng nổ trên phạm vi toàn cầu, để vừa hướng tới một nền kinh tế thị trường hiện đại, vừa đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cần khai thác và tận dụng có hiệu quả để phát triển nhanh và bền vững, hội nhập quốc tế cũng đặt ra không ít những thách thức phải vượt qua, như sự cạnh tranh gay gắt về kinh tế, sự xâm nhập của các dòng văn hóa ngoại lai trong giao lưu, tiếp xúc và đối thoại văn hóa, cùng với những biến đổi nhanh chóng của tình hình thế giới, sự tranh chấp chủ quyền, biên giới, lãnh thổ, sự gia tăng các xung đột, mâu thuẫn, khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu và những biến đổi bất thường về khí hậu, sự suy giảm môi trường tự nhiên... Đó là những bất ổn tiềm tàng, những đan xen phức tạp giữa phát triển và phản phát triển.

Tình hình trên đây đặt ra nhiều vấn đề, nhiều yêu cầu phải giải quyết. Việc giải quyết những vấn đề đó nhằm bảo đảm tốt mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển, giữa kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa, giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị và hệ thống chính trị, giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội. Đồng thời, chính từ việc giải quyết các mối quan hệ này trong bối cảnh biến đổi xã hội tất yếu phải đổi mới công tác dân vận ở Việt Nam.

Ngày nay, cơ chế thị trường đang được áp dụng và phát huy tác dụng trong đời sống xã hội. Đồng thời, công nghệ thông tin đã phát triển rất mạnh, đặc biệt là in-tơ-nét với các hình thức truyền thông trực tuyến cho phép người dân có thể truy cập các loại thông tin và phản hồi tức thì các ý kiến của họ. Môi trường pháp lý và bầu không khí dân chủ, cởi mở của xã hội cũng đang được đổi mới theo xu hướng xây dựng nhà nước pháp quyền và mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật, có quyền được bày tỏ ý kiến. Quyền thông tin dần được xác lập cùng với sự hình thành thái độ cởi mở, hợp tác, chia sẻ theo tinh thần công khai, minh bạch. Đặc biệt là, cùng với mức sống kinh tế được cải thiện, trình độ dân trí đã được nâng cao lên rất nhiều so với trước kia. Những biến đổi to lớn và mạnh mẽ diễn ra trong nhận thức, thái độ và cách ứng xử của tất cả các thành viên trong xã hội đã làm biến đổi công tác dân vận sang xu hướng trao đổi, chia sẻ, kiểm tra, giám sát, bàn bạc, đóng góp ý kiến và cả chức năng phản biện xã hội.

Đổi mới công tác dân vận ở Việt Nam hiện nay - một số vấn đề và gợi ý

Một là, thực tiễn cho thấy, nhiều vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đòi hỏi phải nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận của Đảng, như mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với việc giải quyết sự phân hóa giàu nghèo và thực hiện công bằng xã hội; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa với việc dịch chuyển lớn cơ cấu, thành phần giai cấp, phân công lao động trong xã hội; việc thu hồi đất đai phục vụ cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp, đời sống, thu nhập thấp… Đây thực sự là những vấn đề cấp bách cần phải được quan tâm nghiên cứu nhiều hơn, cả về lý luận và thực tiễn.

Hai là, tình hình thế giới diễn biến mau lẹ và phức tạp, khó lường. Do đó, công tác dân vận phải xác định tầm nhìn mới, có tư duy mới để có hành động mới, chủ động thích ứng với hoàn cảnh mới. Phải có cách nghĩ mới, cách làm mới thì mới tập hợp và thuyết phục được nhân dân, mới lôi cuốn họ tham gia các phong trào, các cuộc vận động. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ dân vận, các cơ quan và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận cần đề cao việc xây dựng tầm nhìn chiến lược một cách rõ ràng. Thực hiện kết hợp hài hòa giữa mục tiêu của công tác dân vận ở các cấp độ dài hạn, trung hạn và ngắn hạn. Đánh giá hiệu quả của công tác dân vận phải dựa trên kết quả đạt được theo mục tiêu và các tác động xã hội. Đồng thời, đề cao mục tiêu hiệu quả tổng thể của công tác dân vận.

Ba là, tình hình đất nước đã biến đổi nhanh chóng và sâu sắc sau hơn trong hơn 30 năm đổi mới, công tác dân vận trong tình hình hiện nay phải đáp ứng những yêu cầu mới, cần tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, đổi mới nội dung và phương pháp, nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn dân và trình độ của cán bộ; cần nghiên cứu bằng các phương pháp hiện đại (đặc biệt là phương pháp, cách tiếp cận, lý thuyết, tri thức, tư duy…). Cán bộ làm công tác dân vận phải được đào tạo chuyên ngành, chuyên nghiệp và chuyên sâu về khoa học dân vận. Nói một cách khái quát, công tác dân vận trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay vừa có mặt thuận lợi, vừa có nhiều khó khăn, thậm chí phải đối mặt với không ít những vấn đề và tình huống phức tạp. Trong bối cảnh hiện nay, công tác dân vận và sự lãnh đạo công tác dân vận của Đảng phải được xác định là công tác ở tầm chiến lược, có vị trí và vai trò trọng yếu, quyết định đến thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là, đổi mới công tác dân vận và lãnh đạo công tác dân vận của Đảng trong tình hình mới, trước yêu cầu mới là xuất phát từ chính nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của bản thân quần chúng nhân dân. Xã hội ngày càng phát triển, đất nước ngày càng đổi thay, đời sống của các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng cao thì nhu cầu của người dân cũng ngày càng đa dạng, phong phú hơn về cả về vật chất, tinh thần. Trình độ học vấn, dân trí được nâng cao rõ rệt nhờ sự nghiệp phát triển giáo dục cũng như sự mở rộng thông tin, các phương tiện thông tin đại chúng. Do đó, chỉ thuyết phục được người dân khi việc vận động, tuyên truyền có nội dung phong phú, có phương pháp thích hợp với từng đối tượng; thông tin kịp thời, chân thực, chính xác, khách quan, không phiến diện, không chủ quan, áp đặt; và quan trọng hơn cả là đội ngũ cán bộ, đảng viên phải nêu gương trước nhân dân.

Năm là, đổi mới công tác dân vận và sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới cần hướng vào các nội dung cơ bản sau: 1- Đổi mới thể chế, chính sách, luật pháp tạo động lực phát triển đối với hệ thống chính trị, đối với hoạt động vận động nhân dân, tạo điều kiện tốt nhất để phát huy tính chủ động, sáng tạo của người dân, để quần chúng tham gia hoạt động chính trị chủ động, tích cực, thúc đẩy dân chủ để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa; 2- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, trách nhiệm của Nhà nước, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với công tác dân vận. Đảng cần tiếp tục đổi mới cách thức, phương pháp, quy trình xây dựng, ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách và hoàn thiện các chủ trương, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; 3- Chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về công tác vận động nhân dân; chú trọng công tác nghiên cứu dự báo khoa học; 4- Tăng cường thực hiện công bằng, bình đẳng trong xã hội; mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Xây dựng lực lượng nòng cốt trong cộng đồng các dân tộc thiểu số và vùng có đạo; 5- Tăng cường vai trò giám sát, phản biện của nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và cơ chế nhân dân tham gia xây dựng Đảng; 6- Chấp hành nghiêm kỷ luật Đảng. Một Đảng có kỷ luật nghiêm sẽ là một đảng được quần chúng tin yêu đi theo. Chỉnh đốn tổ chức cơ sở đảng, làm gương cho quần chúng; coi quan liêu, tham nhũng là kẻ thù lớn nhất trong công tác  dân vận.

Sáu là, công tác dân vận và sự lãnh đạo công tác dân vận của Đảng vừa là công tác chính trị, vừa là công tác xã hội; có nội dung kinh tế đan xen nội dung văn hóa. Toàn bộ hoạt động dân vận trong các phong trào vận động nhân dân ở khắp mọi nơi trong cả nước đều phải thấm nhuần sâu sắc ý nghĩa văn hóa, thể hiện trong từng tổ chức, trong các mối quan hệ, trong từng tập thể, trong mỗi hộ gia đình và trong từng con người; luôn chú trọng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cần được đẩy mạnh, quan tâm giải quyết từ việc nhỏ nhất.

Bảy là, công tác dân vận cần chú trọng việc gây dựng các phong trào thi đua trong nhân dân, không tuyên truyền, thuyết giảng suông mà giải quyết các công việc thực tế có hiệu quả rõ rệt, đem lại lợi ích thiết thân, hằng ngày cho người dân, như cơm ăn, áo mặc, nhà ở, việc làm, chăm sóc sức khỏe, tổ chức đời sống văn hóa tinh thần cho các cộng đồng dân cư, giai tầng xã hội... Tập trung bảo đảm lợi ích hợp pháp, chính đáng, chăm lo dân sinh, nâng cao dân trí, dân quyền để thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân./.