Bảo vệ sức khỏe cán bộ tại Hội nghị Pa-ri

Nhà báo Nguyễn Sĩ Đại (ghi)
23:03, ngày 04-02-2018
TCCSĐT - Có được thành công Hội nghị Pa-ri, do có sự lãnh đạo sáng suốt của Bác Hồ và Trung ương Đảng; do chiến thắng trên chiến trường; có công lao trực tiếp của các nhà ngoại giao và đội ngũ phục vụ. Bài viết sau đây trích từ hồi ký của BS Nguyễn Văn Thọ, Nguyên Trưởng phòng Bảo vệ sức khỏe Trương ương 3.

Sáng 3-5-1968, BS. Bùi Đồng, Giám đốc Bệnh viện Việt Xô báo cho tôi đến nhà đồng chí Xuân Thủy ở 36 Lý Thường Kiệt (nay là Bảo tàng Phụ nữ VN) để nhận nhiệm vụ đặc biệt mà ngay cả anh cũng không biết.

Tôi đến ngay số nhà 36. Anh Trịnh Ngọc Thái, thư ký đồng chí Xuân Thủy mà mọi người thường gọi là anh Xuân thông báo: Anh Xuân sẽ đi Pa-ri dự hội nghị quan trọng. Anh có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe anh Xuân và toàn đoàn. Thời gian đi là ngày 7 hoặc 8-5. Tôi hỏi đoàn có bao nhiêu, anh Thái nói khoảng bốn chục. Tôi hỏi thời gian đi bao lâu, anh Thái bảo không biết. Chỉ thế. Hồi ấy chỉ biết nhận nhiệm vụ và chấp hành. Ngay sau đó, tôi được anh Hoàng Hữu Cầu (Bộ Ngoại giao) đưa đi làm hộ chiếu và may complet. Mỗi người đi Pa-ri được may hai bộ, còn tôi chỉ kịp may một bộ vì không kịp thời gian.

Thời gian cũng quá gấp đối với tôi. Chuyện nhà không nói, tôi phải lo đầy đủ thuốc men, bàn giao công việc. Lúc đó, tôi vừa làm ở Bệnh viện Việt Xô, vừa được phân công trực tiếp chăm sóc sức khỏe của các đồng chí Xuân Thủy, Đỗ Mười, Nguyễn Khánh Toàn, Phan Anh, Nguyễn Thị Thập, Lê Quốc Thân, Phan Trọng Tuệ, Hoàng Minh Giám và cụ Phan Kế Toại. Sau này, tôi mới biết tôi “được” (hay “phải”) đi Pa-ri là do đề nghị trực tiếp của anh Xuân.

Đoàn Chính phủ VNDCCH dự Hội nghị Pa-ri có 37 người nên có mật danh “Đoàn 37”.

Sáng 7-5, chúng tôi được ăn phở tại nhà anh Xuân rồi lên đường. Cùng đi với anh Xuân là các anh Phan Hiền, Nguyễn Thành Lê, Nguyễn Việt, Trịnh Ngọc Thái, Nguyễn Đình Phương…, hai đồng chí cảnh vệ và tôi.

Chúng tôi bay từ Sân bay Gia Lâm trên chiếc IL-18 do Liên Xô tặng Bác Hồ. Ở khoang trước có một bộ xa-lông, gồm hai ghế bành, một đi-văng, một số ghế đệm mềm.

Sang đất Trung Quốc, máy bay bị xóc nhiều, anh Xuân bị ho, khó thở, huyết áp tăng. Đây là lo lắng, có thể nói sợ hãi đầu tiên của tôi. Dù đã chăm sóc sức khỏe của anh hơn ba năm, nhưng ở nhà còn có tập thể, phương tiện…, nay chỉ mình tôi, không lo sao được?

Đến Vũ Hán, trời lất phất mưa. Anh Xuân đỡ mệt, khoan thai nói chuyện với  các đồng chí Trung Quốc ra đón. Từ đây, chúng tôi chuyển sang IL -18 của Trung Quốc để đi Bắc Kinh. Đoàn được bố trí nghỉ ở “Bắc Kinh phạn điếm”  đối diện với Thiên An Môn. Ăn tối xong, anh Xuân có cuộc gặp Thủ tướng Chu Ân Lai, quá nửa đêm mới xong.

Sáu giờ sáng 8-5, tôi kiểm tra sức khỏe cho anh Xuân xong, cả đoàn lên IL -18 của Liên Xô chờ sẵn bay sang Mátxcơva. Chiều tối mới đến nơi, Đoàn được bố trí nghỉ ở một biệt thự ngoại ô. Sáng 9-5, Thủ tướng Cô-xư-ghin đến thăm và có buổi làm việc với anh Xuân.

Trong ngày, chúng tôi bay sang Pa-ri. Tại sân bay Bourget, sau nghi lễ ngoại giao, chúng tôi gặp sự đón tiếp nồng nhiệt của bà con Việt kiều tưng bừng cờ hoa và đông đảo phóng viên báo chí.

Nhìn xe của Đoàn cắm cờ đỏ sao vàng, có cảnh sát hộ tống đi giữa Pa-ri, lòng chúng tôi vô cùng xúc động. Niềm tự hào, niềm tin vào chiến thắng dâng trào.

Thoạt đầu, Đoàn được bố trí ở khách sạn Lutétia, một khách sạn sang trọng bậc nhất ở Trung tâm Paris, có ba lớp bảo vệ: cảnh sát Pháp, các đồng chí Đảng Cộng sản Pháp và bảo vệ của Đoàn ta.

Phiên họp đầu tiên vào ngày 13-5 tại Trung tâm hội nghị quốc tế. Đoàn ta đưa ra lập trường bốn điểm và anh Xuân đưa ra điều kiện tiên quyết: Mỹ phải chấm dứt vĩnh viễn và vô điều kiện việc ném bom và các hành động chiến tranh khác ở miền Bắc mà không được có yêu sách gì.

Ngày 18-5, Đoàn chuyển về ở tại Trường Đảng Maurice Thorez (mang tên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp) tại thị trấn Choisy Le Roi. Chỗ ở tốt, không khí trong lành, có khu vui chơi thể thao. Các đồng chí Cộng sản Pháp phục vụ rất chu đáo, từ lái xe đến bảo vệ, cấp dưỡng, từ tiền nhà đến phục vụ, suốt hơn bốn năm trời không lấy một đồng nào…

Ngày 3-6-1968, đồng chí Lê Đức Thọ sang Pa-ri lần đầu. Từ đó số lượng đoàn ta tăng lên gần gấp ba. Chăm sóc sức khỏe anh Sáu Thọ có BS. Thuận, BS. Hoàn nhưng khi anh Sáu về thì hai anh này cũng về.

Ở Pháp thuốc rất đắt, kinh tế Đoàn ta lại rất eo hẹp. Được phép của anh Xuân, qua đồng chí Mai Văn Bộ, tôi làm quen được một số bác sĩ Việt kiều như BS. Hà (con rể BS. Nguyễn Văn Hưởng), BS. Phan (Thérèze Ký), BS. Huê, BS. Mãn, BS. Tỵ, BS. Thiệt. Ở Pháp, các bác sĩ có phòng mạch riêng, thường được các công ty thuốc gửi thuốc mẫu (échantillon). Cuối năm, nếu thuốc không dùng hết, không được vứt ra thùng rác (sẽ bị phạt nặng) mà có tổ chức chuyên nghiệp gom về để tiêu hủy. BS. Thiệt là một ngưởi nổi tiếng trong giới y học Pháp, phòng mạch được trang bị đầy đủ. Từ đó, Đoàn được khám bệnh và có thuốc dùng mà không mất tiền. Theo quy định, mỗi khi ra khỏi cơ quan, phải đi ba người, trong đó có một bảo vệ. Mỗi lần đi lấy thuốc, tôi thường đi cùng đồng chí Niên (tức Nhất) chuyên viên Kiểm định chất độc của Cục Cảnh vệ.

Cuối năm 1968, Đoàn của Mặt trận, sau là Chính phủ cách mạng lâm thời sang (gọi là Cộng hòa Miền Nam Việt Nam), nội bộ ta gọi là Đoàn B do Trần Bửu Kiếm, sau này là Nguyễn Thị Bình dẫn đầu; tôi kiêm luôn việc chăm sóc sức khỏe trong thời kỳ đầu chưa có bác sĩ.

Năm 1969, Pháp có dịch cúm Hồng Công, nhiều người chết. Đoàn ta có một số người mắc, tôi đề nghị cách ly. Mấy anh bị cách ly hơi buồn và “bức xúc” với tôi. anh Xuân làm thơ trêu, động viên:

Cống Chỉnh hẹn hò chi đất Việt

Mà sao San sẻ cúm Hồng Công

Cúm co nên cúng cho tăng Thọ

Bội mắm tôm chanh, bội bún lòng…

Bài thơ viết ngày15-12-69. Anh Xuân là nhà thơ nên thường làm thơ. Không khí thơ ca làm cho mọi người sống vui, đỡ nhớ nhà, thậm chí các anh còn dùng thơ trả lời phỏng vấn rất ý nhị. Thí dụ, có nhà báo hỏi về tiến triển đàm phán, được trả lời bằng câu ca dao “Con kiến mà leo cành đa/ Leo phải cành cụt leo ra leo vào”.

*****

Có hai kỷ niệm rất sâu trong lòng tôi thời kỳ ở Pa-ri.

Một buổi chiều, Đồng chí Lê Đức Thọ đang ngồi ngắm cảnh và suy nghĩ điều gì ở Choisy Le  Roi. Tôi định tránh đi khỏi ngắt mạch suy nghĩ của anh thì anh vẫy tay gọi tôi lại. Anh Sáu hỏi, dạo này cậu cho anh Xuân Thủy uống thuốc gì mà trông sức khỏe tốt lên. Tôi thưa vẫn thuốc bình thường như ở trong nước, có điều anh chăm tập thể dục và cũng dần quen với thời tiết bên này. Anh Sáu trầm ngâm một lúc rồi nói: “Cậu cố gắng chăm sóc sức khỏe cho cậu Xuân. Cậu ấy mà ốm không làm việc được thì ở nhà không tìm được người thay đâu”! Tôi tranh thủ báo cáo: “Thưa anh, anh Xuân làm việc nhiều quá, không kể giờ giấc, sợ không bảo đảm sức khỏe. Chúng tôi đã khuyên mà không được ạ. Mong anh trao đổi với anh Xuân”… Anh Sáu suy nghĩ một lúc rồi bảo: “Công việc cậu ấy căng thẳng lắm, chẳng còn cách nào khác đâu. Cũng đành vậy”.

Vốn biết sức khỏe của anh Xuân là rất quan trọng, sau buổi nói chuyện với anh Thọ, tôi thấy trách nhiệm của mình càng nặng nề hơn, không dám rời anh Xuân nửa bước.

Bình thường, tôi biết anh Xuân bị hen phế quản lâu ngày, lại thêm loét hoành tá tràng, cao huyết áp, dị ứng thời tiết…, lại thường làm việc đến hai giờ sáng. Ăn uống không có gì đặc biệt. Suốt năm năm, mỗi bữa anh chỉ ăn một bát cơm nhỏ, một bát canh rau, thức ăn mặn thường là thịt rang, món anh hay đòi là cà pháo muối, nhưng không bao giờ chúng tôi cho anh ăn quá ba quả.  Khi thấy anh làm việc quá sức, tôi yêu cầu anh đi nghỉ, anh bảo: “Nhà nước cử bác sĩ sang đây chăm sóc sức khỏe cho tôi để làm việc chứ không phải để nghỉ”. Tính cách anh Xuân rất vui vẻ, luôn tôn trọng mọi người, không muốn làm ai buồn, nhưng có lúc đã rất nghiêm với tôi. Anh làm việc rất căng thẳng, nhưng thấy tôi cứ nì nèo mãi, anh  nghiêm mặt: “Anh cứ để tôi làm việc. Xong hội nghị rồi, có chết tôi cũng yên lòng”! Từ đó tôi không dám can anh, chỉ biết một mực chăm sóc anh.

Rồi cái gì đến phải đến. Tháng 10-1971, anh Xuân bị ốm nặng. Tất cả các thứ bệnh như cao huyết áp, đau dạ dày, hen suyễn… đều trỗi dậy, khiến anh liệt giường. Cả Đoàn hết sức lo lắng. Đảng ủy chỉ thị cho tôi viết báo cáo về tình hình sức khỏe của anh Xuân cho Bộ Chính trị. Đến 2 giờ sáng, anh Nguyễn Minh Vỹ, Phan Hiền rón rén vào phòng anh Xuân ra hiệu cho tôi ra ngoài để đọc điện của Bộ Chính trị. Bức điện do anh Sáu Thọ ký, chỉ đạo: Về chuyên môn, giao bác sĩ hoàn toàn chịu trách nhiệm. Trường hợp khẩn cấp, bác sĩ chọn một nước xã hội chủ nghĩa gần nhất đưa anh Xuân đi chữa bệnh. Đoàn chịu trách nhiệm thủ tục và các mặt khác.

Suốt một tuần, anh Xuân không ăn được gì cũng là một tuần tôi thức trắng, không rời anh. Các đồng chí cảnh vệ cũng thay nhau túc trực.

Hơn một tuần căng thẳng, bệnh lui dần. Anh Xuân bắt đầu ăn được và đùa: “Gớm thế, không ngờ kỳ này mình lại ốm nặng”. Tôi trút hơi thở nhẹ nhõm, bụng bảo dạ: “Anh thở được thì em mới thở được; anh ốm thì em cũng chết”! Sau đó, theo đề nghị của tôi, anh Xuân được bố trí sang nghỉ dưỡng ở Cộng hòa Dân chủ Đức hai tuần.

Anh khỏe lên và đưa cuộc hội đàm đi đến thắng lợi cuối cùng.

Anh Xuân đã để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc về tấm gương của một nhà lãnh đạo tài năng và một nhân cách lớn, một con người “viết hoa” như Gorki nói, khi chỉ lấy sự cống hiến cho đất nước, lấy sự bình đẳng, yêu thương con người làm lẽ sống, làm hạnh phúc của mình. Như anh nói, làm được điều ấy, có chết cũng cam lòng. Tôi chăm sóc và chữa bệnh cho anh, nhưng chính anh lại cho tôi những thang thuốc vô giá ở đời!