TCCSĐT - Trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm với những chính sách hỗ trợ cụ thể như tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; miễn giảm, hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh thông qua các hình thức như cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ một phần kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế và các hình thức hỗ trợ khác.

Cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn

Chính sách hỗ trợ chăm sóc y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số của Nhà nước thể hiện trước hết trong Luật Bảo hiểm y tế. Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014, có 17 trường hợp được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí, trong số đó có đối tượng là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Chính sách này đã bao quát phần lớn các đối tượng đồng bào người dân tộc thiểu số, bởi lẽ địa bàn cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số tập trung ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, về cơ bản, đây là những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thậm chí đặc biệt khó khăn.

Thực hiện quy định của Luật, hàng năm, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc, cùng các ngành có liên quan rà soát, lập danh sách và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng khó khăn, theo danh sách thôn, xã thuộc Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020. Để tạo thuận lợi nhất cho đồng bào dân tộc thiểu số khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội các địa phương tiến hành ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với các cơ sở y tế trên địa bàn, tổ chức khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế từ tuyến xã đến tuyến huyện, tỉnh. Đồng thời, ở một số địa phương, việc thực hiện thông tuyến khám, chữa bệnh đối với tuyến huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số được khám, chữa bệnh ở tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn mà không phải thực hiện thủ tục chuyển tuyến. Ngoài việc được chi trả chi phí thuốc, vật tư y tế…, bệnh nhân là người dân tộc thiểu số sinh sống tại các các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn còn được hỗ trợ chi phí chuyển viện trong quá trình điều trị bệnh.

Về chất lượng khám, chữa bệnh, hiện nay, ở nhiều địa phương, các cơ sở khám, chữa bệnh đã đầu tư các trang thiết bị, đội ngũ y, bác sĩ được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện được nhiều dịch vụ kỹ thuật, tạo niềm tin cho người dân. Ngành y tế cũng tích cực trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhằm bảo đảm tốt quyền lợi khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế của đồng bào dân tộc thiểu số.

Không chỉ thuận lợi trong việc khám chữa bệnh tại bệnh viện, trung tâm y tế tuyến cơ sở, theo Thông tư liên tịch số 41/2014 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính, đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo sinh sống ở khu vực có điều kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, khi có bệnh nặng cần chuyển lên tuyến trên không cần giấy chuyển viện. Điều này đã giúp người bệnh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn không phải làm nhiều thủ tục hành chính và được tiếp cận với kỹ thuật khám chữa bệnh hiện đại.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng gặp khá nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế cho thấy, hàng năm, việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số tại một số địa phương còn chậm, chưa kịp thời. Ngoài ra, việc rà soát, kiểm tra danh sách đối tượng của các xã, phường, thị trấn không chặt chẽ. Trong khi, phần mềm nghiệp vụ của ngành bảo hiểm xã hội chưa có chức năng cảnh báo việc cấp trùng thẻ cho đối tượng, dẫn đến sai thông tin. Bên cạnh đó, việc tổng hợp lập danh sách người dân tộc thiểu số còn gặp không ít khó khăn là do thói quen sử dụng nhiều tên, nhiều năm sinh khác nhau, phát âm, viết chữ tiếng phổ thông hạn chế nên làm sai lệch giữa thông tin được in trong thẻ và các giấy tờ tùy thân khác, gây ra khó khăn khi thanh toán bảo hiểm y tế cho chi phí khám, chữa bệnh. Một bất cập nữa là việc phân cấp quản lý, xác định đối tượng trong một số văn bản chưa rõ ràng, chưa đầy đủ theo luật Bảo hiểm y tế và Nghị định 105 của Chính phủ. Về phía người dân, có tình trạng đi khám, chữa bệnh không mang thẻ, thường xuyên thiếu thủ tục như giấy tờ tùy thân có ảnh, giấy chuyển viện..., gây trở ngại trong khâu tiếp nhận vào viện. Việc bảo quản thẻ bảo hiểm y tế của đồng bào cũng chưa được quan tâm. Thẻ bảo hiểm y tế bị rách, mờ gây khó khăn cho việc tra cứu và nhập dữ liệu vào hệ thống giám định bảo hiểm y tế... Có trường hợp, dù các đối tượng đã được gia hạn thẻ bảo hiểm y tế nhưng trong hệ thống thông tin vẫn không thể hiện giá trị sử dụng thẻ như đã gia hạn nên nhiều trường hợp đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế ngoại tỉnh và Trung ương đã không được giải quyết quyền lợi.

Việc chậm công nhận xã khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ cũng ảnh hưởng đến công tác cấp thẻ bảo hiểm y tế và quyền lợi người thụ hưởng. Sau khi Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 được ban hành, Bảo hiểm xã hội các địa phương đã chỉ đạo toàn hệ thống tập trung rà soát danh sách và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng là người dân tộc thiểu số đang sinh sống thuộc vùng đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là đối tượng được Nhà nước đóng bảo hiểm y tế, có mức đóng 4,5% mức lương cơ sở, được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh.

Mặc dù còn những vướng mắc, hạn chế, nhưng rõ ràng, việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn đã góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống cho người dân. Những chính sách ưu đãi về an sinh xã hội như việc cấp phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho các đối tượng theo quy định của Đảng, Nhà nước đã thể hiện tính nhân văn và sự chia sẻ. Tất cả viện phí, thuốc men đều đã được bệnh viện cấp phát miễn phí theo quy định đối với người có thẻ bảo hiểm y tế. Trước đây, do đời sống khó khăn, cái ăn còn không đủ nên mỗi khi ốm đau, bà con đều phải tự chữa trị bằng các bài thuốc dân gian chứ không đến bệnh viện. Từ khi được cấp thẻ bảo hiểm y tế, nhiều người trong đồng bào dân tộc thiểu số đã biết được lợi ích khi khám chữa bệnh, mỗi khi đau ốm đều đến bệnh viện để được các bác sỹ thăm khám, điều trị một cách tốt nhất. Đây là yếu tố rất quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, chính sách bảo hiểm y tế đã giúp đồng bào giảm bớt khó khăn về kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho họ ổn định cuộc sống, sản xuất; đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước.

Chính sách bảo hiểm y tế rõ ràng là cơ hội tốt để đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng các tiến bộ về y học, được chăm sóc sức khỏe, vì vậy, ngành bảo hiểm xã hội cần tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số để họ hiểu quyền lợi và trách nhiệm khi sử dụng thẻ bảo hiểm y tế.

Tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình

Vấn đề đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số là giải pháp cơ bản để giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của nhân dân và góp phần ổn định chính trị xã hội. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là 2 trụ cột trong hệ thống chính sách xã hội, liên quan đến quyền lợi, sức khỏe, đảm bảo an toàn và chất lượng cuộc sống trọn đời của người tham gia. Vì vậy, bên cạnh nhóm đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế, cần tăng cường tuyên truyền, vận động nhóm đồng bào dân tộc thiểu số còn lại tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện và hình thức phù hợp nhất là loại hình bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Đối với vùng đồng bào vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số trở ngại đầu tiên là địa bàn rộng, giao thông đi lại cách trở; cuộc sống còn nhiều khó khăn lại sinh sống ở địa bàn vùng sâu, vùng xa nên công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội không dễ dàng. Nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa nhận thức đầy đủ về chính sách cũng như quyền lợi bảo hiểm y tế mang lại nên không mấy mặn mà tham gia.

Để thu hút được nhiều hơn đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình thì cần có các giải pháp tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể... tuyên truyền với các hình thức, nội dung đa dạng, giúp người dân hiểu, nắm rõ bản chất, vai trò, ý nghĩa và tính ưu việt của chính sách bảo hiểm y tế cũng như các quy định cơ bản của pháp luật. Vai trò của mạng lưới đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn cũng rất quan trọng nên cần rà soát, tổ chức tập huấn, củng cố kiện toàn, nâng cao chất lượng hệ thống đại lý thu hiện tại, kết hợp tăng cường công tác mở rộng, quản lý chặt chẽ đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

Để nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bên cạnh công tác tuyên truyền, Nhà nước cần ban hành cơ chế, chính sách theo hướng nâng mức hỗ trợ mức đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, mở rộng đối tượng hỗ trợ đối với những hộ không thuộc hộ nghèo, cận nghèo; linh hoạt hơn về mức hỗ trợ, cần quy định mức hỗ trợ tối thiểu để địa phương nào có điều kiện kinh tế phát triển thì có cơ chế để hỗ trợ thêm một phần mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Tăng cường đầu tư và đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại ngân sách nhà nước trong lĩnh vực y tế để có nguồn lực triển khai toàn diện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, nhất là đối với các đối tượng chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, biên giới, hải đảo. Ưu tiên bố trí ngân sách, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi ngân sách nhà nước. Tập trung ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, các lĩnh vực phong, lao, tâm thần...; dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng.

 Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Trưởng Ban Thu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến 30-9-2017, số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế của 6 tỉnh vùng Tây Bắc là hơn 4.400.000 người, đạt hơn 96% so với dân số vùng, tăng gần 200.000 người (tương ứng tăng 4,56% so với năm 2016); chiếm tỷ trọng gần 5,6% so với tổng số người tham gia bảo hiểm y tế trên toàn quốc. Trong đó phần lớn các tỉnh Tây Bắc đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế so với Quyết định 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với vấn đề phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế cần tăng cường trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc thường xuyên kiểm tra tình hình thực hiện chính sách pháp luật bảo hiểm y tế tại cơ sở, quyết liệt triển khai các giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; quan tâm chỉ đạo các ngành và đơn vị sử dụng lao động triển khai công tác hoàn thiện thông tin cá nhân để làm hồ sơ, đáp ứng mục tiêu cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế điện tử cho người tham gia; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế để nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đơn vị và mọi người dân hiểu ý nghĩa nhân văn, tầm quan trọng của chính sách bảo hiểm y tế.

Thực hiện lộ trình thông tuyến khám, chữa bệnh; lộ trình liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm, giữa các cơ sở khám, chữa bệnh gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ và có chính sách khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ngay tại tuyến dưới. Phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; tăng cường đào tạo, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Ban hành danh mục dịch vụ kỹ thuật các tuyến phải có đủ năng lực thực hiện, tiến tới bảo đảm chất lượng từng dịch vụ kỹ thuật đồng đều giữa các tuyến.

Tăng cường khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách. Phát huy thế mạnh y tế của lực lượng vũ trang trên địa bàn tham gia công tác khám, chữa bệnh; triển khai các mô hình tổ chức linh hoạt, phù hợp với điều kiện từng nơi để bảo đảm dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo./.