Du lịch Việt Nam: Bước ngoặt vào thời kỳ phát triển mới
TCCSĐT - Năm 2016 là năm thành công, phát triển ấn tượng của du lịch Việt Nam. Riêng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hai mốc kỷ lục từ trước đến nay. Đó là tổng số khách đến nhiều nhất trong một năm (10 triệu lượt) và mức tăng tuyệt đối trong một năm nhiều nhất so với cùng kỳ năm trước (trên hai triệu lượt). Những dấu ấn này đã tạo ra cơ hội cho ngành du lịch tới bước ngoặt vào một thời kỳ phát triển mới.
Dấu ấn du lịch
Năm 2016 là một năm thành công, phát triển chưa từng có của ngành du lịch, toàn ngành đã thu được những kết quả, thành công ngoài dự kiến. Tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2016 lên đến hơn 10 triệu lượt, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2015. Con số hơn 10 triệu lượt khách đến đã vượt xa kế hoạch đề ra là 8,5 triệu lượt. Bên cạnh đó, toàn ngành du lich cũng đã phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa, trong đó có gần 30 triệu khách lưu trú. Tổng thu từ du lịch đạt 400.700 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2015.
Tất cả các con số trên đều đã bằng hoặc vượt chỉ tiêu đề ra cho năm 2020 trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Đón 10 - 10,5 triệu lượt khách quốc tế; 47 - 48 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 17 - 18 tỷ USD. Như vậy, ngành du lịch đã về đích trước 4 năm về lượng khách quốc tế và doanh thu du lịch như Chiến lược đề ra.
Năm 2016 cũng đánh dấu toàn ngành du lịch đã vượt qua ngưỡng tăng trưởng cũ. Theo đánh giá từ Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch): Năm 1994 mới chỉ có 1 triệu khách quốc tế đến Việt Nam. Năm 2000 tăng lên 2 triệu lượt khách quốc tế (tức là mỗi năm giai đoạn này chỉ tăng 170.000 lượt khách quốc tế). Đến năm 2010 đạt 5 triệu lượt khách quốc tế (mỗi năm giai đoạn này tăng trung bình 600.000 lượt khách). Đến năm 2016, tức là 6 năm sau đã tăng gấp đôi so với mốc năm 2010. Trong khi đó để tăng từ 1 lên 5 triệu trước đó, ngành du lịch đã phải mất tới 14 năm, từ năm 1994 đến năm 2010 mới đạt. Năm 2017, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 11,5 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 66 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 460.000 tỷ đồng, phấn đấu đến năm 2020 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn...
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, đón hơn 10 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam là kỳ tích mới của ngành du lịch nước nhà. Ngành du lịch luôn phấn đấu và mong đợi đạt được lượng khách cao nhất có thể. Năm 2016 toàn ngành đạt được mức tăng trưởng như vậy cũng cần nhìn lại thời kỳ sụt giảm khách quốc tế khá dài trước đó. Do ảnh hưởng của sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, ngành du lịch Việt Nam đã sụt giảm sâu lượng khách quốc tế đến trong suốt 13 tháng liên tiếp , phải đến tháng 7-2015 mới phục hồi. Thực tế năm 2014, du lịch Việt Nam đã đạt được xấp xỉ 7 triệu lượt khách quốc tế, tăng khoản 4%; năm 2015 gần như không tăng trưởng. Hai năm gần như đã chững lại nên đà phục hồi của năm 2016 là lấy lại một phần sự sụt giảm của những năm trước đó nên mới có sự đột biến như vậy. Thứ hai là sự gia tăng ấy nhờ sự phục hồi cao nhất về số lượng tuyệt đối của thị trường khách Trung Quốc. Riêng thị trường này tăng 1 triệu khách; thị trường Hàn Quốc tăng 450.000 khách; các thị trường còn lại tăng 550.000 lượt...
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định: Năm 2016 là năm thành công lớn của du lịch nước nhà, đầu năm 2016, không ai có thể nghĩ rằng có thể đạt được kết quả này. So với các nước trong khu vực chưa phải là quá tự hào nhưng với bản thân Việt Nam trong bối cảnh khó khăn mà đạt được thành tích này là rất ngoạn mục. Du lịch đáng tự hào là ngành tăng trưởng thực sự, đóng góp lớn vào sự phát triển chung của đất nước. Nếu chúng ta giữ được tốc độ tăng trưởng 15%/năm thì sau 5 năm có thể tăng gấp đôi lượng khách quốc tế đến...
Du lịch không còn là “ngôi sao cô đơn”
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định: Trong bối cảnh phải ứng phó với nhiều khó khăn, thách thức, ngành du lịch nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đó cũng là một yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của du lịch nước nhà trong năm 2016.
Có thể kể đến việc Bộ Chính trị đã họp và nhất trí sẽ ban hành Nghị quyết phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nội dung về dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) được Quốc hội cho phép bổ sung, hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV. Dấu mốc quan trọng nhất là vào tháng 8-2016, tại Hội An, lần đầu tiên Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo của Thủ tướng về các vấn đề then chốt nhằm tháo gỡ khó khăn là tiền đề để tạo sự chuyển biến cơ bản cho phát triển du lịch trong thời gian tới. Chính phủ mà trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để phát triển du lịch. Liên tiếp tại các phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận, đưa ra những định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn...
Chính phủ cũng chỉ đạo tập trung cho giai đoạn trước mắt đối với một số nội dung cụ thể về thủ tục nhập cảnh, việc “mở cửa bầu trời”, kết nối các đường bay thẳng tới những thị trường du lịch trọng điểm; thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, quản lý điểm đến và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và nâng cao vai trò của các doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch...
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nhấn mạnh: Chưa bao giờ du lịch Việt Nam có được nhiều cơ hội phát triển lớn như hiện nay; được Đảng, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao như lúc này. Do đó, toàn ngành du lịch chỉ có một con đường là tiến lên phía trước, cần nhìn thẳng vào những yếu kém để khắc phục, đừng tự “ru ngủ” bằng những vinh quang chốc lát của ngày hôm nay”.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng: Có nhiều điều góp phần vào sự thành công chung của toàn ngành du lịch trong năm 2016, trong đó chính sách đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Sự thay đổi về chính sách đã tạo cơ hội cho du lịch tăng trưởng. Nếu không có chính sách miễn visa đơn phương cho khách đến từ 5 nước Tây Âu sẽ không tạo ra được cú hích cho tăng trưởng. Bởi lẽ, Tây Âu là thị trường quan trọng với nhiều nước, đặc biệt với Việt Nam. Ta không kỳ vọng vào sự tăng vọt của khách đến từ Tây Âu, chỉ cần tăng 1% từ thị trường này cũng góp phần kích thích các thị trường khác phát triển. Năm 2016, khách Tây Âu tăng xấp xỉ 20%, lập tức các thị trường khác đều tăng cao hơn hẳn.
Ông Vũ Thế Bình đánh giá: Toàn hệ thống chính trị đã nhìn nhận du lịch bằng con mắt khác. Năm 2016, hàng loạt các hội thảo, hội nghị, diễn đàn, tranh luận mạnh mẽ trên nhiều phương tiện tạo ra sự thay đổi nhận thức của xã hội, nhất là nhận thức của những người có trách nhiệm. Trong năm 2016 cũng đánh dấu sự ra đời của hàng chục Sở Du lịch ở các địa phương. Dù các Sở còn gặp nhiều khó khăn xong đây cũng là tín hiệu thể hiện quyết tâm của các địa phương coi trọng phát triển du lịch như là mũi nhọn trong tăng trưởng kinh tế, xã hội. Các doanh nghiệp hoạt động mạnh mẽ, các nhà đầu tư lớn cũng đã xuất hiện...
Bên cạnh thành công của năm 2016, ngành du lịch khẳng định cần nỗ lực hơn nữa để khắc phục một số hạn chế về chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh, nguồn nhân lực, quản lý hoạt động khách du lịch, hướng dẫn viên. Trong năm 2017, ngành du lịch sẽ tập trung hoàn thiện nội dung dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, ban hành; triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Năm APEC 2017...
Đóng góp vào tăng trưởng du lịch quốc gia, đẩy mạnh du lịch năm 2017
* Hà Nội đón trên 200.000 lượt du khách dịp Tết dương lịch 2017
Trong dịp nghỉ Tết dương lịch từ ngày 31-12-2016 đến ngày 02-01-2017, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 206.637 lượt người, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khách quốc tế đạt 53.337 lượt người (tăng 34%), khách nội địa đạt 153.300 lượt người (tăng 9%). Tổng thu từ khách du lịch đạt 644 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2016.
Chỉ tính riêng trong ngày 01-01, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội là 18.334 lượt người, tăng 51% so với cùng kỳ 2016; khách nội địa là 58.300 lượt người, tăng 10%. Sáng 01-01, Sở Du lịch thành phố Hà Nội phối hợp với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Chi nhánh Miền Bắc tổ chức chương trình đón vị khách quốc tế đầu tiên đến Hà Nội trong năm 2017.
Để bảo đảm tốt các điều kiện phục vụ khách trong dịp nghỉ Tết dương lịch, Sở Du lịch Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo tới các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở lưu trú du lịch và nhà hàng phục vụ khách du lịch. Theo đó, các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp kinh doanh du lịch thực hiện việc bình ổn giá dịch vụ du lịch dịp nghỉ lễ, không để xảy ra tình trạng găm giữ phòng khách sạn, gây sốt giá, kiếm lời bất chính, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của du lịch Thủ đô nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.
Kỳ nghỉ Tết dương lịch năm nay, nhiều điểm vui chơi giải trí của Hà Nội thu hút rất đông du khách. Đáng chú ý là không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm luôn trong tình trạng quá tải, nhất là vào tối 31-12, khi tại khu vực này diễn ra nhiều hoạt động nghệ thuật lớn chào đón năm mới. Một số điểm vui chơi giải trí khác như: Thiên đường Bảo Sơn, Công viên Hồ Tây, các Trung tâm thương mại Royal City, Time City, các vườn hoa tại Nhật Tân, Long Biên... đều là những điểm đến hấp dẫn trong thời gian nghỉ lễ.
Ngày 01-01, chuyến bay số hiệu MI 632 từ Singapore đến Đà Nẵng do Hãng hàng không Silk Air khai thác đã đưa hơn 160 khách Singapore, Đức, Anh… đến tham quan và nghỉ dưỡng tại thành phố Đà Nẵng nhân dịp Tết dương lịch 2017.
Trong những năm gần đây, du lịch Đà Nẵng đã được nhiều du khách và các tổ chức du lịch quốc tế bình chọn và đánh giá cao. Tạp chí Smart Travel Asia bình chọn Đà Nẵng nằm trong Top 10 điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á năm 2013 và 2014; trang web du lịch Trip Advisor công bố top 10 điểm đến mới nổi hấp dẫn nhất thế giới năm 2015 do khách du lịch bình chọn, trong đó Đà Nẵng đứng đầu danh sách. Đặc biệt năm 2016, Đà Nẵng đã được tổ chức Du lịch Thế giới World Travel Awards trao tặng giải thưởng Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á. Những danh hiệu này đã góp phần khẳng định thương hiệu của du lịch Đà Nẵng đối với du khách trong nước và quốc tế.
Trong năm 2016 vừa qua, cùng với đường biển, du lịch đường hàng không đã có bước tăng trưởng mạnh cả về lượng khách lẫn số chuyến bay, góp phần đáng kể vào tổng thu cho du lịch Đà Nẵng. Năm 2016, tổng lượng khách du lịch đến Đà Nẵng đạt trên 5, 51 triệu lượt khách, tăng 17,7% so với năm 2015; trong đó, khách quốc tế đạt trên 1,67 triệu lượt, tăng 31,6%, khách nội địa đạt gần 3, 84 triệu lượt người, tăng 12,5%. Tổng thu du lịch đạt 16.000 tỷ đồng, tăng 24,7% so với năm 2015. Đến nay, tại thành phố Đà Nẵng đã có 20 đường bay quốc tế, trong đó có 11 đường bay trực tiếp thường kỳ và 9 đường bay trực tiếp thuê chuyến.
* Huế đón 190 khách du lịch quốc tế bằng đường hàng không trong ngày đầu năm
Ngày 01-01, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức đón gần 200 hành khách, trong đó có 190 khách du lịch quốc tế đi trên chuyến bay mang số hiệu VN1543 của Vietnam Airlines từ Hà Nội đến Huế.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Là một trong bốn tỉnh chịu ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển tại miền Trung vừa qua, nhưng năm 2016, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên - Huế vẫn đạt 3,25 triệu lượt, tăng 4,21% so năm 2015; trong đó, khách quốc tế là 1,052 triệu lượt, tăng 2,93%.
Năm 2017, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các nước trong khu vực. Cùng với đó, tỉnh sẽ tổ chức các hội nghị gặp gỡ đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn; tăng cường các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đi đôi với tăng cường cơ sở vật chất hạ tầng đến các khu di tích, một số khu du lịch trọng điểm; từng bước cải thiện các phương tiện, các đường bay, tuyến bay đến Huế và nâng cấp các khu phục vụ trong cảng Chân Mây. Ngành du lịch Thừa Thiên - Huế phấn đấu đón 3,5 - 3,7 triệu lượt khách (trong đó, khách quốc tế chiếm từ 45% - 50%), tăng khoảng 10% - 12%; doanh thu du lịch ước đạt 3.700 - 3.800 tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với năm 2016.
* Quảng Nam phấn đấu đón trên 5 triệu lượt du khách năm 2017
Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết, ngay từ những ngày đầu năm 2017, tỉnh Quảng Nam đã đón hàng chục nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Mục tiêu của ngành Du lịch tỉnh Quảng Nam trong năm 2017 sẽ thu hút trên 5 triệu lượt du khách trong nước và quốc tế.
Để tạo ấn tượng đặc biệt với du khách, tại Di sản văn hóa thế giới Hội An, ngành Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Quảng Nam và chính quyền thành phố Hội An đã tổ chức thành công nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực đặc sắc thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Đặc biệt trong chuỗi các chương trình văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực ngay từ đầu năm 2017 được tỉnh Quảng Nam thực hiện: chương trình chào đón các đoàn khách đến từ các nước Tây Ban Nha, Australia, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga… đến tham quan đô thị cổ Hội An trong dịp năm mới. Chương trình đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách trong nước và quốc tế.
Cũng tại phố cổ Hội An, ngay từ những ngày đầu năm, ngành Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Quảng Nam và chính quyền thành phố Hội An đã tổ chức các hoạt động có nhiều ý nghĩa như: tặng quà cho những du khách đầu tiên đến thành phố, tham gia chụp ảnh lưu niệm cùng các du khách. Thành phố Hội An tổ chức nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc bao gồm các trò chơi dân gian, bài chòi, nghệ thuật ẩm thực đường phố, nhảy Flashmob, vũ hội hóa trang đường phố đầy màu sắc... được đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đón nhận.
Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn và những điểm du lịch khác của Quảng Nam như: Quần thể tượng đài Mẹ Việt Nam Anh Hùng, các khu du lịch làng nghề, khu du lịch Phú Ninh… trong những ngày đầu năm mới 2017 đã đón hàng chục nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, học tập, nghiên cứu.
Các điểm du lịch trên địa bàn đã thu hút đông đảo khách trong nước và quốc tế đến tham quan, không xảy ra tình trạng “chặt chém” giá cả với du khách. Đây là những tín hiệu khả quan để Quảng Nam hoàn thành mục tiêu đón trên 5 triệu lượt khách du lịch trong năm 2017, ông Đinh Hài Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh./.
Bình Dương được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất  (02/01/2017)
Hàn Quốc cảnh báo Triều Tiên sẽ có hành động khiêu khích lớn hơn  (02/01/2017)
Kỷ niệm 5 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Bhutan  (02/01/2017)
Thủ tướng Chính phủ làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương  (01/01/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay