Sơn La: Xây dựng nông thôn mới còn lắm những gian nan

Nguyễn Quang Vững
05:21, ngày 29-09-2016

TCCSĐT - Sơn La là tỉnh miền núi có nhiều khó khăn, bởi vậy, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn nơi đây cũng có những đặc thù riêng. Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với sự tham gia tích cực của người dân đã mang đến cho nông thôn tỉnh miền núi này những đổi thay tích cực, tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn cần phải vượt qua mới có thể “cán đích” đúng tiến độ.

Những kết quả đáng khích lệ

Với quan điểm thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, cơ sở, Sơn La đã tập trung huy động nguồn lực tại chỗ, đẩy mạnh các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Qua 5 năm, trong tổng số 188 xã tham gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh, đến năm 2015, toàn tỉnh đã có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đó là: xã Chiềng Xôm (thành phố Sơn La); xã Mường Giàng (huyện Quỳnh Nhai) và xã Chiềng Ban (huyện Mai Sơn); 3 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 22 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 99 xã đạt 5 - 9 tiêu chí, 61 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Theo đó, bình quân thu nhập theo đầu người năm 2015 đạt 16 triệu; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 23,5%, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 35%. Một số kết quả đạt được cơ bản như sau:

Một là, 100% số xã hoàn thành công tác lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới.

Hai là, công tác phát triển giáo dục - đào tạo, cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe cư dân ở nông thôn đã có những bước tiến vượt bậc. Mạng lưới y tế xã tiếp tục được đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất và trang thiết bị; tăng cường năng lực đội ngũ y, bác sỹ tại các trạm y tế, 143 xã có bác sỹ; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng dần qua các năm.

Ba là, về kết quả chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Sau 5 năm, Sơn La đã chuyển đổi được 2.384ha lúa nương sang xây dựng đồng ruộng trồng lúa nước, chuyển dịch trên 27.700ha đất nương rẫy sang trồng cây công nghiệp (cao su, mía đường, chè, cà phê, sắn) 10.712ha; trồng rừng phòng hộ và rừng sản xuất 15.383ha; trồng rau, hoa và cỏ chăn nuôi 1.605ha. Đàn trâu, bò phát triển ổn định, đạt 380,56 nghìn con, tăng 10,9%, trong đó đàn bò sữa phát triển mạnh, đạt 17,5 nghìn con, gấp 2,73 lần năm 2010.

Tăng cường triển khai đại trà trên các vùng và triển khai trọng điểm tại các xã, bản thuộc Chương trình 30a và Dự án tái định cư thủy điện Sơn La; tổ chức 14.297 lớp tập huấn cho 576.384 lượt người về các kiến thức, như áp dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất, liên kết trong sản xuất, bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện thành công 49 loại mô hình khuyến nông với 15.800 hộ nông dân tham gia và 500 mô hình khuyến nông tự nguyện (cán bộ khuyến nông chỉ tư vấn kỹ thuật, hộ nông dân tự bỏ vốn 100%) trên các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản,.. góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân.

Giá trị sản xuất tăng bình quân 5,4%/năm; giá trị thu nhập bình quân đạt 34 triệu đồng/ha đất canh tác; lương thực bình quân đầu người đạt 800 kg/năm, bảo đảm an ninh lương thực; đời sống người dân nông thôn được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 16 triệu đồng, tăng 1,87 lần so với năm 2010.

Bốn là, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đẩy mạnh. Kết quả sau 5 năm, có 22.965 lao động được học nghề, bao gồm: 7.154 người học nhóm nghề phi nông nghiệp, 15.811 người học nhóm nghề nông nghiệp; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 35%, lao động có việc làm thường xuyên đạt 85,1% số xã, góp phần thúc đẩy đưa công nghiệp vào nông thôn, giải quyết việc làm, chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Sơn La, từ đầu năm 2016 đến nay, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh triển khai thực hiện, bảo đảm tiến độ; các xã đăng ký đạt chuẩn đang tập trung thực hiện một số chỉ tiêu còn lại và các địa phương đang phấn đấu giảm nhanh số xã đạt dưới 5 tiêu chí và dưới 3 tiêu chí. Đến hết tháng 6, toàn tỉnh đạt bình quân 7,28 tiêu chí/xã, tăng 0,73% tiêu chí, trong đó có 4 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí; 4 xã đạt 15 - 18 tiêu chí; 25 xã đạt 10 - 15 tiêu chí; 125 xã đạt trung bình 5 - 9 tiêu chí; 31 xã khó khăn đạt dưới 5 tiêu chí.

Năm là, phong trào làm đường giao thông nông thôn được nhân dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng thực hiện; các địa phương thiếu kinh phí được tỉnh chỉ đạo cân đối, bổ sung hỗ trợ kịp thời. Trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng 636 công trình bằng các nguồn vốn lồng ghép của tỉnh; thi công 1.035 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 272km theo Nghị quyết 115 của Hội đồng nhân dân tỉnh, tổng kinh phí hơn 340 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ 31%, nhân dân đóng góp 69%.

Ngoài ra, công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường được quan tâm, đạt nhiều kết quả tích cực. Hệ thống chính trị cơ sở và an ninh trật tự nông thôn được củng cố và giữ vững.

... Còn đó nhiều khó khăn

Những kết quả bước đầu sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã thể hiện sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng thuận, nhất trí của người dân trong toàn tỉnh. Vì vậy đã được nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số hạn chế và những khó khăn, đó là:

Công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế về chiều sâu, chưa làm chuyển biến thật sự nhận thức của người dân, nhất là các xã vùng sâu, đặc biệt khó khăn, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, tham mưu các chính sách, các giải pháp thực hiện tiêu chí của một số sở, ngành phụ trách, Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố vẫn chưa được thường xuyên, kịp thời. Tiến độ xây dựng nông thôn mới trong các xã đa số còn chậm, bình quân mỗi năm tăng 1,2 tiêu chí/xã, hiện còn 13 xã chỉ đạt 02 tiêu chí, cá biệt có 02 xã chỉ đạt 01 tiêu chí (xã Hồng Ngài và Háng Đồng, huyện Bắc Yên).

Hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả, tính phối hợp chưa cao; chỉ đạo triển khai còn chậm, lúng túng, nhất là giai đoạn đầu (2011 - 2013). Các cơ quan thường trực, bộ phận tham mưu giúp việc có thời điểm có việc chưa sâu sát nội dung; nhiều huyện tổng hợp báo cáo không kịp thời, không bám sát yêu cầu đề cương biểu mẫu, thiếu nội dung số liệu cụ thể. Ở cấp xã, còn nhiều xã lúng túng trong việc triển khai thực hiện, chưa chủ động trong công tác lập và quản lý quy hoạch, đề án, năng lực làm chủ đầu tư hạn chế.

Hệ thống văn bản hướng dẫn không đồng bộ, có nhiều nội dung còn bất cập. Công tác quy hoạch không có định mức đơn giá, tỉnh phải chủ động khắc phục; chất lượng xây dựng một số văn bản còn hạn chế nên thường xuyên phải rà soát bổ sung, sửa đổi. Chính sách ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho các xã thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết 30a chưa hợp lý, việc phân bổ vốn chỉ ưu tiên xã đặc biệt khó khăn, xã nghèo trong huyện.

Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa quan tâm xác định đồng bộ các nội dung cần thực hiện, phương pháp, trình tự, thứ tự ưu tiên các công việc cần triển khai để đạt chuẩn các tiêu chí, chỉ chú trọng đến việc xây dựng kết cấu hạ tầng; còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa chủ động quyết tâm cao. Tiến độ xây dựng nông thôn mới trong các xã đa số còn chậm, bình quân mỗi năm tăng 0,99 tiêu chí/xã.

Cần một hệ thống giải pháp đồng bộ

Để khắc phục những khó khăn còn tồn tại, thời gian tới, tỉnh Sơn La cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, cụ thể:

Thứ nhất, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh các đoàn thể chính trị xã hội, sức mạnh đoàn kết toàn dân ở nông thôn nhất là trên địa bàn xã, bản. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện nói chung và dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới nói riêng.

Quán triệt thực hiện xây dựng nông thôn mới theo phương châm phát huy nội lực sức mạnh đoàn kết của cộng đồng dân cư, phát huy tốt dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”, có cơ chế để dân kiểm tra làm rõ những nội dung nhà nước đầu tư, hỗ trợ và nhân dân, cộng đồng, doanh nghiệp đóng góp ủng hộ để thực hiện.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu, rộng nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân bằng nhiều hình thức để người dân hiểu đúng chủ trương, cơ chế, chính sách về xây dựng nông thôn mới, nâng cao tính tự giác, chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện; quán triệt đến cán bộ cơ sở nâng cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền phải thực hiện tốt nguyên tắc: xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; cấp ủy đảng, chính quyền đóng vai trò chỉ đạo, điều hành quá trình xây dựng quy hoạch, đề án, kế hoạch và tổ chức thực hiện. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội vận động mọi tầng lớp nhân dân phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba, rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách. Sửa đổi quy định mức hỗ trợ theo hướng sát với điều kiện kinh tế - xã hội từng vùng, khả năng huy động thực tế của người dân; phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ của từng người dân, cộng đồng, đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới. Nghiên cứu đề xuất chính sách khuyến khích phát triển sản xuất gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Thứ tư, điều chỉnh quy hoạch. Theo đó, chỉ xác định các công trình thiết yếu cần thực hiện, tận dụng tối đa các công trình hiện có, chú trọng sửa chữa nâng cấp, hạn chế xây dựng mới, bổ sung quy hoạch chi tiết về sản xuất theo hướng xây dựng cánh đồng lớn gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Rà soát điều chỉnh đề án theo hướng chỉ xác định các nội dung, công việc thiết yếu cần thực hiện, xác định lại khối lượng theo quy hoạch đã được điều chỉnh, cân đối các nguồn lực phù hợp thực tế của từng huyện, từng xã và xác định thứ tự ưu tiên, lộ trình thực hiện đề án bảo đảm tính khả thi.

Thứ năm, xây dựng kế hoạch chỉ đạo cụ thể, sát thực tế đối với việc thực hiện các tiêu chí trên địa bàn tất cả các xã, đồng thời ưu tiên chỉ đạo các xã có khả năng sớm đạt chuẩn để tạo mô hình, động lực thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên bố trí hợp lý các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ hoàn thành các tiêu chí cần có sự hỗ trợ cao của Nhà nước, doanh nghiệp, như điện, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, đường đến trung tâm xã, xử lý rác thải tập trung... Lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền nên chọn mỗi xã 1 - 2 sản phẩm chủ lực đạt tiêu chuẩn hàng hóa để tham gia thị trường, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ với các doanh nghiệp, hợp tác xã .

Thứ sáu, kiện toàn, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo và bộ máy giúp việc các cấp tỉnh, huyện, xã. Phân công cụ thể trách nhiệm các thành viên, tăng cường phối hợp trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Hoàn thiện bộ máy giúp việc Ban chỉ đạo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại quyết định số 1996/QĐ-TTg, ngày 04-11-2014. Đồng thời tăng cường tập huấn nghiệp vụ, phổ biến kinh nghiệm cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới./.