Báo chí điện tử và truyền thông xã hội
TCCSĐT - Những năm qua, sự phát triển nhanh chóng của loại hình báo chí điện tử và truyền thông xã hội (thông tin trên mạng internet) đã đặt ra những vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu và giải pháp quản lý. Đây vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức rất lớn đối với công tác văn hóa, tư tưởng.
Sự phát triển của báo chí điện tử và truyền thông xã hội
Sự phát triển các dịch vụ thông tin trên nền internet thời gian qua đã đem lại cho người dân trên thế giới những lợi ích không thể phủ nhận. Đây là xu thế phát triển chung của thời đại khoa học - công nghệ. Nhân loại trở nên gần nhau hơn, người dân có thể dễ dàng tiếp cận với những kho dữ liệu khổng lồ, phong phú và đa dạng được cập nhật hằng ngày, hằng giờ từ khắp nơi trên thế giới. Internet tăng cường khả năng giao lưu, trao đổi thông tin giữa mọi người với nhau, thúc đẩy xã hội phát triển.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến hết năm 2014, Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển internet nhanh trên thế giới với hơn 32 triệu người sử dụng internet, tương đương tỷ lệ 35% số dân. Cùng với đó, thông tin điện tử trên mạng internet, bao gồm báo chí điện tử và truyền thông xã hội cũng có sự phát triển rất nhanh chóng. Tính đến cuối năm 2014, nước ta có 90 báo, tạp chí điện tử, 215 trang tin điện tử tổng hợp của các báo, tạp chí, đài phát thanh - truyền hình. Về truyền thông xã hội, có hàng nghìn trang tin điện tử, hơn 300 mạng xã hội đã đăng ký hoạt động. Bên cạnh đó, một số lượng rất lớn các blog cá nhân cũng góp phần đáng kể phát triển truyền thông xã hội. Kết quả nghiên cứu của một công ty chuyên về điều tra xã hội học trong lĩnh vực internet cho thấy, hơn 95% số người truy cập internet để đọc thông tin, chủ yếu thông qua các website tổng hợp và các mạng xã hội (MXH); và một tỷ lệ tương tự sử dụng công cụ tìm kiếm thông tin khi sử dụng internet. Theo đó, nhu cầu tìm kiếm và sử dụng thông tin là nhu cầu chủ đạo của người dùng internet. Điều đó cho thấy, internet đã trở thành phương tiện truyền thông rất quan trọng, và thậm chí đang từng bước lấn át các phương tiện truyền thống, nhất là đối với báo, tạp chí in. Hơn nữa, những số liệu thống kê không chính thức cũng cho thấy các website truyền thông xã hội chiếm đến 80% số lượng người sử dụng thường xuyên trong số 10 website lớn nhất ở Việt Nam.
Như vậy, chúng ta đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình thông tin trên mạng internet; trong đó, truyền thông xã hội đang ngày càng trở nên quen thuộc và trở thành kênh tìm kiếm thông tin ngày càng phổ biến đối với cộng đồng.
Một số vấn đề đặt ra
Thứ nhất, internet từng bước khẳng định vai trò thiết yếu trong đời sống xã hội, thúc đẩy phát triển internet là xu thế tất yếu.
nternet ngày nay đã trở thành môi trường cung cấp, chia sẻ, trao đổi, khai thác sử dụng thông tin cho mọi người dân và đang thâm nhập vào cuộc sống của con người khắp nơi trên thế giới. Nó đang trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với đời sống, tác động một cách trực tiếp, làm thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi cá thể, qua đó tác động đến sự phát triển của toàn xã hội.
Hầu hết các quốc gia đều nhận thức được xu thế phát triển và tầm quan trọng của internet trong kỷ nguyên thông tin đối với sự phát triển xã hội và đều có những chính sách phù hợp để khai thác thế mạnh của internet phục vụ cho lợi ích quốc gia, dân tộc. Thúc đẩy phát triển internet phục vụ lợi ích của xã hội loài người đã trở thành một xu thế được khẳng định với những cam kết quốc tế mạnh mẽ của các quốc gia. Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ.
Thứ hai, tính hai mặt của nội dung thông tin trên internet.
Truyền thông xã hội có ưu thế tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và cho phép cá nhân tham gia cung cấp thông tin mà không cần công khai danh tính, cập nhật thường xuyên, nội dung thông tin phong phú, đa dạng. Thông tin trên truyền thông xã hội được phát tán, lan truyền rất nhanh thông qua các mạng xã hội, hầu như không có giới hạn về biên giới, lãnh thổ; dễ tạo hiệu ứng xã hội theo chiều rộng. Bên cạnh đó, truyền thông xã hội còn tạo ra khả năng giao lưu, chia sẻ, kết nối cộng đồng rất thuận lợi. Đây là tính năng đặc biệt hấp dẫn đối với giới trẻ ngày nay. Vì vậy, truyền thông xã hội đang ngày càng thu hút đông đảo người dùng internet, nhất là trong những năm gần đây và đang có sự dịch chuyển thói quen tìm kiếm thông tin từ các website thông tin chính thống sang các website truyền thông xã hội, nhất là các trang thông tin điện tử tổng hợp.
Bên cạnh những ưu thế, truyền thông xã hội cũng bộc lộ những mặt trái, đó là: thông tin không chính thống, mang tính cá nhân, thiếu chọn lọc, dàn trải, vụn vặt; khó xác định nguồn tin, khó kiểm chứng; thông tin dễ lồng động cơ, mục đích cá nhân nhằm xuyên tạc, lừa đảo, vu khống. Vì vậy, truyền thông xã hội khi được sử dụng vào các mục đích lừa đảo, vi phạm pháp luật, đi ngược lại lợi ích chính đáng của cộng đồng, xã hội, đe dọa an ninh quốc gia thì hậu quả cũng vô cùng lớn, nhất là khi người sử dụng đa số là giới trẻ, còn thiếu bản lĩnh, tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin trên internet.
Về bản chất công nghệ, môi trường internet là môi trường mở, cho phép người sử dụng được tự do cung cấp, tìm kiếm và sử dụng thông tin. Vì vậy, tùy thuộc vào động cơ, mục đích và nhận thức của cá nhân, tổ chức sử dụng mà thông tin đưa lên internet là tích cực, hoặc tiêu cực, hoặc thậm chí đi ngược lại lợi ích chính đáng của cộng đồng, xã hội. Ngày nay, trên internet cũng tồn tại không ít những thông tin sai, độc hại với các tính chất khác nhau, không phù hợp về chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục; thông tin có tính chất tội phạm tin học, lừa đảo trên mạng; thông tin xuyên tạc có tính chất chính trị, đe dọa an ninh quốc gia.
Nhận thức được tính hai mặt của nội dung thông tin trên giúp chúng ta có định hướng chính sách và giải pháp quản lý thông tin phù hợp với tính chất thông tin, nhằm phát huy mặt tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực của thông tin sai trái, độc hại.
Thứ ba, tính hai mặt của sự phát triển công nghệ internet.
Do bản chất công nghệ, internet cho phép người sử dụng được tự do cung cấp, tìm kiếm và sử dụng thông tin mà không có giới hạn về địa lý, lãnh thổ. Trong đa số các trường hợp, thông tin về cá nhân của người dùng không cần xác thực. Điều đó một mặt tạo điều kiện thuận lợi một cách tối đa cho người muốn cung cấp, sử dụng thông tin trên internet, loại bỏ những ràng buộc về pháp lý, những mặc cảm trong ý thức để tham gia vào môi trường thông tin trên internet. Song, mặt khác nó cho phép những tổ chức, cá nhân với động cơ xấu có thể che giấu danh tính để cung cấp thông tin sai trái, độc hại, thậm chí xóa bỏ dấu vết để thực hiện hành vi tội phạm, lừa đảo, trong đó phổ biến nhất là những hành vi tội phạm xuyên quốc gia. Việc phát hiện, ngăn chặn những hành vi sai trái trên môi trường internet toàn cầu như vậy về phương diện kỹ thuật là rất khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp tích cực của các quốc gia. Tính hai mặt của công nghệ internet đang là thách thức đối với những quốc gia muốn thực thi luật pháp của mình để điều chỉnh những hành vi vi phạm pháp luật trên mạng internet toàn cầu.
Thứ tư, tác động qua lại của truyền thông xã hội với báo chí ngày càng phức tạp.
Truyền thông xã hội là nơi cung cấp thông tin, đề tài để báo chí nhận diện, phát hiện những vấn đề nóng đang nổi lên, đang diễn ra và được dư luận quan tâm. Từ đó, các nhà báo sẽ chắt lọc những vấn đề hấp dẫn đối với độc giả, phù hợp với tôn chỉ mục đích của báo mình để làm tin, bài. Khi có bài báo được đăng tải, nếu được các thành viên của mạng xã hội tiếp nhận, truyền bá và thảo luận thì sẽ tạo sức lan truyền tin tức rất mạnh, bài báo sẽ đến được với số lượng độc giả gấp nhiều lần so với việc bài báo đó chỉ được đăng tải trên trang báo chính thức. Tin tức trên báo chí sau khi phát đi được các thành viên mạng xã hội tiếp nhận, truyền bá và thảo luận sẽ tạo ra làn sóng tin tức mới. Mạng xã hội cũng tác động khiến các cơ quan báo chí thay đổi cách suy nghĩ từ làm báo một chiều sang đối thoại hai chiều với độc giả. Và chính báo chí là nơi tiếp nhận, lựa chọn, kiểm chứng mức độ tin cậy của thông tin, “chính thống hóa” thông tin trên mạng xã hội.
Như vậy, thông qua mạng xã hội, nếu các cơ quan báo chí, các nhà báo nhanh nhạy, nắm bắt được những vấn đề mà xã hội đang thực sự quan tâm, để cung cấp những thông tin kịp thời, đáp ứng được sự quan tâm của người sử dụng; khi được các thành viên của mạng xã hội tiếp nhận, thảo luận, truyền bá, sẽ tạo ra làn sóng tin tức mới, góp phần định hướng thông tin và có tác động lớn đối với xã hội.
Một số bất cập trong công tác quản lý
Nhận thức được sự phát triển mạnh mẽ của nội dung thông tin trên internet với những đặc thù phức tạp, những năm gần đây, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác quản lý đối với thông tin trên internet. Tuy nhiên, trên thực tế, internet đang thể hiện ngày càng rõ nét đặc trưng của một xã hội ảo, phản ánh ngày càng toàn diện các hoạt động của đời sống thật ở mức độ tự do hơn cho mỗi cá thể, phức tạp hơn cho công tác quản lý.
Trước tiên là, công tác xây dựng và thực thi văn bản quy phạm pháp luật. Internet là lĩnh vực đặc thù có sự phát triển nhanh, mạnh, gắn liền với sự phát triển của thế giới. Vì vậy, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quản lý lĩnh vực này cũng đòi hỏi phải được bổ sung, điều chỉnh thường xuyên cho phù hợp với sự phát triển và yêu cầu quản lý. Đến nay, hệ thống văn bản điều chỉnh các hoạt động liên quan đến việc cung cấp, sử dụng thông tin trên internet đã được bổ sung, hoàn thiện đáng kể song còn chưa đồng bộ, thiếu các quy định cụ thể để phân định rõ ràng, chính xác các hành vi vi phạm pháp luật. Việc xây dựng quy định, chính sách chưa theo kịp sự phát triển.
Vấn đề khó khăn trong việc áp dụng chính sách, pháp luật là do tính chất không biên giới của internet. Một hành vi trên internet có thể vi phạm pháp luật của một nước, nhưng lại là được phép ở một quốc gia khác, vì vậy việc xử lý vi phạm, yêu cầu gỡ bỏ thông tin sai trái trên môi trường mạng cũng bị giới hạn, chỉ có tác dụng nhất định khi người vi phạm, hành vi vi phạm xảy ra ở quốc gia đó.
Thứ hai là, năng lực quản lý nhà nước chưa theo kịp sự phát triển. Việc tổ chức thu thập thông tin, phát hiện thông tin sai phạm là công việc quan trọng đầu tiên để xác định các nội dung thông tin xấu trên internet cần xử lý. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, công việc này còn nhiều hạn chế do đội ngũ cán bộ quản lý thông tin trên internet từ Trung ương đến địa phương còn thiếu về số lượng và yếu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho việc lưu trữ phân tích, đánh giá thông tin sai phạm còn nhiều hạn chế. Chưa có cơ chế khuyến khích, phát huy sự phát hiện của cộng đồng mạng và người sử dụng dù đây là kênh quan trọng nhằm phát hiện kịp thời và hiệu quả các sai phạm. Bên cạnh đó, cơ chế thẩm định, kết luận nội dung thông tin sai phạm còn cứng nhắc, chưa linh hoạt; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý sai phạm tuy đã được tăng cường nhưng năng lực bộ máy thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm còn hạn chế, thiếu về số lượng thanh tra chuyên ngành; năng lực kỹ thuật xử lý, ngăn chặn thông tin sai phạm từ các máy chủ đặt tại nước ngoài còn nhiều bất cập. Chế tài xử lý chưa đủ mạnh, chưa đạt được hiệu quả răn đe cần thiết. Hơn nữa, ý thức phối hợp của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy cập internet trong việc xử lý, ngăn chặn thông tin sai phạm chưa cao; chế tài bắt buộc phối hợp chưa đủ mạnh. Điều đó càng làm giảm hiệu quả ngăn chặn thông tin sai phạm từ nước ngoài.
Thứ ba là, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung trên internet trong nước và nước ngoài có môi trường pháp lý không bình đẳng. Các doanh nghiệp trong nước chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của luật pháp Việt Nam, trong khi đó các doanh nghiệp của nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam bị điều chỉnh hạn chế. Điều đó vô hình chung đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài, làm cho dịch vụ nước ngoài trở nên hấp dẫn hơn, có lợi thế cạnh tranh lớn hơn và ngày càng thu hút nhiều người dùng Việt Nam, nhất là dịch vụ mạng xã hội, dịch vụ tìm kiếm, giải trí điện tử trên mạng. Điều đó gây khó khăn cho công tác nắm bắt thông tin người sử dụng, khó khăn cho việc định hướng dư luận thông qua các nhà cung cấp dịch vụ.
Thứ tư là, hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức người dùng internet chưa cao. Công tác tuyên truyền về pháp luật chưa đạt hiệu quả cao do thông tin còn dản trải, nguồn lực cho tổ chức thông tin tuyên truyền còn hạn chế, chưa có sự vào cuộc đồng loạt của các phương tiện truyền thông; hình thức truyền thông chưa phong phú, chưa hấp dẫn, chưa phù hợp với từng lứa tuổi, nhất là tầng lớp thanh, thiếu niên.
Hệ thống các giải pháp
Do tính mở của công nghệ, tính hai mặt của thông tin trên internet và do nhu cầu tất yếu sử dụng dịch vụ và nội dung thông tin trên internet, các giải pháp quản lý phải hướng tới việc phát huy những mặt tích cực, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực của internet. Vì vậy, chính sách quản lý phải là sự kết hợp đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, bao gồm cả giải pháp hành chính, giải pháp kỹ thuật và giải pháp tuyên truyền giáo dục, trong đó tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của người sử dụng internet là giải pháp thường xuyên, liên tục, lâu dài và đóng vai trò chủ đạo để người dùng internet từng bước thích ứng một cách tích cực với môi trường mạng, biết sàng lọc thông tin xấu, tiếp nhận thông tin hữu ích. Các nhóm giải pháp chủ yếu bao gồm:
Một là, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm môi trường pháp lý rõ ràng, công khai, minh bạch và bình đẳng cho mọi đơn vị, cá nhân cung cấp và sử dụng thông tin internet trên lãnh thổ Việt Nam. Rà soát và sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả các văn bản hiện có phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Xây dựng các văn bản mới phù hợp với xu thế phát triển và yêu cầu công tác quản lý nhà nước. Nghiên cứu đề xuất, đàm phán các cơ chế phối hợp giữa các quốc gia trong việc quản lý các dịch vụ thông tin xuyên biên giới phù hợp với các cam kết quốc tế và yêu cầu hội nhập.
Hai là, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam, tạo ra nhiều dịch vụ hấp dẫn, lành mạnh về thông tin và giải trí để thu hút người sử dụng trong nước, giảm thiểu tác động tiêu cực của thông tin xấu. Do môi trường pháp lý không bình đẳng về quản lý nội dung thông tin trên internet giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, dịch vụ internet của các doanh nghiệp Việt Nam không thu hút được người dùng Việt Nam như dịch vụ của các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, cần có cơ chế đặc thù khuyến khích phát triển một số dịch vụ internet quan trọng để thu hút người dùng Việt Nam; tập trung phát triển các dịch vụ quan trọng nhất như mạng xã hội, công cụ tìm kiếm và các dịch vụ giải trí trực tuyến.
Ba là, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về tổ chức, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật công nghệ cao, hiện đại bảo đảm triển khai có hiệu quả các biện pháp quản lý về cả hành chính và kỹ thuật để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các sai phạm theo pháp luật. Đối với các thông tin sai phạm từ nước ngoài, do không điều chỉnh được bằng luật pháp Việt Nam, vì vậy biện pháp kỹ thuật trở thành chủ đạo và cơ bản nhất để hạn chế những thông tin sai phạm từ nước ngoài. Cần khẳng định, biện pháp ngăn chặn kỹ thuật cũng chỉ có hiệu quả nhất định, không giải quyết được triệt để thông tin sai phạm từ nước ngoài. Tuy nhiên, đây là biện pháp duy nhất mà ta có thể chủ động tiến hành, đồng thời nó cũng có ý nghĩa răn đe tốt khi cần công khai xử lý những trường hợp đặc biệt.
Bốn là, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng. Đây là nhóm giải pháp có ý nghĩa then chốt và lâu dài nhằm nâng cao dân trí một cách toàn diện. Nhóm giải pháp này đòi hỏi phải xây dựng một đề án thông tin riêng, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, đời sống, trình độ nhận thức và điều kiện thực tiễn của Việt Nam, bảo đảm tính đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, kết hợp với truyền thông xã hội, với gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể nhằm hướng dẫn, nâng cao ý thức sử dụng thông tin trên internet của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ để tự mình sàng lọc những nội dung xấu, khai thác những thông tin phục vụ nhu cầu thông tin và giải trí lành mạnh.
Năm là, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, phối hợp trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng với các tổ chức, đoàn thể, giữa gia đình và nhà trường, giữa ý thức cá nhân với các phong trào mang tính cộng đồng, hướng tới một văn hóa internet lành mạnh, đóng góp ngày càng tích cực và hiệu quả vào sự phát triển của toàn xã hội./.
Bộ Y tế tích cực triển khai phòng, chống dịch MERS  (17/06/2015)
Đa số đại biểu Quốc hội ủng hộ "quyền im lặng" cho người bị bắt  (17/06/2015)
- Kỳ họp thứ mười của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón và hội đàm với Thủ tướng Liên bang Nga thăm chính thức Việt Nam
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm