Tăng dân số cơ học tác động đến công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh
TCCS - Tăng dân số cơ học tạo sức ép lớn về vấn đề chỗ ở cho người dân, nếu không kịp thời giải quyết sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế, kéo theo nhiều hệ lụy khác. Là đô thị đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh luôn phải đối mặt với tăng dân số cơ học, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn biến phức tạp. Để tháo gỡ thực trạng trên, Thành phố cần bám sát thực tiễn, chủ động theo dõi, nhận diện rõ những bất cập từ đó đề ra những giải pháp sát hợp với thực tế.
Tăng dân số cơ học và “gánh nặng” nhà ở
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đông dân nhất cả nước với 8.993.082 người, chiếm 9,4% số dân cả nước. Giai đoạn 2009 - 2019, tốc độ tăng dân số của Thành phố là 2,28%/năm, bình quân mỗi năm tăng khoảng 183.000 người, gần bằng dân số của một quận quy mô nhỏ ở Thành phố(1). Trong giai đoạn 1999 - 2019, dân số di cư Thành phố liên tục biến động qua các thời kỳ. Năm 1999, dân số di cư Thành phố khoảng 1 triệu người, đến năm 2009, con số này đã tăng lên 1,64 triệu người, năm 2019 giảm nhẹ xuống 1,62 triệu người. Tương ứng là tỷ lệ di cư liên tục tăng mạnh từ 20,8% năm 1999 lên 24,6% năm 2009 và đến năm 2019, tỷ lệ di cư giảm xuống còn 19,1%. Đáng chú ý, nếu trước đây, phần lớn dân số tập trung ở các quận trung tâm, nội thành, dẫn đến nhiều hệ lụy đi kèm khi kết cấu hạ tầng không theo kịp tốc độ tăng dân số, thì gần đây, để giảm áp lực cho khu vực trung tâm về vấn đề tăng dân số cơ học và nhà ở, Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều chương trình giãn dân ra ngoại thành, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2009 - 2019, tỷ lệ dân số khu vực nông thôn tăng nhanh. Trong đó, tốc độ tăng dân số bình quân của khu vực nông thôn của Thành phố là 4,47%/năm, khu vực thành thị là 1,77%/năm. Các quận, huyện có tỷ lệ tăng dân số cơ học tập trung cao chủ yếu ở quận Bình Tân, Quận 12, huyện Bình Chánh. Nguyên nhân của thực trạng này là do việc di dời dân nhằm thực hiện các chính sách nâng cấp, phát triển đô thị; nhu cầu thuê nhà làm văn phòng, cửa hàng ở các quận trung tâm; giá nhà ở các quận nội thành tăng cao nên người dân có xu hướng chuyển ra các quận vùng ven, các huyện nơi có giá nhà đất rẻ hơn để sinh sống, làm việc, học tập… Theo đó, áp lực giải quyết nhà ở, các vấn đề an sinh xã hội cho người dân di cư ở các quận, huyện ngoại thành không ngừng tăng cao.
Trước thực trạng trên, chính quyền Thành phố đã không ngừng nỗ lực giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân thông qua các biện pháp, như: phát triển nhà ở bám sát tình hình thực tế của Thành phố, chuyển đổi mô hình nhà ở thấp tầng sang nhà ở cao tầng, xây dựng nhà ở giá rẻ… Bước đầu, các chính sách trên đã được thực hiện có hiệu quả, góp phần cải thiện vấn đề thiếu hụt nhà ở, nâng cao điều kiện sống cho người dân. Theo kết quả tổng điều tra năm 2019, trong 10 năm qua, tỷ lệ hộ sống trong nhà ở kiên cố và bán kiên cố tăng mạnh từ 97,1% năm 2009, lên 99,3% năm 2019. Tuy nhiên, trước áp lực từ việc gia tăng dân số cơ học cao, nhu cầu nhà ở của người dân lớn, đặc biệt là nhà ở cho người có thu nhập thấp, dân nhập cư, dẫn đến việc phát sinh tình trạng mua, bán đất nông nghiệp, phân lô trái phép, xây dựng trên đất nông nghiệp. Theo Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, các năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, trong tổng số giấy phép xây dựng được cấp có đến 89% giấy phép xây dựng là nhà ở riêng lẻ (112.720 giấy phép xây dựng) và đã xử lý 6.825 công trình sai phạm trong quá trình xây dựng. Tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp, đất không phù hợp quy hoạch được duyệt, vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai ở huyện ngoại thành vẫn còn phức tạp; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các công trình vi phạm còn chậm, kéo dài,…
Chung tay tháo gỡ những vướng mắc
Từ tình trạng vi phạm về quản lý nhà nước trên lĩnh vực trật tự xây dựng, ngày 25-7-2019, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố; ngày 12-8-2019, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch số 3333/KH-UBND về các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố. Trên cơ sở đó, các quận, huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, được người dân Thành phố đồng tình ủng hộ. Thành phố phát huy vai trò, sức mạnh của cả hệ thống chính trị để giải quyết tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Ủy ban nhân dân các quận, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về tuyên truyền, giáo dục; tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng. Đặc biệt, bộ máy và cán bộ quản lý nhà nước về trật tự xây dựng tại các phường được củng cố, kiện toàn. Việc kiểm tra các công trình đang thi công được tiến hành thường xuyên. Công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự xây dựng của các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng được chú trọng… Vì vậy, tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, số vụ vi phạm về trật tự xây dựng có chiều hướng giảm, các trường hợp vi phạm đều được kiểm tra, xử lý kịp thời. Theo Sở Xây dựng Thành phố, qua thống kê vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn từ tháng 12-2019 đến tháng 10-2020, đã ghi nhận 631 công trình vi phạm trật tự xây dựng. Cụ thể, có 267 công trình xây dựng sai phép (chiếm tỷ lệ 42,3% tổng số vi phạm) và có 364 công trình xây dựng không phép (chiếm tỷ lệ 57,7% tổng số vi phạm). Bình quân mỗi ngày giảm 1,9 vụ vi phạm về trật tự xây dựng, nếu so sánh với 6 tháng đầu năm 2019 là 8,5 vụ/ngày thì nay đã giảm còn 6,6 vụ/ngày(2).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố vẫn còn một số hạn chế nhất định, như: Ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng chưa cao; vi phạm các quy định của pháp luật, né tránh kiểm tra, bất hợp tác khi bị phát hiện vi phạm (tập kết vật liệu bên trong nhà, đóng cửa thi công bên trong, không có mặt tại công trình, không tiếp xúc với tổ kiểm tra, xây dựng vào ban đêm hoặc ngày thứ bảy và chủ nhật…); các chế tài xử lý không đủ tính răn đe nên đối tượng vi phạm đã cố tình trốn tránh, vi phạm, không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tỷ lệ thực hiện các quyết định xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng còn thấp, việc thực hiện các quyết định chủ yếu thông qua công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục chủ đầu tư tự chấp hành…
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do:
Thứ nhất, các tổ chức, cá nhân vi phạm xem nhẹ việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc cố tình né tránh, chây ỳ, khiếu nại vượt cấp… nhằm kéo dài thời gian thực hiện. Theo khoản 4, Điều 4 Thông tư số 03/2018/TT-BXD, ngày 24-4-2018, của Bộ Xây dựng: “Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thuê tổ chức tư vấn lập phương án, giải pháp phá dỡ, giao cơ quan chuyên môn về xây dựng cùng cấp thẩm định trước khi quyết định phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ. Chủ đầu tư có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí liên quan đến việc cưỡng chế tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm: lập, thẩm định, phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ”. Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít đơn vị tư vấn xây dựng tham gia lĩnh vực này, mặt khác trong quá trình khảo sát lập phương án thì người vi phạm thường không hợp tác, đối phó bằng nhiều cách, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện quyết định.
Thứ hai, theo điểm b, khoản 12, Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ: “Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng” và cũng theo điểm d, khoản 1, Điều 5 Thông tư số 03/2018/ TT-BXD: “Trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày gửi thông báo (tính theo dấu bưu điện), cá nhân, tổ chức vi phạm có trách nhiệm thực hiện biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm”. Như vậy, thời gian thi hành xử lý vi phạm về trật tự xây dựng kéo dài, dẫn đến chủ đầu tư lợi dụng thời gian trên để hoàn thiện công trình đưa vào sử dụng, gây khó khăn cho công tác cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm. Ngoài ra, nhiều trường hợp người vi phạm cố tình không hợp tác khi lập biên bản vi phạm hành chính như đóng cửa không để cơ quan có thẩm quyền vào kiểm tra, xử lý, dẫn đến việc xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng đối với các hành vi xây dựng không phép, sai phép còn chậm.
Thứ ba, trên thực tế, sau khi lập biên bản vi phạm hành chính, chủ đầu tư tiếp tục thi công, tăng diện tích vi phạm dẫn đến khó khăn trong việc ban hành và thực hiện quyết định cưỡng chế áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Một số giải pháp hạn chế tác động của tăng dân số cơ học, tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn
Tăng dân số cơ học đang là một vấn đề đặt ra đối với Thành phố Hồ Chí Minh, tác động rất lớn đối với hoạt động quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn, tạo áp lực đối với phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững của Thành phố. Để từng bước hạn chế tình trạng tăng dân số cơ học, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trong thời gian tới, Thành phố tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, phát huy tốt các lợi thế của từng địa phương, vùng, nhất là khu vực Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực… nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, từ đó kéo giảm tỷ lệ người dân di cư vào Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần giảm áp lực về quản lý đô thị, tạo điều kiện để Thành phố phát triển và phát huy vai trò, vị thế đầu tàu trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Hai là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm cho mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân thực hiện các quy định của Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố. Phát huy vai trò giám sát của ban điều hành khu phố, tổ dân phố, người dân đối với công tác quản lý trật tự xây dựng tại địa bàn dân cư, nhất là các địa bàn thường xuyên xảy ra vi phạm trật tự xây dựng để kịp thời kiểm tra, ngăn chặn và xử lý ngay từ đầu các hành vi vi phạm trật tự xây dựng.
Ba là, tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy quản lý trật tự xây dựng ở địa phương; chỉ đạo rà soát, xây dựng phương án bảo đảm các quyết định xử lý vi phạm hành chính ban hành phải được thực thi, bảo đảm tính nghiêm minh của công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn; đồng thời, rà soát các trường hợp xây dựng không phép, sai phép để tổng hợp, phân loại trường hợp nào cố ý vi phạm, trường hợp nào vi phạm có nguyên nhân từ những bất cập về pháp lý trong lĩnh vực xây dựng để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ vướng mắc cho người dân. Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho nhân dân khi có nhu cầu xây dựng, cải tạo và sửa chữa nhà ở; đơn giản hóa, luôn công khai, minh bạch các thủ tục khi cấp phép xây dựng.
Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm tất cả các công trình xây dựng, sửa chữa, cải tạo đều được quản lý, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm, dứt điểm những trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng; kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi buông lỏng quản lý hoặc lợi dụng chức vụ, chức trách được giao dẫn đến sai phạm trong quản lý nhà nước về trật tự xây dựng. Đối với các công trình vi phạm, phải thực hiện đồng bộ các biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời, như: Yêu cầu ngừng thi công; tổ chức lực lượng chốt chặn cấm các phương tiện vận chuyển vật tư, vật liệu, công nhân vào thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng; không được đưa công trình vào sử dụng, giao dịch khi chưa khắc phục xong hậu quả của các sai phạm...
Năm là, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức công vụ và kỹ năng giao tiếp, tập huấn về kỹ năng thực hiện nhiệm vụ công vụ cho cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận. Kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích, đi đôi với kiểm điểm, xử lý tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ, buông lỏng quản lý, bao che, dung túng cho hành vi vi phạm trật tự xây dựng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, làm trong sạch đội ngũ công chức làm công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị.
Sáu là, xây dựng quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng, quy định rõ một số nội dung về trách nhiệm phối hợp kiểm tra giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan; trách nhiệm trong kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng đối với công trình, bộ phận công trình xây dựng phát sinh sau khi đã hoàn thành đưa vào sử dụng theo quy định hoặc đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản./.
-----------------
(1) Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh: Thực trạng dân số Thành phố Hồ Chí Minh qua tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 1 tháng 4 năm 2019, tr.42- 43
(2) Tuệ Minh: “Vi phạm trật tự xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh giảm 77,6%”, https://baoxaydung.com.vn/vi-pham-trat-tu-xay-dung-tai-thanh-pho-ho-chi-minh-giam-776-292529.html
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển