Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa là con đường phát triển của mọi quốc gia trên thế giới. Thực tiễn phát triển của nhiều quốc gia cho thấy, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa là nhân tố quyết định làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất, chuyển nền kinh tế từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phương thức sản xuất mới, hiện đại. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiến trình phát triển xã hội đã có sự thay đổi cơ bản, đó là phát triển đô thị kèm theo sự thu hẹp xã hội nông thôn; là thay đổi căn bản xã hội nông thôn theo hướng công nghiệp. Để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa cần phải thực hiện việc thu hồi đất cho xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các công trình công cộng, phục vụ lợi ích quốc gia, đó là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển.

Ở nước ta, việc thu hồi đất phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa được chú trọng từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, đặc biệt được đẩy mạnh từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII và đến Đại hội X vẫn được nhấn mạnh: huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong những năm qua, trên khắp các vùng, miền của đất nước, nhiều khu công nghiệp, khu đô thị mới được xây dựng, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được nâng cấp, xây mới ngày càng đồng bộ và hiện đại. Nhờ đó, bộ mặt kinh tế - xã hội của đất nước đã thay đổi nhanh chóng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại và văn minh. Việc thu hồi đất bao gồm cả đất ở và đất nông nghiệp cho xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các công trình công cộng, phục vụ lợi ích quốc gia dẫn đến đất cho sản xuất, kinh doanh của người dân bị thu hẹp, phải thay đổi chỗ ở, điều kiện sống. Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách và được các địa phương nỗ lực vận dụng để giải quyết vấn đề bồi thường, tái định cư, bảo đảm việc làm, thu nhập và đời sống của người dân có đất bị thu hồi. Song, tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp, không chuyển đổi được nghề nghiệp, khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt tại nơi ở mới, đặc biệt đối với người nông dân bị thu hồi đất đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương. Nguyên nhân này một phần do nhiều nơi thực hiện đền bù, tái định cư, đào tạo, giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất còn chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng khiếu kiện gây mất trật tự, an ninh xã hội. Bên cạnh đó, bản thân người dân bị thu hồi đất còn thụ động trông chờ vào nhà nước, chưa tích cực tự đào tạo để đáp ứng với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhằm cung cấp cho các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách và bạn đọc quan tâm đến vấn đề trên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách Thu nhập, đời sống, việc làm của người có đất bị thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các công trình công cộng phục vụ lợi ích quốc gia do GS.TSKH. Lê Du Phong chủ biên.

Nôi dung cuốn sách nêu một số vấn đề lý luận, thực trạng về thu nhập, đời sống, việc làm của người dân có đất bị thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các công trình công cộng, phục vụ lợi ích quốc gia trong thời gian qua ở nước ta, đồng thời cho thấy những khó khăn tồn tại. Qua đó, tác giả đưa ra những quan điểm, giải pháp và kiến nghị nhằm giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập và đời sống của người dân có đất bị thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các công trình công cộng, phục vụ lợi ích quốc gia trong thời gian tới.