Cục diện châu Á - Thái Bình Dương năm 2016 và triển vọng năm 2017
TCCS - Năm 2016, cục diện chính trị - an ninh thế giới có nhiều biến động rất sâu rộng và khó lường. Trong bối cảnh đó, châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động, là “đầu tàu” về kinh tế - thương mại của thế giới, tuy tốc độ tăng trưởng của cả khu vực đang chậm lại. Trong lĩnh vực chính trị - an ninh, về tổng thể, châu Á - Thái Bình Dương vẫn duy trì được hòa bình, ổn định, dù còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất trắc hơn các năm trước. Tính bất định, bất ngờ và xu hướng “hướng nội” ở nhiều nước trên thế giới và khu vực đang gia tăng. Nhiều “điểm nóng” có dấu hiệu tăng nhiệt; tình hình nội trị ở một số nước cũng diễn biến rất phức tạp trong năm 2016 và để lại các hệ lụy không nhỏ cho những năm tiếp theo.
Tăng trưởng kinh tế và thương mại khu vực chậm lại
Mặc dù vẫn là động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế và thương mại của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2016 đã chậm lại. Bức tranh kinh tế khu vực nổi lên bốn điểm đáng chú ý sau:
Một là, tăng trưởng kinh tế của cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo chỉ đạt khoảng 5,25% trong năm 2016(1). Nguyên nhân chủ yếu là do bị tác động bởi kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự kiến, thương mại toàn cầu suy giảm và chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng. Điểm tích cực là nội nhu đang và sẽ tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho cả khu vực.
Hai là, kinh tế Trung Quốc đang trong thời kỳ quá độ chuyển sang giai đoạn tăng trưởng mới với ba đặc điểm chính là tăng trưởng chậm lại, cân bằng hơn và bền vững hơn. Nguồn cung lao động nông thôn với giá rẻ ở Trung Quốc đang giảm mạnh; tỷ lệ việc làm trong ngành chế tạo đã đạt đỉnh, trong khi ngành dịch vụ phát triển nhanh. Việc chuyển đổi lao động từ lĩnh vực chế tạo sang dịch vụ không hề dễ dàng. Tỷ suất lợi nhuận trên đầu tư giảm, nền kinh tế Trung Quốc đã tiệm cận tới giới hạn về chuyển giao công nghệ, cần phải chuyển mạnh sang tự chủ sáng tạo.
Trong năm 2016, Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp cải cách mạnh mẽ, như tự do hóa thị trường lao động (cải cách chế độ hộ tịch, hộ khẩu, xóa bỏ hoàn toàn chính sách một con...); cải cách doanh nghiệp nhà nước, nhất là đối với các công ty “zombie” (làm ăn thua lỗ kéo dài và tồn tại chủ yếu dựa vào trợ cấp của chính phủ); cải cách hệ thống thuế và tài khóa; quyết liệt xử lý vấn đề nợ, nhất là nợ doanh nghiệp; xóa bỏ nhiều thủ tục hành chính, phân quyền nhiều hơn cho các địa phương; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ... Trung Quốc cũng cắt giảm mạnh dư thừa năng lực sản xuất, nhất là trong ngành thép và vật liệu xây dựng. Chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc đã cắt giảm khoảng 25 triệu tấn thép. Để tránh các tác động tiêu cực đối với ổn định kinh tế và xã hội, Chính phủ Trung Quốc đã lập ra quỹ phúc lợi trị giá 100 tỷ nhân dân tệ để hỗ trợ người lao động chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm...(2)
Ba là, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và xu hướng chống toàn cầu hóa đang gia tăng rõ rệt. Đặc biệt, sau bầu cử tổng thống Mỹ (tháng 11-2016), Tổng thống mới đắc cử Đô-nan Trăm tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tuyên bố sẽ đánh thuế 45% đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Ông Đ. Trăm cũng kêu gọi đầu tư vào Mỹ, kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động ở nước ngoài về nước, đồng thời sẽ gia tăng các biện pháp kiểm soát biên giới, kiểm soát nhập cư... Điều này đang và sẽ tác động mạnh tới nhiều đối tác ở khu vực và trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bốn là, giá dầu thế giới trong năm 2016 nhìn chung vẫn ở mức khoảng 50 USD/thùng. Nguyên nhân của tình trạng giá dầu cơ bản ổn định ở mức thấp là do cầu về dầu mỏ thấp, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa ra khỏi khủng hoảng, Mỹ trở thành nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, đặc biệt là việc thương mại hóa thành công công nghệ khai thác khí đá phiến và I-ran tham gia thị trường xuất khẩu dầu... đã kéo giá dầu đi xuống. Đáng chú ý, ngày 4-12-2015, lần đầu tiên kể từ năm 2008, các thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga đã đạt được thỏa thuận về việc cắt giảm sản lượng, trong đó OPEC sẽ cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày và Nga cắt giảm 300.000 thùng/ngày. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2017. Điều này góp phần đẩy giá dầu thế giới nhích lên vào cuối năm 2016, nhưng vẫn chưa thể vượt quá ngưỡng 60 USD/thùng. Việc giá dầu đứng ở mức dưới 60 USD/thùng như hiện nay về cơ bản là có lợi cho nền kinh tế khu vực.
Nga - Trung Quốc xích lại gần nhau và sự phân tuyến giữa các nước lớn
Trong năm 2016, điểm nổi bật nhất trong quan hệ giữa các nước lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là việc Nga và Trung Quốc tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại các cơ chế đa phương và ủng hộ lẫn nhau trên các vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia của mỗi nước. Tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Hàng Châu (Trung Quốc), sau khi thực hiện cuộc gặp song phương với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (ngày 5-9-2016), Tổng thống Nga V. Pu-tin khẳng định, Nga ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vụ kiện của Phi-líp-pin ở Biển Đông lên Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và phản đối các nước bên ngoài khu vực can thiệp vào vấn đề Biển Đông; coi vụ kiện này chỉ là một “âm mưu chính trị”. Về phần mình, Trung Quốc gia tăng ủng hộ Nga trong vấn đề Crưm, cho rằng, về lịch sử, Crưm thuộc lãnh thổ của Nga, gia tăng ủng hộ Nga can dự vào tình hình Xy-ri (không chỉ ủng hộ Nga ở Xy-ri về chính trị, Trung Quốc còn tăng cường tham gia cung cấp hậu cầu, thầu phụ công trình cho Nga ở Xy-ri)...
Trong khuôn khổ các hoạt động của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) năm 2016, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề xuất ký kết một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa các thành viên SCO. Sáng kiến này đã được Tổng thống Nga V. Pu-tin ủng hộ, cho rằng lợi ích kinh tế lâu dài giữa hai nước là phải thúc đẩy tự do thương mại. Trước đó, cũng trong khuôn khổ SCO, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất kết nối sáng kiến “một vành đai, một con đường” với Liên minh kinh tế Á - Âu, coi đây là một sáng kiến quan trọng để nâng cao vị thế của SCO.
Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại Pê-ru (tháng 11-2016), Nga và Trung Quốc đã nhất trí thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ APEC thông qua việc cùng nhau ủng hộ một FTA cho toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) bao gồm 21 thành viên, nhắc lại lợi ích chung của hai nước trong việc thúc đẩy tự do hóa thương mại, duy trì hòa bình, ổn định ở Trung Á, Đông Bắc Á và các khu vực tiếp giáp với biên giới hai nước. Đáng chú ý, điều này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Đ. Trăm có xu hướng chống toàn cầu hóa và muốn rút khỏi TPP.
Tuy nhiên, đã bắt đầu xuất hiện những khó khăn mới trong mối quan hệ song phương Nga - Trung Quốc. Hợp tác kinh tế giữa Nga và Trung Quốc đạt đỉnh cao vào năm 2015 và có xu hướng đi xuống trong năm 2016. Theo thống kê mới nhất của phía Trung Quốc, kim ngạch thương mại hai chiều Nga - Trung Quốc từ quý I đến hết quý III của năm 2016 chỉ đạt khoảng 50 tỷ USD, chắc chắn không thể đạt mục tiêu 100 tỷ USD vào năm 2016 và càng xa so với mục tiêu 200 tỷ USD vào năm 2020. Nguyên nhân chính là do nhu cầu từ Nga đối với hàng hóa Trung Quốc giảm mạnh. Quan hệ kinh tế - thương mại và hợp tác Nga - Trung Quốc chưa thực sự sâu sắc do cả hai nước đều phải đối mặt với đà giảm tốc và khó khăn kinh tế trong nước. Trong hai năm 2014 và 2015, Nga và Trung Quốc đã ký tổng cộng 350 hợp đồng hợp tác đầu tư các loại, nhưng chỉ có khoảng 3% số hợp đồng này được triển khai. Đáng chú ý, các dự án lớn về năng lượng giữa hai nước đã không được triển khai như dự kiến do giá dầu hiện đứng ở mức thấp, làm cho các đối tác Trung Quốc không còn mặn mà với việc triển khai dự án. Chính phủ Nga rất không hài lòng với tình trạng này(3).
Ở khu vực, Trung Quốc đang tìm cách lôi kéo Nga vào việc tập hợp lực lượng để tạo thành cục diện Trung Quốc - Nga cạnh tranh với Mỹ - Nhật Bản. Tuy chưa hình thành các liên minh, các cơ chế cứng, cũng như chưa tới mức đối kháng, phân cực hoàn toàn, nhưng nếu xu hướng phân tuyến này tiếp diễn trong thời gian tới sẽ không có lợi cho các nước vừa và nhỏ. Sự can dự và “tái cân bằng” của Nga sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2016 cũng rõ nét hơn. Nga đang tranh thủ cải thiện quan hệ với Nhật Bản và tăng cường quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đây là dấu hiệu cho thấy có sự “phân tuyến” ngày một rõ trong tập hợp lực lượng giữa các nước lớn ở khu vực.
ASEAN bộc lộ nhiều hạn chế và đảo chiều chính sách nhanh
Sau phán quyết vào ngày 12-7-2016 của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS năm 1982, một số nước trong khu vực có xu hướng thực dụng, đảo chiều chính sách rất nhanh. Rõ nhất là sự điều chỉnh chính sách của Phi-líp-pin dưới thời Tổng thống R. Đu-tơ-tê và của Ma-lai-xi-a trong quan hệ với Trung Quốc. Trong khi đó, quan hệ Trung Quốc - Xin-ga-po trở nên căng thẳng trong năm 2016, nhất là sau khi hải quan Trung Quốc tạm giữ một lô hàng thiết bị quân sự của Xin-ga-po tại Hồng Công (Trung Quốc). Năm 2016 đánh dấu thời điểm quan hệ Trung Quốc - Xin-ga-po trên nhiều khía cạnh đã không còn thân mật như trước. Ảnh hưởng của Trung Quốc tại một số nước trong khu vực tiếp tục gia tăng, nhất là tại Cam-pu-chia.
Năm 2016 là năm đầu tiên ASEAN hình thành các cộng đồng. Trong năm 2016, ASEAN đã hoàn thành 141/290 dòng hành động trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC). ASEAN còn đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong xây dựng Cộng đồng Kinh tế (AEC) và đã hoàn thành 109 dòng hành động trong xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC). Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28 và 29 diễn ra ở Thủ đô Viên Chăn (Lào, tháng 9-2016) đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng, như Kế hoạch hành động giai đoạn 2 thực hiện Sáng kiến hội nhập ASEAN; Kế hoạch Tổng thể về kết nối ASEAN đến năm 2025...
Về đối ngoại, đến nay đã có 86 nước có đại sứ quán, 9 nước có phái đoàn riêng bên cạnh ASEAN tại Thủ đô Gia-các-ta (In-đô-nê-xi-a). Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) của ASEAN đã được mở rộng với 25 nước tham gia. ASEAN đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với 7 trong số 11 nước đối tác đối thoại, cấp quy chế đối thoại theo ngành cho 2 nước là Na Uy và Thụy Điển trong năm 2016. ASEAN cũng đã thành công trong xử lý quan hệ với các nước lớn. Nhiều hội nghị cấp cao quan trọng đã diễn ra thành công, như Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN ở thành phố Xăn-ny-len (Mỹ, tháng 1-2016), Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ Nga - ASEAN ở thành phố Xô-chi (Nga, tháng 5-2016), Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 25 năm thiết lập đối tác chiến lược (tháng 9-2016). ASEAN đã khẳng định được vị thế không thể thiếu trong quan hệ quốc tế ở khu vực.
Bên cạnh đó, ASEAN cũng bộc lộ rõ hơn một số mặt hạn chế trong giải quyết một số vấn đề của khu vực, nhất là khi có sự can dự sâu của các nước lớn vào khu vực. ASEAN đã bộc lộ rõ hơn sự phân hóa giữa các nhóm nước và sự yếu kém trong xử lý các vấn đề liên quan đến lợi ích trực tiếp của khu vực. Trong năm 2016, ASEAN ra tổng cộng 11 tuyên bố, tập trung vào nhiều vấn đề, như chống khủng bố, phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên... (trừ vấn đề Biển Đông), nhưng ASEAN không có cơ chế hiệu quả để hành động và phát huy vai trò của mình. Vấn đề Biển Đông cũng làm bộc lộ rõ những mặt hạn chế của ASEAN trong việc quản lý xung đột ở khu vực. Vai trò trung tâm của ASEAN vẫn đứng trước những thách thức không nhỏ, nhất là khi có sự tác động và can dự của các nước lớn. ASEAN chưa có các biện pháp phù hợp, thiết thực để nâng cao hiệu quả hợp tác, xây dựng hình ảnh ASEAN trong dư luận khu vực và trên thế giới.
Tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, khó lường
Trong năm 2016, vấn đề Biển Đông tiếp tục là tâm điểm tập hợp lực lượng và đấu tranh giữa các nước lớn ở khu vực. Những diễn biến trong năm 2016 trên Biển Đông cho thấy hai bức tranh hoàn toàn trái ngược nhau: 1- Nửa đầu năm 2016, tình hình Biển Đông diễn biến rất phức tạp do tác động của việc Tòa Trọng tài chuẩn bị ra phán quyết; 2- Nửa cuối năm, vấn đề Biển Đông dường như lắng dịu, cả trên thực địa cũng như trên mặt trận ngoại giao.
Năm 2016 cũng chứng kiến bản chất của vấn đề tranh chấp trên Biển Đông đã thay đổi rất nhiều, không chỉ là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa một vài nước trong khu vực với Trung Quốc, mà thực sự trở thành nơi cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn. Sau khi G7 ra tuyên bố về Biển Đông, vấn đề Biển Đông đã được quốc tế hóa ở mức rất cao. Vấn đề biển Đông đã có bước ngoặt lớn về pháp lý và chính trị, nhưng trên thực tế, tình hình vẫn không có nhiều thay đổi. Trung Quốc vẫn có các hành động leo thang mới trong quá trình quân sự hóa và lấn chiếm trái phép ở Biển Đông. Đến cuối năm 2016, tình hình Biển Đông lắng dịu chủ yếu là do sự điều chỉnh chính sách của Trung Quốc nhằm tranh thủ sự hợp tác của chính quyền mới ở Phi-líp-pin, xoa dịu dư luận khu vực để tập trung vào những vấn đề nội bộ nhằm tránh những tác động tiêu cực của phán quyết của Tòa Trọng tài (ngày 12-7-2016) và phần nào do Mỹ tập trung vào bầu cử. Đây chủ yếu là những điều chỉnh về ngắn hạn.
Triển vọng năm 2017
Sang năm 2017, nước Mỹ dưới thời của Tổng thống Đ. Trăm sẽ bước vào thời kỳ rất khó dự báo về chính sách. Tình hình nội bộ Mỹ hiện rất khác so với năm 2016 và trước đó. Ngay cả tại Quốc hội Mỹ, việc Đảng Cộng hòa chiếm đa số ở cả hai viện cũng báo trước một bức tranh hoàn toàn khác về chính trị nội bộ Mỹ trong năm 2017. Chính quyền mới của Tổng thống Đ. Trăm sẽ phải tập trung ổn định bộ máy, tiếp quản quá trình chuyển giao quyền lực từ chính quyền của Đảng Dân chủ. Dự kiến, có khoảng 4.000 nhân viên của Chính phủ Mỹ sẽ bị thay thế và chính quyền mới ở Mỹ sẽ cần một khoảng thời gian nhất định để ổn định bộ máy và định hình chính sách.
Do những thay đổi trong nội bộ, chiều hướng chính sách đối ngoại của Mỹ hiện chưa thực sự rõ ràng. Tuy nhiên có hai điểm tương đối nhất quán: Một là, dưới chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm, nhiều khả năng Mỹ sẽ tập trung nhiều hơn vào giải quyết những vấn đề trong nước và sẽ yêu cầu các đồng minh phải gánh vác trách nhiệm nhiều hơn. Hai là, ở châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản vẫn sẽ là đối tác quan trọng nhất của Mỹ. Mặc dù TPP có thể sẽ bị chững lại, nhưng các lợi ích khác của Mỹ ở khu vực vẫn còn rất lớn. Mỹ có thể sẽ tăng cường sự hiện diện về quân sự ở khu vực, nhất là về hải quân và không quân. Ảnh hưởng của giới quân sự và doanh nghiệp đối với chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ gia tăng.
Trong khi đó, với Trung Quốc, năm 2017 sẽ là năm diễn ra Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Do vậy, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tập trung vào chuẩn bị cho Đại hội XIX. Cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc đã bước vào giai đoạn quyết liệt nhất. Dự báo Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Ban Lãnh đạo Trung Quốc hiện nay sẽ phải tiếp tục duy trì cuộc chiến này kể cả trước, trong và sau Đại hội XIX. Công cuộc cải cách toàn diện, đặc biệt là các biện pháp cải cách trọng cung để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định xã hội và cải cách quân đội được dự báo sẽ tiếp tục là ưu tiên cao trong năm 2017. Về đối ngoại, Trung Quốc có nhu cầu cao về duy trì ổn định quan hệ với Mỹ, với các nước láng giềng... để tập trung cho nội bộ.
Trong năm 2017, ASEAN sẽ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, nhưng đồng thời sẽ phải đối phó với các thách thức đang gia tăng, như sự can dự ngày càng sâu của các nước lớn, sự chia rẽ trong nội khối, sự gia tăng của các vấn đề an ninh phi truyền thống... Với tư cách là Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2017, Phi-líp-pin sẽ phát huy vai trò trong việc tạo ra các thay đổi tích cực nhằm đạt 6 mục tiêu: 1- Xây dựng ASEAN lấy con người làm trung tâm và hướng tới con người; 2- Hòa bình và ổn định ở khu vực; 3- Hợp tác và an ninh biển; 4- Tăng trưởng sáng tạo và bao trùm; 5- Một ASEAN tự lực tự cường; 6- ASEAN - một hình mẫu của chủ nghĩa khu vực, một nhân tố trong bàn cờ chiến lược toàn cầu. Phi-líp-pin cũng sẽ tích cực thúc đẩy việc rà soát lại Hiến chương ASEAN, tăng cường năng lực cho Ban Thư ký ASEAN...
Tình hình Biển Đông trong năm 2017 được dự báo sẽ không có những bước ngoặt lớn như đã từng xảy ra trong năm 2016 và nhiều khả năng sẽ dịu xuống. Trung Quốc không muốn tạo cớ để Mỹ gia tăng sự hiện diện về quân sự ở khu vực. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ tập trung vào những diễn biến trên thực địa, tiếp tục củng cố các cơ sở mà họ đã cải tạo thời gian qua. Trên mặt trận ngoại giao, Trung Quốc sẽ gia tăng tuyên truyền về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) và các hoạt động hợp tác chính trị, ngoại giao giữa ASEAN và Trung Quốc và tiếp tục tìm cách ngăn chặn các nước lớn ngoài khu vực can dự vào Biển Đông.
Các thách thức an ninh phi truyền thống, như sự lây lan của hoạt động khủng bố, dịch bệnh, đặc biệt là vi-rút Zika, an ninh mạng, an ninh nguồn nước, ô nhiễm môi trường... sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Các nước trong khu vực sẽ có nhiều nỗ lực để đối phó với tình trạng này. Các cơ chế, như Liên hợp quốc, G7, G20, APEC và ASEAN sẽ tiếp tục là những khuôn khổ quan trọng để thế giới đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.
Tóm lại, do có quá nhiều biến động phức tạp và khó lường từ năm 2016, nên bước sang năm 2017, các nước trong khu vực sẽ phải thăm dò, hình thành lại nhiều mối quan hệ quốc tế ở châu Á - Thái Bình Dương. Dự báo quan hệ giữa các nước lớn trong năm 2017 sẽ có những thay đổi đáng kể so với năm 2016. Quan hệ Mỹ - Nga có thể được cải thiện trong khi quan hệ Mỹ - Trung Quốc có dấu hiệu gia tăng cọ xát, mâu thuẫn. Các nước lớn gia tăng xu hướng quay vào bên trong; chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc và xu hướng chống toàn cầu hóa tiếp tục nổi lên ở nhiều nơi. ASEAN cần tập trung nhiều hơn để xử lý các vấn đề nảy sinh trong quá trình xây dựng Cộng đồng và kỷ niệm 50 năm thành lập. Tình hình Biển Đông được dự báo sẽ tiếp tục phức tạp trên thực địa, nhưng nhìn chung sẽ không biến động phức tạp như năm 2016 và không loại trừ những bất ngờ cục bộ có thể xảy ra./.
-----------------------------------------
(1) Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)
(2) Trương Vũ Yến, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), tháng 8-2016
(3) Theo The Diplomat. Có thể truy cập tại http://thediplomat.com/2016/12/behind-china-and-russias-special-relationship/
Địa phương để tội phạm lộng hành, lãnh đạo phải chịu trách nhiệm  (07/03/2017)
Giải thưởng Kovalevskaia - Niềm tự hào của các nhà khoa học nữ  (07/03/2017)
Đánh giá cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng  (07/03/2017)
Đánh giá cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng  (07/03/2017)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing  (06/03/2017)
Ngày mai 07-3, khai mạc Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII  (06/03/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay