Bước đi chiến lược của Nga tại Xy-ri
TCCSĐT - Một liên minh quốc tế với sự hợp sức của hơn 60 nước do Mỹ đứng đầu tiến hành các chiến dịch quân sự nhằm tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Xy-ri từ tháng 8-2014 với tổng chi phí lên đến hơn 4 tỷ USD dường như không mang lại hiệu quả. IS không những không bị tiêu diệt mà dường như còn trở nên mạnh hơn. Cuối tháng 9-2015, không quân Nga đã vào cuộc, bắt đầu không kích các mục tiêu của IS ở Xy-ri.
Những bước đi của Nga ở Xy-ri
Ngày 29-9-2015, không lâu sau khi Quốc hội Nga chấp thuận đề nghị của Tổng thống V. Pu-tin về việc không kích phiến quân IS trên lãnh thổ Xy-ri và triển khai lực lượng không quân ra nước ngoài để chống khủng bố, các chiến đấu cơ Nga bắt đầu xuất kích tiến hành không kích các mục tiêu của IS ở Xy-ri.
Theo các nhà phân tích, có hai lý do khiến Nga tiến hành không kích IS ở Xy-ri-a: Thứ nhất, theo yêu cầu của Chính phủ Xy-ri. Theo thông báo chính thức từ Văn phòng Tổng thống Xy-ri B. A. Át-xát, nhà lãnh đạo Xy-ri đã yêu cầu Nga hỗ trợ chống IS. 60% lãnh thổ của Xy-ri nằm dưới sự kiểm soát của IS và các lực lượng mà Liên hợp quốc gọi là khủng bố. Thứ hai, nhằm bảo vệ các công dân Nga khỏi mối đe dọa của khủng bố.
Trong trả lời phỏng vấn nhà báo Mỹ C. Rô-xơ trên kênh truyền hình Mỹ CBS và PBS, Tổng thống Nga V. Pu-tin nói: “Chúng tôi biết chính xác hiện các chiến binh ở Xy-ri có số lượng ít nhất 2.000 tên và có thể còn có thêm hơn 2.000 chiến binh có nguồn gốc xuất xứ từ Nga hoặc các nước cộng hòa khác thuộc Liên Xô và tất nhiên, mối đe dọa từ việc những người này trở về Nga là có thật. Và vì thế tốt nhất là giúp B.A. Át-xát kết liễu chúng còn hơn là đợi cho đến khi chúng quay trở lại đây”. Còn Chánh Văn phòng Tổng thống Nga, ông X. I-va-nốp cho biết, Mát-xcơ-va buộc phải chủ động trong cuộc chiến chống khủng bố và phải “hành động ở các biên giới xa xôi hơn, sau đó sẽ giải quyết vấn đề này ở Nga”.
Theo quan điểm của phương Tây, chiến dịch không kích của Nga là để bảo vệ chế độ của Tổng thống Xy-ri B. A. Át-xát, đồng minh duy nhất của Nga ở Trung Đông. Liên quan đến vấn đề này, trong cuộc trả lời phỏng vấn nhà báo Mỹ C. Rô-xơ, Tổng thống Nga V. Pu-tin khẳng định, Nga ủng hộ chính quyền hợp pháp ở Xy-ri và thấy cần phải giúp quân đội của Tổng thống B. A. Át-xát bởi “Tổng thống B. A. Át-xát và quân đội của ông ấy là lực lượng duy nhất thực sự chiến đấu với IS”, “ngoại trừ quân đội của B. A. Át-xát đang chiến đấu chống lại IS, và các tổ chức khủng bố tại Xy-ri, không một ai chiến đấu với chúng trên lãnh thổ Xy-ri”.
Ngày 5-10, hãng tin Sputnik dẫn một nguồn tin quân sự cho biết, hơn 3.000 chiến binh của IS đã bỏ chạy do lo ngại các chiến dịch tấn công của quân đội Xy-ri và các cuộc không kích của Nga. Ngày 7-10, Đại sứ Xy-ri tại Nga R. Ha-dát cho biết, không quân Nga đã phá hủy khoảng 40% cơ sở hạ tầng của IS kể từ khi triển khai chiến dịch không kích trên lãnh thổ Xy-ri.
Các nhà phân tích cho rằng, những cuộc không kích này đã mở rộng ảnh hưởng của Nga ở Xy-ri, đồng thời làm lu mờ vai trò của Mỹ trong cuộc chiến chống IS. Tuy nhiên, dù có các quan điểm khác nhau về mục đích can thiệp vào Xy-ri của Nga song người ta không thể phủ nhận rằng, chiến dịch không kích trên đã làm thay đổi đáng kể cục diện tình hình ở quốc gia Trung Đông này; làm thay đổi nội dung của các cuộc đàm phán quốc tế, làm suy giảm tính gắn kết và nỗ lực của liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu, và phần nào tăng cường sức mạnh cho chính phủ của Tổng thống B. A. Át-xát.
“Cứu cả Trung Đông”
Theo các nhà phân tích, một năm qua, các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu đã mang kết quả ngược lại: lãnh thổ IS chiếm giữ ngày càng mở rộng, quân số IS ngày càng tăng. Trước tình hình đó, sự phối hợp hoạt động giữa Nga, I-ran và chính phủ Xy-ri để chống IS có thể cứu cả Trung Đông. Ông B. A. Át-xát nhận định: “Nếu thống nhất lực lượng quân sự, tình báo và an ninh của chúng ta, cũng như các phương tiện chống khủng bố khác, tôi nghĩ rằng các cơ hội thành công của liên minh là rất cao”.
Trong khi Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma kiên quyết không chấp nhận ông B. A. Át-xát như một phần trong giải pháp chính trị của Xy-ri, sự can thiệp của Nga đã khiến nhiều đồng minh của Mỹ thay đổi quan điểm và có lập trường mềm dẻo hơn trong yêu cầu đòi ông B. A. Át-xát phải từ bỏ quyền lực ngay lập tức. Đối mặt với dòng người nhập cư liên tục đổ về từ Xy-ri, Đức, Anh và Pháp đã tuyên bố rằng, ông B. A. Át-xát có thể tiếp tục cầm quyền trong một thời gian để giám sát quá trình chuyển tiếp chính phủ.
Còn Tổng thống Xy-ri B. A. Át-xát, trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng truyền hình Khabar của I-ran, đã nói rằng, chỉ có người dân Xy-ri mới có quyền quyết định sự thay đổi hệ thống chính trị và những người lãnh đạo ở đất nước này. Ông B.A. Át-xát nêu những điều kiện thuận lợi cho giải pháp chính trị của cuộc nội chiến và giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn. “Con đường đối thoại chỉ có thể được mở ra khi lực lượng khủng bố đồng ý hạ vũ khí và tuân theo luật pháp. Khi đó một giải pháp cho cuộc xung đột sẽ được giải quyết ngay lập tức”.
Vì sao phương Tây lo ngại?
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng truyền hình Khabar của I-ran, Tổng thống B. A. Át-xát nói “Không thể tưởng tượng được có một số nước hỗ trợ cho khủng bố để chống lại khủng bố. Họ hỗ trợ khủng bố bằng tiền và lệnh cấm vận kinh tế chống Xy-ri. Đây là một trong những lý do then chốt đằng sau cuộc khủng hoảng người tị nạn. Một tay họ chống lại nhân dân Xy-ri, tay kia lại cung cấp lương thực cho người tị nạn Xy-ri”.
Nhìn nhận cuộc chiến chống IS, cũng có quan điểm cho rằng, chiến dịch không kích chống IS của Mỹ và phương Tây ở Xy-ri không mang lại hiệu quả bởi nó được thực hiện không phải hoàn toàn chỉ nhằm tiêu diệt IS mà còn nhằm mục đích lật đổ chế độ của Tổng thống B. A. Át-xát. Nếu mục đích này đạt được, Mỹ sẽ xây dựng được “bàn đạp” cực kỳ quan trọng để gây bất ổn khu vực phía Nam của Nga và toàn bộ Trung Á. Những người theo quan điểm này cho rằng, kịch bản được dựng lên là sau khi lật đổ chế độ của Tổng thống B. A. Át-xát, lực lượng IS (hoặc phe đối lập Xy-ri nhưng sẽ do IS điều khiển) sẽ lên nắm quyền ở Xy-ri. Khi đó, lực lượng này sẽ kiểm soát toàn bộ đường tiếp cận ra biển, các tuyến giao thông đường thủy và hệ thống các giếng dầu ở Xy-ri. Nếu kịch bản này được thực hiện, bất ổn sẽ gia tăng nhanh chóng ở khu vực Bắc Cáp-ca vì khoảng cách từ các căn cứ của IS đến khu vực Bắc Cáp-ca của Nga còn ngắn hơn khoảng cách từ Mát-xcơ-va đến Xanh Pê-téc-bua. Ngoài ra, những bất ổn xã hội cũng sẽ bùng phát tại Trung Á, nơi mà giới trẻ đang bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của IS. Tiếp theo đó là vấn đề người tị nạn, bất ổn, hỗn loạn sẽ bao trùm khu vực biên giới phía Nam của Nga.
Chính vì vậy, khi máy bay chiến đấu của Nga vô tình bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ, phương Tây đã phản ứng gay gắt. NATO phản đối sự giải thích của Nga rằng, máy bay Nga bay nhầm vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ là do thời tiết. Bên cạnh đó, NATO còn thông báo rằng, tổ chức này lo ngại chiến dịch không kích của Nga ở Xy-ri có thể không nhằm vào mục tiêu IS. NATO còn kêu gọi Nga chấm dứt các cuộc không kích. Sau cuộc họp khẩn giữa 28 thành viên, NATO kêu gọi Nga “ngừng ngay lập tức các cuộc tấn công vào phe đối lập và dân thường” (?!?). Phương Tây còn cho rằng, Nga đang làm leo thang cuộc nội chiến, làm tăng thêm rủi ro cho giải pháp chính trị ở Xy-ri.
Đáp lại, Ngoại trưởng Nga X. La-vrốp phản đối sự lên án của phương Tây. Sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ G. Ke-ry ở Niu Oóc, ông nói với các nhà báo: “Thật hài hước khi nói mục tiêu các cuộc không kích của Nga không phải là IS, và không có báo cáo nào nói về các trường hợp thiệt mạng của dân thường”.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng, quyết định hành động quân sự của Nga ở Xy-ri và sự xuất hiện lần đầu tiên của ông V. Pu-tin ở Đại hội đồng Liên hợp quốc trong vòng 10 năm qua, có ảnh hưởng rất lớn tới dư luận trong nước Nga. Sau khi sáp nhập bán đảo Crưm vào lãnh thổ, Nga đang phải hứng chịu sự chỉ trích và cô lập của phương Tây, cùng với đó là những lệnh cấm vận nặng nề gây ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế. Việc can thiệp quân sự vào Xy-ri sẽ giúp củng cố hình ảnh nước Nga như một cường quốc có khả năng định hình, chứ không chỉ là phản ứng với các vấn đề toàn cầu./.
Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình  (14/10/2015)
Tổng Bí thư phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh  (14/10/2015)
Việt Nam dự cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc - ASEAN  (14/10/2015)
Đưa Nghệ An cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020  (13/10/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên