TCCS - Ngày 18-4-2025, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) - Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển”. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phát biểu kết luận hội thảo_ Ảnh: Huy Nam

Cùng dự hội thảo có các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành và đông đảo nhà nghiên cứu lý luận phê bình lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS, TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, nhận thức rõ về vị trí, vai trò đặc biệt của văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc và nhân dân, Đảng ta luôn quan tâm đến lĩnh vực quan trọng này. Các văn kiện của Đảng qua các kỳ đại hội đều nhấn mạnh vai trò to lớn của văn học, nghệ thuật đối với việc xây dựng con người mới, bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách, đạo đức xã hội, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đảng, Nhà nước ta luôn trân trọng, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo, đồng thời đặt yêu cầu cao về tính tư tưởng, tính nhân văn, tính dân tộc và tính nhân loại trong mỗi tác phẩm. Tại Hội nghị gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc, ngày 30-12-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước, nhân dân trông chờ và tin tưởng vào sự chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, đóng góp tích cực của đội ngũ văn nghệ sĩ trong giai đoạn cách mạng mới”.

Theo PGS, TS Nguyễn Duy Bắc, nhìn lại chặng đường 50 năm qua, có thể thấy nền văn học, nghệ thuật nước nhà đã kế thừa xứng đáng truyền thống của một nền văn học, nghệ thuật “yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc”. Đồng thời, cùng sự tiếp sức mạnh mẽ từ tư tưởng đổi mới, văn học, nghệ thuật đã nỗ lực vươn lên, phát triển toàn diện, phản ánh và góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, văn học, nghệ thuật sau 50 năm ngày đất nước thống nhất vẫn còn một số hạn chế, đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết cho công tác quản lý, sáng tạo, lý luận - phê bình và phổ biến tác phẩm.

Về nội dung và giá trị tư tưởng, văn học, nghệ thuật đương đại vẫn thiếu vắng những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, tương xứng với tầm vóc công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo và chiều sâu văn hóa - lịch sử của dân tộc. Một bộ phận sáng tác còn xa rời hiện thực, chạy theo thị hiếu dễ dãi, thiên về thương mại, giải trí, thiếu bản lĩnh chính trị - tư tưởng.

Bên cạnh đó, đội ngũ văn nghệ sĩ hiện nay đang tồn tại khoảng cách thế hệ rõ rệt. Lớp nghệ sĩ có sáng tác từ trước với vốn sống phong phú và chiều sâu tư tưởng đang dần lui vào hậu trường do tuổi tác, sức khỏe; trong khi đó, lực lượng trẻ tuy năng động, sáng tạo, tiếp cận nhanh với cái mới nhưng lại thiếu chiều sâu trải nghiệm và định hướng giá trị vững chắc.

Hơn 100 tham luận gửi đến hội thảo từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các đồng chí lãnh đạo, quản lý trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật ở các cơ quan trung ương và địa phương đã phân tích, đánh giá thực trạng, khẳng định những kết quả đạt được; đồng thời chỉ ra những hạn chế, bất cập và những vấn đề đặt ra đối với nền văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm qua. Từ đó, các ý kiến đã phân tích, xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực trong thời gian tới nhằm phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Từ kết quả của hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, đội ngũ các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ cả nước tiếp tục quan tâm, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về văn hóa, văn học, nghệ thuật và những ý kiến chỉ đạo quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc, ngày 30-12-2024.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, trong quá trình thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật, hệ thống cơ chế, chính sách cần bảo đảm tính đồng bộ, khoa học, sát thực tế; trọng tâm là bảo đảm tự do sáng tạo, cải thiện điều kiện làm nghề, giải phóng và thúc đẩy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ. Tiếp tục xây dựng các cơ chế cung cấp thông tin, lắng nghe ý kiến phản biện; bảo đảm cho văn nghệ sĩ nắm vững, thấm nhuần quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước, từ đó củng cố niềm tin, thống nhất nhận thức và chung sức, đồng lòng triển khai thực hiện. Kịp thời hoạch định cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả cho hoạt động sáng tạo và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị đến với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế.

Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương yêu cầu, sau hội thảo, Ban Tổ chức hội thảo và các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa sâu rộng thành tựu 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, hiện đại; giới thiệu đến công chúng những tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu, xuất sắc 50 năm qua, góp phần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, đưa đất nước ta vững bước vào kỷ nguyên mới./.