Tỉnh Vĩnh Phúc: Xuất khẩu giữ đà tăng trưởng
TCCS - Vượt qua khó khăn, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc tăng trưởng ấn tượng trong những tháng đầu năm. Riêng với hoạt động xuất, nhập khẩu, bằng sự chủ động vượt khó, nắm bắt các cơ hội từ 15 hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia, nhiều doanh nghiệp đã tìm được cơ hội, thị trường xuất khẩu mới và cạnh tranh bình đẳng về thị phần với các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.
Tỉnh Vĩnh Phúc có gần 500 doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu, trong đó khoảng 400 doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu thường xuyên. Những năm qua, từ chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, công nghiệp hỗ trợ nên cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu của tỉnh đã chuyển đổi theo hướng tăng các mặt hàng công nghiệp, chế tạo, phù hợp với định hướng, chiến lược xuất khẩu của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016 - 2020 liên tục tăng, từ 4.328 triệu USD năm 2016 tăng lên 9.047 triệu USD năm 2018, 11.599 triệu năm 2019 và 13.951 triệu năm 2020.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, các sản phẩm xuất, nhập khẩu của Vĩnh Phúc có mặt ở 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, tập trung chủ yếu vào một số thị trường lớn, như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nga, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước có ký kết các Hiệp định thương mại với Việt Nam, như Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia ASEAN.
Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực gồm: Hóa chất và sản phẩm hóa chất; chất dẻo, nguyên liệu sản phẩm chất dẻo; gỗ và sản phẩm gỗ; linh kiện phụ tùng ô tô, xe máy; linh kiện điện tử, giày dép, quần áo, sắt thép các loại, sản phẩm từ sắt; dây điện và dây cáp điện…
Rút kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19 năm 2020, năm nay, khi dịch bệnh lần thứ 2 xuất hiện trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp đã nhanh chóng xây dựng các kịch bản, chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp với công tác chống dịch trong tình hình mới. Nhiều doanh nghiệp đã cấu trúc, đào tạo lại nguồn lao động, chú trọng tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, thị trường cung cấp nguồn nguyên, nhiên liệu sản xuất ngay trong nước, từng bước triển khai quá trình chuyển đổi số để tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, với lợi thế khôi phục sớm sau đại dịch COVID-19 và tận dụng tốt các cơ hội từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, cơ hội cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung… đã giúp hoạt động xuất, nhập khẩu của tỉnh Vĩnh Phúc trong 6 tháng đầu năm duy trì được đà tăng trưởng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 5.553 triệu USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ; nhập khẩu hàng hóa đạt 5.456 triệu USD, tăng 25,4%. Trong số các doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu tăng mạnh, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước phải kể đến Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam, Công ty TNHH Piaggio Việt Nam, Công ty TNHH Heasung Vina, Công ty TNHH sản xuất phanh Nissin Việt Nam, Công ty TNHH BHFlex Vina…
Để tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 11.662,9 triệu USD, nhập khẩu đạt 11.358,8 triệu USD, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý ngoại thương phù hợp với thực tiễn quản lý và tuân thủ các cam kết quốc tế; đẩy mạnh cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, kiến tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, thông thoáng, minh bạch. Tăng cường nghiên cứu, dự báo, đánh giá tác động, theo sát diễn biến thị trường xuất, nhập khẩu trong và ngoài nước; vận dụng các biện pháp phi thuế quan, như các hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ thương mại được phép áp dụng trong WTO và các FTA để hỗ trợ cũng như bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành hàng xuất khẩu của tỉnh.
Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động tư vấn các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ xây dựng thương hiệu hàng hóa xuất khẩu đối với một số mặt hàng chủ lực. Chỉ đạo các ngân hàng thương mại giải quyết vấn đề về vốn, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền về xuất nhập khẩu, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để các doanh nghiệp chủ động ứng phó và tận dụng tối đa ưu đãi các nhóm ngành hàng trong các hiệp định thương mại tự do. Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm để tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng sản phẩm, tăng giá trị xuất khẩu.
Đặc biệt, nhằm tận dụng tốt làn sóng chuyển dịch đầu tư từ khu vực Đông Bắc Á vào ASEAN để thu hút các nhà đầu tư chiến lược có năng lực kinh nghiệm, tài chính, có công nghệ cao, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa các thủ tục hải quan trên cơ sở tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, có số tiền nộp ngân sách nhà nước lớn; nâng cao hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ xuất, nhập khẩu Vĩnh Phúc, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động này./.
Tỉnh Vĩnh Phúc kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch  (28/06/2021)
BSR kích hoạt các phương án cấp độ 2 phòng, chống đại dịch COVID-19  (28/06/2021)
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên