Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn: Sẵn sàng cho ngày ra dòng sản phẩm thương mại đầu tiên
Theo kế hoạch, vào quý 4/2017, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) sẽ vận hành thương mại. Đến giờ phút này, mọi công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành. Một số công việc còn lại đang được gấp rút triển khai, bảo đảm đến giờ “G” không còn bất cứ một “vướng mắc” gì…
Dự án “đánh thức” một vùng đất
Dự án lọc dầu Nghi Sơn được triển khai tại khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa, do các cổ đông: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Tập đoàn Dầu khí Kuwait (KPI); Công ty Idemitsu Kosan Nhật Bản (IKC) và Tập đoàn hóa chất Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI) là chủ đầu tư.
Với công suất 10 triệu tấn/năm, nguyên liệu nhập khẩu từ Kuwait; có tổng mức đầu tư 9,2 tỷ USD, sản phẩm của nhà máy gồm: khí hoá lỏng LPG, xăng, dầu diesel, dầu mazut, benzenne, dầu hoả/nhiên liệu máy bay, para-xylene, polypropylene...
Dự án được khởi công từ tháng 7-2013. Đến nay, các hạng mục xây dựng, lắp đặt hầu hết đã hoàn thành 100%, nhà máy đã được bàn giao cho chủ đầu tư là Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) quản lý, hiện nay đang tiến hành chạy thử một số hạng mục của các phân xưởng phụ trợ…
Hồ chứa nước thải xanh trong tại nhà máy
(ảnh chụp lúc 16h ngày 21-8-2017)
Theo kế hoạch, nhà máy sẽ sản xuất ra sản phẩm thương mại đầu tiên vào quý 4/2017. Khi chuyển sang giai đoạn vận hành thương mại, mỗi tháng Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ tiếp nhận tới 3 tàu dầu thô từ Công ty dầu khí KPC - Kuwait. Với công suất chế biến 10 triệu tấn dầu thô/năm (200.000 thùng/ngày), Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ cung cấp khoảng 40% nhu cầu thị trường xăng dầu trong nước, xuất khẩu hàng triệu tấn sản phẩm hoá dầu Benzen, Para-xylen và hạt nhựa Polypropylene… góp phần quan trọng trong thu ngân sách Nhà nước, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Thanh Hoá và khu vực, nâng cao tính tự chủ trong việc sản xuất các sản phẩm lọc hóa dầu của Việt Nam và tăng cường bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp xứng đáng vào nền kinh tế của đất nước…
An ninh, an toàn - vấn đề được đặt lên hàng đầu
Trước ngày nhà máy đi vào hoạt động, PV báo Năng lượng Mới đã có mặt tại nhà máy và chứng kiến không khí hết sức khẩn trương của cả cán bộ, công nhân viên nhà máy và các phòng ban chức năng và Ban Tổng Giám đốc NSRP trong công tác chuẩn bị cho ngày ra dòng sản phẩm đầu tiên.
Phó Tổng Giám đốc NSRP Đinh Văn Ngọc trong bộ quần áo bảo hộ lao động vừa từ nhà máy về thông báo cho chúng tôi biết: Vào lúc 23h00 ngày 20-8, tàu chở dầu thô trọng tải siêu lớn lần đầu tiên tới Việt Nam có tên Millenium đã đến Bến phao nhập dầu một điểm neo (SPM) của Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn sau 18 ngày trên biển, vượt qua hành trình 8.300km xuất phát từ cảng Mina Al Ahmadi của Kuwait. Tàu Millennium có chiều dài 330m, chiều rộng 58m, chiều cao của tàu tính từ mặt nước khoảng 40m, có khả năng bơm dầu thô 14.000m3/giờ vượt qua 35km ống để dẫn dầu vào các bể chứa tại nhà máy với dung tích tới 120.000m3 mỗi bể.
Sáng ngày 22-8-2017, dưới sự điều hành phối hợp của Cảng vụ Thanh Hoá, các cơ quan chức năng tại địa phương và các chuyên gia của NSRP, đội tàu lai dắt của Công ty PTSC cùng các thủy thủ tàu Millenium thực hiện việc lai dắt và nối ống phục vụ cho việc bơm dầu thô từ tàu qua SPM vào các bể chứa dầu trong nhà máy. Dự kiến công tác nhập dầu sẽ hoàn thành trong 3 ngày tới.
Theo anh Ngọc, sự kiện tiếp nhận tàu dầu thô đầu tiên này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình chạy thử nhà máy của Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, chuẩn bị sẵn sàng cho việc sản xuất ra các sản phẩm lọc & hóa dầu cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây là sự kiện đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp cảng biển - dịch vụ của Việt Nam khi có đủ khả năng, điều kiện đón nhận tàu chở dầu thô có trọng tải lớn chưa từng có đối với nước ta; ghi tên cảng Nghi Sơn, Việt Nam là điểm đến trên bản đồ hành trình và tuyến hàng hải quốc tế của các tàu chở dầu thô VLCC (Very Large Crude Carrier) có trọng tải siêu lớn trên thế giới.
Cùng với việc tiếp nhận chuyến dầu thô đầu tiên, anh Ngọc cho biết, các công tác khác cũng đang được hoàn thiện các bước cuối cùng. Đặc biệt công tác an ninh, an toàn và môi trường đã và đang được triển khai hết sức chặt chẽ. Vẫn theo anh Ngọc, trước khi nhập chuyến dầu thô này công ty đã có công văn báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về kế hoạch vận hành thử nghiệm từng phần.
Cùng với đó, vào ngày 26-7, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa đã thành lập Đoàn thanh tra, do ông Trần Văn Thanh, Chánh thanh tra Sở KH&CN làm Trưởng đoàn đến thanh tra chuyên đề về “An toàn bức xạ hạt nhân”. Trong đó thanh tra hai nội dung chính là: Thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về Năng lượng nguyên tử trong lưu giữ, sử dụng, vận chuyển nguồn phóng xạ, thiết bị phóng xạ và Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đo lường trong sử dụng phương tiện đo (PTĐ) nhóm hai.
Quá trình thanh tra và kiểm tra thực tế tại các khu vực đặt các nguồn phóng xạ, thiết bị tia X; cũng như thanh tra việc chấp hành quy định về đo lường đối với PTĐ nhóm 2. Đoàn thanh tra đã nhận xét, kết luận, xin được trích đăng: “…Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đang trong giai đoạn chuẩn bị các điều kiện để vận hành chạy thử. Tại thời điểm thanh tra, việc chấp hành các quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử trong sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị phát tia X của Công ty đang được đơn vị tư vấn - Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật ATBCHN và ứng phó sự cố (thuộc Cục ATBCHN) tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục pháp lý, các điều kiện để thực hiện đúng quy định của pháp luật…”.
Kết quả kiểm tra hồ sơ, Đoàn thanh tra nhận xét như sau: “Cơ bản Công ty đã thực hiện tốt các quy định về An toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ trong sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị phóng xạ và quy định về đo lường đối với PTĐ nhóm 2…”.
Thảm cỏ xanh trong nhà máy
(ảnh chụp lúc 16h ngày 21-8-2017)
Tuy nhiên Đoàn thanh tra cũng lưu ý một số vấn đề như: Về lưu giữ hồ sơ chủ yếu là bản tiếng Anh; tại khu vực ra vào kiểm soát khu vực giám sát các nguồn phóng xạ các thiết bị tia X chưa có Nội quy An toàn. Nêu vấn đề này với anh Đinh Văn Ngọc, anh cho hay: Đây là những vấn đề Công ty cũng đã nhận ra và đang gấp rút cho triển khai. Đặc biệt các loại bảng biển cảnh báo, cũng như nội quy an toàn sẽ lắp đặt đầy đủ trước khi nhà máy đi vào vận hành.
Mới đây nhất, ngày 08-8, đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đã đến làm việc với công ty, về tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, ứng phó sự cố tràn dầu, phòng cháy chữa cháy (PCCC), an toàn phóng xạ và hóa chất tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Sau khi đi kiểm tra thực tế, cũng như nghe báo cáo của lãnh đạo Công ty. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã kết luận, xin được trích đăng: “…Trong quá trình triển khai dự án, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã nghiêm túc thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật Nhà nước Việt Nam về bảo vệ môi trường (nước thải, khí thải, tiếng ồn…); tài nguyên nước; ứng phó sự cố tràn dầu; PCCC; đã thực hiện đầy đủ các quy định về xây dựng kế hoạch, thành lập các lực lượng và tổ chức diễn tập thực hiện nhiệm vụ PCCC ứng phó sự cố tràn dầu…; đặc biệt đã dành hơn 480 triệu USD trong tổng mức đầu tư để xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, PCCC…”.
Tại cuộc kiểm tra này, đồng chí Phó Chủ tịch cũng nhắc nhở và yêu cầu Công ty sớm hoàn thiện các bảng, biển, nội quy tại các nơi nguy hiểm. Đồng thời sớm xây dựng lực lượng PCCC chuyên nghiệp để chủ động ứng phó khi có tình huống xảy ra…
Về vấn đề hiện nay Nhà máy chưa xây dựng hoàn thiện được hồ điều hòa, đồng chí Phó Chủ tịch yêu cầu và thống nhất với Ban lãnh đạo Công ty: “Trong giai đoạn chạy thử, nếu hồ điều hòa, bể chỉ thị sinh học chưa hoàn thành, yêu cầu sử dụng hồ ứng phó sự cố để lưu trữ nước thải và xử lý đảm bảo các quy chuẩn về môi trường mới được xả thải ra môi trường theo quy định; đồng thời có văn bản báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến theo quy định”.
Đặt vấn đề này với Phó Tổng Giám đốc Đinh Văn Ngọc, anh cho hay: vấn đề xây dựng hồ điều hòa Công ty đang triển khai, vì đây là hồ có diện tích rất lớn, thời gian thi công dài. Trong thời gian vừa qua cả Công ty dồn sức cho việc xây dựng các hạng mục chính. Trong quá trình chạy thử hiện nay, Công ty đang sử dụng hồ ứng phó sự cố để thay thế chức năng hồ điều hòa.
Chúng tôi đã đến tận hồ nước này, nước thải trong quá trình chạy thử đã được xử lý rất tốt, nước hồ trong xanh. Anh Ngọc cho biết, tới đây Công ty sẽ cho thả cá để kiểm tra chất lượng nước bằng cảm quan. Anh Ngọc còn cho biết thêm: hiện nay tại nhà máy có hai hồ nước, một hồ làm nhiệm vụ thu gom nước bề mặt như nước mưa chẳng hạn; hồ khác làm nhiệm vụ thu gom nước thải. Tại các hồ này đã được lắp đặt đầy đủ hệ thống phân tích trực tuyến để phân tích thông số các chỉ tiêu như: lưu lượng dòng; độ PH; hàm lượng COD; hàm lượng clo dư…
Ngoài ra tại hệ thống nước thải, còn được lấy mẫu thường xuyên 1 ngày ngày 3 lần (nhà máy đang tiến hành 3 ca 4 kíp), nên ca nào cũng phải bắt buộc lấy mẫu nước thải để phân tích, kết hợp với đó là phân tích trực tuyến tại hệ thống DCS tại phòng điều khiển trung tâm. Tất cả các thông số qua phân tích đều được hiển thị trên màn hình. Các phân tích đều được so sánh tại phòng thí nghiệm, nước thải bảo đảm đều được xử lý theo đúng yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng…
Mấy điều nói thêm
Ngoài việc tiếp xúc với các văn bản nói trên, cũng như được nghe chính một Phó Tổng Giám đốc Công ty giải thích, chúng tôi còn tìm hiểu thêm về “quy trình” bảo vệ môi trường tại nhà máy này.
Được biết, để xây dựng nhà máy này đã có tới 38 ngân hàng lớn thế giới tham gia cung cấp vốn cho dự án với số tiền lên đến 5 tỷ USD. Một trong những yêu cầu bắt buộc của các ngân hàng này trước khi giải ngân là họ được cung cấp đầy đủ bản thiết kế, trong đó họ đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường.
Không chỉ vậy, trong quá trình triển khai dự án, hằng tháng chủ đầu tư phải báo cáo cho họ bằng văn bản về bảo vệ môi trường. Đồng thời họ còn thuê Công ty NEXANT hằng tháng đến tận công trường để kiểm tra. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hơn ai hết các ngân hàng này hiểu rằng: nếu để xảy ra sự cố về môi trường, thì chính đồng tiền của họ bị ảnh hưởng, nên họ có chế tài kiểm tra về bảo vệ môi trường chặt chẽ như đã nêu trên.
Với các đối tác liên doanh là các công ty, tập đoàn của Nhật và Kuwait, đều là những nhà sản xuất chuyên nghiệp có bề dày kinh nghiệm. Vấn đề môi trường cũng được họ quan tâm hàng đầu. Vì vậy trong quá trình đầu tư họ thống nhất cao với phía Việt Nam (tức PVN) về việc đầu tư sâu (ngoài đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, cùng với đó đầu tư các hạng mục về xử lý môi trường một cách thỏa đáng. Minh chứng cho vấn đề này là đầu tư cho môi trường đã chiếm tới 10% hợp đồng).
Theo tìm hiểu của chúng tôi: chế độ quản lý về môi trường, về tai nạn lao động tại đây là hết sức nghiêm ngặt. Tại nhà máy nếu có bất cứ một vụ tai nạn nào, chỉ cần ảnh hưởng tới một giờ công lao động cũng phải báo cáo. Để rò rỉ khoảng 10 lít hóa chất ra mặt bằng cũng phải báo cáo tác động đến môi trường. Báo cáo này không chỉ đến với lãnh đạo Công ty, mà còn phải được gửi đi đến các bên như: các ngân hàng cho vay; các chủ đầu tư; các giám sát quốc tế.
Có thể nói với tất cả những gì đã và đang triển khai, cũng như các vấn đề mà dư luận quan tâm về môi trường tại Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, mà chúng tôi trình bày ngắn gọn trong bài viết này, đang được kiểm soát rất chặt chẽ. Vấn đề môi trường, được xác định là sự “sống còn” của nhà máy, nên cả bộ máy, từ người công nhân trực tiếp vận hành, đến lãnh đạo Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang nêu cao trách nhiệm với môi trường sống của cả cộng đồng./.
Chính sách kinh tế Modinomics của Ấn Độ và sự tác động tới cục diện châu Á - Thái Bình Dương  (23/08/2017)
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam và gợi ý chính sách cho Việt Nam  (23/08/2017)
Cơ chế dân gian trong hoạt động truyền thông ở các thôn bản người dân tộc thiểu số*  (23/08/2017)
406 doanh nghiệp thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017 - 2020  (23/08/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay