Liêm sỉ

Thiện Văn
20:38, ngày 15-05-2015

Gặp lại người bạn từ thời sinh viên đại học, anh than vãn:

- Buồn quá. Sống với vợ gần nửa đời người rồi, thế mà mới đây bà ấy cứ móc máy chê mình là sống không thức thời, bảo thủ, là tiến sĩ, lại làm sếp một phòng quan trọng của viện nghiên cứu lớn, mà để vợ con chẳng được an nhàn, sung túc như những người đồng nhiệm khác.

Rồi anh bất ngờ hỏi:

- Theo cậu, cái khó nhất của người cán bộ, công chức hiện nay là gì?
Tôi đáp:

- Là giữ được lòng tự trọng, biết liêm sỉ.

- Nhưng khư khư giữ quan niệm sống như thế, liệu có hợp thời không nhỉ?

- Sao lại không. Làm sếp mà giữ được như vậy chắc chắn là mọi người trong cơ quan sẽ quý trọng, yêu mến. Tôi nói vậy đúng không?

Bạn tôi gật đầu, mỉm cười. Còn tôi vốn cả nghĩ, bỗng dưng lại ngẫm ngợi về chữ “liêm sỉ” thời nay mà không khỏi chạnh lòng. Không ít người khi là công chức, viên chức bình thường thì giữ được đạo đức công vụ, sống đạm bạc, giản dị, hòa đồng với đồng nghiệp. Nhưng khi có chút quyền chức trong tay, nhất là đến khi được “xe đón xe đưa”, đã không làm chủ bản thân rồi tự đưa mình vào “cạm bẫy” của lối sống vương giả, cách biệt với cấp dưới. Đáng buồn là, có người bị tư tưởng thực dụng chi phối, bị viên đạn “bọc đường” mua chuộc mà đã dần bị thoái hóa đạo đức. Đáng buồn hơn, có người từng trải, quá khứ có cống hiến đáng trân trọng, nhưng đã bị “tiền tài danh vọng” quyến rũ mà trở nên biến chất, suy đồi. Đáng buồn hơn nữa là những người cầm cân nảy mực, “nói có người nghe, đe có kẻ sợ” đã “bẻ cong” niềm tin công lý, bất chấp cả luân thường đạo lý để rồi sau cùng phải sa vào vòng lao lý khiến “danh bại, thân liệt”. Những cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống như thế là bởi nhiều nguyên nhân, song có một nguyên nhân sâu xa, căn bản là do họ thiếu lòng tự trọng, thiếu đức liêm sỉ.

Liêm sỉ, hiểu một cách ngắn gọn, là đức tính của người trong sạch và biết tránh những điều làm cho mình phải xấu hổ. Liêm sỉ vốn được người xưa đề cao và coi đó là một trong những tiêu chuẩn đạo đức hàng đầu của người làm quan. Đối với các bậc quân tử thời xưa, xấu hổ không phải là vì tiền bạc, áo xống thua kém người, mà vì đã không làm tròn bổn phận của mình với quốc dân, vì những điều xằng bậy, xấu xa mình đã làm, cho dù người khác không biết. Nói về liêm sỉ, Mạnh Tử đã có lời khuyên răn, cảnh tỉnh: “Khi đã không còn có liêm sỉ như mọi người, thì làm sao mà còn là giống người được nữa!”.

Đấy, chỉ có hai chữ “liêm sỉ” thôi mà người xưa phân tích thấu đáo, lý giải thuyết phục sâu sắc vô cùng. Nhưng vì sao thời nay, có người lại không hiểu, hay cố tình không muốn hiểu “liêm sỉ” nên đã gây ra bao điều ngang trái, hệ lụy cho xã hội, khiến cho lòng dân bất bình. Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng được tổ chức gần đây, người đứng đầu Đảng ta đã yêu cầu các cấp, các ngành phải tăng cường “Giáo dục tinh thần biết trọng liêm sỉ, biết xấu hổ, đau khổ vì tham nhũng”!

Liêm sỉ, nói thì dễ, nhưng thấu suốt và thể hiện phẩm hạnh, giá trị đạo đức đó trong mỗi thái độ, hành vi của con người, nhất là đối với cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, lại không hề đơn giản. Để có liêm sỉ, trước hết đòi hỏi mỗi người phải có lòng tự trọng, tự biết xấu hổ, đau đớn, dằn vặt về những việc làm trái lương tâm, sai đạo đức, không đúng với chuẩn mực cộng đồng xã hội. Mỗi người phải tự nuôi dưỡng niềm tin vào những giá trị tốt đẹp của xã hội, biết đề kháng trước những cái xấu, cái dở làm tổn hại đến nhân cách; không dung dưỡng, tiếp tay cho những hành vi tha hóa, biến chất và luôn tỉnh táo, sáng suốt làm chủ bản thân ở mọi nơi, mọi lúc để tránh được “cái bả” vật chất, tửu sắc, danh vọng vốn có sức “mê hoặc, quyến rũ” con người thật là ghê gớm./.