Phía sau những công văn “lạnh”

Đức Tâm
16:55, ngày 07-10-2014
TCCSĐT - Anh Hùng, hiện đang công tác tại Văn phòng Ủy ban nhân dân của một huyện ven biển thuộc khu vực Bắc Trung Bộ ra Hà Nội thăm bác ruột đang điều trị ở bệnh viện. Bước vào phòng bệnh, đặt túi quà lên nóc tủ cá nhân, chưa kịp hỏi chuyện, anh đã được bác, nguyên là cán bộ tỉnh đã nghỉ hưu mời ngồi và trách:

- Các anh được học hành đàng hoàng, rứa mà lại làm như thế, liệu người dân còn tin cán bộ không?

Nghĩ mãi không nhớ đã để xảy ra chuyện gì khiến bác phải phiền lòng. Hùng nhỏ nhẹ để bác bớt giận:

- Có việc gì không phải cháu mong bác bỏ qua. Dù sao chúng cháu cũng còn rất non kinh nghiệm.

Người bác dựa lưng vào tường, duỗi thẳng hai chân, mắt hướng ra cửa, thủng thẳng buông lời có vẻ chì chiết:

- Việc gì à! Anh biết không, mấy hôm nay nhiều người vào thăm bệnh nhân bàn tán khiến tôi xấu hổ. Trong khi Nhà nước khuyến cáo nhân dân giảm thiểu uống bia rượu, giảm thiểu chi phí tiếp khách thì chủ tịch huyện nhà anh lại “lệnh” cho các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn và nhân dân dùng bia do doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất là sao? Là cán bộ văn phòng, anh có tham mưu việc ấy cho chủ tịch huyện không?

Hùng từ tốn: “Thưa bác, cháu không tham gia soạn thảo cái công văn ấy, Ủy ban nhân dân huyện đã gỡ công văn ấy khỏi cổng thông tin điện tử từ hôm qua rồi ạ”.

- Ừ, thế thì được, nhưng phải có lời giải thích và đính chính trên phương tiện thông tin để người dân hiểu và thông cảm. Cán bộ làm sai, phải thật thà nhận lỗi thì mới mau tiến bộ cháu ạ. - Bác của Hùng phấn khởi ra mặt.

Sau khi nghe bác ruột kể tình hình và kết quả điều trị, Hùng khuyên ông không nên suy nghĩ nhiều, dành thời gian luyện tập thể dục buổi sáng và buổi tối đều đặn, bệnh sẽ thuyên giảm. Ông cười mếu máo và bộc bạch:

- Khó lắm cháu ạ, không nghĩ không được. Cứ mỗi lần xem báo lại thấy dư luận rộn lên việc này, việc khác mà chạnh lòng. Cán bộ bây giờ quá thiếu thực tế, hay khoe chữ, khoe học cao nên đưa người dân vào thế bí. Chắc anh biết, gần đây một số bộ, ngành đưa ra mấy công văn khiến dư luận rất phản đối. Nào là quy định Mẹ Việt Nam anh hùng được cộng điểm ưu tiên khi thi đại học, quy định linh cữu người từ trần quản tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài; quy định phạt xe không chính chủ; chứng minh thư mới phải ghi tên cha mẹ; bán thịt gia súc không được quá 8 giờ đồng hồ. Hay như mới đây, có bộ còn đưa ra quy định phạt 5 triệu đồng khi nghe điện thoại tại cây xăng… Thật là hết chỗ nói!

- Theo cháu, đưa ra những quy định ấy cũng nhằm bảo đảm cho xã hội ta tốt hơn, văn minh hơn đấy chứ ạ! - Hùng chống chế.

- Anh đừng có bênh. Tôi nói cho anh biết, bất kỳ một công văn nào ra đời cũng phải bảo đảm tính hợp pháp và xuất phát từ thực tế, hướng tới giải quyết các vấn đề bức xúc của đời sống nhân dân thì mới tồn tại được. Việc ban hành những công văn có nội dung “trên trời”, đưa ra quy định mà không thể kiểm soát và thực hiện được thì chỉ có hiệu ứng ngược, gây bức xúc trong dư luận mà thôi. Chính những công văn ấy là bằng cớ cho thấy năng lực, trình độ tham mưu của cán bộ non kém, thiếu thực tế. Các anh nên nhớ, người dân chấp hành luật, nhưng họ cũng có tập quán sinh hoạt lâu đời. Muốn thay đổi tập tục, tập quán lạc hậu thì phải làm từ từ, từng bước một, phải lấy vận động, tuyên truyền trước; chỉ sử dụng biện pháp hành chính để răn đe, ngăn chặn đối với những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm.

Nói đến đây, ông ho một tràng dài, mặt đỏ gay khiến Hùng bối rối. Hùng nịnh ông rồi lấy lý do còn việc gấp cần giải quyết để xin phép ra về.

Hùng đã kể lại câu chuyện này cho tôi nghe và phải thừa nhận, đội ngũ cán bộ công chức từ trung ương đến địa phương của ta rất hùng hậu về số lượng, nhưng chất lượng lại chưa được như mong muốn. Do không gần dân, sát dân, không chịu nghe dân nói, lắng nghe nguyện vọng của dân; không chịu nghiên cứu thực tế và chỉ ưa ngồi trong phòng lạnh, “tay cầm bút, chân đút gầm bàn” nên mới “đẻ” ra những văn bản quản lý xã hội xa rời thực tế, thiếu khả thi đến vậy./.