Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Thủ đô Hà Nội
Ngày 06-10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp xúc đông đảo cử tri các quận Ba Đình, Tây Hồ (Hà Nội), lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri, chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.
Tại cuộc tiếp xúc, cử tri bày tỏ vui mừng trước những kết quả hoạt động của Quốc hội trong các kỳ họp gần đây, việc trả lời trực tuyến của các bộ trưởng đã sát thực tế hơn, công tác tiếp xúc cử tri có nhiều đổi mới. Cử tri mong muốn, sắp tới các bộ trưởng cần tăng cường đi thực tế để gần dân, sát dân hơn.
Cử tri mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển mạnh kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trong phát triển nghề cá, cần có quy hoạch, phân bổ hài hòa ở khắp 28 tỉnh, thành phố ven biển, quan tâm phát triển đồng bộ cả khai thác đánh bắt, sản xuất và chế biến xuất khẩu để nâng cao giá trị sản phẩm; tranh thủ công nghệ tiên tiến của các nước phát triển; đồng thời mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ, trong đó chú ý cả thị trường nội địa, bảo đảm người dân được hưởng lợi từ kinh tế biển.
Về phát triển nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống nông dân, nhiều cử tri còn băn khoăn về tình trạng thu hồi đất nông nghiệp, nhất là những “bờ xôi ruộng mật”. Cử tri đề nghị cần sớm khắc phục tình trạng nhập khẩu giống, phân bón, khiến chi phí đầu vào tăng cao, đồng thời có biện pháp kiểm soát chất lượng, giúp nông dân yên tâm phát triển sản xuất, đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, cải thiện và nâng cao đời sống.
Về công tác cán bộ, có ý kiến cho rằng việc luân chuyển cán bộ Trung ương về địa phương nhằm giúp cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn, nhưng do thời hạn ngắn dễ gây xáo trộn, ảnh hưởng đến cơ sở. Cử tri đề nghị bên cạnh việc đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cần tăng cường công tác quản lý cán bộ, không để lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vun vén cho lợi ích cá nhân.
Về đổi mới giáo dục - đào tạo, cử tri đề nghị cần sớm có hướng cụ thể, nhất quán để phụ huynh, học sinh yên tâm thực hiện, bớt áp lực cho các em. Việc biên soạn sách giáo khoa cần nghiên cứu kỹ để giảm tải cho học sinh và sát với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát, tránh sai sót không đáng có.
Cử tri băn khoăn, người Việt Nam thông minh, cần cù chịu khó, nhưng năng suất lao động thấp nhất khu vực. Hiện nay, nhiều sinh viên ra trường không có việc làm. Cần tăng cường đầu tư cho công tác dạy nghề, xem xét lại công tác đào tạo, đào tạo lại, để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhiều cử tri băn khoăn về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp. Tình trạng lãng phí vẫn diễn ra ở nhiều nơi, dưới nhiều hình thức, từ làm đường, làm trường, làm chợ, đến mua sắm ô tô, tổ chức hội nghị, đón Huân chương, mừng công... trong khi đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.
Cử tri cho rằng, cần giám sát chặt chẽ để đẩy lùi lãng phí, cần quy trách nhiệm cá nhân cho người đứng đầu, đồng thời biểu dương những người tốt việc tốt, như rút ngắn thời gian thực hiện công trình, cán bộ cấp cao không đi máy bay vé VIP mà đi vé thường... để thực hành tiết kiệm.
Tổng Bí thư hoan nghênh cử tri đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước nhiều vấn đề lớn của đất nước, liên quan đến hoạt động của Quốc hội, cụ thể, thiết thực đối với đời sống nhân dân.
Thông báo với cử tri về nội dung chương trình Kỳ họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội là kỳ họp cuối năm, chương trình làm việc rất nặng, khối lượng công việc nhiều, vừa xem xét đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong cả năm, vừa thảo luận, cho ý kiến và thông qua nhiều luật nhằm cụ thể hóa để triển khai thi hành Hiến pháp.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, theo đúng quyết định của Đảng và Nghị quyết số 35 của Quốc hội.
Về quản lý đất đai, phát triển nông nghiệp, Tổng Bí thư nêu rõ đây là vấn đề lớn, đã có nhiều nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, cũng như của Quốc hội, Chính phủ về vấn đề này. Đảng, Nhà nước rất coi trọng nông nghiệp, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa không có nghĩa là coi nhẹ nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp cũng là một hướng để công nghiệp hóa, nhưng là phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, tập trung, chất lượng cao, đưa khoa học công nghệ vào ứng dụng, tăng cường xuất khẩu, làm cho giá trị của sản phẩm nông nghiệp ngày càng cao hơn...
Vừa qua Việt Nam đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới vào sản xuất, nhờ đó đạt năng suất cao, chất lượng tốt, xuất khẩu có giá trị. Việt Nam đã đưa máy móc cơ giới, khoa học công nghệ vào, gắn nông nghiệp với doanh nghiệp, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Đến bây giờ, năng suất lúa đã khác xa so với ngày xưa, bình quân trên 10 tấn/ha, có nơi hơn 20 tấn/ha.
Mỗi năm, cả nước làm ra hơn 40 triệu tấn lương thực, xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo, đứng thứ 2 trên thế giới, có lúc đứng thứ nhất. Thành tựu nông nghiệp rất lớn...
Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn nhiều nơi bây giờ có nhiều đổi mới, đời sống nông dân cao hơn trước rất nhiều, nhiều gia đình sử dụng bếp gas, tivi, tủ lạnh... Làm nông nghiệp bây giờ cũng đỡ vất vả hơn nhiều so với trước nhờ đưa máy móc vào sử dụng, từ cày, cấy, cho đến thu hoạch, vốn trước đây làm bằng tay. Phong trào xây dựng nông thôn mới là một trong những phong trào đi vào cuộc sống, đạt kết quả tốt trong thực tế.
Về kinh tế biển kết hợp với quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Tổng Bí thư khẳng định đây là vấn đề chiến lược, Đảng, Nhà nước đã nhìn ra từ rất sớm, cách đây hơn 10 năm Trung ương đã ra Nghị quyết chuyên đề về kinh tế biển, rồi có chiến lược tổng thể phát triển kinh tế biển và đã đầu tư phát triển rất mạnh, kết hợp với bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Về công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ, Tổng Bí thư nhấn mạnh cán bộ là quyết định, muốn làm gì cũng phải có con người, vì vậy Đảng hết sức coi trọng công tác cán bộ, đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là cái gốc của mọi vấn đề. Trước hết là đào tạo cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, chất lượng cao, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cán bộ cấp chiến lược.
Vừa qua, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức các lớp cán bộ dự nguồn, rồi đưa đi luân chuyển, xuống địa phương, vừa chống cục bộ địa phương chủ nghĩa, vừa rèn luyện, giúp cán bộ có thêm kinh nghiệm thực tế, nắm bắt cơ sở.
Việc luân chuyển đi cơ sở là phải theo quy định, tối thiểu phải ba năm, không phải đi một thời gian ngắn rồi lại rút về, cứ như “chuồn chuồn đạp nước”, cốt lấy cái mác đi thực tế rồi về, không phải cứ đi là về rồi để đề bạt lên đâu, còn phải xem làm có tốt hay không, đây là quá trình thử thách. Rồi phong trào đưa sinh viên trẻ về làm Phó Chủ tịch, Chủ tịch các xã miền núi khó khăn. Đảng hết sức coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Luân chuyển là cần thiết, để đào tạo cán bộ lãnh đạo toàn diện.
Tổng Bí thư chỉ rõ chưa bao giờ nước ta có hệ thống pháp luật đầy đủ, hoàn thiện như bây giờ. Việt Nam làm luật liên tục, nhưng cuộc sống cứ phát triển đi lên, khiến chúng ta lại phải sửa đổi, nếu không nó lại cản trở thực tiễn phát triển, như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân... đã phải sửa đổi nhiều lần, vừa làm vừa rút kinh nghiệm những cái mình còn thiếu, còn yếu.
Việc tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích pháp luật là rất cần thiết để người dân hiểu và thực hiện đúng luật, bảo đảm đưa luật vào thực tế cuộc sống.
Tổng Bí thư nhấn mạnh chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước là phải chống cho được lãng phí, tham nhũng, tiêu cực hư hỏng trong đội ngũ cán bộ đảng viên, nếu không sẽ mất lòng tin của dân, làm hại ngay cho nền kinh tế, sự ổn định chính trị của đất nước.
Dân không đồng tình, Đảng cũng không đồng tình, Đảng không bao giờ dung túng, không bật đèn xanh cho những hành động tham nhũng, lãng phí. Đây là công việc phức tạp, khó khăn, vì vậy phải quyết tâm làm, phải làm kiên quyết và kiên trì, bằng cơ chế, bằng luật pháp, để muốn tham nhũng cũng không tham nhũng được, không dám tham nhũng, không thể tham nhũng. Phải xây dựng cơ chế, kê khai tài sản cũng là một cơ chế, giám sát là một cơ chế...
Phát hiện ra tham nhũng, tiêu cực đã khó, việc xem xét xử lý cũng rất phức tạp; đã phát hiện ra thì phải xử lý nghiêm. Tinh thần là phải rất kiên quyết nhưng bình tĩnh, tỉnh táo và phải làm lâu dài, bằng nhiều biện pháp, làm một việc phải tính nhiều mặt, đặt trong tổng thể, với con mắt nhìn toàn diện, chiến lược, xử lý việc này phải tính đến việc khác, xử lý trước mắt phải nghĩ tới lâu dài, giữ cho được ổn định để phát triển đất nước.
Như Bác Hồ đã dạy, cha ông ta đã dạy, đánh con chuột nhưng đừng để vỡ bình, phải làm sao diệt được chuột nhưng bảo vệ được bình hoa./.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh  (06/10/2014)
Tặng Huân chương cho các lãnh đạo thành phố Hà Nội qua các thời kỳ  (06/10/2014)
Tặng Huân chương cho các lãnh đạo thành phố Hà Nội qua các thời kỳ  (06/10/2014)
Khai trương Trang thông tin điện tử Đại Hội đồng IPU-132  (06/10/2014)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Thống đốc tỉnh Ibaraki  (06/10/2014)
Phấn đấu báo cáo kết quả kiểm toán Nhà Quốc hội mới tại Kỳ họp thứ 9  (06/10/2014)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên