Tăng cường đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước
TCCS - Trong tình hình hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, chúng ta đang phải đối diện với tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra hết sức phức tạp cả về quy mô lẫn tính chất, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước, gây thất thu ngân sách, thiệt hại đối với doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng. Vì vậy, tăng cường đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại là một nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 389/QĐ-TTg, ngày 19-3-2014, về “Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả” (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) với hệ thống bộ máy đồng bộ từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, bộ máy phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh ở các bộ, ngành ở Trung ương và 63 tỉnh, thành phố; nhiều tỉnh, thành phố có Ban Chỉ đạo 389 đến tận cấp quận, huyện để triển khai nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành một loạt các văn bản quy phạm pháp luật chỉ đạo công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mang tính cấp thiết, toàn diện để thống nhất chỉ đạo trên toàn quốc, như: Nghị quyết số 41/NQ-CP, ngày 9-6-2015, của Chính phủ “Về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới”; Chỉ thị số 30/CT-TTg, ngày 30-9-2014, của Thủ tướng Chính phủ, “Về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá”; Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 24-4-2017, của Thủ tướng Chính phủ, “Về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp”; Chỉ thị số 17/CT-TTg, ngày 19-6-2018, của Thủ tướng Chính phủ, “Về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền”…
Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đều xây dựng kế hoạch hằng năm, triển khai cụ thể các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thực hiện kế hoạch cao điểm tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vào dịp Tết Nguyên đán. Tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết trực tuyến toàn quốc định kỳ 6 tháng, một năm; tổ chức giao ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 hằng quý để đánh giá kết quả hoạt động, phương hướng và giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Để xử lý những vụ việc phức tạp, nổi cộm, Chính phủ tổ chức các cuộc họp đột xuất để chỉ đạo các cơ quan liên quan giải quyết kịp thời, đáp ứng yêu cầu rõ ràng, minh bạch của người dân và dư luận xã hội.
Theo thống kê từ năm 2014 đến năm 2019, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 1.057.934 vụ buộn lậu và gian lận thương mại; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 91 nghìn tỷ đồng; khởi tố 8.788 vụ, với 10.404 đối tượng buôn lậu. Trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, 6 tháng đầu năm 2020, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 75.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách gần 11.300 tỷ đồng (tăng 83% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó số thu từ lực lượng thuế và hải quan tăng mạnh, lần lượt là 98% và 44%), khởi tố 1.128 vụ án, với hơn 1.346 đối tượng. Đặc biệt, năm 2020, các lực lượng chức năng đã tập trung làm tốt công tác ổn định thị trường, chống sản xuất, kinh doanh các mặt hàng y tế giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ và các địa phương. Vì vậy, mặc dù bị tác động rất bất lợi của đại dịch COVID-19, nhưng dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành chủ động, quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là sự đồng tình hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, chúng ta đã duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, kinh tế không bị rơi vào suy thoái, tốc độ tăng trưởng tuy thấp nhất trong nhiều năm nhưng là mức tăng thuộc nhóm cao nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Những thành tích nổi bật đó có sự đóng góp quan trọng của công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Những kết quả nêu trên đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm an ninh, trật tự, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời và quyết liệt của các cấp ủy, sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân, đã từng bước ngăn chăn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả mặc dù đã được tập trung chỉ đạo nhưng vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn diễn biến phức tạp. Không ít doanh nghiệp trong nước còn thờ ơ, không quan tâm đến vấn đề bảo vệ thương hiệu, sản phẩm do mình sản xuất, cung ứng; chưa quan tâm đến lợi ích, sức khoẻ của người tiêu dùng; chưa chủ động hợp tác với cơ quan chức năng trong bảo vệ thương hiệu sản phẩm. Tình trạng hàng giả, hàng có nguồn gốc từ nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi và gia tăng mạnh trên môi trường mạng. Tình trạng trốn thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp qua khai báo gian dối về giá, chuyển giá vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng lợi dụng chính sách quản lý rủi ro để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng giả xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn tiếp tục diễn ra..., chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế này là do chúng ta chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo. Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy chế, quy trình công tác, có biểu hiện bao che, thậm chí có trường hợp bảo kê cho tội phạm, vi phạm pháp luật, tham nhũng khi thi hành công vụ. Kỷ luật, kỷ cương hành chính có nơi, có lúc chưa nghiêm, chưa đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Một số quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn bất cập, sơ hở, có khoảng trống, nhất là liên quan đến việc xác định xuất xứ hàng giả.
Để công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới có được chuyển biến tốt hơn, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, thực hiện tốt công tác phòng ngừa xã hội. Tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 138/CP), Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Xác định các lĩnh vực công tác này là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các bộ, ngành, địa phương.
Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả xảy ra nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm một cách nghiêm túc trách nhiệm của người đứng đầu.
Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm buôn lậu và các hành vi gian lận thương mại, kiến nghị khởi tố, tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật để có biện pháp ngăn chặn, nâng cao chất lượng điều tra, khám phá các vụ án buôn lậu, nhất là các vụ án buôn lậu xuyên quốc gia. Đối với các loại tội phạm buôn lậu có tổ chức, buôn lậu các mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, đường cát, phân bón, sản xuất, kinh doanh hàng giả..., cần tổ chức điều tra, triệt phá tận gốc, xử lý nghiêm đối tượng chủ mưu, cầm đầu.
Hai là, tiếp tục rà roát, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng mạnh chế tài xử lý để răn đe, phòng ngừa vi phạm có hiệu quả. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, lực lượng chức năng để nâng cao hiệu quả công tác. Mở rộng hợp tác quốc tế, trong đó tập trung nghiên cứu, đề xuất đàm phán, ký kết hoặc tham gia các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Ba là, chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tăng cường vai trò của các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí và người dân trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 44/KL-TW, ngày 22-1-2019, của Ban Bí thư, “Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”.
Bốn là, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, các bộ, ngành cần triển khai nghiêm túc, có hiệu quả chức trách của mình, nhất là các bộ, ngành có lực lượng chuyên trách trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả như Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Tổng cục Quản lý thị trường. Theo đó:
Bộ Công an làm tốt nhiệm vụ thường trực của Ban Chỉ đạo 138/CP, thực hiện nghiêm quy định về thông tin, báo cáo theo quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Chỉ đạo lực lượng công an triển khai các kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ đấu tranh triệt phá các đường dây, băng nhóm tội phạm buôn lậu có tổ chức. Phối hợp với Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), Tổ chức Cảnh sát các nước ASEAN (Aseanapol), công an, cảnh sát các nước trong đấu tranh chống các tội phạm buôn lậu có tổ chức xuyên quốc gia liên quan tới Việt Nam. Xử lý nghiêm đối với cán bộ, chiến sĩ có hành vi bao che, dung túng, tiếp tay hoặc thiếu trách nhiệm để tội phạm hoạt động, gắn với trách nhiệm của giám đốc công an địa phương. Lực lượng công an các tỉnh biên giới tăng cường công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản, phát hiện, làm rõ kịp thời các vụ án buôn lậu có tổ chức xuyên quốc gia.
Bộ Tài chính làm tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; linh hoạt trong việc phân công nhiệm vụ, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ phối hợp tốt với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là trong công tác tham mưu, xây dựng các kế hoạch chuyên đề, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật. Chủ động phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong việc chỉ đạo điều tra, xử lý một số vụ án buôn lậu, gian lận thương mại điển hình, dư luận xã hội quan tâm. Phát huy vai trò điều phối của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong chỉ đạo đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Tổng cục Hải quan đẩy mạnh việc giám sát hoạt động công vụ của công chức hải quan bằng camera và quy trình nghiệp vụ chặt chẽ, nhất là khi công chức hoạt động công vụ ở ngoài trụ sở, như kiểm tra sau thông quan, kiểm tra thực tế hàng hóa. Chỉ đạo lực lượng điều tra chống buôn lậu tăng cường đấu tranh phòng, chống buôn lậu trong khu vực kiểm soát hải quan. Phối hợp với Tổ chức Hải quan quốc tế và cơ quan tình báo hải quan các nước trong đấu tranh chống buôn lậu có tổ chức xuyên quốc gia.
Tổng cục Thuế tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về thuế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc kê khai, nộp thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ; có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả tình trạng chuyển giá, khai báo gian dối về giá, chi phí để trốn thuế; làm tốt công tác phối hợp, chia sẻ thông tin với các lực lượng liên quan.
Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch hóa quy trình; cấp phép, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp bảo đảm đúng thời hạn quy định, không để nảy sinh tiêu cực, nhũng nhiễu. Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phối hợp với bộ, ngành, địa phương có các giải pháp đồng bộ nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa Việt Nam. Triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.
Tổng cục Quản lý thị trường làm tốt công tác nắm tình hình, phối hợp lực lượng, chia sẻ thông tin với các lực lượng liên quan. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương, điều chuyển, bố trí công tác khác nếu địa bàn để xảy ra tình trạng bày bán, tàng trữ hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc kéo dài. Xây dựng quy trình giám sát chặt chẽ hoạt động công vụ của công chức quản lý thị trường. Đẩy mạnh việc phòng, chống mua bán hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, gian lận thương mại qua môi trường mạng internet.
Bộ Quốc phòng tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng, kho tàng, bến bãi, công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, bảo đảm phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật. Chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới, kiên quyết không để tình trạng vận chuyển hàng hóa, buôn lậu diễn ra trên địa bàn quản lý, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 ở các nước đang diễn biến phức tạp. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát biển tăng cường phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Công an, Hải quan, Quản lý thị trường... xác lập chuyên án triệt phá các đường dây buôn lậu xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, các loại hàng hóa khác qua đường biển.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Năm là, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 22-4-2019, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc”, không để người dân bức xúc, giảm sút niềm tin vào đội ngũ cán bộ, công chức. Thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại ngay trong chính lực lượng chức năng, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất tiếp tay cho tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, bản lĩnh, có phẩm chất chính trị, năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức, đặc biệt là đối với các địa phương trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả./.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng nguồn lực nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi  (15/10/2020)
Quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu: Từ Hiệp định khung về hợp tác đến Hiệp định Thương mại tự do  (03/10/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển