Tổ chức Đại hội ASOSAI 14 tại Việt Nam - Hoạt động đối ngoại quan trọng trong quá trình phát triển của Kiểm toán Nhà nước
Kiểm toán Nhà nước góp phần tăng cường minh bạch ngân sách nhà nước
Kể từ khi thành lập, Kiểm toán Nhà nước ngày càng góp phần quan trọng tăng cường minh bạch ngân sách nhà nước. Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp nhiều thông tin, kiến nghị quan trọng và kịp thời để Quốc hội xem xét, phê chuẩn dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu, dự án quan trọng quốc gia; cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho Chính phủ, cơ quan quản lý sử dụng trong công tác quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính công và kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế.
Thông qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện những hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và kiến nghị các đơn vị được kiểm toán có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh, đảm bảo trật tự, kỷ luật tài chính và minh bạch việc sử dụng; đồng thời Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hàng trăm văn bản có liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công không phù hợp với thực tiễn hoặc trái với quy định, tạo lỗ hổng, gây thất thoát nguồn lực công (tính riêng trong giai đoạn 2011-2017, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ 669 văn bản), kiến nghị hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, bịt các lỗ hổng cơ chế, chính sách làm thất thoát nguồn lực công. Những kiến nghị sửa đổi hay hủy bỏ văn bản đó đã góp phần quan trọng làm minh bạch ngân sách nhà nước, quản lý tài chính công, tài sản công hiệu quả và lành mạnh nền tài chính quốc gia, đồng thời thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã tích cực phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Từ khi thành lập đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 353.240 tỷ đồng, trong đó, 2 năm 2016-2017, đã kiến nghị xử lý tài chính 129.732 tỷ đồng, chiếm 36,7% so với tổng số kiến nghị từ khi thành lập; 8 tháng đầu năm 2018 đã kiến nghị xử lý tài chính 32.595 tỷ đồng. Đặc biệt, kiến nghị xử lý tài chính trong những năm qua đã được phần lớn các đơn vị chấp hành nghiêm túc, số liệu thực hiện kiến nghị kiểm toán năm sau luôn cao hơn năm trước (năm 2015 tỷ lệ thực hiện là 64,3%, năm 2016 là 75,6% và năm 2017 là 78,2%).
Tổ chức Đại hội ASOSAI 14 tại Việt Nam
Đại hội các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14, nhiệm kỳ 2018-2021 do Việt Nam đăng cai diễn ra từ 19 đến 22-9-2018). Đây là một sự kiện quốc tế cấp cao có quy mô lớn được lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam; là sự kiện chính trị-ngoại giao có ý nghĩa hết sức quan trọng và là cơ hội để Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tiếp thu, vận dụng các kiến thức, kinh nghiệm quốc tế, nguồn lực từ tổ chức ASOSAI nói chung cũng như các nước thành viên ASOSAI để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động ngành kiểm toán.
Đại hội dự kiến mời khoảng 250 đại biểu đến từ 46 cơ quan kiểm toán tối cao các quốc gia châu Á với cấp Trưởng đoàn tương đương từ Bộ trưởng trở lên và các đại diện Tổ chức Các cơ quan kiểm toán Tối cao Thế giới và một số tổ chức Quốc tế trong vai trò quan sát viên tham dự. Đại hội cũng sẽ đón tiếp khoảng 350 khách mời trong nước đại diện các cơ quan của Đảng và Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, địa phương, trường Đại học và Viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế và đại sứ quán một số quốc gia tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ đại hội sẽ diễn ra Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 có chủ đề: “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững.” Đây là một trong những nội dung nghị sự quan trọng, thể hiện sự cam kết, nỗ lực và đóng góp thiết thực của cộng đồng ASOSAI trong công cuộc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc nói chung và giải quyết những thách thức về môi trường toàn cầu nói riêng. Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 là diễn đàn để các thành viên trao đổi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán môi trường. Với chủ đề này các kiểm toán thành viên sẽ đóng góp tham luận về những thách thức, kinh nghiệm và giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chức năng kiểm toán môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững tại các quốc gia thành viên.
Đại hội ASOSAI 14 cũng sẽ thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng của ASOSAI và thống nhất ban hành các văn bản, chế độ, chính sách cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu và sự phát triển của tổ chức.
Tuyên bố Hà Nội sẽ là văn kiện chính thức tổng kết những kết quả làm việc quan trọng nhất của Đại hội và phản ánh cam kết, hành động của cộng đồng ASOSAI đối với các mục tiêu phát triển của tổ chức giai đoạn 2016-2021, trong đó chú trọng vào việc chia sẻ kiến thức giữa các thành viên.
Kiểm toán Nhà nước cho biết, đến nay, các kịch bản tổ chức Đại hội cơ bản đã hoàn thành; hoàn thiện nội dung tổ chức các sự kiện bên lề diễn ra từ ngày 16-9 đến 24-9-2018 và Dự thảo Kịch bản tổ chức Đại hội như: công tác bỏ phiếu, phương án kiểm tra an ninh, bố trí phương tiện cho các đại biểu, kịch bản đón tiếp các đoàn, quà tặng đại biểu, việc hoàn thiện các loại sổ tay, tham quan trụ sở Kiểm toán Nhà nước...
Kiểm toán Nhà nước cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan để hoàn thiện các phương án, kế hoạch, kịch bản về công tác hậu cần tại các sự kiện trong Đại hội...
Kiểm toán Nhà nước Việt Nam sẽ là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 và đồng thời sẽ trở thành thành viên Ban Điều hành ASOSAI trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp.
Kiểm toán Nhà nước Việt Nam - Thành viên tích cực của các tổ chức khu vực, quốc tế
Ngay từ khi Kiểm toán Nhà nước ra đời năm 1994, trong bối cảnh vừa thực hiện nhiệm vụ kiểm toán vừa xây dựng mô hình tổ chức, phát triển bộ máy... lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước rất quan tâm đến hoạt động đối ngoại, coi đó là một lĩnh vực quan trọng không thể thiếu trong quá trình phát triển của Kiểm toán Nhà nước và tích cực mở rộng các mối quan hệ hợp tác với các Cơ quan kiểm toán tối cao thành viên, các tổ chức quốc tế nhằm tăng cường học hỏi kiến thức, kinh nghiệm kiểm toán.
Một trong những dấu mốc quan trọng đầu tiên đánh dấu quá trình hội nhập của Kiểm toán Nhà nước vào cộng đồng kiểm toán thế giới chính là việc Kiểm toán Nhà nước Việt Nam gia nhập Tổ chức Quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) vào năm 1996 khi Kiểm toán Nhà nước chưa tròn 2 năm tuổi. Tiếp đó, năm 1997, việc gia nhập Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) đã đánh dấu bước trưởng thành của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam. Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước cũng là 1 trong 3 cơ quan đồng sáng lập Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao khu vực Đông Nam Á (ASEANSAI) vào năm 2011.
Từ khi gia nhập các tổ chức khu vực và quốc tế này, Kiểm toán Nhà nước luôn thể hiện là một thành viên tích cực, có những đóng góp nhất định vào hoạt động của các ban, nhóm chuyên môn, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của cả 3 tổ chức. Với Tổ chức Quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao, Kiểm toán Nhà nước tích cực nghiên cứu, học tập kinh nghiệm và kiến thức chung hiện có của tổ chức này; duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của Nhóm Công tác về kiểm toán các ngành công nghiệp khai khoáng của Kiểm toán Nhà nước trong khuôn khổ hoạt động của INTOSAI, Nhóm công tác tham dự Chương trình IDI (Tổ chức Sáng kiến phát triển INTOSAI).
Kế thừa những thành quả đã đạt được, nhằm tích lũy kiến thức và tăng cường học hỏi kinh nghiệm từ các bạn đồng nghiệp quốc tế, Kiểm toán Nhà nước đã tích cực tham dự nhiều hoạt động và có những đóng góp quan trọng trong các ban, nhóm chuyên môn và tham gia với vai trò là thành viên điều hành, lãnh đạo của Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á.
Kiểm toán Nhà nước đã và đang hoàn thành xuất sắc vai trò dẫn dắt khi nắm giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch chiến lược của Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao khu vực Đông Nam Á trong 2 nhiệm kỳ 2015-2017 và 2017-2019. Kiểm toán Nhà nước có vai trò quyết định trong việc hoạch định kế hoạch và có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Tổ chức này.
Đẩy mạnh hợp tác, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Thông qua hoạt động đối ngoại, đặc biệt là việc tăng cường học hỏi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quốc tế nhằm lựa chọn, áp dụng linh hoạt vào thực tiễn của ngành, phù hợp với điều kiện và thông lệ Việt Nam, năng lực chuyên môn nói chung, đặc biệt là năng lực kiểm toán của công chức, kiểm toán viên Kiểm toán Nhà nước ngày càng được nâng cao và chuyên nghiệp.
Hoạt động đối ngoại đã giúp nâng cao địa vị pháp lý, tính độc lập của Kiểm toán Nhà nước. Thông qua việc học tập kinh nghiệm quốc tế về việc hiến định địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước và Tổng Kiểm toán Nhà nước vào Hiến pháp, năm 2013, địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước đã được hiến định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Qua hơn 3 năm tập trung trí tuệ của các chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu Hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế của Tổ chức Quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao, tháng 7-2016, Kiểm toán Nhà nước hoàn thành việc xây dựng và đã ban hành Hệ thống chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước với 39 chuẩn mực theo thông lệ quốc tế. Hệ thống chuẩn mực này đã được xây dựng trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc thông lệ quốc tế, tuân thủ pháp luật và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam cũng như môi trường hoạt động của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam.
Ngoài Hệ thống chuẩn mực này, với sự hỗ trợ và học hỏi kinh nghiệm quốc tế, đúc rút kinh nghiệm thực tiễn kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cũng đã và đang xây dựng hướng dẫn về chuyên môn kiểm toán theo từng lĩnh vực cụ thể như: kiểm toán môi trường, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán hoạt động, kiểm toán báo cáo tài chính dành cho các dự án được tài trợ…
Nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức, kiểm toán viên, Kiểm toán Nhà nước đã chú trọng đổi mới hình thức hợp tác với các SAI, các tổ chức quốc tế. Trong khuôn khổ các dự án hỗ trợ kỹ thuật, thỏa thuận hợp tác song phương, nhằm tối đa hóa lợi ích đồng thời khai thác thế mạnh của các SAI, những năm gần đây, Kiểm toán Nhà nước đẩy mạnh hoạt động mời chuyên gia nước ngoài sang trao đổi kinh nghiệm, giảng dạy về kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp luận kiểm toán đối với các lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước quan tâm.
Tính đến nay, có hơn 900 lượt công chức Kiểm toán Nhà nước tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng do chuyên gia nước ngoài giảng dạy về kiến thức và kinh nghiệm kiểm toán mới như: kiểm toán điều tra, phát hiện gian lận và tham nhũng, kiểm toán tài nguyên khoáng sản, kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường, kiểm toán công nghệ thông tin, trong số đó có 14 kiểm toán viên đào tạo dài hạn về kiểm toán hoạt động tại Canada, là lĩnh vực kiểm toán hoàn toàn mới đối với Kiểm toán Nhà nước. Bên cạnh đó với hơn 300 lượt chuyên gia ngắn và dài hạn sang Việt Nam để đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm về các lĩnh vực kiểm toán mới phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Kiểm toán Nhà nước.
Trong những năm qua, Kiểm toán Nhà nước cũng thực hiện nhiều cuộc kiểm toán đối với các chương trình dự án có nguồn kinh phí từ Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch, Cơ quan Phát triển quốc tế Úc, Cơ quan Phát triển quốc tế Canada, Bộ Ngoại giao và Thương mại Ai-len…
Khẳng định vai trò trong cộng đồng kiểm toán quốc tế
Được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng và quyết tâm của Kiểm toán Nhà nước, một trong những dấu mốc quan trọng đánh dấu sự hội nhập sâu rộng của Kiểm toán Nhà nước vào cộng đồng kiểm toán quốc tế là sự kiện tháng 02-2015, tại Kuala Lumpur (Malaysia), Đại hội lần thứ 13 của ASOSAI phê chuẩn Kiểm toán Nhà nước Việt Nam là thành viên Ban Điều hành ASOSAI nhiệm kỳ 2015-2018, đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI 14 năm 2018 và là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021.
Như vậy, Kiểm toán Nhà nước đã xác lập được một vị thế mới, có vai trò dẫn dắt tổ chức quốc tế chuyên môn chuyên nghiệp trong lĩnh vực kiểm toán công. Đây là sự kiện đối ngoại mang tính bước ngoặt của Kiểm toán Nhà nước, góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế của Kiểm toán Nhà nước không chỉ ở trong nước mà còn mở rộng ra phạm vi khu vực và trên trường quốc tế; đồng thời mang lại những cơ hội lớn hơn trong quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế.
Thông qua hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã không ngừng phát triển, nâng cao vị thế cả về địa vị pháp lý, tổ chức bộ máy, phạm vi, quy mô và năng lực thực hiện nhiệm vụ chính trị, trở thành cơ quan có uy tín và trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân, trong Cộng đồng INTOSAI, ASOSAI, ASEANSAI và các tổ chức quốc tế khác. Tăng cường các hoạt động đối ngoại không chỉ góp phần tích cực vào quá trình hội nhập sâu rộng của nước ta mà còn kịp thời nắm bắt thời cơ để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới với các quốc gia trong khu vực và thế giới./.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiểm tra công tác ứng cứu phòng chống ảnh hưởng cơn bão số 6 tại Quảng Ninh  (17/09/2018)
Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiểm tra công tác ứng cứu phòng chống ảnh hưởng cơn bão số 6 tại Quảng Ninh  (17/09/2018)
Kết hợp quân dân y trong khám, chữa bệnh  (17/09/2018)
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên