Hội nghị lấy ý kiến ở khu dân cư: Dịp để mỗi cán bộ cơ sở soi lại mình
Bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh hội đồng nhân dân bầu tại phường Hà Khẩu, Hạ Long, Quảng Ninh. Nguồn: Báo Quảng Ninh
TCCS - Tạo không gian, cơ sở pháp lý để người dân đối thoại, góp ý trực tiếp với cán bộ, công chức cơ sở, qua đó giúp đội ngũ này thực thi công vụ tốt hơn là mục đích quan trọng từ việc lấy ý kiến, phiếu tín nhiệm đối với cán bộ, công chức xã, phường đang được thực hiện tại tỉnh Quảng Ninh hiện nay.
Những đóng góp thẳng thắn, trách nhiệm
Quảng Ninh không chỉ thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh Hội đồng nhân dân cấp xã bầu (Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân) như quy định, mà còn mở rộng hơn diện lấy ý kiến đóng góp với một số chức danh cán bộ chuyên môn cấp xã, phường thường xuyên tiếp xúc và giải quyết những công việc hằng ngày gắn với lợi ích sát sườn của người dân tại hội nghị lấy ý kiến ở khu dân cư. Đây là sinh hoạt chính trị hợp lòng dân, cũng là một cơ chế tốt, qua tai mắt, đánh giá của nhân dân để sàng lọc cán bộ cơ sở.
Bắt đầu làm điểm từ tháng 9-2009, sau đó triển khai ra diện rộng, đến hết năm 2009, Quảng Ninh đã tổ chức hơn 1.600 hội nghị ở khu dân cư của 186/186 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, đã có gần 12.800 ý kiến tham gia đóng góp cho 685 chức danh do Hội đồng nhân dân bầu và 680 cán bộ chuyên môn cấp xã.
Những ý kiến của người dân thẳng thắn đánh giá mặt tích cực, phê bình cụ thể những hạn chế, cũng như đề xuất nhiều giải pháp thiết thực góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước tại địa phương. Chẳng hạn, bản tổng hợp ý kiến đối với chức danh Hội đồng nhân dân bầu ở phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long, người dân góp ý các đồng chí cán bộ chủ chốt của phường, bên cạnh những mặt tích cực cũng chỉ rõ một số hạn chế: ít sát sao cơ sở, chưa gần dân, trọng dân; việc tuyên truyền chế độ, chính sách từ chính quyền xuống cơ sở ít; lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, môi trường còn nhiều tồn tại; giải quyết đơn thư kiến nghị của nhân dân để kéo dài...
Thực tiễn cho thấy, do ý thức, năng lực hạn chế của cán bộ hoặc do phải qua nhiều bộ phận, nhiều cấp nên đôi khi mong muốn chính đáng của người dân khi đến với nơi cần xử lý đã bị “khúc xạ”, làm lệch chuẩn. Người dân rất cần có không gian để được đối thoại trực tiếp với cán bộ. Bởi vậy, những góp ý mang tính xây dựng trên giúp cán bộ chủ chốt ở cơ sở thêm điều kiện gần gũi, lắng nghe, thấu hiểu những bức xúc của nhân dân và cũng là dịp nhìn lại chính mình, tự chấn chỉnh, để hoàn thành tốt hơn chức trách, nhiệm vụ.
Đây cũng là kênh thông tin quan trọng lãnh đạo cấp trên tham khảo để đánh giá chất lượng chung, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ cơ sở, từ đó có định hướng đào tạo, quy hoạch, bố trí hay thay đổi, điều chuyển, bãi nhiệm, miễn nhiệm nếu cần thiết, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Không “giơ cao, đánh khẽ”
Những kiến nghị, góp ý của người dân sẽ được tổng hợp lại để trình bày trong hội nghị lấy phiếu tín nhiệm chính thức. Thành phần bỏ phiếu tín nhiệm chính thức tăng gấp 2 - 3 lần so với trước, bao gồm ủy viên Ủy ban Mặt trận, Thường trực các đoàn thể chính trị - xã hội, Trưởng Ban Giám sát và Đầu tư cộng đồng, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng khu... Như vậy, bình quân mỗi cơ sở có 40 đến 60 người được trực tiếp bỏ phiếu tín nhiệm, khắc phục tình trạng lấy tín nhiệm nặng về hình thức do thành phần đại biểu được quyền bỏ phiếu ít.
Kết quả, năm 2009, Quảng Ninh có 685 cán bộ chủ chốt cấp xã được lấy phiếu tín nhiệm, trong đó 610 người đạt số phiếu tín nhiệm từ 70 - 100%, chiếm tỷ lệ 89%; 17 người số phiếu tín nhiệm thấp dưới 50%, chiếm tỷ lệ 2,5%... 680 công chức xã được lấy ý kiến đóng góp, 491 người đạt loại tốt trở lên ở cả 4 nội dung, chiếm tỷ lệ 72,2%; số người có trên một nửa số phiếu nhận xét cả 4 nội dung loại yếu là 15, chiếm tỷ lệ 2,2%...
Việc lấy ý kiến đóng góp và phiếu tín nhiệm rất quan trọng, song chỉ là bước đầu, vấn đề quan trọng không kém là sau khi có kết quả, cần chế tài xử lý một cách thận trọng, khoa học, đúng quy trình nhưng cũng phải kiên quyết, tránh tình trạng “giơ cao, đánh khẽ”, bỏ phiếu làm tốt song sau đó xử lý không nghiêm. Kết luận số 07-KL/TU ngày 29-7-2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh chỉ rõ, sau khi có kết quả tín nhiệm, Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy chỉ đạo cấp ủy cơ sở tổ chức tiếp thu ý kiến đóng góp, có biện pháp khắc phục những nhược điểm, tồn tại và tiến hành xem xét, xử lý (nếu có), kiện toàn cán bộ khi cần thiết, bảo đảm nguyên tắc, quy trình, khách quan, toàn diện.
Số cán bộ có tín nhiệm nhưng hạn chế một số mặt phải tự phê bình, kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ những mặt thiếu sót và biện pháp khắc phục. Đối với những cán bộ có phiếu tín nhiệm thấp dưới 50%, công chức có trên một nửa số phiếu phản ánh hạn chế về phẩm chất, năng lực, ý thức trách nhiệm thì nếu cần, phân công lại cho hợp lý, không để ảnh hưởng đến sự phát triển chung của địa phương.
Không kỳ vọng sẽ có ngay một sự thay đổi diện mạo hoàn toàn về đội ngũ cán bộ cơ sở sau khi lấy phiếu tín nhiệm, song xuất phát từ lòng dân, kết quả trên là cứ liệu chân thực để từ đó tạo ra những chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của bộ máy chính quyền cơ sở tại Quảng Ninh.
Trải lòng ra với nhân dân
Từ thực tiễn lấy ý kiến đóng góp và phiếu tín nhiệm tại Quảng Ninh, cũng như một số địa phương khác trên cả nước, cho thấy, bên cạnh những hiệu quả bước đầu, cũng còn nhiều vấn đề cần tiếp tục bổ sung, để hiện thực hóa dân chủ trực tiếp với nghĩa đầy đủ nhất của nó và công việc trên thực sự trở thành lực đẩy cho sự phát triển của địa phương.
Việc lấy ý kiến đóng góp và phiếu tín nhiệm vẫn còn biểu hiện hình thức. Một số cán bộ kiểm điểm trước dân thiếu trung thực và tôn trọng ý kiến của nhân dân, giải trình chung chung. Việc tham gia ý kiến của người dân vào bản kiểm điểm của các chức vụ chủ chốt còn dè dặt, né tránh, ngại va chạm, lo bị trù dập. Cá biệt có nơi, cán bộ cơ sở sợ mắc khuyết điểm, không được tín nhiệm nên không dám tổ chức thực hiện, dẫn tới địa phương trì trệ hoặc cấp ủy Đảng, chính quyền băn khoăn, lo lắng, sợ làm xáo trộn đội ngũ cán bộ xã, phường. Việc lấy phiếu tín nhiệm diễn ra trong không khí nặng nề, có sự mặc cảm và cả biểu hiện đối phó, dẫn tới những hệ quả không tốt.
Không thể có dân chủ thực sự nếu không xây dựng được một môi trường, một bầu không khí cởi mở, lành mạnh và nâng cao nhận thức của nhân dân. Ở mức độ nhận thức về dân chủ phát triển cao, dân chủ trở thành văn hóa, nếp sống, thì nó hiện hữu như một nhu cầu thường trực, thành hành vi, phong cách của các chủ thể liên quan.
Do đó, cần chú trọng đặc biệt công tác tuyên truyền cho nhân dân về thực hiện quy chế dân chủ, mục đích, ý nghĩa của lấy phiếu tín nhiệm. Việc tuyên truyền này cần bền bỉ, sâu sát và trên hết, những chuyển biến thiết thực, sống động trong thực tiễn từ quá trình lấy phiếu tín nhiệm, “trăm nghe không bằng một thấy”, sẽ tạo niềm tin cho nhân dân. Người dân hiểu, tin, nhận thức được ý nghĩa của công việc trên, họ sẽ tự giác tham gia với tinh thần trách nhiệm cao, dám nói thẳng, nói thật. Khi minh bạch hóa việc công trước dân, trải lòng ra với nhân dân, thì không có lý do gì người dân không ủng hộ, đồng thuận.
Mở rộng thành phần được tham gia bỏ phiếu trực tiếp cũng là vấn đề cần suy nghĩ, nghiên cứu từ thực tiễn việc lấy phiếu tín nhiệm và góp ý tại Quảng Ninh. So với thành phần bỏ phiếu tín nhiệm theo Thông tri 06, năm 2005 của Thường vụ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thì thành phần bỏ phiếu hiện nay đã mở rộng rất nhiều, khoảng một phần ba là cán bộ chính quyền, còn lại là các cá nhân đại diện các tầng lớp nhân dân, tôn giáo, Ban Công tác Mặt trận Tổ quốc ở thôn, khu phố. Ngoài ra còn có đại diện của cấp trên tham dự giám sát. Với số lượng như trên, hơn nữa việc lấy tín nhiệm các chức vụ chủ chốt được thực hiện bằng phiếu chứ không phải biểu quyết, thì kết quả là đáng tin cậy.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, những người bỏ phiếu này, về cơ bản, vẫn hưởng chế độ, lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước hoặc địa phương, có liên quan trực tiếp với những người được bỏ phiếu. Do đó, hiện tượng cán bộ bỏ phiếu cho cán bộ vẫn là tồn tại có thật, ảnh hưởng phần nào tính khách quan của kết quả. Dân chủ trực tiếp của nhân dân chưa được thực hiện và thể hiện rõ. Ý kiến của người dân vẫn chỉ là một kênh tham khảo để các đại biểu chính thức bỏ phiếu, chứ chưa có ý nghĩa quyết định. Đối với việc lấy ý kiến đóng góp cho công chức xã, phường, thậm chí người dân còn chưa được tham gia góp ý trực tiếp như với cán bộ chủ chốt.
Từ những phân tích trên cho thấy, cần mở rộng đối tượng là đại biểu chính thức có quyền bỏ phiếu. Tuy nhiên, nếu tất cả nhân dân hoặc đại diện hộ gia đình tham gia, thì trở ngại gặp phải là, không phải ai cũng tiếp xúc thường xuyên với cán bộ, công chức, nên khó hiểu thấu đáo phẩm chất các đồng chí được lấy ý kiến đóng góp, tín nhiệm, dẫn tới lá phiếu sẽ không chính xác, hoặc thực hiện theo cảm tính, qua loa, theo số đông. Hơn nữa, trình độ, nhận thức của người dân không đồng đều, nhất là các xã vùng nông thôn..., bởi vậy, người dân khó có khả năng góp ý, đề xuất đúng, trúng. Chưa kể kinh phí tổ chức hội nghị trên quy mô rộng sẽ tốn kém hơn.
Do đó, cần mở rộng đối tượng bỏ phiếu, song nên chọn lọc đối tượng là những người có uy tín, hiểu biết, tiêu biểu, đại diện cho các hộ dân. Có thể mỗi khu, thôn cử ra khoảng 3 - 5 đại biểu đại diện, phân theo vị trí địa lý. Những đại biểu này bàn bạc, tham khảo, ghi nhận ý kiến, nguyện vọng của các hộ gia đình mình đại diện, rồi tổng hợp, chọn lọc để phát biểu trước hội nghị chính thức cấp xã. Mặc dù đây là một hình thức đại diện, song là đại diện ủy quyền, thuần túy vì quyền lợi của nhân dân, nên thực chất vẫn là dân chủ trực tiếp, hơn nữa, lại phù hợp với điều kiện nước ta.
Đối với việc góp ý cho công chức xã, phường, nên tổ chức cùng và như quy trình tổ chức lấy phiếu tín nhiệm cán bộ chủ chốt, tức công chức cũng phải đọc kiểm điểm, lấy ý kiến đóng góp trực tiếp của nhân dân tại hội nghị cử tri ở khu dân cư. Đồng thời nên bổ sung thêm chức danh cán bộ văn phòng ủy ban nhân dân cấp xã vào diện lấy ý kiến đóng góp.
Mặt khác, ở một số cơ sở, đại biểu cử tri còn băn khoăn, chưa đồng tình trước việc điều động cán bộ (thuộc đối tượng lấy phiếu tín nhiệm) sát với thời điểm tổ chức hội nghị. Do đó, để không bỏ sót, cần lấy phiếu tất cả cán bộ chủ chốt đủ thời gian công tác 2 năm, nhưng không quy định cứng là 2 năm công tác ở một nơi như hiện nay, mà ở đâu công tác lâu hơn thì sẽ lấy phiếu tín nhiệm ở đó.
Với ý nghĩa và những hiệu quả bước đầu, nên xem xét mở rộng việc lấy phiếu tín nhiệm chức danh chủ chốt do Hội đồng nhân dân cấp huyện, thành phố, tỉnh... Tất nhiên, cần làm từng bước, thận trọng, quan trọng nhất là hoàn thiện quy trình, đối tượng, cách thức lấy ý kiến và tín nhiệm.
Lấy ý kiến của nhân dân và phiếu tín nhiệm bước đầu đã làm thay đổi thói quen bị động trước các chính sách từ chính quyền của người dân ở cơ sở, với suy nghĩ mình là đối tượng chịu thi hành, chưa thấy hết chiều tác động tích cực trở lại trong việc phát huy quyền làm chủ thực sự. Đây cũng là việc làm tốt, góp phần kiện toàn một bước công tác cán bộ trước thềm đại hội Đảng và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ tới./.
Vĩnh Long với công tác giám sát, quản lý đảng viên ở cơ sở  (16/03/2010)
Phát huy vai trò của đảng viên ở nông thôn Trung Quốc hiện nay  (16/03/2010)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu phiên họp thứ 29  (16/03/2010)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên