Phát huy vai trò của đảng viên ở nông thôn Trung Quốc hiện nay
TCCS - Đảng viên nông thôn là nền móng quan trọng của sự sinh tồn và phát triển của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cùng với sự biến đổi mau chóng của kinh tế sau hơn 30 năm cải cách mở cửa, giai cấp nông dân Trung Quốc phân hóa hết sức đa dạng. Xu thế thành thị hóa, công nghiệp hóa đã tạo ra sự thay đổi to lớn về diện mạo đời sống, ảnh hưởng sâu sắc đến giác ngộ tư tưởng, trình độ chính trị, tu dưỡng đạo đức và trình độ năng lực của đảng viên. Việc giữ gìn và phát huy vai trò của đảng viên nông thôn ở Trung Quốc đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới.
1 - Những biến đổi cơ bản của đảng viên nông thôn
Thay đổi về tư tưởng, quan niệm
Sự phân hóa giai tầng xã hội nông thôn Trung Quốc đã dẫn đến sự điều chỉnh lại các mối quan hệ lợi ích; làm trầm trọng hơn chênh lệch giàu nghèo, nới rộng khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, gia tăng sự tích tụ tiền của... Những hiện tượng đó không ngừng tác động vào quan niệm về tư tưởng và giá trị của đảng viên nông thôn. Trong điều kiện kinh tế thị trường, quần chúng nông thôn cũng bắt đầu căn cứ vào mức thu nhập để đánh giá địa vị, uy tín và giá trị của một người. Kiếm nhiều tiền trở thành tiêu chuẩn quan trọng đánh giá người "có năng lực", "có bản lĩnh". Vì thế, một bộ phận đảng viên xuất hiện tư tưởng dao động, những nhận thức sai lầm "lý tưởng là điều xa vời, chính trị là sự rỗng tuếch, kiếm tiền mới là điều thực chất", dẫn đến tôn thờ chủ nghĩa sùng bái đồng tiền, "có lợi thì muốn, có tiền thì toan tính". Một bộ phận đảng viên sản xuất nông nghiệp có mức thu nhập thấp, trong số họ có người già yếu, trình độ văn hóa thấp, trong quá trình phân hóa xã hội, họ khó có thể cải thiện được tình trạng nghèo khổ. Điều này dễ làm cho họ hoài nghi đối với chính sách cải cách mở cửa, mục tiêu cùng giàu có của chủ nghĩa xã hội. Thậm chí, do khủng hoảng lòng tin, một số đảng viên nông thôn không tin vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin mà lại tin vào tôn giáo, thông qua hoạt động mê tín để giảm nhẹ áp lực trong cuộc sống. Một bộ phận đảng viên có mức thu nhập cao, chủ yếu là những chủ xí nghiệp tư nhân, chủ hộ nuôi trồng với quy mô lớn thường tiêu xài lãng phí, an phận với sự giàu có của mình. Thậm chí, có người còn sử dụng các thủ đoạn lừa gạt, trốn thuế... làm tổn hại lợi ích của nhà nước, tập thể và nhân dân để làm giàu bất chính.
Hình ảnh, uy tín bị giảm sút
Sự phân hóa xã hội nông thôn Trung Quốc dẫn đến việc nhiều đảng viên ra ngoài làm công, tiến hành kinh doanh buôn bán. Nhiều người mang theo cả gia đình ra ngoài làm ăn quanh năm, địa điểm không cố định, mất liên lạc với tổ chức đảng nơi ở cũ, thường không để lộ thân phận đảng viên của mình, lẩn tránh việc quản lý, giám sát của tổ chức đảng nơi ở mới, tách rời sự giáo dục và quản lý của tổ chức đảng, quan niệm tổ chức dần phai nhạt, không phát huy vai trò tiên phong gương mẫu. Do phương thức sản xuất truyền thống, kinh tế thu nhập thấp, áp lực "miếng cơm manh áo" trong cuộc sống lớn, họ rất ít bỏ tâm sức tham gia sinh hoạt đảng, không chấp hành nghĩa vụ đảng và thực hiện quyền lợi của người đảng viên, mất dần sự ủng hộ của quần chúng. ở một số địa phương, số đảng viên đó chiếm trên 50% tổng số đảng viên nông thôn. Tình trạng ấy làm ảnh hưởng không tốt tới vai trò và uy tín trong quần chúng của đội ngũ đảng viên.
Đối với những đảng viên thuộc tầng lớp mới ở nông thôn được quần chúng tín nhiệm, chủ yếu thuộc tầng lớp chủ doanh nghiệp tư doanh, hộ công thương, hộ nuôi trồng quy mô lớn, có ý thức kinh doanh hàng hóa mạnh, có tinh thần lập nghiệp, dám mạo hiểm, có năng lực tổ chức quản lý tương đối mạnh, là tầng lớp giàu có nhất ở nông thôn. Sức hiệu triệu của đảng viên trong những tầng lớp đó mạnh, uy tín cao, nhưng số người đó rất ít, chỉ chiếm khoảng 10% - 15% tổng số đảng viên ở nông thôn.
Cơ chế quản lý đảng viên nông thôn không theo kịp sự biến đổi
Sự phân hóa giai tầng xã hội nông thôn Trung Quốc khiến kết cấu và tổ chức kinh tế của nông thôn thay đổi theo hướng đa dạng hóa; trong khi phương thức truyền thống lấy thôn hành chính để thành lập tổ chức đảng rất khó quản lý đảng viên, phương thức quản lý mới lại chưa rõ ràng. Thể chế lạc hậu với phương thức quản lý lỗi thời, khó có thể thích ứng với tính đa dạng, lưu động, phân tán nghề nghiệp của đảng viên; khó có thể thích ứng với nhu cầu làm các nghề nghiệp khác nhau, phục vụ ở các cương vị khác nhau của đảng viên. Yêu cầu, phương pháp, trình tự kết nạp đảng viên mới rất đơn điệu, thiếu cơ chế linh hoạt, gây bất lợi cho việc kết nạp vào Đảng những phần tử ưu tú trong tầng lớp giàu lên trước ở nông thôn. Do chưa có cơ chế hiệu quả để khai trừ khỏi Đảng đối với những đảng viên không đủ tiêu chuẩn đã ảnh hưởng đến tính thuần khiết và tính tiên tiến của đội ngũ đảng viên nông thôn.
2 - Yêu cầu đặt ra trong việc duy trì, phát huy vai trò trung tâm của đảng viên ở nông thôn Trung Quốc
Một là, định ra tiêu chuẩn chung và cụ thể về đội ngũ đảng viên nông thôn mới.
Xác định rõ tiêu chuẩn và yêu cầu về tính tiên tiến của đảng viên nông thôn trong điều kiện phân hóa giai tầng xã hội là tiền đề quan trọng để bảo đảm tính tiên tiến của người đảng viên nông thôn thời kỳ mới. Tiêu chuẩn chung là những quy định trong Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là tư tưởng quan trọng "Ba đại diện". Tiêu chuẩn cụ thể thể hiện ở việc phát triển văn minh vật chất, văn minh tinh thần, văn minh chính trị ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa khá giả toàn diện và hài hòa, tập trung nâng cao năng lực cầm quyền và củng cố địa vị cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở nông thôn.
Theo đó, đảng viên nông thôn phải đi đầu trong việc tiến hành sản xuất lớn hiện đại hóa, chuyển dịch sang các ngành nghề sản xuất phi nông nghiệp, làm giàu và dẫn dắt quần chúng cùng giàu lên. Đối với những đảng viên thuộc tầng lớp doanh nghiệp tư nhân, hộ công thương cá thể, chủ yếu khảo sát con đường làm ăn, hành động thực tế của họ trong việc dẫn dắt nông dân làm giàu; đối với những đảng viên lưu động, có vai trò gương mẫu trong việc cung cấp thông tin thị trường, quan niệm đổi mới và đưa các hạng mục đầu tư vốn vào quê hương; đối với những đảng viên là các hộ lớn chuyên chăn nuôi trồng trọt, chủ yếu khảo sát tác dụng làm gương của họ ở các mặt: thực hiện rộng rãi các kỹ thuật mới, thay đổi các thế hệ sản phẩm mới.
Hai là, đưa đảng viên nông thôn trở thành lực lượng chủ đạo trong việc phân hóa xã hội.
Hướng dẫn quần chúng xây dựng quan điểm làm giàu đúng đắn. Hiện nay, những việc không công bằng biểu hiện nổi bật là số người làm giàu một cách không hợp lý, không hợp pháp; thu nhập của một số ngành nghề, nhóm người, cá nhân không tương xứng với lao động mà họ bỏ ra và với kết quả kinh doanh của họ, làm gia tăng mâu thuẫn lợi ích kinh tế trong xã hội nông thôn. Đảng viên nông thôn cần gương mẫu làm giàu một cách hợp lý, hợp pháp, dẫn dắt quần chúng làm giàu, thúc đẩy cơ chế lưu động và cơ chế phân phối thu nhập của xã hội nông thôn phát triển theo phương hướng công bằng, hợp lý, mang lại ngày càng nhiều lợi ích thực tế hơn cho các giai tầng ở nông thôn.
Thúc đẩy chuyển dịch ngành nghề, lao động. Thông qua vai trò gương mẫu của mình, đảng viên cần lôi cuốn nhiều người tham gia các ngành sản xuất phi nông nghiệp, mở rộng lực lượng doanh nghiệp tư nhân, hộ công thương cá thể... Hướng dẫn những người làm lao động nông nghiệp trở thành những người thợ thủ công. Đó là con đường quan trọng để rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo, cũng là yêu cầu tất yếu để nông thôn phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Trung Quốc.
Đảng viên cần đi đầu trong việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến. Phát triển ngành trồng trọt, chăn nuôi với quy mô hợp lý, mở rộng những nhóm hộ chuyên trồng trọt chăn nuôi lớn. Thu hẹp tầng lớp lao động nông nghiệp, làm cho nền nông nghiệp truyền thống chuyển dịch theo hướng hiện đại, nâng cao tố chất của người lao động, trình độ phát triển sức sản xuất nông nghiệp.
Ba là, phát huy vai trò tiên phong, sáng tạo của đảng viên trong xã hội nông thôn.
Khai phá sáng tạo sự nghiệp là điều căn bản để giữ được sức sống của Đảng Cộng sản cầm quyền. Sự phân hóa xã hội nông thôn Trung Quốc đã thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khai phá sáng tạo sự nghiệp của đảng viên nông thôn, đòi hỏi các đảng viên nông thôn phải giải phóng tư tưởng, có chí tiến thủ, đi đầu trên con đường làm giàu, dẫn dắt quần chúng cùng làm giàu.
Bốn là, nâng cao năng lực của đội ngũ đảng viên nông thôn.
Nâng cao trình độ học tập của đội ngũ đảng viên nông thôn là điều kiện cơ bản để củng cố địa vị cầm quyền của Đảng Cộng sản trong thời kỳ mới. Để thích ứng với tình hình mới, đảng viên nông thôn cần không ngừng học tập, tổ chức thành đội tiên phong trong học tập, dẫn dắt quần chúng nông thôn duy trì việc nâng cao trình độ. Trước sự cạnh tranh thị trường khốc liệt, những rủi ro ngành nghề mới và áp lực mong muốn được xã hội chấp nhận sau khi lựa chọn lại nghề mới, buộc đảng viên nông thôn phải tăng cường tự giác học tập. Yêu cầu cơ bản là: hình thức học tập linh hoạt; nội dung học tập phong phú, căn cứ nghề nghiệp mới, môi trường mới của việc phát triển kinh tế - xã hội, đa dạng hóa các loại hình học tập, có cơ chế kiểm tra đánh giá, khen thưởng khuyến khích học tập, động viên đảng viên truyền bá những tri thức tiên tiến cho quần chúng.
Đẩy mạnh việc kết nạp những phần tử ưu tú vào Đảng. Ngày nay, nông thôn Trung Quốc mới cần nhiều đảng viên đi đầu trong việc áp dụng phương thức sản xuất tiên tiến, có ý thức kinh doanh hàng hóa, có năng lực tổ chức quản lý, có tinh thần khai phá sáng tạo sự nghiệp, với sức trẻ và nhiệt huyết để dẫn dắt quần chúng cùng làm giàu, xây dựng xã hội khá giả. Vì thế, kết nạp nhiều phần tử tiên tiến có năng lực vào Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên nông thôn là điều cần thiết. Tùy theo tình hình, đặc điểm mới, có thể đặt ra các quy định đặc biệt; đối với những người có những cống hiến quan trọng cho việc thay đổi quê hương, để cho dân xóm được giàu lên trong tầng lớp giàu lên trước, cũng nên có quy định đặc biệt.
Đẩy mạnh việc nâng cao năng lực của đảng viên, cán bộ đảng viên. Bồi dưỡng những phần tử ưu tú biết làm giàu thành đảng viên, bồi dưỡng đảng viên ưu tú cần cù lao động làm giàu, tuân thủ pháp luật, trở thành cán bộ thôn. Thiết thực nâng cao năng lực và trình độ của đảng viên nông thôn, giải quyết được vấn đề không đủ nguồn dự bị về đảng viên và cán bộ ở nông thôn. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc xây dựng vững chắc nền móng tổ chức của đảng ở nông thôn, phát triển sức sản xuất tiên tiến ở nông thôn.
Năm là, đổi mới phương thức quản lý đội ngũ đảng viên nông thôn.
Sáng lập hình thức giáo dục lấy mô hình nhỏ, phân tán, nghiệp dư là chính, thành lập nhiều nhóm hoạt động sinh động của các đảng viên thuộc các giai tầng đi đầu trong việc làm giàu và dẫn dắt quần chúng cùng làm giàu, sát với thực tế phát triển kinh tế và tiến hành sự nghiệp hiện đại hóa. Tận dụng các biện pháp quản lý hiện đại hóa trong thời đại tin học, tăng cường và nâng cao chất lượng quản lý.
Căn cứ tiêu chuẩn cụ thể về tính tiên tiến của đảng viên thuộc các giai tầng ở nông thôn, định kỳ khảo sát tình hình thực hiện chức trách trên cương vị công tác của từng đảng viên, kịp thời uốn nắn những sai lệch, biểu dương gương điển hình, tiên tiến, thanh lọc những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng. Hoàn thiện cơ chế đưa người ra khỏi Đảng. Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc quy định, đảng viên tự nguyện vào Đảng, cũng tự nguyện ra khỏi Đảng. Nhưng, trong thực tiễn ra khỏi Đảng, ngoài việc do đảng viên làm trái pháp luật, vi phạm kỷ cương nên bị khai trừ, xóa tên, rất ít đảng viên vì không thể phát huy vai trò tiên phong gương mẫu mà chủ động xin ra khỏi Đảng. Đối với vấn đề này, cần kiểm tra, đánh giá nghiêm túc, căn cứ yêu cầu của "Điều lệ Đảng", trên cơ sở xác định rõ tính chất đảng viên, giới định và phân biệt đảng viên không đủ tiêu chuẩn ở các loại hình khác nhau, kiên quyết khai trừ những đảng viên không đủ tiêu chuẩn. Phương thức ra khỏi Đảng phải được cải tiến, vừa có dân chủ bình xét, vừa thiết lập cơ chế ra Đảng hợp lý./.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu phiên họp thứ 29  (16/03/2010)
Thấy gì qua hai chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của tân Tổng thống U-crai-na V.Y-a-nu-cô-vích  (15/03/2010)
Giới thiệu chính sách mới số 197  (15/03/2010)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên