Phát triển khu đô thị mới với tầm tư duy mới
Theo cách đang làm hiện nay, dường như chúng ta đang muốn “đô thị hoá nông thôn” chứ không phải là “hiện đại hoá nông thôn”. Vậy liệu có nên nghiên cứu xu hướng “nông thôn hoá đô thị” tại các nước đã phát triển không. Tôi thiết nghĩ, lợi thế đi tắt đón đầu của Việt Nam chính là ở chỗ, Việt Nam có cái mà thế giới phát triển muốn nhưng không thể có. Trí tuệ Việt Nam lẽ nào không gửi gắm vào đây, không đầu tư vào đây?
Trong những năm qua, Hà Nội là một trong những thành phố có tốc độ phát triển, đô thị hoá nhanh nhất của cả nước. Nhiều khu đô thị mới, khu nhà ở đã và đang hình thành làm thay đổi diện mạo của Thủ đô, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động, tạo lập môi trường đô thị hiện đại, giảm áp lực cho khu vực nội đô…
Đến nay, trên địa bàn thủ đô Hà Nội sau khi mở rộng có hơn 350 đồ án quy hoạch khu đô thị mới, khu nhà ở được triển khai thiết kế. Trong đó, riêng trên địa bàn Hà Nội (cũ) đã nghiên cứu lập quy hoạch trên 180 khu đô thị mới và khu nhà ở với quỹ đất trên 2.500ha, có khả năng giải quyết được từ 25 đến 30 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó có gần 80 khu đô thị và khu nhà ở đang được triển khai xây dựng. Từ năm 1998 đến nay đã có hơn 10 triệu m2 sàn nhà ở được đầu tư xây dựng mới.
Tuy nhiên, cũng từ thực tế đô thị hoá, quy hoạch khu đô thị mới, nhiều nhà khoa học và quản lý đã chỉ ra những vấn đề tồn tại cần được khắc phục.
Thứ nhất, chưa có nhận thức đúng đắn, thống nhất để triển khai đồng bộ phát triển đô thị chủ yếu bằng dự án khu đô thị gắn với cải tạo chỉnh trang và quản lý đô thị hiện có, để đi trước một bước việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào khu đô thị mới. Chất lượng quy hoạch khu đô thị chưa cao, thiếu mềm dẻo nên chưa tạo thuận lợi để thu hút đầu tư. Chưa có sự khớp nối giữa các khu đô thị với nhau, tổ chức không gian, giải pháp kiến trúc chưa có chất lượng cao, nhiều công trình kiến trúc chưa tạo được sự hài hoà, chất lượng xây dựng cũng còn tồn tại nhiều vấn đề. Công tác quản lý dân cư, hạ tầng kỹ thuật, khai thác công trình sau khi kết thúc dự án còn nhiều lúng lúng, chưa xác lập được mô hình quản lý có hiệu quả...
Thứ hai, việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện một dự án khu đô thị mới thực chất là hành động để đô thị hoá một vùng đất nông nghiệp theo ý muốn chủ quan của con người. Nếu việc làm này tốt, phù hợp với quy luật, phù hợp với những yêu cầu khách quan sẽ tạo ra một khu đô thị bền vững, sống động, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển; ngược lại, sẽ tạo ra khu đô thị “chết” hoặc “sống dở chết dở”, gây nên lãng phí, tốn kém vô kể: lãng phí tài nguyên đất, lãng phí vật tư, tiền vốn, sức lao động…
Không chỉ riêng Hà Nội mà cả nước đã có nhiều khu đô thị mới thành công nhưng cũng có khu không thành công. Các khu đô thị mới, nhìn tổng thể, hao hao giống nhau: các nhà cao tầng xếp hàng ngoài, giáp mặt đường chính, khu thấp tầng nằm lọt thỏm bên trong, xếp hàng ngang, hàng dọc như đoàn quân khi tham gia duyệt binh. Cảnh “anh” cao ngổng đứng cạnh “anh” lùn tịt rất gây phản cảm, nhưng do tỷ lệ nhà cao tầng và thấp tầng đã được quy định theo một văn bản quản lý nên chủ đầu tư khó bề xoay xở.
Thứ ba, tuy mọi người đều đã nhận thấy rằng, khu đô thị mới cần phải có diện tích rộng hơn 50 ha, phải là khu đa năng không chỉ riêng để ở, nhưng điều quan trọng là “cái hạt nhân” để tạo nên sức sống và duy trì sự phát triển cho khu đô thị mới là gì thì hầu như các khu đô thị mới đều chưa xác định rõ. Đó chính là nguyên nhân vì sao các khu đô thị mới cứ na ná giống nhau. Đúng là khu đô thị phải đa năng, nhưng mỗi khu phải có đặc thù riêng, mà điều này chỉ có thể xác định được chính xác sau khi có sự điều tra cụ thể thực trạng và có những dự báo chính xác cho tương lai phát triển của nó.
Thứ tư, việc cải tạo các khu chung cư cũ đã quá xập xệ, vô cùng nguy hiểm tuy đã có chủ trương, có biện pháp và có ấn định thời gian nhưng hầu như khó triển khai hoặc tốc độ triển khai quá chậm chạp. Sở dĩ có tình trạng như vậy vì bài toán về quyền lợi giữa chủ đầu tư và người dân sở tại chưa được giải quyết thoả đáng. Khu vực cải tạo bị không chế về hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, mà tỷ lệ này lại không thể duyệt một cách tùy tiện được bởi lẽ nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức chịu tải của kết cấu hạ tầng nằm trong khu nội đô. Sự chậm chễ này không được phản ảnh kịp thời để tìm biện pháp thoả đáng giải quyết. Chính vì thế mà kế hoạch triển khai vẫn nằm trên giấy.
Thứ năm, việc di chuyển khu công nghiệp cũ hay một nhà máy nào đó ra khỏi nội đô thoạt đầu là một chủ trương hợp lý, song đó sẽ là cái vòng luẩn quẩn vì chỉ sau một thời gian vài chục năm thì cái nơi mà nhà máy chuyển đến lại có khu dân cư và nó lại trở thành nội đô. Cho nên vấn đề không chỉ là nhà máy phải di dời, tách khỏi khu dân cư mà là phải thay đổi công nghệ sản xuất, lựa chọn công nghệ sản xuất để đảm bảo về tiêu chuẩn môi trường: độ ồn, bụi bẩn, khí thải, nước thải… phải đạt yêu cầu, không được vượt tiêu chuẩn cho phép. Làm như thế sẽ tránh được sự xáo trộn trong khu dân cư, không ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy, tiết kiệm được giao thông đi lại.
Thứ sáu, việc xây dựng khu đô thị mới từ đất nông nghiệp dẫn đến người nông dân mất đất, vì thế yêu cầu đặt ra là phải đào tạo, phải tạo công ăn việc làm cho nông dân, phải làm cho điều kiện sống của họ tốt hơn trước. Tuy nhiên, trên thực tế điều chưa đạt được như mong muốn bởi nhiều lẽ: nhiều người nông dân không có thói quen sống ở nhà cao tầng; họ không có nghề mới để làm; ai sẽ chịu trách nhiệm đào tạo và đào tạo nghề gì cho họ; khi đào tạo xong thì ai sẽ là người tuyển dụng... Đây là vấn đề rất cần được nghiên cứu thấu đáo, nếu không sẽ chỉ dừng lại ở lời nói suông.
Thứ bảy, thực hiện các khu đô thị mới như hiện nay có nghĩa là chúng ta đã và đang tạo dựng cho cuộc sống của người dân đến cuối thế kỷ XXI, thậm chí vài thập kỷ đầu của thế kỷ XXII. Tuy nhiên, không phải ai cũng đã hình dung ra, vào thời điểm đó, người dân sinh sống và làm việc ra sao?! Liệu các khu nhà bê-tông cao tầng bây giờ có phù hợp với lúc đó nữa không?
Hiện nay, có không ít người quan niệm rằng, công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn liền với đô thị hóa. Nhưng như vậy liệu có hoàn toàn đúng không? Liệu có cách nào không cần đô thị hoá mà vẫn hiện đại hoá được không?
Theo cách đang làm hiện nay, dường như chúng ta đang muốn “đô thị hoá nông thôn” chứ không phải là “hiện đại hoá nông thôn”. Vậy liệu có nên nghiên cứu xu hướng “nông thôn hoá đô thị” tại các nước đã phát triển không. Thiết nghĩ, lợi thế đi tắt đón đầu của Việt Nam chính là ở chỗ, Việt Nam có cái mà thế giới phát triển muốn nhưng không thể có. Trí tuệ Việt Nam lẽ nào không gửi gắm vào đây, không đầu tư vào đây?! Đây là một công việc to lớn và hệ trọng, nó liên quan đến sự phát triển bền vững của đất nước, của dân tộc./.
IMF: Các nền kinh tế phát triển sẽ tăng trưởng âm  (08/11/2008)
Mỹ đẩy nhanh chương trình cứu trợ kinh tế  (08/11/2008)
Đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị  (08/11/2008)
Thông cáo số 18 Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII  (07/11/2008)
Bản thông điệp đầu tiên của Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép  (07/11/2008)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm