Công bằng xã hội là mục tiêu cốt lõi của chính sách xã hội, nhằm hướng tới ổn định xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng mọi mặt của đời sống nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Thực chất công bằng xã hội

Với cách nhìn tổng thể, có thể hiểu công bằng xã hội là các giá trị định hướng để con người sinh sống và phát triển trong các quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng về vật chất cũng như về tinh thần. Đó là những giá trị cơ bản trong các quan hệ xã hội như: quan hệ giữa mức độ lao động và mức độ thu nhập; quan hệ giữa quyền sở hữu tư liệu sản xuất và quyền định đoạt sự sản xuất và phân phối; quan hệ giữa mức độ phạm tội và mức độ bị trừng phạt; quan hệ giữa các thành viên của xã hội với hoàn cảnh kinh tế, mức độ phát triển trí lực khác nhau và cơ hội tham gia vào quá trình giáo dục, khám chữa bệnh, hưởng thụ các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, thể dục - thể thao...

Điều kiện xã hội cụ thể của nước ta hiện nay đang mở ra những khả năng cho các cá nhân, các tầng lớp xã hội phát huy năng lực và nguồn lực để vừa mưu cầu lợi ích của mình, vừa tạo nên sức mạnh chung của cộng đồng (dân giàu, nước mạnh), đưa đất nước từng bước tiến tới trình độ hiện đại (văn minh).

Quan niệm công bằng xã hội theo chủ nghĩa bình quân hoặc cho mọi thứ bất công hoành hành, có hại cho lợi ích của đại đa số nhân dân càng không thể chấp nhận được. Có người đặt vấn đề, để đạt được sự tăng trưởng kinh tế thì tất yếu phải hy sinh công bằng xã hội, cần chấp nhận đạt tăng trưởng kinh tế trước rồi dần dần giải quyết những vấn đề xã hội sau? Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh không cho phép làm như vậy. Vả lại, nếu làm như thế thì đồng thời cũng triệt tiêu luôn sự tăng trưởng kinh tế. Cũng có người cho rằng: đã là kinh tế thị trường thì phải chấp nhận mọi thứ bất công? Kinh nghiệm một số nước cho thấy, một nền kinh tế thị trường kiểu đó không giúp cho sự phát triển của đất nước, ngay cả trong lĩnh vực kinh tế, và sớm muộn sẽ dẫn đất nước tới hỗn loạn, nghèo khổ và lạc hậu. Nền kinh tế thị trường mà chúng ta muốn có là một nền kinh tế phục vụ cho lợi ích chung của sự phát triển đất nước và bảo đảm cho mọi người dân sống ngày càng ổn định và khá lên, theo nguyên tắc xã hội chủ nghĩa.

Những yếu tố tạo nên sự bất công bằng

Trên lộ trình thực hiện công bằng xã hội chúng ta phải đối mặt và giải quyết rất nhiều vấn đề, trong đó nổi bật:

Thứ nhất, loại bất công tự nhiên. Tính từ "tự nhiên" ở đây bao hàm cả những khả năng, những năng lực khác nhau về mặt tự nhiên (có những nguồn gốc sinh học chẳng hạn) cũng như những khác biệt về trình độ phát triển do lịch sử lâu đời để lại (ví dụ như sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi và miền xuôi,...). Đối với loại bất công này, hướng lâu dài là dựa trên sự phát triển ngày càng cao của xã hội để thu hẹp dần khoảng cách, và trước mắt, cố gắng đến mức tối đa để bù đắp những thiệt thòi do những bất công này gây ra, không để trở thành những căng thẳng xã hội và xung đột có hại cho sự phát triển chung. Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã tập trung ưu tiên đầu tư về mọi mặt để phát triển các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân ở các vùng này, xóa dần những bất công cách biệt giữa các vùng. Tuy nhiên, hiện nay việc bảo đảm công bằng giữa các vùng địa - chính trị khác nhau vẫn còn đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết.

Thứ hai, loại bất công tất yếu. Nói "dân giàu", nhưng không phải ai cũng giàu ngang nhau và cùng một lúc. Đảng ta chỉ rõ: không thể loại bỏ ngay tình trạng nghèo tương đối. Chúng ta chấp nhận sự làm giàu chính đáng, hợp pháp, có lợi cho sự phát triển của đất nước - đó là sự làm giàu dựa vào những năng lực và cả những nguồn lực chính đáng - sự làm giàu này không vấp phải một hạn chế nào. Tài kinh doanh, óc tổ chức, sáng kiến và cả chỗ dựa chính đáng về nguồn lực đều có đất phát huy đến mức cao nhất qua cạnh tranh lành mạnh.

Thứ ba, loại bất công phi lý, phi pháp. Đó là tất cả những bất công nào hoàn toàn đi ngược lại những lợi ích của sự phát triển xã hội, làm cho đời sống xã hội biến dạng và đạo đức xã hội suy đồi. Xóa bỏ những bất công phi lý, điều tiết những bất công tự nhiên và hợp lý dù sao cũng là mặt thụ động của việc thực hiện công bằng xã hội. Điều quan trọng hơn, mặt tích cực, chủ động là xã hội dần dần tạo ra những điều kiện thuận lợi cho những cơ may ngang nhau giữa các thành viên của xã hội trong những lĩnh vực phúc lợi xã hội cần quan tâm, đặc biệt là cả lớp người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và cả những nạn nhân chiến tranh mất khả năng lao động và kiếm sống cũng phải được hưởng những trợ cấp thường xuyên đủ duy trì mức sống tối thiểu, mà không phải là chiếu cố tình nghĩa hay nhân đạo theo lối ban phát.

Vấn đề công bằng xã hội đối với nước ta

Tiêu chí hàng đầu của công bằng xã hội ở nước ta hiện nay là xem nó có lợi hay hại cho đời sống nhân dân và sự phát triển của đất nước. Kinh nghiệm cho thấy, đặt công bằng xã hội lên hàng đầu sẽ dẫn tới chỗ triệt tiêu những yếu tố phát triển kinh tế, nhưng đặt hiệu quả kinh tế lên hàng đầu theo lối "chủ nghĩa tự do mới" lại dẫn tới những hố khoét sâu những ngăn cách xã hội và nhất là dồn một số người không nhỏ vào tình trạng nghèo khổ và bế tắc, và cuối cùng cũng tạo ra những trở ngại lớn cho hiệu quả của phát triển kinh tế, những nguy cơ bùng nổ xã hội.

Phải đi tìm một công thức mới, trong đó hai mặt công bằng xã hội và phát triển kinh tế không đối kháng nhau, loại bỏ nhau, mà làm cho hai mặt đó trở thành tiền đề của nhau, hơn nữa để cho mặt này bao hàm cả mặt kia ở mức độ hợp lý nhất. Điều đó càng cần thiết, vì ngày nay mọi lý luận về sự phát triển đều bác bỏ cách hiểu phát triển đồng nghĩa với tăng trưởng kinh tế và đều nhấn mạnh nội dung cơ bản và mục tiêu cao nhất của sự phát triển là vì con người với tư cách cá nhân trong một cộng đồng đầy nhân tính. Sự kết hợp, sự giao thoa của hai mặt đó phải được tính toán theo những điều kiện cụ thể của mỗi nước, chủ yếu là theo trình độ phát triển kinh tế và theo truyền thống, những tâm lý dân tộc. ở đây, tuyệt đối không thể có mô hình có sẵn.

Trong hoàn cảnh nước ta hiện nay, sự kết hợp hai mặt đó đang vấp phải những khó khăn. Một mặt, chủ nghĩa bao cấp vừa bình quân, vừa đặc quyền có để lại di chứng, không những trong đời sống vật chất mà cả trong ý thức con người. Mặt khác, quá trình chuyển sang kinh tế thị trường chứa đầy những yếu tố độc quyền, lũng đoạn, vô chính phủ, tự phát làm cho kinh tế thị trường mang trạng thái dã man, tuy có kích thích những hoạt động kinh tế, nhưng đưa con người vào những "mê cung" đầy bất trắc và nhất là tạo nên một sức ép tâm lý về xã hội của lối sống hãnh tiến, chạy theo đồng tiền một cách mù quáng. Không thể phủ nhận rằng, kinh tế thị trường dã man này đã tạo ra những bất công xã hội mới. Tội lỗi này không phải thuộc về bản thân kinh tế thị trường mà do những tác nhân phá hoại nó, biến nó thành dã man.

Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho các hoạt động kinh tế một cách văn minh, với những hoạt động sinh lợi thực sự và được pháp luật kiểm soát chặt chẽ, có lợi cho quốc kế dân sinh. Bản thân kinh tế thị trường không tự động bảo đảm công bằng xã hội. Phải có những điều tiết xã hội thông qua Nhà nước để phân phối lại những kết quả hoạt động kinh tế theo hướng bảo đảm công bằng xã hội ở mức cần thiết tối thiểu.

Không thể đồng ý với quan niệm cho rằng, nếu coi trọng công bằng xã hội thì khó lòng tập trung các nguồn lực bên trong và bên ngoài để phát triển kinh tế. Đứng về ngắn hạn thì như vậy, nhưng nếu xét theo triển vọng lâu dài thì quan niệm này rất có hại. Tất nhiên, trước mắt cần tập trung phần lớn các nguồn lực tăng trưởng kinh tế để từ đó có thêm những nguồn lực đầu tư cho giáo dục, y tế, trợ cấp xã hội. Nhưng nếu ngày nay không đầu tư thích đáng cho những lĩnh vực này thì liệu trong 10 đến 15 năm nữa, chúng ta có thể bảo đảm nguồn nhân lực có chất lượng cho sự phát triển kinh tế không? Hay lúc đó, nhân lực dồi dào ở nước ta sẽ trở thành một gánh nặng vì thiếu học vấn, thiếu trình độ nghề nghiệp và không đủ sức khỏe. Theo tư duy kinh tế, đầu tư cho các lĩnh vực xã hội cũng là trực tiếp đầu tư cho kinh tế, nhất là xét theo triển vọng dài hạn. Đầu tư cho cơ sở hạ tầng không thể chỉ bó hẹp vào những kết cấu hạ tầng kinh tế mà phải mở rộng ra những kết cấu hạ tầng xã hội.

Các giải pháp cho công bằng xã hội

Để bảo đảm công bằng xã hội, có nhiều giải pháp, nhưng trước mắt phải thực hiện những giải pháp cơ bản sau:

Một là, xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với chế độ dân chủ, kinh tế, văn hóa phát triển, kiên quyết xóa bỏ sự độc quyền, đặc quyền đặc lợi. Phát triển chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa thực sự, nhân dân tham gia quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước. Thực hiện tốt phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi. Xóa bỏ sự độc quyền, lũng đoạn trong hoạt động kinh tế, bảo đảm cho mọi người bình đẳng về quyền kinh doanh và làm nghĩa vụ đối với nhà nước và xã hội.

Hai là, huy động các nguồn lực trong nhân dân, xã hội hóa nhiệm vụ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng chương trình xóa đói, giảm nghèo. Ban hành các chính sách nhằm tạo ra những điều kiện cần thiết, giảm dần sự cách biệt giữa các vùng trong nước. Ưu tiên đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển giáo dục, y tế ở các vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây, vùng bị chiến tranh tàn phá và bất lợi về kinh tế.

Ba là, triển khai đồng bộ các bộ phận chống tham nhũng, sử dụng có hiệu quả viện trợ nhân đạo và phát triển (sử dụng đúng mục đích, ngăn chặn tình trạng ăn bớt, ăn chặn...). Thực hiện công bằng trong phân phối và thu nhập theo nguồn phân phối theo lao động. Công khai minh bạch tài sản công và riêng. Tạo ra những cơ hội như nhau cho tất cả các tầng lớp dân cư và cá nhân phát huy tài năng, tham gia vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Bốn là, khắc phục và hạn chế các khuyết tật của kinh tế thị trường về phân tầng xã hội và phân hóa giàu nghèo, tạo điều kiện cho những người thiệt thòi có điều kiện vươn lên hòa nhập với cộng đồng. Tạo lập nếp sống văn minh, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Hiệu quả của công bằng xã hội là ổn định xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Để thực hiện chính sách xã hội đúng mục tiêu, đối tượng và hiệu quả, phải có những điều kiện bảo đảm ở mức cần thiết để chính sách xã hội đi vào cuộc sống. Chính sách xã hội đang được Đảng và Nhà nước ta đề ra trong kế hoạch hóa bằng các chương trình, dự án có mục tiêu, hình thành các quỹ xã hội, phát huy vai trò sức mạnh của cộng đồng, của cơ sở và các tổ chức xã hội, phát triển hệ thống sự nghiệp hoặc dịch vụ xã hội, tăng cường lực lượng cán sự xã hội... nhằm mang lại cho nhân dân ta ngày càng có đời sống công bằng nhiều hơn, đầy đủ hơn, tốt đẹp hơn.
 
 

 

* GS, TS, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh