TCCS - Thời gian qua, mặc dù Chính phủ có nhiều nỗ lực để triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về “tăng trưởng xanh” nhưng trên thực tế vẫn còn những hạn chế cần được nhìn nhận một cách khách quan. Thấy rõ thực tế mô hình “tăng trưởng xanh” ở Việt Nam chưa đạt yêu cầu, từ đó tìm ra những giải pháp khắc phục là việc cấp thiết hiện nay.

Chiến lược quốc gia về “tăng trưởng xanh”

Thực hiện Chiến lược quốc gia về “tăng trưởng xanh” theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25-9-2012, phê duyệt chiến lược quốc gia về “tăng trưởng xanh” và Quyết định số 403/QĐ-TTg, ngày 20-3-2014 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về “tăng trưởng xanh” giai đoạn 2014 - 2020, các cấp thuộc Hội Nông dân Việt Nam đã tích cực phối hợp với các cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội triển khai phổ biến cho cán bộ, đảng viên, hội viên và toàn thể nhân dân về việc phát triển nền “kinh tế xanh” “là phát triển một nền kinh tế nâng cao đời sống con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái”(1); “Tăng trưởng xanh là bảo đảm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn bảo đảm rằng tự nhiên vẫn có đủ năng lực cung cấp nguồn lực sản xuất và vẫn duy trì môi trường sống”(2). Chiến lược quốc gia về “tăng trưởng xanh” thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 được triển khai đã thúc đẩy quá trình cấu trúc lại và từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo yêu cầu sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ, công cụ kinh tế, góp phần ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, lũ quét, nước biển dâng, xâm nhập mặn, gió bão, hạn hán, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững.

“Tăng trưởng xanh” được nhận thức là một nội dung quan trọng của phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nhanh, hiệu quả, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, do con người và vì con người, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, dựa trên khoa học - công nghệ hiện đại và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí gây “hiệu ứng nhà kính” thông qua ứng dụng công nghệ tiên tiến, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường để kích thích tăng trưởng kinh tế. Đảng, Nhà nước ta xác định mục tiêu cụ thể của Chiến lược “tăng trưởng xanh” là cấu trúc lại và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng “xanh hóa” các ngành hiện có và khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao; ứng dụng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn nữa tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí gây “hiệu ứng nhà kính”, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao đời sống của nhân dân, xây dựng lối sống mới thân thiện với môi trường, tạo nhiều “việc làm xanh” từ các ngành “công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ xanh”, đầu tư vào vốn tự nhiên và phát triển “kết cấu hạ tầng xanh”; nhất là bảo vệ và phát triển rừng theo hướng đa dạng sinh học để tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân ở miền núi; trong hóa và sạch hóa tất cả hệ thống sông suối vì cuộc sống của đồng bào các dân tộc cả nước.

Sự tăng trưởng kinh tế đáng ghi nhận trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng đã đưa Việt Nam từ một quốc gia kém phát triển trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, quá trình tăng trưởng kinh tế đồng thời gây ảnh hưởng tiêu cực tới hệ sinh thái trên diện rộng, trong điều kiện nước ta bị tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, lũ quét, nước biển dâng, xâm nhập mặn, làm xáo trộn đời sống định canh, định cư của người dân. Thực trạng đó cho thấy, tăng trưởng kinh tế chưa gắn với khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên quan trọng (đất, nước, năng lượng, khoáng sản, thủy sản, lâm sản), hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên thấp và ngày càng thiếu tính bền vững, chưa gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Mức độ ô nhiễm môi trường đất đang có xu hướng tăng lên; môi trường không khí bị ô nhiễm ở mức cao, vượt ngưỡng quy chuẩn cho phép; môi trường rừng bị suy giảm về chất lượng, tuy tỷ lệ che phủ rừng đang đạt khoảng trên 41% nhưng rừng vẫn tiếp tục bị tàn phá; nguồn nước mặt và sông suối ngày càng bị cạn kiệt, nguồn nước ngầm có hiện tượng bị ô nhiễm ngày càng tăng và nhận được lượng mưa ngày càng ít; chất thải rắn ở đô thị và nông thôn chưa được xử lý theo đúng quy định của Nhà nước.

Có thể nói, công tác quy hoạch còn nhiều nhược điểm và thiếu hành động cụ thể trên thực tế. Việc kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu chưa chặt chẽ. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp phù hợp với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn vẫn thiếu giải pháp tích cực. Việc sử dụng năng lượng tái tạo chưa được chú trọng và chỉ thị đóng cửa rừng vẫn chưa có hiệu lực. Cách giải quyết vấn đề an ninh lương thực và phát triển rừng ở miền núi vẫn thiếu những giải pháp đồng bộ. Nhìn chung, cả ngành trồng trọt và ngành chăn nuôi vẫn còn nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình và phần lớn chưa phát triển theo phương thức hiện đại.

Những giải pháp cơ bản để thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về “tăng trưởng xanh”

1- Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành

Trên cơ sở các bộ luật có liên quan đến “tăng trưởng xanh” được Quốc hội ban hành, Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp phải phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các hiệp hội ngành hàng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành và địa phương theo yêu cầu khai thác hợp lý, bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên của đất nước.

Đảng, Nhà nước ta xác định hệ thống quy hoạch quốc gia gồm có quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Quy hoạch cấp quốc gia gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia. Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Trong đó, quy hoạch sử dụng đất quốc gia bao gồm đất, nước, khoáng sản, thủy sản, lâm sản, năng lượng có vai trò quan trọng nhất bởi liên quan trực tiếp đến đời sống của mọi công dân. Vì vậy, trên cơ sở nhu cầu thị trường và lợi thế từng vùng, cần sử dụng tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả, duy trì diện tích đất trồng lúa hợp lý, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trước mắt và lâu dài, đẩy mạnh tiến độ quy hoạch sản xuất nông nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng theo phương thức hiện đại, bảo vệ an toàn nông sản thực phẩm và bảo vệ môi trường.

2- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực hiện “tăng trưởng xanh”

Tập trung, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện Chiến lược quốc gia về “tăng trưởng xanh”, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế và các doanh nghiệp, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và hội viên Hội Nông dân Việt Nam.

Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân và cộng đồng doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05-8-2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 01-11-2016, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời với việc Chính phủ đẩy mạnh thể chế, cụ thể các nghị quyết của Đảng thành Luật Lâm nghiệp, Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi và tích cực sửa đổi, bổ sung một số điều về quy hoạch tại các luật khác, cần tăng cường công tác thông tin và truyền thông, tuyên truyền và vận động trực tiếp dưới nhiều hình thức để đem lại nhận thức đầy đủ cho người dân về lợi ích của “tăng trưởng xanh” trong nông nghiệp và thực hiện một cách đồng thời các biện pháp “xanh hóa” sản xuất nông nghiệp, “xanh hóa” tiêu dùng trong hộ gia đình và “xanh hóa” lối sống ở nông thôn.

Cần tuyên truyền, vận động nông dân và các doanh nghiệp phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản thực phẩm theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ trong cả nước và nước ngoài, nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất mới, hiệu quả và chuyển mạnh từ sản xuất theo từng hộ gia đình riêng lẻ sang quy mô sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung quy mô lớn. Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 3-6-2017, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cần được tập trung thể chế hóa, cụ thể hóa và tuyên truyền sâu rộng nhằm khuyến khích, thu hút mạnh các doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ với Hội Nông dân để thành lập công ty đầu tư phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng đa dạng hóa sinh học.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu nông sản, lâm sản, dược sản, ngư sản Việt Nam với chính sách hỗ trợ phù hợp để phát triển và tiêu thụ đối với các sản phẩm xuất khẩu thuộc lĩnh vực trồng trọt (lúa, cà-phê, điều, rau quả, cao-su, sắn, hồ tiêu) nói riêng và 814 giống cây trồng nông nghiệp nói chung được phép sản xuất, kinh doanh. Xây dựng được thương hiệu đồng nghĩa với chỉ dẫn địa lý chính xác và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm thật rõ ràng, tạo niềm tin cho khách hàng và người tiêu dùng, như vậy mới có thể giúp doanh nghiệp nông nghiệp và người dân nâng cao thu nhập. Trong quá trình đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải thực hiện tốt công tác dân vận và năm bước công tác “điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, hành động” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quá trình chuyển đổi căn bản cấu trúc kinh tế truyền thống (“kinh tế nâu” với mục tiêu chú trọng quá mức đến tăng trưởng mà không tính đến sự hao phí tài nguyên thiên nhiên, nhất là suy kiệt rừng, nguồn nước, hủy hoại môi trường tự nhiên và môi trường sống, dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội) sang phát triển “kinh tế xanh”, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, nhất là Hội Nông dân Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phải chuyển đổi căn bản nhận thức theo hướng thực hiện toàn diện, đồng bộ trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, rộng khắp trên phạm vi cả nước. Hội Nông dân Việt Nam cần chủ động, tích cực tham gia và vận động nông dân thực hiện có hiệu quả quá trình này bằng công tác thông tin, truyền thông dưới nhiều hình thức với một kế hoạch trung hạn của các cấp Hội Nông dân để đem lại hiệu ứng tích cực từ hội viên Hội Nông dân đến toàn thể nhân dân. Việc tuyên truyền, tập huấn và tham quan để nâng cao kiến thức về “tăng trưởng xanh” cho cán bộ, công chức, viên chức, hội viên Hội Nông dân là phương thức hoạt động cấp bách của Hội Nông dân Việt Nam trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Chiến lược quốc gia về “tăng trưởng xanh”.

3- Thực hiện “xanh hóa” sản xuất nông nghiệp

Theo định nghĩa của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), “tăng trưởng xanh” trong nông nghiệp là việc tăng cường sử dụng các biện pháp và công nghệ canh tác nông nghiệp một cách hợp lý, đồng thời nhằm tăng năng suất và lợi nhuận nông nghiệp, trong khi vẫn bảo đảm cung cấp lương thực trên cơ sở bền vững; giảm ngoại tác tiêu cực và hướng đến ngoại tác tích cực; sử dụng và phát triển hợp lý nguồn tài nguyên sinh thái bằng cách giảm ô nhiễm và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Còn theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), “nông nghiệp xanh” là hướng tới mô hình phát triển nông nghiệp với duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; nâng cao thu nhập và bảo đảm an ninh lương thực; giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, giảm phát thải khí gây “hiệu ứng nhà kính”; phục hồi các hệ sinh thái và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Từ nhận thức ấy, “xanh hóa” sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, làm thay đổi cơ cấu sản xuất và tiêu dùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao và nâng cao đời sống cho người dân, do đó hội viên Hội Nông dân và mỗi người dân sẽ đồng tình hưởng ứng cuộc vận động này. Mỗi cán bộ và hội viên Hội Nông dân sẽ là một tuyên truyền viên tích cực và làm gương có hiệu quả để lôi cuốn toàn dân, tạo dựng mô hình cho người dân học và làm theo mô hình “xanh hóa” sản xuất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm tự nhiên - xã hội của từng vùng.

Cần triển khai các nội dung chủ yếu của “xanh hóa” sản xuất nông nghiệp và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước của nông dân về giảm tiêu hao năng lượng, giảm chất thải rắn và giảm phát thải khí gây “hiệu ứng nhà kính” trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sử dụng tiết kiệm và tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên; phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội ngành, nghề nông nghiệp xây dựng các đề án, dự án về “xanh hóa” sản xuất nông nghiệp (Khung chính sách về “xanh hóa” sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, chính sách sản xuất phân bón hữu cơ và các loại thức ăn chăn nuôi giàu dinh dưỡng, chính sách phát triển rừng theo hướng đa dạng hóa sinh học và rừng kinh tế, chính sách hỗ trợ lương thực đối với đồng bào định canh, định cư ở vùng núi cao và vùng lòng hồ, chính sách khai thác và sử dụng các nguồn nước; tham gia rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp và các phân ngành theo các chuyên ngành luật (Luật Quy hoạch, Luật Lâm nghiệp, Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật Bảo vệ môi trường,...) nhằm bảo đảm phát triển ngành bền vững và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát ô nhiễm và quản lý được chất thải một cách chặt chẽ; cùng hội viên Hội Nông dân và các tổ chức Hội Nông dân cơ sở xây dựng mô hình mẫu về “nông nghiệp xanh”, nhân rộng các mô hình tiên tiến và hỗ trợ thực hiện có hiệu quả các mô hình sản xuất “nông nghiệp xanh”; tích cực góp ý kiến xây dựng và vận động thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án quốc gia về sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất và nước, phục hồi và phát triển các nguồn vốn tự nhiên.

4- Tuyên truyền, vận động sử dụng và tiêu thụ các “sản phẩm xanh”

Trong thời gian tới, để góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy xu hướng “xanh hóa” tiêu dùng của các hộ gia đình ở nông thôn, Ban Chấp hành Trung ương Hội và các cấp hội cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hội viên Hội Nông dân về những lợi ích của “tiêu dùng xanh”, thay đổi thói quen mua sắm và hành vi tiêu dùng; kiến nghị và phối hợp với các cơ quan nhà nước sớm xây dựng các chính sách về kích thích “tiêu dùng xanh” và thúc đẩy “xanh hóa” tiêu dùng, vận động nông dân thực hiện, như sử dụng điện và nước tiết kiệm, sử dụng bể biogas và pin mặt trời, sử dụng các thiết bị y tế và nhà bếp bằng cách phát động phong trào “hộ gia đình nông thôn tiết kiệm năng lượng và xây dựng “công trình xanh”, phong trào “mỗi xã một sản phẩm” và “mỗi hộ gia đình là một đơn vị sản xuất nông sản thực phẩm an toàn”.

5- Tuyên truyền, vận động thực hiện “xanh hóa” lối sống, phong cách và hành vi sống thân thiện với môi trường

Bên cạnh “xanh hóa” sản xuất, “xanh hóa” tiêu dùng, “xanh hóa” lối sống cũng là một trong những cách thức cần thiết để đạt tới một nền “kinh tế xanh”. “Xanh hóa” lối sống là cách thức để đạt tới “lối sống xanh”, lối sống bền vững, biết cách thức hành động và tiêu dùng của cộng đồng để bảo đảm đáp ứng nhu cầu cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên và giảm mức phát thải cũng như gây ô nhiễm, vì thế hệ hôm nay và tương lai. Theo Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), lối sống là một trong những nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng tới mức độ phát thải khí gây “hiệu ứng nhà kính”; khả năng thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sinh kế, lối sống, hành vi và văn hóa. Các nghiên cứu của IPCC cũng xác định khí gây “hiệu ứng nhà kính” có thể giảm đáng kể khi thay đổi thói quen tiêu dùng, thay đổi khẩu phần ăn và giảm thiểu chất thải từ thực phẩm. Do vậy, để có một “nền kinh tế xanh”, thì mỗi người dân phải có “lối sống xanh”, thân thiện với môi trường. Chiến lược quốc gia về “tăng trưởng xanh” của Việt Nam xác định “xanh hóa” lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững là “sự kết hợp nếp sống tốt đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại để tạo nên đời sống tiện nghi, chất lượng cao mang đậm đà bản sắc dân tộc cho xã hội Việt Nam”.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, Ban Chấp hành Trung ương Hội và các cấp Hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho hội viên và các hộ gia đình ở nông thôn về “xanh hóa” lối sống và các lợi ích của “xanh hóa” lối sống; tích cực thực hiện các phong trào sử dụng tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả, thực hiện vệ sinh môi trường tại các hộ gia đình và mỗi gia đình đều có nhà vệ sinh; không thải rác bừa bãi và không nuôi gia súc, gia cầm trong nhà ở; phát động phong trào “3T” là tiết kiệm, tái chế, tái sử dụng đến từng hội viên Hội Nông dân; tham gia, phối hợp và góp sức xây dựng các quy hoạch nông thôn theo tiêu chuẩn và có môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh; xây dựng thôn, bản, nhà ở sinh thái phù hợp với điều kiện khí hậu, phong tục tập quán, lối sống của từng dân tộc và hỗ trợ thực hiện các mô hình sản xuất theo chu trình sinh thái khép kín, các mô hình nhà ở và mô hình xử lý chất thải làng nghề; tham gia nghiên cứu, cung cấp giải pháp xây dựng công trình kinh tế và dân sinh ở nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay./.

-------------------------------------------

(1) Định nghĩa trong Báo cáo nghiên cứu (năm 2010) về Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP)
(2) Định nghĩa của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD)