Di sản văn hóa - nguồn tài nguyên, động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh
Tỉnh Quảng Ninh được ví như một Việt Nam thu nhỏ. Sở hữu những điều kiện tự nhiên thuận lợi, vùng đất Quảng Ninh sớm trở thành nơi quần cư của nhiều cộng đồng cư dân. Sự quần cư của nhiều thế hệ cư dân đã kết tinh giá trị vật chất và tinh thần, bồi đắp nên những trầm tích văn hóa, phản ánh lịch sử lâu dài của vùng đất này. Trầm tích văn hóa đậm đặc gắn với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và đa sắc màu, với núi, biển, sông hồ,… tạo nên những di tích, danh thắng chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa, cảnh quan, phản ánh lối ứng xử và sự thích nghi với môi trường tự nhiên của các cộng đồng cư dân Quảng Ninh.
Di sản văn hóa Quảng Ninh là sự kết tinh các giá trị vật chất và tinh thần của các thế hệ con người Quảng Ninh và trở thành tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc tỉnh Quảng Ninh nói riêng, của quốc gia nói chung. Di sản văn hóa là biểu tượng của sự trường tồn, đồng thời là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai; là động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hiện nay, di sản văn hóa không chỉ được nhấn mạnh ở khía cạnh giá trị là tài sản văn hóa, thể hiện bản sắc và sự kế tục mà hơn hết, di sản là nền tảng, cầu nối và là nguồn tài nguyên, động lực phát triển bền vững của xã hội. Sở hữu hơn 600 di tích, trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt, 1 di sản thiên nhiên thế giới, là nguồn tài nguyên và động lực quan trọng góp phần hiện thực hóa chuyển đổi mô hình phát triển từ nâu sang xanh của tỉnh Quảng Ninh.
Những giá trị tiêu biểu trong di sản văn hóa của tỉnh Quảng Ninh
Theo thống kê công bố năm 2020, tỉnh Quảng Ninh có 1 di sản thiên nhiên thế giới là Vịnh Hạ Long; 632 di tích, danh thắng được công nhận là di tích các cấp và được kiểm kê, trong đó có 5 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 54 di tích cấp quốc gia, 85 di tích cấp tỉnh và 488 di tích nằm trong danh mục kiểm kê(1). Với hơn 600 di sản vật thể, 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương sở hữu nhiều di sản nhất của cả nước. Không chỉ có số lượng di sản lớn mà hơn hết, tỉnh là một trong những địa phương có nhiều di sản lớn (quần thể di tích) chứa đựng nhiều giá trị vật chất và tinh thần tiêu biểu, phản ánh lịch sử, văn hóa của dân tộc, như Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều, Quần thể di tích danh thắng Yên Tử, Khu di tích Bạch Đằng, Di tích Cửa Ông - Cặp Tiên, Di tích thương cảng Vân Đồn,…; loại hình di tích phong phú, bao gồm: di tích danh thắng, di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, di tích cách mạng,…
Minh chứng về quê hương của triều đại văn trị và võ công trong lịch sử dân tộc
Tỉnh Quảng Ninh là quê gốc nhà Trần, là một trong 3 trung tâm văn hóa của Đại Việt thời Trần (1226 - 1400), triều đại văn trị, võ công hiển hách bậc nhất trong lịch sử của dân tộc. Dưới thời Trần, nếu Thăng Long là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa; Thiên Trường - Long Hưng là trung tâm chính trị (Phủ Thiên Trường), văn hóa, tín ngưỡng thì An Sinh - Đông Triều(2) là trung tâm văn hóa, tín ngưỡng của nhà Trần. An Sinh là nơi nhà Trần xây dựng lăng tẩm, đền miếu, cũng là nơi khởi phát và là kinh đô của Phật giáo Trúc Lâm.
Bên cạnh tư liệu thành văn, hệ thống di tích đền, miếu, lăng tẩm nhà Trần tại Đông Triều là minh chứng sống động và chân xác nhất khẳng định Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) là quê gốc của nhà Trần.
Hệ thống lăng tẩm các vua Trần gồm 7 lăng là nơi an táng và thờ phụng 8 vị vua: Tư Phúc lăng là nơi thờ thần vị vua Trần Thánh Tông và vua Trần Thái Tông; Thái lăng là nơi an táng vua Trần Anh Tông và hoàng hậu Thuận Thánh Bảo Từ; Mục lăng là nơi an táng vua Trần Minh Tông; Ngải Sơn lăng là nơi an táng vua Trần Hiến Tông; Phụ Sơn lăng là nơi an táng vua Trần Dụ Tông; Nguyên lăng là nơi an táng vua Trần Nghệ Tông và Hy lăng là nơi an táng vua Trần Duệ Tông. Trong số 7 lăng tẩm vua Trần tại Đông Triều thì Thái lăng là lăng đầu tiên được xây dựng (năm 1320), các lăng được xây dựng sau đó là: Mục lăng (năm 1357); Ngải Sơn lăng (năm 1344); Phụ Sơn lăng (năm 1369 - 1370), Hy lăng (năm 1377), Tư Phúc lăng (năm 1381). Nguyên lăng là lăng cuối cùng được xây dựng tại đây (năm 1394).
Nhà Trần có hai khu lăng tẩm, khu lăng tẩm thứ nhất ở phủ Long Hưng nay thuộc địa bàn huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình và khu thứ hai tại An Sinh nay thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Khu lăng tẩm tại Long Hưng được khởi dựng vào năm Giáp Ngọ (năm 1234), gồm 4 lăng: Thọ lăng (sau đổi gọi là Hy lăng) của vua Trần Thái tổ Trần Thừa; Chiêu lăng của vua Trần Thái Tông Trần Cảnh; Dụ lăng của vua Trần Thánh Tông Trần Hoảng; Đức lăng của vua Trần Nhân Tông Trần Khâm và hoàng hậu. Từ năm 1320, vua Trần Anh Tông chọn An Sinh thay cho Long Hưng để làm nơi xây dựng lăng tẩm, các vua tiếp sau cũng chọn đất An Sinh là nơi xây dựng lăng tẩm của mình. Việc chọn An Sinh làm nơi xây dựng lăng tẩm là thể hiện tư tưởng “lá rụng về cội”, bởi An Sinh là quê gốc của nhà Trần. Năm 1381, lăng tẩm các vua ở Long Hưng được di dời về An Sinh, việc di dời lăng tẩm từ Long Hưng về An Sinh vừa để tránh sự phá hoại của quân Chăm-pa, đồng thời cũng là sự tiếp nối và hoàn thiện nguyện vọng “lá rụng về cội” đó.
Trải qua thời gian và những biến thiên của lịch sử, hầu hết lăng tẩm các vua Trần tại An Sinh chỉ còn là phế tích. Tuy nhiên, những cuộc khai quật, nghiên cứu khảo cổ học đã cho phép nhận diện cấu trúc, quy mô và những giá trị tiêu biểu của lăng tẩm các vua Trần. Theo đó, lăng tẩm các vua Trần ở Đông Triều được quy hoạch và xây dựng trên khu vực có địa thế và cảnh quan đẹp theo quan niệm phong thủy phương Đông, với hậu chẩm có núi cao, minh đường tụ thủy, tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ. Cấu trúc lăng tẩm được xây dựng theo hai mô hình: lăng tẩm mô phỏng Mandala và lăng tẩm mô phỏng cấu trúc đô thành. Cấu trúc và quy mô của lăng tẩm thể hiện tư tưởng lấy cao to thể hiện vị trí, đẳng cấp; dùng vật chất để thể hiện và truyền đạt quan niệm về vũ trụ quan. Đặc trưng nổi bật của tẩm điện trong lăng tẩm thời Trần là “đăng đối, hướng tâm và đa tầng. Chính tẩm được đặt ở giữa trên cấp nền cao nhất, bao quanh Chính tẩm là sân, tiếp đến là lớp kiến trúc kết nối liên hoành bao quanh Chính tẩm. Chính tẩm, nơi đặt bài vị có cấu trúc giống như Phật điện (Saitya)”(3).
Hệ thống đền, miếu của nhà Trần hiện còn lại là đền An Sinh và Thái miếu. Những kết quả khai quật và khảo cổ học được tiến hành tại An Sinh và Thái miếu cho thấy, Thái miếu của nhà Trần tại Đông Triều do An Sinh vương Trần Liễu xây dựng khi ông làm vương của vùng đất An Sinh. Sau khi An Sinh vương mất, nhà Trần tiếp tục duy trì thờ phụng, các vua Trần sau khi mất cũng được thờ phụng trong Thái miếu tại Đông Triều. Đến khoảng thế kỷ XV, sau thời gian dài không được thường xuyên chăm sóc, Thái miếu bị mai một, việc thờ tự các vua Trần được rước về thờ tại đền An Sinh. Đầu thế kỷ XX, trên nền cũ của Thái miếu, dân làng Đốc Trại (nay là làng Trại Lốc) cho dựng ngôi đình thờ các vua nhà Trần là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông và Trần Nghệ Tông làm thành hoàng của làng. Năm 2016, di tích Thái miếu được tu bổ và tôn tạo theo điển chế thờ tự Thái miếu. Hiện nay, Thái miếu nhà Trần tại Đông Triều là nơi thờ phụng 18 vị, bao gồm 4 vị được nhà Trần tôn phong làm hoàng đế (Mục tổ hoàng đế Trần Kinh; Ninh tổ hoàng đế Trần Hấp, Nguyên tổ hoàng đế Trần Lý) và 14 vị vua, trong đó có 12 vị vua triều Trần (Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông, Trần Thuận Tông, Xương Phù đế(4) và Kiến Tân đế(5) và 2 vị vua thời Hậu Trần (Trùng Quang đế và Giản Định đế).
Đền An Sinh vốn là điện An Sinh, phủ đệ của An Sinh vương Trần Liễu. Khi An Sinh vương mất, nhà Trần tiếp thu và sử dụng phủ đệ này như một hành cung. Dưới thời Lê Trung hưng, Thái miếu và tẩm điện tại các lăng vua Trần bị mai một, triều đình nhà Lê cho tu bổ, tôn tạo điện An Sinh làm nơi thờ phụng An Sinh vương và 4 vị vua Trần (Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Dụ Tông và Trần Nghệ Tông)(6), vì vậy, đền còn được gọi là đền Ngũ vị hoàng đế triều Trần (đền thờ năm vị hoàng đế triều Trần)(7). Đến thời Nguyễn, các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông được rước về thờ tại An Sinh, từ đó đền đổi gọi là đền Bát vị hoàng đế triều Trần (đến thờ tám vị hoàng đế triều Trần). Từ năm 1997, đền An Sinh được tu bổ, tôn tạo cảnh quan, sân vườn; nội dung thờ tự cũng được điều chỉnh. Theo đó, các vua Trần được thờ ở Hậu cung, Trần Hưng Đạo, An Sinh vương và phu nhân được thờ tại Trung đường. Đền cũng có một phòng trưng bày giới thiệu chung về di sản văn hóa nhà Trần tại Đông Triều và khu trưng bày, bảo quản một số di vật tiêu biểu của di tích. Lễ hội Thái miếu và lễ hội đền An Sinh hằng năm được tổ chức từ ngày 18 đến ngày 20-1 và từ ngày 20 đến ngày 22-8 (âm lịch), với nhiều hoạt động lễ và hội trang nghiêm, sôi động.
Nơi lưu giữ những chiến công, là biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc không chịu làm nô lệ, không chịu mất nước
Là miền địa đầu của Tổ quốc, “lá chắn” ở biên cương, với lợi thế “địa hình núi non tạo nên thành lũy, có sông dài uốn lượn tạo nên thắng địa. Đường thủy thông nhau, nối liền các trấn thành, sông khu cầu tháp là nơi người và vật tụ hội”, vùng đất Quảng Ninh là nơi hội tụ cư dân, đầu mối giao thông, nơi khởi phát phong trào yêu nước, chiến khu nuôi dưỡng và bảo vệ lực lượng,… nhưng cũng là cửa ngõ xâm nhập của những đoàn quân xâm lược, là chiến trường đọ sức chống lại những đoàn quân xâm lược. Vì vậy, Quảng Ninh là mảnh đất ghi dấu nhiều chiến công hiển hách, như dòng sông và cửa biển Bạch Đằng, là nơi khởi phát phong trào công nhân đầu thế kỷ XX, đệ tứ chiến khu trong kháng chiến chống thực dân Pháp,...
Trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta, sông Bạch Đằng từng ba lần chứng kiến quân và dân ta chiến thắng oanh liệt quân xâm lược: năm 938 của Ngô Quyền; năm 981 của Lê Hoàn và đỉnh cao là chiến thắng năm 1288 của nhà Trần. Sông Bạch Đằng đã trở thành dòng sông lịch sử, cọc Bạch Đằng cũng trở thành biểu tượng truyền thống đánh giặc ngoại xâm bằng đường thủy của dân tộc Việt Nam. Những dấu vết vật chất của chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 đã và đang được phát hiện, nghiên cứu, trong đó tiêu biểu nhất là dấu vết của các trận địa cọc. Bên cạnh các di tích bãi cọc là những di tích đền, miếu, nơi thờ phụng những người góp công sức trong trận chiến năm 1288 nằm dọc tả ngạn sông Bạch Đằng - Đá Vách, kéo dài từ thị xã Quảng Yên qua thành phố Uông Bí ngược đến thị xã Đông Triều.
Tại địa bàn thị xã Quảng Yên có nhiều di tích tiêu biểu, một số di tích đã được công nhận là di tích cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt như:
Bãi cọc Yên Giang: Ở vị trí cửa sông Chanh - một chi lưu của sông Bạch Đằng, thuộc phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên. Bãi cọc được phát hiện năm 1953, khai quật vào các năm 1958, 1969, 1976, 1984, 1988, tại đây đã phát hiện hàng trăm cọc gỗ.
Bãi cọc Đồng Vạn Muối: Ở vị trí cửa sông Rút - một nhánh của sông Bạch Đằng, thuộc phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, phát hiện năm 1958, khai quật năm 2005. Các cuộc khai quật tại Đồng Vạn Muối năm 2005 đã phát hiện tổng cộng 38 cọc gỗ trong 4 hố đào, 13 cọc lộ thiên trong các ruộng lúa và đầm nước phía nam doi đất xung quanh khu vực khai quật. Cọc xuất lộ ở độ sâu từ 140 đến 170cm, có cọc xuất lộ ở độ sâu 237cm. Mật độ cắm cọc rất dày, phổ biến cách nhau từ 40 đến 60cm, đặc biệt, một số cọc chỉ cách nhau khoảng từ 10 đến 30cm thường lệch và xen kẽ. Kích thước cọc thường không lớn, đường kính từ 7 đến 102cm, phần chân đẽo nhọn cao từ 25 đến 30cm.
Bãi cọc Đồng Má Ngựa: Ở vị trí cửa sông Kênh, sát với sông Rút, thuộc phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, phát hiện và khai quật lần đầu năm 2005, khai quật lần thứ hai năm 2010. Đợt khai quật năm 2005 phát hiện 23 cọc, nhô lên từ 10 đến 30cm so với bề mặt đáy ao, đường kính cọc không đồng đều, một số lớn từ 15 đến 30cm, nhiều cọc được cắm kiểu chéo cánh xẻ. Cuộc khai quật lần thứ hai năm 2010 đã phát hiện 58 cọc.
Bên cạnh di tích chiến trường là những bãi cọc đã được phát hiện, khu di tích chiến thắng Bạch Đằng còn có nhiều di tích kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo là các đình, đền được xây dựng ngay trên khu vực chiến trường nhằm tưởng niệm và ghi nhớ công đức của những người đã đóng góp công sức trong chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 như: đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, bến Đò Rừng, đền Trung Cốc, đình Trung Bản, đình Yên Giang, đình Đền Công.
Nơi lưu giữ thánh tích phản ánh hành trình xuất gia, tu hành, thành đạo và hóa Phật của vua Phật Việt Nam, kinh đô của Phật giáo Trúc Lâm
Năm 1299, Thượng hoàng Trần Nhân Tông - vị vua thứ ba của nhà Trần, rời bỏ cung Trùng Quang, phủ Thiên Trường về Yên Tử, lập thảo am trên ngọn Tử Tiêu, chính thức xuất gia tu hành theo Phật, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà (sau đổi thành Trúc Lâm đại sĩ). Sau thời gian chuyên tâm tu hành, đắc đạo, Trúc Lâm đại sĩ xuống núi đi khắp xóm làng khuyên nhủ dân chúng từ bỏ tà đạo, tin vào chính pháp, thực hành thập thiện; thuyết pháp, độ tăng, tổ chức tăng đoàn, kết lập tông phái Trúc Lâm, trở thành tổ thứ nhất của thiền phái Trúc Lâm. Ông truyền giảng triết lý vui đạo giữa đời, không rời thế gian, sống giữa trần tục mà vẫn trong sáng. Năm 1304, trong chuyến du hành thuyết pháp, khi đi đến sông Nam Sách, Trúc Lâm đại sĩ gặp gỡ và tiếp nhận Kiên Cương, đặt hiệu là Pháp Loa - người mà sau này được ông truyền y, bát và trở thành tổ thứ hai của thiền phái Trúc Lâm. Tháng 7-1305, ông lên Bảo Đài, dựng thảo am tại ngọn Vân Phong, am nhỏ gọi là Ngọa Vân am. Tháng 11-1308, Trúc Lâm đại sĩ an nhiên hóa Phật ở tư thế sư tử nằm tại am Ngọa Vân, kết thúc trọn vẹn hành trình xuất gia tu hành, thành đạo, giảng pháp, độ tăng và hóa Phật của Trúc Lâm đại sĩ. Sau khi Trúc Lâm đại sĩ hóa Phật, Pháp Loa hỏa thiêu nhục thể thu hơn 3000 viên xá lị, vua Trần Anh Tông từ Thăng Long đến Ngọa Vân làm lễ, tôn xưng là “Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật”. Một phần xá lị được an trí trong bảo tháp Phật hoàng tháp tại Ngọa Vân, số còn lại được vua Trần Anh Tông rước về an trí tại bảo tháp chùa Tư Phúc trong hoàng cung Thăng Long, sau đó xá lị được phân phát đi các nơi. Tại Quảng Ninh, ngoài Ngọa Vân, xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông còn được an trí tại Huệ Quang kim tháp (tức tháp Tổ) chùa Hoa Yên và bảo tháp chùa Quỳnh Lâm.
Hành trình xuất gia, tu hành đắc đạo, giảng pháp độ tăng, an nhiên hóa Phật ở thế sư tử nằm và phân phát xá lị của Trúc Lâm Điều Ngự Phật Hoàng Trần Nhân Tông mô phỏng quá trình xuất gia tu hành, thành đạo, hóa Phật và phân phát xá lị của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Những địa điểm đánh dấu quá trình này là những thánh tích. Vân Tiêu, Vân Yên (Hoa Yên), Ngọa Vân và những nơi an trí xá lị là nơi lưu dấu thánh tích, ghi dấu cuộc đời tu hành, thành đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông, trong hành trình ấy, Yên Tử là nơi xuất gia, thành đạo và Ngọa Vân là nơi kết thúc trọn vẹn hành trình đắc đạo. Cùng với hệ tư tưởng vui đạo giữa đời, hình ảnh một vị minh quân từ bỏ lầu son gác tía tu hành thành Phật có sức cảm hóa to lớn đối với bách gia trăm họ. Hành hương về thánh tích là cách để cảm nhận và nhất tâm hướng đến đức Phật. Do vậy, Ngọa Vân, Yên Tử là nơi tu hành, thánh địa của Phật giáo Việt Nam.
Cửa ngõ giao thương
Với vị trí địa chiến lược, thông thủy bộ kết nối vùng biển với lục địa và kinh thành Thăng Long hết sức thuận tiện, vùng đất Quảng Ninh từ rất sớm đã là cửa ngõ giao thương của Việt Nam, là nơi đón nhận và hội nhập nhiều yếu tố văn hóa từ bên ngoài.
Năm Đại Định thứ 10 (năm 1049), vua Lý Anh Tông cho lập trang Vân Đồn làm nơi thuyền buôn các nước đến buôn bán. Việc buôn bán ở Vân Đồn do nhà nước kiểm soát, khách buôn ở Vân Đồn gồm thuyền buôn đến từ nhiều nước, như Trung Hoa(8), Xiêm, Java và Lộ Lạc(9). Các mặt hàng được trao đổi tại Vân Đồn hết sức phong phú, đa dạng và theo mùa. Thuyền buôn nước ngoài mang đến đây nhiều mặt hàng: thuyền buôn Trung Hoa mang đến tơ lụa, đồ sứ, thuốc bắc; thuyền buôn các nước khác chủ yếu là mang cống phương vật, hoặc dị vật. Thuyền này chủ yếu đến Vân Đồn để ăn hàng hơn là mang hàng đến đây để trao đổi. Các mặt hàng mà Đại Việt cung cấp cho khách buôn các nước gồm: các loại lâm, thổ sản; đồ gốm sứ, sành, tơ lụa và đặc biệt là ngọc trai, đồi mồi. Từ Vân Đồn, khách buôn ngoại quốc được cấp phép có thể vào sâu trong nội địa và vào Thăng Long. Do đó, Vân Đồn vừa là cửa ngõ của Thăng Long, kết nối Thăng Long, Đại Việt với bên ngoài nhưng đồng thời cũng là “người gác cổng” từ xa của Thăng Long.
Những giá trị tinh thần được hun đúc và kết tinh qua nhiều thế hệ
Bên cạnh di sản văn hóa vật thể, tỉnh Quảng Ninh còn sở hữu một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể bao gồm nhiều loại hình khác nhau. Theo thống kê chưa chính thức, toàn tỉnh có trên 200 lễ hội truyền thống. Các lễ hội gắn liền với di tích, danh thắng trên địa bàn. Lễ hội là sinh hoạt văn hóa tổng hợp, kết tinh những giá trị văn hóa tinh thần và vật chất của người dân được hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử. Lễ hội là một bảo tàng tổng hợp các di sản văn hóa hiện hành trong đời sống đương đại và là chất keo gắn kết quá khứ, hiện tại và tương lai. Thực hành các nghi lễ và các trò trong lễ hội là cách để con người trở về nguồn cội, tưởng nhớ và tri ân công đức của tiền nhân và tôn vinh những vị “Thần” - những lực lượng siêu nhiên và những anh hùng dân tộc đã được thiêng hóa. Trong khoảng thời gian thiêng và không gian thiêng của lễ hội, con người khai phóng tâm tư, tự thể hiện mình, giao lưu “cộng cảm”, “cộng mệnh” và trao truyền đạo lý, tình cảm, khát vọng thúc đẩy tính cố kết cộng đồng, tình yêu quê hương, đất nước, khơi dậy lòng biết ơn, niềm tự hào về nguồn cội dân tộc và lịch sử anh hùng của đất nước.
Tỉnh Quảng Ninh với bề dày lịch sử văn hóa và nơi địa đầu đất nước, là vùng đất của nhiều lễ hội cổ truyền lớn được diễn ra hằng năm trong nhiều ngày tại những di tích lịch sử và danh thắng nổi tiếng, như hội xuân Yên Tử (thành phố Uông Bí), lễ hội chùa Quỳnh Lâm, chùa Ngọa Vân, Thái miếu (thị xã Đông Triều), lễ hội đền Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả). Tại nhiều cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo không có lễ hội cũng tổ chức các nghi lễ thu hút hàng triệu lượt nhân dân và du khách thập phương về tham dự, chiêm bái. Nổi bật và độc đáo nhất trong những giá trị, lợi ích của lễ hội ở tỉnh Quảng Ninh chính là nhóm giá trị và lợi ích về tính cố kết cộng đồng các dân tộc anh em và khẳng định chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải quốc gia.
Lễ hội truyền thống của tỉnh Quảng Ninh là loại hình di sản sống, phong phú, đa dạng, chồng xếp nhiều lớp văn hóa, nhiều hệ thống biểu tượng với vai trò tạo sự hòa hợp, thăng hoa, sự hội tụ tính thiêng với tính nghệ thuật, tính nghi thức, với những giá trị như cố kết cộng đồng, hướng về nguồn cội, cân bằng đời sống tâm linh, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, thẩm mỹ, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc… Theo đó, đã trở thành “thời điểm mạnh” trong cuộc sống cộng đồng và là một nguồn tài nguyên đa lợi ích có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững hiện nay.
Phát huy giá trị di sản văn hóa - nguồn tài nguyên, động lực quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội ở tỉnh Quảng Ninh
Di sản văn hóa là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa hiện tại và tương lai, là nền tảng tạo dựng và phát triển nguồn nhân lực. Một cộng đồng không có quá khứ là một cộng đồng sở hữu một tương lai vô định. Với số lượng phong phú và đa dạng về loại hình, di sản văn hóa là nền tảng vững chắc cho sự phát triển, tạo dựng bản lĩnh con người Quảng Ninh. Với đặc điểm là sự kết tinh các giá trị văn hóa của nhiều thế hệ và được trao truyền liên tục từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hóa góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, tạo dựng giá trị, bản sắc con người từ khi còn nằm trong nôi, tạo dựng bản lĩnh văn hóa trước khi tiếp xúc và giao lưu với các nền văn hóa khác. Trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ và tác động sâu rộng như hiện nay, để trở thành chủ thể văn hóa có bản lĩnh, sáng tạo, hòa nhập mà không bị hòa tan thì trước hết, các chủ thể ấy phải có bản sắc, bản lĩnh văn hóa. Bản lĩnh, bản sắc văn hóa được hun đúc từ sự tiếp thu và kế thừa các giá trị văn hóa thế hệ trước và không ngừng được bồi đắp. Do vậy, xây dựng nguồn lực con người phải bằng và trên nền tảng của văn hóa, trong đó, những giá trị tinh thần và vật chất của tiền nhân đóng vai trò nền tảng đặc biệt quan trọng.
Di sản văn hóa là nguồn tài nguyên phục vụ phát triển bền vững, động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Trong những năm vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, trong đó, dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Cảnh quan thiên nhiên, di sản và danh thắng là nhân tố quan trọng hàng đầu thu hút khách du lịch của tỉnh Quảng Ninh, là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế du lịch, dịch vụ phát triển. Theo thống kê, nguồn nhân lực ở khu vực dịch vụ, du lịch của tỉnh tăng từ 36,7% (năm 2015) lên 41,9% (năm 2020); giai đoạn 2011 - 2015, doanh thu du lịch chiếm 5,1%, đến giai đoạn 2016 - 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng doanh thu du lịch đạt 7,1%, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành là 11,9%/năm(10).
Các thống kê cũng cho thấy, khách du lịch đến với tỉnh Quảng Ninh chủ yếu bao gồm các nhóm: 1- Tham quan cảnh quan khám phá Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; 2- Du lịch văn hóa, tâm linh, trong đó đặc biệt là hành hương về miền thánh tích Phật giáo Trúc Lâm (với các điểm đến tiêu biểu như: Yên Tử, Ngọa Vân, Quỳnh Lâm) và các di tích lịch sử - văn hóa, tâm linh khác, như đền Cửa Ông, di tích Bạch Đằng; 3- Du lịch khám phá cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và văn hóa tộc người tại khu vực huyện Bình Liêu, huyện Tiên Yên; 4- Du lịch thương mại cửa khẩu. Trong 4 nhóm nêu trên, du lịch gắn với di sản văn hóa và thắng cảnh đóng vai trò quan trọng, dư địa để phát triển còn rất lớn. Theo đề án phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh, trong thời gian tới, du lịch theo bốn không gian trọng điểm: Hạ Long, Uông Bí - Đông Triều - Quảng Yên, Vân Đồn - Cô Tô, Móng Cái. Dòng sản phẩm được chú trọng phát triển bao gồm: du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch cộng đồng, sinh thái; du lịch biên giới. Như vậy, trong 4 dòng sản phẩm trọng yếu của tỉnh, có 2 dòng gắn với di sản văn hóa là du lịch văn hóa, tâm linh và du lịch cộng đồng.
Có thể nói, tỉnh Quảng Ninh sở hữu kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng. Giá trị di sản là sự kết tinh các giá trị tinh thần và vật chất trong suốt chiều dài lịch sử, là nguồn tài nguyên quan trọng và bền vững của tỉnh.
Di sản văn hóa là nguồn tài nguyên quan trọng mang tính nền tảng để xây dựng và phát triển con người Quảng Ninh có bản sắc và bản lĩnh, đủ sức xây dựng, phát triển và hội nhập với thế giới. Do vậy, giá trị di sản trước hết là nguồn lực để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tạo lập giá trị tinh thần, xây dựng và phát triển con người, từ đó tạo dựng giá trị vật chất và những giá trị xung quanh nó. Đây là nguồn lực quan trọng cho việc xây dựng trụ cột “con người” và “văn hóa” nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.
Di sản văn hóa còn là nguồn tài nguyên, động lực quan trọng cho phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh Quảng Ninh. Di tích, danh thắng và các giá trị tinh thần của văn hóa, con người Quảng Ninh tạo nên sức hút đối với khách du lịch tìm hiểu và khám phá. Bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di sản là động lực để tỉnh Quảng Ninh đạt được mục tiêu “phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh”./.
-----------------------------
(1) Xem: Quyết định số 3929/QĐ-UBND, ngày 14-10-2020, của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, về việc phê duyệt Danh mục di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
(2) Năm 1237, sau “biến loạn sông Cái”, vua Trần Thái Tông đem đất 5 xã An Phụ, An Dưỡng, An Sinh, An Hưng, An Bang giao cấp cho anh là Trần Liễu làm đất thang mộc và đổi tên gọi vùng đất thang mộc thành An Sinh, đồng thời phong cho Trần Liễu là An Sinh vương. Dưới thời vua Trần Dụ Tông, vùng đất An Sinh đổi tên gọi thành Đông Triều
(3) Nguyễn Văn Anh: Quần thể di tích lăng tẩm các vua Trần tại Đông Triều (Quảng Ninh), Luận án tiến sĩ, 2018, Thư viện Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, LA-V.0055, tr. 182 - 183
(4) Xương Phù là niên hiệu của vua Trần Phế đế
(5) Kiến Tân là niên hiệu của vua Trần Thiếu đế. Theo điển chế, những vua bị phế, không có miếu hiệu thì không được thờ tại Thái miếu. Khi tu bổ tôn tạo Thái miếu nhà Trần, xét thấy việc phụng thờ là thể hiện lễ nghĩa của người đời sau với tiền nhân, xét lễ theo nghĩa nên những vị này được tôn thờ trong Thái miếu
(6) Vào thời gian này, vua Lê, chúa Trịnh cũng cho tu bổ, tôn tạo lăng Tư Phúc và duy trì việc phụng thờ các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông tại lăng Tư Phúc, vua Trần Nhân Tông được thờ tự tại Ngọa Vân cũng thuộc đất An Sinh. Vì vậy, các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông không thờ tại đền An Sinh
(7) An Sinh vương được triều hậu Lê tôn xưng là hoàng đế
(8) Khách buôn Trung Hoa thường được gọi chung là người phương Bắc
(9) Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, t. 2, tr. 131: Năm 1348, “thuyền buôn nước Chà Bà, đến hải trang Vân Đồn mua trộm ngọc trai”; năm 1349, “nước Đại Oa đến cống phương vật và chim vẹt mỏ đỏ biết nói”. Chà Bồ, Đại Oa, Chà Bà đều là phiên âm của Java
(10) Xem: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025
Nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh  (30/09/2023)
Văn hóa biển, đảo - nguồn lực quan trọng cho phát triển nhanh và bền vững tỉnh Quảng Ninh  (30/09/2023)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên