Thời gian qua, văn học, nghệ thuật đã và đang giữ vai trò rất quan trọng trong xây dựng văn hóa, con người Quảng Ninh, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững kinh tế - xã hội của vùng đất tiền tiêu Đông Bắc Tổ quốc.

1- Từ lâu, Quảng Ninh được ví như “nước Việt Nam thu nhỏ” khi hội tụ địa hình đa dạng tiêu biểu của cả nước (biển đảo, đồng bằng, trung du và miền núi) với nhiều đồng bào các dân tộc anh em cùng chung sống. Những điều kiện tự nhiên và xã hội phong phú này đã tạo cho Quảng Ninh không chỉ có những thắng cảnh, di sản thiên nhiên nổi tiếng thế giới mà còn có kho tàng văn hóa rất đặc sắc và đa dạng với hơn 600 di sản văn hóa vật thể (đình, chùa, đền, miếu, danh lam thắng cảnh…) và hơn 2.800 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể (lễ hội, phong tục, tập quán, trò chơi dân gian...). Văn hóa Quảng Ninh được hình thành bởi sự kết hợp hài hòa giữa những tinh hoa văn hóa truyền thống chắt lọc từ nhiều vùng, miền trong cả nước và văn hóa hiện đại ra đời trong cuộc sống công nghiệp với truyền thống “kỷ luật và đồng tâm” của công nhân vùng mỏ.

Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, văn hóa được xác định là thành tố hết sức quan trọng, là nền tảng, mục tiêu và động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh; đồng thời cũng chính là chiếc cầu nối quan trọng để tỉnh Quảng Ninh cùng với cả nước hội nhập, quảng bá hình ảnh với thế giới.

Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh, văn học, nghệ thuật được xác định là một bộ phận quan trọng, tác động trực tiếp đến quan điểm, nhận thức, tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ của các tầng lớp nhân dân, là một trong những động lực to lớn góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của văn hóa, con người Quảng Ninh. Văn học, nghệ thuật Quảng Ninh vừa hòa chung trong dòng chảy với văn học, nghệ thuật dân tộc, vừa có bản sắc độc đáo, phản ánh sâu sắc lịch sử hào hùng của vùng đất địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc và khắc họa rõ nét tâm hồn, trí tuệ con người Quảng Ninh nói riêng và con người Việt Nam nói chung. Thông qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật, đất và người Quảng Ninh hiện lên sống động, tinh tế. Đó là thiên nhiên vừa hùng vĩ, thơ mộng, tươi đẹp với những danh thắng, di sản thế giới (vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long…), vừa gắn với những chiến công hiển hách của lịch sử dân tộc cũng như những nét đặc sắc của văn hóa (chiến địa Bạch Đằng, đỉnh thiêng Yên Tử…). Sinh sống trên mảnh đất ấy là những con người vừa mang nét kiên cường, hào sảng, phóng khoáng, thân thiện và hòa hợp với thiên nhiên của cư dân ven biển, vừa mang nét hiền hậu, sáng tạo, văn minh, đoàn kết, kỷ luật, đồng tâm của văn hóa công nhân vùng mỏ. Người Quảng Ninh còn giàu lòng yêu nước, trọng nghĩa tình, cần cù, chịu thương, chịu khó... Những chất liệu cuộc sống chân thực đó không chỉ đi vào trong các sáng tác văn học, nghệ thuật của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh Quảng Ninh một cách tự nhiên, giàu xúc cảm thẩm mỹ mà còn đi vào cả trong sáng tác của nhiều tác giả yêu mến vùng đất và con người nơi đây.

Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, văn học, nghệ thuật Quảng Ninh luôn có những nét đặc sắc riêng biệt với các tác phẩm giàu giá trị, từ văn học dân gian (với những sáng tác về miền núi và trung du, như Sự tích giống tre mọc ngược, Sự tích đàn đá thần...; sáng tác về vùng duyên hải và hải đảo, như Sự tích đảo Trà Cổ, Vè sửa đình Quan Lạn, Vè Trần Hưng Đạo khao quân...; sáng tác về vùng mỏ, các thể loại truyện kể, ca dao…), đến văn học trung đại với nhiều áng văn, thơ về đất và người Quảng Ninh, và văn học hiện đại với các sáng tác từ đầu thế kỷ XX đến nay, phản ánh sinh động những thăng trầm của lịch sử và công cuộc đổi mới của đất nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng với nhiều tác phẩm nổi bật. Ở bất cứ giai đoạn nào, văn học, nghệ thuật Quảng Ninh cũng có những thành tựu được tạo dựng bởi sự hội tụ sáng tạo của nhiều tài năng văn học, nghệ thuật đến từ nhiều vùng, miền trên cả nước, góp phần bồi đắp, làm giàu có thêm cho văn hóa Quảng Ninh. Tiêu biểu như tác giả Vi Huyền Đắc với tác phẩm “Kim tiền”; tác giả Võ Huy Tâm với “Vùng mỏ”; tác giả Trần Nhuận Minh với “Nhà thơ và hoa cỏ”; tác giả Sỹ Hồng với “Thành phố thời mở cửa”; và các tác giả thế hệ sau, như nhà thơ Trần Nhuận Minh, nhà văn Dương Hướng, nhà văn Lê Toán, nhà văn Vũ Thảo Ngọc, nhà thơ Lê Hường, nhà thơ Thi Sảnh...

Trong những năm trở lại đây, thực tiễn phát triển và vươn mình mạnh mẽ của Quảng Ninh tiếp tục được phản ánh trong hàng trăm, hàng nghìn tác phẩm văn học, nghệ thuật với đa dạng các thể loại, như thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa, bút ký văn học cùng nhiều thể loại nghệ thuật khác, như hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc… Hiện nay, hơn 500 hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh cùng hàng ngàn văn nghệ sĩ đang sinh hoạt tại hàng trăm câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh vẫn đang tiếp nối truyền thống của cha anh đi trước, tiếp tục sứ mệnh cao cả, thiêng liêng của văn hóa, nghệ thuật là truyền tải những thông điệp cuộc sống, những năng lượng tích cực, cùng các giá trị chân - thiện - mỹ và tinh hoa văn hóa của quê hương, đất nước tới đông đảo bạn đọc thông qua những “đứa con tinh thần” được thể hiện bởi sự đổi mới tư duy nghệ thuật và sự phong phú về loại thể, đề tài. Các đề tài tiêu biểu thường là đề tài về công nhân, công nghiệp sản xuất than, văn hóa tâm linh, về vịnh Hạ Long, về biên giới, biển đảo, về đời sống của các dân tộc thiểu số...

Bên cạnh văn học, Quảng Ninh hiện nay có nhiều loại hình dân ca tiêu biểu, đặc sắc, như hát đúm ở Quảng Yên; hát chèo ở Đông Triều, hát nhà tơ - hát múa cửa đình ở Móng Cái, Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn; hát soọng cô, soóng cọ, hát then, hát pả dung ở Hạ Long, Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu... Quảng Ninh hiện có nhiều nghệ nhân dân gian đã và đang nỗ lực lưu giữ, thực hành và truyền dạy nhiều làn điệu ca dao, dân ca cho các thế hệ sau, như Nghệ nhân Nhân dân Đặng Thị Tự ở huyện Đầm Hà; Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Lận, Nguyễn Thị Từ, Hoàng Thị Thảo, Nguyễn Thị Lộc ở thành phố Móng Cái; Nghệ nhân Ưu tú Ngô Đăng Nhuận, Phạm Thị Thành, Phạm Thanh Quyết, Phạm Thị Hợp ở thị xã Quảng Yên; Hà Thị Phương, Nông Thị Sin, Lương Thiêm Phú, Lương Thiêm Thành ở huyện Bình Liêu; Nông Thị Hang hát then ở Tiên Yên; các nghệ nhân Bàn Thị Vinh, Trương Thị Hoa, Lý Văn Út, Bàn Văn Khương, Trương Thị Quý ở thành phố Hạ Long… Các nghệ nhân cũng góp phần thành lập và duy trì các câu lạc bộ nghệ thuật dân gian, đội văn nghệ ở các xã miền biển, miền núi để giữ gìn và quảng bá ca dao, dân ca dân tộc, địa phương.

Quảng Ninh rất coi trọng sự phát triển của văn học, nghệ thuật và đời sống của văn nghệ sĩ. Năm 2010, tỉnh Quảng Ninh là địa phương đầu tiên của Việt Nam cấp kinh phí cho hơn 30 văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác tại nước ngoài. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã từng có một đề án phát triển đội ngũ những người làm văn học, nghệ thuật Quảng Ninh giai đoạn 2010 - 2015 tầm nhìn đến 2020. Bên cạnh nhiệm vụ hàng đầu là hoạt động sáng tác, Quảng Ninh cũng xác định công tác quảng bá và lưu giữ các tác phẩm văn học, nghệ thuật giữ vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hóa, con người. Chi hội Nhà văn Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh thường xuyên phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh tặng sách cho một số đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh, một số xã đảo khó khăn, một số đơn vị trong ngành than, Thư viện tỉnh Quảng Ninh, thư viện Trường Đại học Hạ Long, một số trường học và cơ quan trên địa bàn tỉnh; đồng thời tổ chức ngày hội văn hóa đọc, các chương trình ra mắt sách mới xuất bản… Công việc bảo tồn và phát huy giá trị ca dao, dân ca ở Quảng Ninh cũng được chú trọng. Các nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian thuộc Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh, Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh đã sưu tầm, lưu giữ ca dao, phổ biến, phát huy vốn di sản ca dao dân ca trong cộng đồng. Từ năm 2014, Đoàn Nghệ thuật Chèo Quảng Ninh và Đoàn Nghệ thuật Cải lương Quảng Ninh (nay sáp nhập thành Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh) đã xây dựng gói sản phẩm biểu diễn nghệ thuật dân tộc lấy tên là “Hoa muôn sắc” bao gồm 12 tiết mục ca múa đậm đà bản sắc dân tộc để phục vụ du lịch. Chương trình đã được du khách đón nhận và đánh giá cao. Khu du lịch Làng quê Yên Đức (thị xã Đông Triều) đã từng xây dựng gói sản phẩm trải nghiệm hát chèo cho du khách nước ngoài. Các loại hình diễn xướng ca dao, dân ca Quảng Ninh tính giáo dục cao, vừa góp phần bồi đắp tình cảm, tâm hồn, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân vừa là nguồn tài nguyên nhân văn giàu giá trị để phát triển du lịch bền vững.

Cùng với việc tổ chức các cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác văn học, nghệ thuật, báo chí với nhiều chủ đề, trong đó có chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Quảng Ninh còn thường xuyên mở trại sáng tác chuyên đề; tổ chức lồng ghép nội dung cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí vào các hoạt động sáng tác chuyên ngành cho hàng trăm lượt hội viên; tổ chức trại sáng tác âm nhạc chuyên đề và nghiệm thu, công diễn báo cáo tác phẩm trước đông đảo văn nghệ sĩ và nhân dân với nội dung và hình thức phản ánh ngày càng đa dạng, phong phú. Hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30-10-1963 - 30-10-2023), ngày 29-1-2023, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội khai bút xuân Quý Mão 2023 và phát động sáng tác văn học, nghệ thuật, khuyến khích các văn nghệ sĩ trong tỉnh sáng tác các tác phẩm có chất lượng cao, phản ánh chân thật, sinh động đời sống xã hội, truyền thống lịch sử xây dựng và phát triển của tỉnh Quảng Ninh trong 60 năm qua. Hội Văn học nghệ thuật cũng tổ chức các đợt thực tế, trại sáng tác về chủ đề 60 năm thành lập tỉnh cho các hội viên; đồng thời chủ động kết nối với đội ngũ văn nghệ sĩ trong cả nước tham gia sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật về quê hương vùng mỏ với các thể loại văn học, âm nhạc, mỹ thuật, điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu... 

Có thể thấy, thời gian qua, hoạt động văn học, nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, các sáng tác văn học, nghệ thuật đã góp phần thúc đẩy sự phát triển văn hóa, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và quảng bá hình ảnh quê hương, con người Quảng Ninh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, không thể phủ nhận thực tế hoạt động văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Số lượng tác giả và tác phẩm chưa phong phú, tính sáng tạo của một số tác phẩm còn hạn chế. Hiện nay còn thiếu những tác giả nổi bật có những đột phá trong sáng tạo; sự tìm tòi, phát hiện về những vấn đề mới còn chưa thật rõ nét; việc nghiên cứu, tìm hiểu, bám sát thực tiễn để sáng tạo còn hạn chế. Ngoài ra, mặt trái cơ chế thị trường cũng có những tác động tiêu cực đến hoạt động văn học, nghệ thuật Quảng Ninh, đặt ra nhiều thách thức cho hoạt động vốn nhạy cảm và tinh tế này của văn hóa. Một số văn nghệ sĩ và sản phẩm văn học, nghệ thuật, dịch vụ văn hóa còn bị thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua các giá trị chân - thiện - mỹ - vốn là cái gốc của văn hóa; một số tác phẩm còn dễ dãi, chưa có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, thậm chí một bộ phận còn trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, gây bức xúc trong xã hội. Một số loại hình di sản nghệ thuật chưa được bảo tồn đúng cách nên hiệu quả bảo tồn chưa cao. Ngoài ra, thực tiễn việc khai thác các di sản văn hóa nói chung và các tác phẩm văn học, nghệ thuật nói riêng để xây dựng các sản phẩm du lịch ở Quảng Ninh cho thấy còn có tình trạng xô bồ, thương mại hóa quá mức làm biến dạng tác phẩm văn học, nghệ thuật; hoặc việc tiến hành còn hời hợt, nửa vời, không đúng cách, dẫn tới một số loại hình nghệ thuật bị biến dạng, lai căng, không gắn với môi trường diễn xướng dân gian; do đó, chưa khai thác và phát huy được giá trị các tác phẩm văn học, nghệ thuật để thúc đẩy du lịch phát triển bền vững.

2- Thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục xác định mục tiêu giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy các giá trị di sản văn hóa, xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng “năng động, sáng tạo, hào sảng, lành mạnh, văn minh, thân thiện”, phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển Quảng Ninh với các đặc trưng “hành chính minh bạch, kinh tế phát triển, văn hóa đặc sắc, xã hội văn minh, nhân dân hạnh phúc”. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần phát huy vai trò của hoạt động văn học, nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, góp phần tạo động lực to lớn trong xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Quảng Ninh và con người Việt Nam. Một số giải pháp cần thực hiện đồng bộ là:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa nội dung cũng như hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về vai trò, vị trí của văn học, nghệ thuật trong phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh. Cần đưa nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật vào quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng địa phương, từng ngành trên toàn tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 9-3-2018, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, trong đó có thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn học nghệ thuật Quảng Ninh phong phú, đa dạng, giàu bản sắc, kết hợp truyền thống với hiện đại.

Thứ hai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật. Rà soát, bổ sung, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với hoạt động văn học, nghệ thuật của tỉnh Quảng Ninh, như chế độ lương, nhuận bút, đãi ngộ tài năng, bồi dưỡng lao động nghề nghiệp... Tăng mức đầu tư cho văn học, nghệ thuật, đồng thời tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật để tăng cường nguồn lực cho phát triển văn học, nghệ thuật. Xây dựng đề án và cơ chế bảo tồn, truyền bá các loại hình văn học, nghệ thuật cổ truyền; có chính sách đặc biệt hỗ trợ sự phát triển của ngôn ngữ, chữ viết và văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh. Tiếp tục đầu tư xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động các công trình văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và đổi mới cơ chế, chính sách, chế tài điều chỉnh việc Nhà nước đặt hàng mua tác phẩm, tổ chức sản xuất, xuất bản, công diễn, trình chiếu, triển lãm, tặng giải thưởng các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Đẩy mạnh hoạt động công bố, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lương tốt, phản ánh sinh động thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa, con người và kinh tế - xã hội của Quảng Ninh. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong việc thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ, bảo vệ bản quyền tác giả văn học, nghệ thuật. Có chế tài nâng cao trách nhiệm trong việc thẩm định, đánh giá, quyết định công bố, trình diễn các tác phẩm văn học, nghệ thuật cũng như chế tài ngăn chặn, xử lý các hoạt động sáng tác, truyền bá những sản phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung phản văn hóa, trái với thuần phong, mỹ tục, ảnh hưởng xấu tới xã hội, nhất là thế hệ trẻ.

Thứ ba, chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ (sáng tác và biểu diễn) tỉnh Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu tiếp tục phát triển mạnh mẽ nền văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Tạo điều kiện, môi trường để động viên, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy sức sáng tạo và cho ra đời những tác phẩm giàu giá trị tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh sinh động và sâu sắc những biến đổi nhanh chóng và đa chiều của thực tiễn cuộc sống, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, thể hiện được những mục tiêu đột phá về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Tiếp tục nâng cao chất lượng các trường đào tạo văn học, nghệ thuật trên toàn tỉnh. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách đặc thù đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng văn nghệ sĩ. Xây dựng tiêu chuẩn và cơ chế lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn học, nghệ thuật có đủ năng lực, trình độ và phẩm chất. Thực hiện hiệu quả chính sách trọng dụng nhân tài, ưu đãi văn nghệ sĩ có quá trình cống hiến. Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện một số nội dung cần thiết để tháo gỡ những phát sinh trong quá trình thực hiện Đề án “Xây dựng đội ngũ làm công tác văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2011 - 2015, định hướng 2020” (được phê duyệt theo Quyết định số 171/QĐ-UBND, ngày 20-1-2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh); đồng thời tiếp tục phát huy có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện Đề án này giai đoạn tới.

Thứ tư, củng cố, đổi mới hoạt động của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh nhằm nâng cao khả năng tập hợp, động viên phát huy tiềm lăng sáng tạo và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ. Đổi mới, phát huy sức sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân và du khách, góp phần lưu truyền, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống gắn với truyền tải các thông điệp của tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh. Nghiên cứu phương thức huy động các nguồn lực cho hoạt động của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh theo hướng đa dạng hóa và sử dụng nguồn lực hợp lý, hướng tới mục tiêu ra đời nhiều tác phẩm tốt, lan tỏa những giá trị tích cực trong xã hội.

Thứ năm, tăng cường các biện pháp xây dựng, phát triển văn nghệ quần chúng, hướng dẫn, khuyến khích quần chúng tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộc. Tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện văn học, nghệ thuật của tỉnh Quảng Ninh. Chú trọng giáo dục nghệ thuật; khuyến khích mở các trung tâm, câu lạc bộ dạy và sinh hoạt các loại hình nghệ thuật nhằm nâng cao trình độ, năng lực cảm thụ thẩm mỹ trong nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Phát triển văn hóa đọc để nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người dân, giúp phát triển trí tưởng tượng và khơi dậy năng lực sáng tạo, tăng cường khả năng sử dụng ngôn ngữ; qua đó phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm con người, góp phần xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển Quảng Ninh trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay./.