Giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh - Mạch nguồn và động lực cho thanh niên hiện nay
Trong nhiều năm qua, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến xây dựng phẩm chất, nhân cách của con người nhằm khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng và phát triển đất nước. Trên tinh thần đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 9-3-2018, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” với mục tiêu giữ gìn và phát huy bền vững bản sắc văn hóa, các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng năng động - sáng tạo - hào sảng - lành mạnh - văn minh - thân thiện.
Vấn đề phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh được xem như là một nguồn lực nhằm khơi dậy ý chí, khát vọng cống hiến trong thanh niên, thế hệ trẻ Quảng Ninh hiện nay. Đây là một trong những yêu cầu và nhiệm vụ quan trọng, tạo động lực góp phần thúc đẩy tỉnh Quảng Ninh phát triển nhanh và bền vững với các đặc trưng: Hành chính minh bạch - kinh tế phát triển - văn hóa đặc sắc - xã hội văn minh - nhân dân hạnh phúc.
Mạch nguồn giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đề cập về văn hóa từng đưa ra nhận định: Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn. Đây có thể coi là một định nghĩa khá hoàn chỉnh và sát hợp với thực tế, đồng thời bao quát được cả những quan điểm hiện đại sau này về văn hóa.
Vùng đất Quảng Ninh được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, có thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, có tầm quan trọng về địa chiến lược của nước ta. Từ xưa đến nay, từ thời các vua Hùng, các triều đại phong kiến đến thời đại Hồ Chí Minh, mảnh đất Quảng Ninh luôn luôn được xác định như một pháo đài then chốt, bảo vệ vùng phên giậu Đông Bắc của đất nước. Trên cơ sở điều kiện tự nhiên, tài nguyên phong phú, đa dạng, Quảng Ninh có vị thế quan trọng về địa - kinh tế với nguồn lợi bên trong đất liền với các mỏ khoáng sản, như than đá, quặng kim loại, đá vôi, cao lanh,…; nguồn lợi từ vùng biển, đảo Đông Bắc rộng lớn với tài nguyên thủy, hải sản phong phú, dầu khí dưới đáy biển,… Nơi đây là một trong những cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam, với di sản tinh thần “kỷ luật và đồng tâm”. Trải qua bao thế hệ, con người Quảng Ninh đã tạo nên không gian sinh tồn của mình. Họ là những người có vốn tri thức sâu, phong phú về đặc tính tự nhiên của từng miền đất, ngọn núi, con sông, luồng lạch trên biển; là những người thành thạo các nghề khai thác rừng, làm nông, phát triển thủ công, làm muối và tham gia tích cực vào các hoạt động kinh tế biển với đặc trưng văn hóa biển, tính chất đại dương đã ăn sâu, và tạo nên dấu ấn trong truyền thống văn hóa của Quảng Ninh.
Với trữ lượng văn hóa phong phú với nhiều giá trị nổi bật, Quảng Ninh mang trong đó các yếu tố địa - văn hóa. Hiện nay, Quảng Ninh có 43 thành phần dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm 87,7%, các dân tộc thiểu số chiếm 12,3%. Trong 43 thành phần dân tộc có 5 dân tộc thiểu số có số dân đông nhất (Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chay, Hoa), có không gian sinh sống tập trung thành cộng đồng làng, bản. Trong quá trình sinh sống, lao động sản xuất, mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng được thể hiện qua không gian cư trú, văn hóa vật thể và phi vật thể. Các giá trị văn hóa của mỗi dân tộc được chính cộng đồng luôn gìn giữ và phát huy. Bên cạnh đó, cộng đồng các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh cũng đã tiếp thu linh hoạt, sáng tạo các giá trị văn hóa của các dân tộc cận cư nhưng không rập khuôn, máy móc các giá trị di sản văn hóa vào đời sống văn hóa của cộng đồng.
Quảng Ninh là địa phương có quần thể các di tích và danh thắng nổi tiếng. Theo Quyết định số 3929/QĐ-UBND, ngày 14-10-2020, của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, hiện nay Quảng Ninh có 632 di tích đã được kiểm kê, 144 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 54 di tích cấp quốc gia, 85 di tích cấp tỉnh. Tiêu biểu nhất là 5 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, như Danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long (thành phố Hạ Long), khu Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (thành phố Uông Bí), khu Di tích nhà Trần (thị xã Đông Triều), khu Di tích lịch sử Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên) và Đền Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả). Các di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn mang nhiều giá trị, trong đó nổi bật là giá trị lịch sử, văn hóa.
Cùng với đó, Quảng Ninh có trên 360 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, với 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, như nghi lễ Then cổ của người Tày (huyện Bình Liêu); hát nhà tơ (còn gọi là hát cửa đình, thành phố Móng Cái), lễ hội Đền Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả); lễ hội Tiên Công (thị xã Quảng Yên), lễ hội Đình Trà Cổ (thành phố Móng Cái), lễ hội Đình Quan Lạn (Vân Đồn). Đặc biệt, thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam mà Quảng Ninh có đại diện là Then của người Tày, Bình Liêu đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là những điểm tựa thuận lợi để Quảng Ninh xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, là tiền đề để phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ với những sản phẩm du lịch đặc sắc.
Với các hoạt động kinh tế phong phú, truyền thống văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, qua những thách thức khắc nghiệt của lịch sử, con người Quảng Ninh đã hội tụ nên những phẩm chất đặc trưng và hiếm nơi nào khác có được. Đó là chất hào hiệp, hào sảng, chất biển sâu đậm trong tâm trí, máu thịt, tính cách người Quảng Ninh; chất khoan dung, nhân ái, uyên bác, năng động, sáng tạo của truyền thống văn hóa Phật giáo; chất kiên cường, bản lĩnh, cách mạng trong lối sống, phẩm chất của các thế hệ công nhân vùng mỏ, cư dân vùng địa đầu Tổ quốc; chất trí tuệ, giàu năng lực phân tích và tư duy thực tiễn, giàu khát vọng vươn lên trong văn hóa chính trị và cộng đồng dân cư sinh sống làm chủ một dải văn hóa vùng biên giới và biển, đảo Đông Bắc. Chính những giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh đã trở thành mạch ngầm, là nguồn lực quan trọng để tạo nên khát vọng kiến tạo Quảng Ninh giàu có, hạnh phúc, phục vụ cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh trong kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh - động lực quan trọng góp phần phát triển lối sống cho thanh niên
Văn hóa là sản phẩm của con người sáng tạo ra trong quá trình sinh hoạt, lao động và sau đó, các sản phẩm văn hóa quay trở lại phục vụ nhu cầu đời sống của con người. lối sống có liên quan mật thiết với văn hóa và có thể coi lối sống như một bộ phận hợp thành của văn hóa. Lối sống của thanh niên Quảng Ninh hiện nay mang trong đó những nội hàm của lối sống thanh niên Việt Nam nói chung. Đó là lứa tuổi phát triển cả về thể chất và tinh thần tích lũy tri thức và kinh nghiệm sống, thanh niên có xu hướng tách khỏi sự nuôi dưỡng, bao bọc của gia đình, bước vào môi trường xã hội rộng mở với tính cách một chủ thể độc lập để tham gia vào quá trình sản xuất cũng như các hoạt động xã hội.
Lối sống của thanh niên Quảng Ninh mang đặc trưng của sức trẻ, có tính trội là hướng ngoại, dễ bị hấp dẫn bởi lối sống hiện đại, hướng đến tương lai hơn là quan tâm đến quá khứ. Trí tuệ, sáng tạo, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, đã khiến cho lối sống thanh niên luôn có sự tươi mới, năng động và có dấu ấn riêng so với các tầng lớp khác trong xã hội. Tuy nhiên, lối sống đó cũng tiềm ẩn nguy cơ vô định hình, mất phương hướng nếu chưa chuẩn bị đủ vốn tri thức về các giá trị văn hóa, thiếu kinh nghiệm và bản lĩnh đương đầu với khó khăn nếu chưa có được phẩm chất của con người Quảng Ninh.
Vì thế, trong thời gian qua, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên Quảng Ninh được triển khai theo phương châm xác định giá trị, tiêu chí, chuẩn mực trong hành vi, lối sống, ứng xử thông qua các cuộc vận động, các phong trào và tấm gương điển hình. Các cấp, ban, ngành của Quảng Ninh đã triển khai có chiều sâu các cuộc vận động, như “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới”, “Mỗi ngày một việc tốt, mỗi tuần một việc tốt, mỗi tháng một việc tốt”, “Văn minh thanh lịch là nếp sống đẹp của thanh niên Quảng Ninh”; tổ chức Hội thi Người đẹp Hạ Long; triển khai thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”. Định kỳ tuyên dương “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”, “Thi đua văn hóa công sở thông qua phong trào 4 xin - 4 luôn”, “Sinh viên 5 tốt”, “Học sinh 3 rèn luyện”, “Cháu ngoan Bác Hồ”, chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Quảng Ninh”; phát hành các ấn phẩm tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, mô hình tiêu biểu…
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, xu thế toàn cầu hóa, sự nở rộ của mạng xã hội cùng các nguồn văn hóa ngoại lai du nhập vào nước ta một cách tràn lan đã tác động không nhỏ đến thanh niên Quảng Ninh. Trong các hoạt động thường ngày, trong các mối quan hệ xã hội, văn hóa truyền thống, đặc trưng phẩm chất con người Quảng Ninh vẫn chưa thực sự trở thành nền tảng, thành chuẩn mực mà thanh niên đều tuân theo. Do đó, một số hiện tượng xấu vẫn còn tồn tại trong xã hội; tình trạng bạo lực học đường gia tăng về số vụ và mức độ nghiêm trọng; tình hình tội phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu niên có chiều hướng gia tăng; thanh niên ít quan tâm đến các loại hình văn nghệ, văn hóa truyền thống…
Giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh vì thế có vai trò quan trong trong sự phát triển lối sống của thanh niên, cũng như sự hoàn thiện nhân cách của thế hệ trẻ, biểu hiện trên các nội dung sau:
Một là, các giá trị văn hóa như tính chất hào hiệp, hào sảng, sự khoan dung, nhân ái, uyên bác, năng động, sáng tạo của con người Quảng Ninh sẽ tác động đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của thanh niên. Từ đó, các giá trị văn hóa có ý nghĩa đặc biệt nuôi dưỡng đời sống tinh thần lành mạnh, tình cảm trong sáng, không vụ lợi.
Hai là, các giá trị con người như kiên cường, bản lĩnh, cách mạng trong lối sống, phẩm chất của các thế hệ công nhân vùng mỏ, cư dân vùng địa đầu đất nước sẽ tác động đến ý chí vươn lên, hun đúc sức mạnh tinh thần từ chiều sâu truyền thống, giúp thanh niên Quảng Ninh tiếp nối mục tiêu và lý tưởng sống, hoài bão cao đẹp.
Ba là, chất trí tuệ, năng lực phân tích và tư duy thực tiễn, giàu khát vọng vươn lên của con người Quảng Ninh tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ, phán đoán và năng lực ứng phó với mọi thách thức, tiêu cực của đời sống xã hội hiện đại. Cùng với đó, thanh niên sẽ có nhận thức đúng đắn và ý thức chính trị vững vàng; đấu tranh chống lại các quan điểm “độc hại”, “thù địch”, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và Nhà nước.
Giải pháp phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh tạo động lực phấn đấu cho thanh niên hiện nay
Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho toàn Đảng, toàn dân về vai trò của việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người tạo động lực phấn đấu cho thanh niên Quảng Ninh.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Như vậy, cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách ưu tiên đầu tư để phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Quảng Ninh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy lý tưởng và tinh thần cống hiến của thanh niên.
Các ban, ngành và địa phương cần xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để khơi dậy khát vọng phát triển; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người ở cơ quan, đơn vị; xây dựng các chỉ tiêu, tiêu chí phấn đấu cụ thể để thực hiện trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên ở các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, gắn với khơi dậy khát vọng của các tầng lớp nhân dân, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh của con người ở các giai cấp, dân tộc, các vùng, miền tập trung vào phát triển kinh tế - xã hội, phát triển quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Thứ hai, vai trò của văn hóa Quảng Ninh trong việc xây dựng con người phải được triển khai từ giáo dục.
Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội của các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên... nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam; đồng thời, chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, tư duy sáng tạo, kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số.
Coi trọng bồi đắp con người giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, hiện đại, có nhân cách tốt, lối sống đẹp. Quá trình giáo dục con người cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng, trong đó kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội, đặc biệt quan tâm đến phát huy giá trị văn hóa gia đình để bồi đắp con người những giá trị, chuẩn mực văn hóa, đạo đức tốt đẹp; bổ sung môn học về di sản văn hóa và giáo dục địa phương trong các nhà trường; công tác giáo dục truyền thống lịch sử và văn hóa cho học sinh được trên địa bàn tỉnh được chú trọng quan tâm thông qua công tác giảng dạy, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử, văn hóa địa phương cho học sinh, sinh viên.
Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đặc biệt là xây dựng chương trình để thực hiện nhiệm vụ khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam thịnh vượng, hạnh phúc trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp hiện nay. Nâng cao chất lượng đào tạo, giảng dạy của đội ngũ giảng viên tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành về văn hóa, nghệ thuật của tỉnh.
Thứ ba, phát huy vai trò của các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, báo chí, phát thanh và truyền hình trong việc tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ động viên nhân dân nâng cao khát vọng phát triển đất nước phồn vinh; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để phát huy tốt giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam thời kỳ mới, Đảng ta xác định nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vừa bảo đảm thúc đẩy văn hóa phát triển, vừa góp phần giáo dục, rèn luyện con người, đồng thời có kế hoạch, cơ chế và giải pháp xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người, phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; quan tâm, tạo điều kiện phát triển văn hóa, văn nghệ của các dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách của con người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ. Vai trò của văn hóa nói chung, của các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, truyền thông đại chúng nói riêng có vị trí đặc biệt trong việc tuyên truyền, cổ vũ, lan tỏa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc thông qua các kênh thông tin và truyền thông khác nhau. Các hoạt động này vừa tác động theo phổ rộng thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, vừa có khả năng thuyết phục sâu sắc thông qua con đường tình cảm, truyền cảm hứng về niềm tin, về khát vọng tạo động lực để mỗi người, mỗi cộng đồng quyết tâm phấn đấu vì sự hưng thịnh của quê hương, đất nước.
Vì vậy, Nhà nước cần tăng cường đầu tư, phát huy vai trò của các hoạt động này trong việc cổ vũ khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh. Đồng thời, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông cần xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ này, đặc biệt là tạo nên những bước đột phá, đổi mới các nội dung, chương trình hoạt động để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, kể cả các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và truyền thông đại chúng ở Trung ương và địa phương.
Thứ tư, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ cho nhiệm vụ khơi dậy khát vọng thanh niên; phát huy giá trị văn hóa và con người Quảng Ninh.
Nhà nước cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ cho các nhiệm vụ khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Quảng Ninh. Đặc biệt là tăng nguồn lực đầu tư vào xây dựng con người, trước hết là lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và phát triển văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo ra nền tảng tinh thần cho quá trình phát triển bền vững đất nước.
Bên cạnh việc tăng ngân sách đầu tư của tỉnh vào lĩnh vực văn hóa và xây dựng con người, cần đẩy mạnh chính sách xã hội hóa nhằm thu hút các nguồn lực trong nước và nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực này. Quảng Ninh chú trọng xây dựng một số công trình văn hóa, nghệ thuật trọng điểm tầm cỡ khu vực và quốc tế, ưu tiên phát triển một số lĩnh vực nghệ thuật đỉnh cao, khắc phục tình trạng nghiệp dư hóa các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Phát huy vai trò của dòng văn hóa, nghệ thuật chủ lưu để nâng tầm định hướng về tư tưởng, thẩm mỹ, đạo đức, lối sống và lan tỏa vào đời sống xã hội.
Quan tâm tiếp tục bố trí quỹ đất, kêu gọi xã hội hóa và sự đầu tư của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, nhất là chú trọng xây dựng các điểm, khu vui chơi giải trí cho thanh thiếu nhi ở những nơi có điều kiện. Quy hoạch đô thị phải dành không gian công cộng cho nhân dân được thụ hưởng phúc lợi văn hóa. Quy hoạch khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ phải dành thỏa đáng cho xây dựng thiết chế văn hóa phục vụ công nhân và thanh niên.
Giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng phục vụ cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Vì thế, Quảng Ninh luôn coi trọng các giá trị văn hóa, nỗ lực khơi dậy mạnh mẽ và phát huy hiệu quả các nguồn tài nguyên văn hóa, nguồn lực con người. Đặc biệt, việc phát huy nguồn lực văn hóa, thúc đẩy mạnh mẽ lý tưởng cống hiến và khát vọng trong thanh niên Quảng Ninh đã và đang được các cấp chính quyền chú trọng quan tâm./.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng biển, đảo Quảng Ninh  (30/09/2023)
Định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh thời kỳ mới  (30/09/2023)
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa ở nước ta  (30/09/2023)
Ngược dòng thời gian – trở về quá khứ vùng đất mỏ anh hùng  (30/09/2023)
Một thế kỷ du lịch vịnh Hạ Long  (30/09/2023)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm